April 20, 2024, 7:24 am

Covid-19: Cuộc chiến giữa con người với thiên nhiên

Trước tình hình Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố Đại dịch toàn cầu, nhận định về đại dịch này như thế nào, nhất là vấn đề kinh tế Việt Nam và thế giới rồi sẽ ra sao…?  Báo Văn nghệ đã có buổi trao đổi với tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Thân phận con người sẽ ra sao trước sự “nổi giận” của thiên nhiên?

Tiến sĩ Trương Văn Phước

Tiến sĩ Phước cho rằng cuộc chiến mà loài người đang đối mặt với virus Corona có thể được xem là cuộc chiến mà con người phải chế ngự thiên nhiên. Hành tinh trái đất của chúng ta đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng, đó là dịch do virus có tên là Corona, mà bây giờ gọi phổ biến là Covid-19 gây ra. Tính đến ngày 17/3/2020 thì đã có trên 182 nghìn người bị lây nhiễm, và số thương vong cũng đã xấp xỉ 7.200 người.

Khi vẫn còn nhiều giả thiết trái chiều nhau về việc vi rút này xuất hiện từ đâu như hiện nay, thì trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra tung tích của nó, thì quan điểm cho rằng nó đến từ thiên nhiên cũng có thể thuyết phục. Lịch sử ra đời của loài người, theo các học thuyết về nhân chủng học, thì đã trải qua mấy triệu năm. Ắt hẳn trong một tiến trình dài thăm thẳm đó, loài người cũng đã phải từng phút từng giây chống chọi lại với sự đe dọa diệt vong từ các tác nhân có trong thiên nhiên. Thậm chí khi nhân loại đã tiến đến thời đại văn minh như bây giờ khi mà cách mạng công nghiệp 4.0, rồi thì trí tuệ nhân tạo AI, internet vạn vật… cùng bao thành tựu khác nữa tưởng như đi đến một khẳng định con người là bá chủ của thiên nhiên, của vạn vật… thì nay trong cơn đại dịch Corona, nhiều người chắc phải ngồi suy nghĩ lại. Vẫn chưa tìm ra được vacxin để phòng ngừa, thậm chí nó đã lan truyền đến hơn 80% các quốc gia trên địa cầu.

Dẫu sao thì đại dịch rồi sẽ qua đi và loài người vẫn sẽ tiếp tục đi tiếp con đường mà mấy triệu năm trước tiền nhân đã đi nhằm biến trái đất là nơi xứng đáng để sống, chứ không phải nơi mọi người chạy trốn.“Đại dịch rồi sẽ qua đi. Nhưng những điều mà nhân loại cần học hỏi là gì? Những bài học về quản trị nhà nước hay có những vấn đề liên quốc gia đặt ra trách nhiệm cho những định chế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chẳng hạn... Có vẻ như con người đến bây giờ vẫn cứ đi sau những gì mà thiên nhiên, với những bí hiểm của nó, vẫn luôn phía trước.” Tiến sĩ Trương Văn Phước nói.

Thêm “đòn chí mạng” đánh thẳng vào nền kinh tế thế giới

Trước hết phải nói đến kinh tế Trung Quốc, không phải vì đây là quốc gia khởi phát dịch Corona, mà còn vì Trung Quốc đang là quốc gia có quy mô kinh tế đứng thứ hai toàn cầu, và là một trong những trung tâm chính của chuỗi cung ứng (supply chains) toàn thế giới. Khi dịch bùng phát thì phần lớn nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, làm đứt gãy chuỗi cung ứng này. Nhiều công ty đa quốc gia như Huyndai của Hàn Quốc, BMW của Đức, Apple của Mỹ phải ngừng một phần hoạt động sản xuất do thiếu các linh kiện, bán thành phẩm được cung cấp từ chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Các dự báo mới nhất tuần trước cho thấy tăng trưởng về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm nay giảm xuống 4.9% thậm chí chỉ còn 4.5% so với dự báo đầu năm 2020 là 5.7%.

