April 26, 2024, 12:41 am

Covax và thông điệp 5K

Các hãng truyền thông lớn của thế giới vừa có nhiều ca ngợi những nỗ lực phi thường của nhân dân Việt Nam lần thứ hai dập tắt đại dịch Covid-19, đang mở cửa đón khách quốc tế. Cuộc sống đã trở lại bình thường khắp mọi thành phố, mọi miền quê, nhiều hoạt động văn hóa thể thao có đông người tham gia, dù vẫn đeo khẩu trang, nhưng rất sôi động. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, Việt Nam với gần 100 triệu dân, chỉ có 1.069 người nhiễm bệnh, đã chữa khỏi gần 1.000 người, tử vong 35 người, chủ yếu đều cao tuổi, có nhiều bệnh nền đang nằm viện, được báo Mỹ coi là kỳ tích. Báo này còn nhắc lại ngành Y tế Việt Nam trong việc chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh người nước ngoài như bệnh nhân 91 người Anh. Trong khi tại nhiều quốc gia trong khu vực và toàn cầu, tình hình nhiễm dịch vẫn tiếp tục tăng nhanh, thậm chí tăng gấp đôi sau mỗi tuần như Mỹ, Brazil, Ấn Độ… Đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống toàn nhân loại, kìm hãm mọi nền kinh tế, giết chết gần một triệu người trong tổng số hơn 32 triệu người nhiễm bệnh, cùng hàng triệu người chết đói vì thiếu lương thực, thiếu việc làm… Tuy nhiên đại dịch cũng thúc đẩy sức sáng tạo của con người trong mọi lĩnh vực, từ y học, công nghệ thông tin, hội họp trực tuyến, mua bán điện tử, bếp đám mây, khám chữa bệnh từ xa, công nghệ chế tạo từ in 3D… và hơn hết là cuộc chạy đua chế suất vắc xin corona (Covax) đang rất sôi động.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên kết được 156 quốc gia, trong đó có 64 nước được coi là giàu, hơn 92 nước nghèo, huy động  được 1,4 tỷ USD thực hiện Sáng kiến công bằng vắc xin cho cả những nước nghèo nhằm sản xuất hai tỷ liều Covax trong năm 2021, dù vẫn còn thiếu vì Mỹ và Trung Quốc không tham gia chương trình này bởi họ đã có vắc xin riêng mà số tiền chính phủ Mỹ chi cho các công ty dược chế tạo covax lớn hơn rất nhiều. Có thể đầu tháng 11 Mỹ sẽ tiêm vắc xin cho dân chúng trước ngày bầu cử Tổng thống (3/11). Điều này mang  ý nghĩa chính trị hơn là phòng dịch. Nhiều bác sĩ, nhà bác học nổi tiếng đã tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của thứ vắc xin vội vàng “đốt cháy giai đoạn”, kêu gọi mọi người đừng quá chờ đợi, quá tin vào vắc xin mà hãy tạo thêm sức đề kháng cho chính mình bằng những việc giản đơn như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khử trùng… đúng như “thông điệp 5K” của Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên nhắc nhở trên truyền (Khẩu trang, Khoảng cách, Khử trùng, Không tụ tập đông người, Khai báo y tế). Báo chí Mỹ lưu ý rằng Covid-19 đang gây nên những nguy hại chưa từng có với nhiều biến đổi phức tạp chưa thể có ngay thuốc đặc trị cùng vắc xin. Để đánh giá một loại vắc xin nào cũng cần thời gian thử nghiệm với nhiều tộc người mà những phản ứng phụ, sốc phản vệ rất nguy hiểm. Một loại vắc xin mới thử nghiệm tại Vương quốc Anh đã làm hai người tình nguyện bị viêm não và việc chọn người thử nghiệm trở nên khó khăn dù thù lao rất cao đến 5.000 USD/ một lần/ người. Vì không có sẵn bệnh nhân Covid-19, việc cấy mầm bệnh cho người tình nguyện thử khi chưa có thuốc đặc trị là việc làm mạo hiểm nên để thử nghiệm rộng các loại vắc xin đều rất tốn kếm, mất nhiều thời gian mà việc nóng vội rất dễ thất bại.

