April 20, 2024, 12:34 pm

Công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại các nước ASEAN

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ

Trên toàn thế giới, có hơn 1,1 tỷ người hút thuốc lá, đại diện cho khoảng một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 trở lên, trong đó số nam giới hút thuốc cao hơn đáng kể (945 triệu người) so với nữ giới (180 triệu người). Sử dụng thuốc lá gia tăng đáng kể ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình (chiếm 82% số người hút thuốc lá trên toàn thế giới), trong đó có khu vực ASEAN. Hiện nay, có 122,4 triệu người trưởng thành hút thuốc hiện đang sinh sống tại mười nước ASEAN và một nửa trong số đó sống ở Indonesia (65 triệu người).

Ở các nước ASEAN, Indonesia có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới cao nhất (66%) và thấp nhất ở Singapore (23,1%). Ở Indonesia, Lào, Myanmar và Philippines, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc đặc biệt cao (5,8% đến 8,4%).

 

 

Chính vì vậy, các nước ASEAN đã lập ra “Mạng lưới các thành phố không khói thuốc trong khu vực ASEAN” (SCAN) là một liên minh các thành phố ở các nước ASEAN hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu trở thành thành phố không khói thuốc của khu vực ASEAN (Điều 8 Công ước khung FCTC).

Sáng kiến SCAN đã được đưa ra tại thành phố Davao, Philippines trong hội thảo khu vực đầu tiên về thành phố không khói thuốc năm 2013. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích kết nối các thành phố, các đô thị, các tỉnh thành, và các mô hình không khói thuốc khác nhau bao gồm các di sản, và các thành phố trong khu vực ASEAN mà đang tiến tới trở thành môi trường không khói thuốc. SCAN cung cấp một nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các thực hành tốt nhất về các thành phố không khói thuốc khác nhau, với các nền văn hóa khác nhau, nhưng cùng theo đuổi một mục tiêu chung. Việc thành lập SCAN đã nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của việc xây dựng và áp dụng chính sách không khói thuốc để xây dựng một thành phố lành mạnh và đáng sống.

Ngày càng có nhiều quốc gia đã tiến hành các bước để bảo vệ con người khỏi những nguy hại do khói thuốc lá gây ra bằng cách đưa ra những luật lệ để tạo ra môi trường không khói thuốc. Bằng cách cấm hút thuốc ở những nơi như cơ sở y tế và giáo dục, phương tiện giao thông công cộng, và các văn phòng chính phủ. Lệnh cấm không hoàn toàn được áp dụng tại các nhà hàng và nơi làm việc.

Các nước Asean đang củng cố chính sách xây dựng môi trường không khói thuốc theo Điều 8 của Công ước khung về Phòng chống tác hại thuốc lá của WHO. Ngày càng có nhiều nước thực thi luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng toàn diện, cấm hút thuốc lá tại khách sạn, quán bar và quán rượu (Thái Lan, Campuchia, Lào và Singapore) cũng như tất cả khu vực trong nhà của các nhà hàng có điều hòa và không có điều hòa (Brunei, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Chính sách không khói thuốc này giúp cải thiện sức khỏe của người lao động và người dân nói chung bằng cách tạo ra bầu không khí trong lành cho sức khỏe. Chính sách không khói thuốc là một can thiệp phòng chống tác hại thuốc lá quan trọng. Nhiều sáng kiến khác nhau đã được thực hiện như thành phố không khói thuốc và di sản thế giới không khói thuốc nhằm hướng tới một ASEAN không khói thuốc.

Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất giết chết một nửa số người thường xuyên sử dụng nó và hàng trăm hàng ngàn người không hút thuốc khác. Hút thuốc tiếp tục là nguyên nhân lớn nhất gây ra nhiều căn bệnh có thể phòng ngừa được trên thế giới và làm tổn thương đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Hút thuốc cũng góp phần làm giảm năng suất lao động và dẫn tới các trường hợp tử vong sớm, tạo gánh nặng kinh tế đối với xã hội và chính phủ thông qua việc tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Chi phí kinh tế và xã hội cho các bệnh liên quan đến thuốc lá rất đáng kinh ngạc và tiêu tốn hàng tỷ đô la trên toàn thế giới mỗi năm.  Hầu hết chính phủ các nước ASEAN đã chi ra một khoản đáng kể trong ngân sách cho các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến thuốc lá, chi phí này cao hơn gấp nhiều lần so với doanh thu thu được từ thuốc lá.

Thuốc lá giết chết gần 6 triệu người mỗi năm trong đó có hơn nửa triệu người chết trong khu vực các nước ASEAN. Các xu hướng hiện nay cho thấy rằng thuốc lá sẽ giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030 với 80% các ca tử vong sớm này rơi vào những người đang sinh sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

VIỆT THẮNG

Nguồn (Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế)

Văn nghệ số 21/2019


Có thể bạn quan tâm