April 20, 2024, 4:13 pm

Công khai để minh bạch

 

Hiện có đến 66% Doanh nghiệp được hỏi xác nhận đã từng trả chi phí không chính thức để đạt mục tiêu trong quá trình hoạt động kinh doanh là con số chính thức được đưa ra tại Hội nghị Chính phủ đồng hành cũng doanh nghiệp do đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân, vốn được coi là một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế phát triển. Hội nghị này đã được truyền thông trong nước và quốc tế nhìn nhận là Hội nghị Diên hồng lần thứ 2 của Chính phủ nhiệm kỳ mới (lần thứ nhất diễn ra vào cuối năm 2016).

 

Chi phí không chính thức ở đây có thể hiểu chính là những phong bao, phong bì được các cá nhân - cụ thể là doanh nghiệp, người dân sử dụng làm phương tiện “lót tay” khi buộc phải tiếp cận các cơ quan công quyền trong hệ thống hành chính sự nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, dù không muốn thừa nhận thì “chi phí không chính thức” cũng tồn tại như một quy luật bất thành văn trong cuộc sống, thậm chí bình thường như “miếng trầu là đầu câu chuyện” của cha ông ta từ xưa tới nay vậy.

 

Có điều chi phí không chính thức đã trở thể trở nên bất bình thường khi một bộ phận doanh nghiệp thích làm ăn dựa vào quan hệ thân hữu, luôn muốn tìm ra những kẽ hở của luật pháp để trục lợi, hình thành nên những nhóm lợi ích gây bất  lợi cho doanh nghiệp khác, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nền kinh tế.

Phải thừa nhận một điều, đây là một "hình mẫu" của lối làm ăn dựa vào mối quan hệ 4 T (Tiền tệ, quan hệ, hậu duệ và trí tuệ). Song nó cũng chính là tác nhân phá hoại uy tín, chất lượng môi trường kinh doanh trong nước, đồng thời làm tha hóa đạo đức công vụ, buộc Chính phủ phải có những động thái quyết liệt không chỉ mang tính ngăn chặn mà còn triệt tiêu vấn nạn tham nhũng quyền lực đang ngày một gia tăng. Vấn đề đã trở nên thực sự phức tạp khi có thông tin có khoảng 10% doanh nghiệp đã phải chi tới hơn 10% tổng doanh thu cho việc này (cao hơn hẳn so với mức chi 6-8% doanh thu trong giai đoạn 5 năm trước). Con số này đã phần nào hé lộ một phần góc khuất của cơ chế xin - cho vốn được xem là vùng cấm tồn tại trong hệ thống công quyền hiện nay.

 

Hiện đã có nhiều quy định về quản lý cán bộ và doanh nghiệp nhằm bảo đảm đạo đức xã hội cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Song kết quả đạt được còn thấp, thậm chí được cho là chưa thỏa đáng.  Đặc biệt trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can đã bị khởi tố; số vụ truy tố là gần 3.000 vụ và số bị đưa ra xét xử vào khoảng 2.630 vụ. Tổng số tiền bị thiệt hại trong các vụ tham nhũng lên đến 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất.  Song điều đáng nói là mới chỉ thu hồi được 4.676,6 tỷ đồng, chưa đầy 8% và trên 219 ha đất…. Thanh tra Chính phủ kỳ vọng, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chú trọng đến việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức cũng như con cái chưa thành niên sẽ hạn chế  phần nào nạn tham nhũng. Song song với Luật phòng chống tham nhũng,  Bộ chính trị đã chính thức quyết định kiểm tra toàn diện 1.000 cán bộ diện Trung ương quản lý. Đây là một động thái quyết liệt làm trong sạch đội ngũ của Chính phủ. Và nếu làm tốt công tác thanh kiểm tra thì hẳn những nỗ lực  của tập thể sẽ không bị những cá nhân thoái hóa biến chất làm cho sụp đổ.

 

Công khai để minh bạch hóa chính là chủ trương và yêu cầu xây dựng của Chính phủ kiến tạo. Và vì vậy, điều hành xã hội bằng pháp luật tiếp tục được xem là vấn đề thường xuyên và cấp bách nhằm tiến tới xóa bỏ "nạn" chi phí không chính thức đã và đang nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân hiện nay.

 

Nguồn Văn nghệ số 22/2017


Có thể bạn quan tâm