Với Covid-19 thì nước nào cũng phải lúng túng trong phong tỏa, giãn cách, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại… mà làn sóng thứ hai của đại dịch này xem ra còn nguy hiểm hơn, lan nhanh hơn với số lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi tuần. Bộ Y tế Nga đã công bố hai loại vắc xin và bắt đầu tiêm cho dân chúng, nhưng chính nước Nga lại đang bị Covid-19 hoành hành khá nghiêm trọng, xếp thứ tư thế giới với trên 1,2 triệu người nhiễm, gần 20 ngàn người tử vong, khiến Tổng thống Nga vẫn phải kêu gọi dân Nga tự giác thực hiện giãn cách…

Các tổ chức thế giới đánh giá cao những biện pháp quyết liệt dập dịch đầy hiệu quả của Việt Nam, kể cả lần thứ hai đại dịch bùng phát tại Đà Nẵng có nguồn gốc từ người nước ngoài nhập cảnh trái phép rất phức tạp, nhưng cũng đã được xử lý khá nhanh và triệt để. Báo Financia Times đã hệ thống khá chi tiết ngay từ đầu năm khi Trung Quốc mới có dịch, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ đạo: “Chống dịch như chống giặc” và mọi người Việt đã nghiêm chỉnh thực hiện mọi biện pháp với sức đề kháng sẵn có của cả dân tộc vốn quen đoàn kết chống xâm lược, chống thiên tai, địch họa. Là một nước nghèo, nhưng Việt Nam đã chi đến 400 triệu USD cho chống dịch covid-19, theo công bố của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Với gần 100 triệu dân, bình quân mỗi người 4 USD cho phòng chống đại dịch hiệu quả là quá rẻ. Chắc chắn nhiều quốc gia đã phải chi lớn hơn rất nhiều.

Các chuyên gia thế giới đã cố gắng giải mã những bài học từ Việt Nam, nhưng họ cho rằng nhiều nước khó làm theo được. Trước hết là việc huy động sức mạnh toàn xã hội, bao gồm cả quân đội, công an, truyền thông, báo chí, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học… cùng toàn dân sát cánh với đội ngũ y tế - những “thiên thần áo trắng” đã quên mình chăm lo sức khỏe nhân dân ròng rã suốt ngày đêm hàng tháng liền. Thay vì xét nghiệm đại trà, Việt Nam đã tập trung phát hiện sớm những người lây bệnh, truy tìm, phân loại, cách ly triệt để từ F0, F1, F2… nhất là những người từ nước ngoài được xét nghiệm, cách ly ngay. Việc khoanh vùng cách ly như ở Sơn Lôi hơn 10 ngàn dân, hay phố Trúc Bạch, rồi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương thực hiện phòng chống dịch kịp thời. Đại diện WHO ca ngợi bản lĩnh và sức đề kháng tuyệt vời của người Việt Nam, tạo nên sức đề kháng toàn xã hội. Mọi quyết sách của Chính Phủ đều được toàn dân nỗ lực thực hiện, kể cả những quy định có tính chất bắt buộc, cực đoan.

Là một trong nước từng sản xuất được nhiều loại vắc xin như bại liệt, sởi, tả, cúm… Việt Nam lại sắp có vắc xin chống Covid-19, nhưng người Việt Nam dường như không quá chờ đợi vắc xin mà vẫn luôn chú trọng những biện pháp thông thường và coi thông điệp 5K của ngành Y tế như một loại vắc xin ảo đầy hiệu quả. Một nhà báo Pháp nhận xét: - Người Việt bình thường sống gần nhau có thể không ưa nhau, thậm chí ghét nhau, nhưng khi gặp thiên tai, địch họa, họ lại luôn đoàn kết, giúp nhau cùng vươn lên chiến thắng. Hiếm có nơi nào dân chúng tự giác thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo của Chính phủ như tại Việt Nam. Và cũng không ở đâu có sự cảnh giác cao trước thiên tai địch họa như Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam. Đó là sức mạnh, và đó cũng là bí quyết của dân tộc.

Nguồn Văn nghệ số 40/2020


Có thể bạn quan tâm