Trụ cột quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là nền kinh tế Mỹ, đây là nền kinh tế có tổng GDP lớn nhất thế giới khoảng 22 nghìn tỷ đô la Mỹ. Nền kinh tế nước này cũng chịu nhiều thiệt hại vì tất cả các bang đến nay đều có người lây nhiễm với tổng số lên đến gần 3.800 người, số tử vong trên 70 người. Các trường học ở Mỹ cũng đã đóng cửa đến ít nhất là đầu tháng 4. Cơ quan quản lý y tế Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân không tham gia vào các buổi tụ tập trên 50 người. Mỹ cũng đã đóng cửa đối với các chuyến bay đến từ các nước châu Âu. Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đóng vai trò như ngân hàng trung ương Mỹ chỉ trong 12 ngày từ 3/3 đến 15/3 đã cắt giảm 1.5% lãi suất, đưa lãi suất Mỹ về 0% với chủ đích góp phần ngăn ngừa kinh tế Mỹ rơi và suy thoái. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2020 cũng chỉ được 1.4% so với dự báo ban đầu là 2%. Bên cạnh đó đến nay đã có trên 160 quốc gia có người lây nhiễm, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ hay gián đoạn, việc hủy các chuyến bay quốc tế tiếp tục tăng lên, các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch ở rất nhiều nước phải đóng cửa. Giá xăng dầu thế giới đến giữa tháng 3/2020 đã giảm trên 50% phản ánh nhu cầu giảm đột biến do nền sản xuất của thế giới phần lớn bị ngưng trệ. Vì lẽ đó, nhiều dự báo mới nhất cho rằng kinh tế thế giới năm nay chỉ tăng 2.4% không đạt được mức dự báo ban đầu là 2.9%.

Việt Nam và bức tranh kinh tế hậu khủng hoảng Covid-19

Riêng đối với đất nước chúng ta với đường biên giới gần 1.400 km với Trung Quốc, thì ngay từ tháng giêng 2020, tức là vài tuần trước Tết âm lịch, tác động từ dịch Corona bắt đầu từ Vũ Hán Trung Quốc đã từng bước thẩm thấu vào một số mặt hoạt động, nhất là việc mua bán nông sản ở một số tỉnh biên giới. Qua tháng 2 và tháng 3/2020, tác động này lớn dần lên do các dự báo về ngưng dịch ở Trung Quốc không diễn ra đúng mà còn có chiều hướng nguy hiểm hơn. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc. Kể cả các nguyên liệu cho sản xuất thì Việt Nam cũng nhập khẩu từ Trung Quốc khá nhiều. Việt Nam khống chế tốt trong giai đoạn 1 với 16 ca lây nhiễm đã được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng khi Corona đã biến thành đại dịch thì khả năng lây nhiễm rất tinh vi. Chuyến bay từ Anh về Việt Nam ngày 2/3 đã đưa Việt Nam vào giai đoạn 2 của trận chiến chống dịch mà nay số người lây nhiễm đã lên đến con số 61. Có nhiều dự báo cho rằng GDP Việt Nam có thể giảm 0.4% so với khi không có dịch. Dĩ nhiên dự báo này còn phụ thuộc vào thời điểm nào thế giới kiểm soát tuyệt đối, không cho lây nhiễm vi rút. Cũng như thời điểm nào Việt Nam tuyên bố chấm dứt sự lây nhiễm. Mong muốn này có thể trở thành thực tế vào giữa năm, hay còn kéo dài đến những tháng cuối năm là còn phụ thuộc vào cách thức và quyết tâm của Chính phủ các nước đối với dịch Corona này. Dù ở kịch bản nào chăng nữa, kinh tế Việt Nam cũng đã chịu những ảnh hưởng nặng nề. Một mặt là từ các tác động tiêu cực do gần gũi về mặt địa lý, các mối quan hệ kinh tế thương mại nhiều chiều. Mặt khác kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng mà nay có trên 160 nước đã bị cuốn vào con lốc lây nhiễm đại dịch thì các tác động tiêu cực khác nữa làm cho kinh tế nước ta vô vàn khó khăn. Các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, kể cả cá nhân kinh doanh trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều gặp phải những khó khăn và thiệt hại. Tiêu thụ sản phẩm chậm lại, các dịch vụ trong đời sống bị thu hẹp về quy mô, hoạt động du lịch chịu tổn thất nặng nề, xuất nhập khẩu của nền kinh tế có nguy cơ giảm thấp rất nhiều… Những khó khăn này sẽ làm các doanh nghiệp và người kinh doanh giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, khả năng hoàn trả vốn vay sẽ yếu đi, đóng góp cho ngân sách sẽ thấp xuống…

Những đối sách để giảm thiểu “thương vong” trong trận chiến này

Bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân trong đại dịch này là yêu cầu tối thượng của mọi yêu cầu và đối sách. Kết quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch này sẽ là một nguồn cảm hứng vô tận cho nhân dân ta, cộng đồng doanh nghiệp, bộ máy nhà nước. Khác với giai đoạn 1 nguồn lây nhiễm là từ các nước Đông Á, trong giai đoạn 2 chống dịch Covid-19 này, nguồn lây nhiễm chủ yếu là từ châu Âu. Việc Chính phủ quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước châu Âu trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến Việt Nam, là một đối sách kịp thời và đúng đắn. Thực hiện việc cách li với các đối tượng liên quan đến người bị lây nhiễm vừa qua đã được thực hiện rất kiên quyết, mạnh mẽ. Các quy định về khai báo y tế toàn dân đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế nhà nước có thêm thông tin cần thiết để xử lý việc phòng chống dịch.

Về các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ thì rất nhiều quốc gia trên thế giới vừa qua đã áp dụng. Họ sử dụng chính sách tài khóa như trợ cấp cho các đối tượng chịu thiệt hại, hoãn thuế, giảm thuế… họ cũng sử dụng chính sách tiền tệ mạnh mẽ như cắt giảm lãi suất, tăng thanh khoản cho thị trường, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Bảy ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới thống nhất sẽ thực thi việc hoán đổi đồng đô la Mỹ nhằm cung ứng vốn cho thị trường thế giới nếu thị trường tài chính do Covid-19 mà gặp phải sự cố khan hiếm tiền. Ở Việt Nam ngày 4/3 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt trong chỉ thị này có gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng để các Ngân hàng Thương mại cân đối đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay… Ngoài ra còn có gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng từ ngân sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Đó là những đối sách trước mắt. Sau khi dịch kết thúc chắc hẳn Chính phủ sẽ đề ra các đối sách phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch gây ra, lấy lại đà tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020.

Hãy nhìn lại lịch sử của đất nước. Những thời điểm khắc nghiệt nhất trong lịch sử cho thấy sức bật dậy mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Hãy nhớ lại sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với việc Liên Xô bị giải thể cuối năm 1991. Thời điểm đó, kinh tế nước ta như ngàn cân treo sợi tóc. Bằng ý chí bất khuất của cả dân tộc, chúng ta đã vùng lên đẩy nhanh quá trình đổi mới khởi động từ năm 1986, để đưa đất nước hiên ngang vượt qua muôn trùng khó khăn thách thức, để có một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, phồn vinh như hôm nay. Lúc này đây, sức mạnh của chúng ta là không né tránh, không chần chừ do dự, dám nhìn thẳng vào những khuyết tật cố hữu của nền kinh tế để thực hiện quá trình mà bấy lâu nay ta gọi là “tái cơ cấu”. Nói trong nguy nan sẽ nảy sinh cơ hội là như thế.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020

 


Có thể bạn quan tâm