April 18, 2024, 10:49 am

Còn thương còn nhớ, hãy về!

Thầy tôi hay nói, cái rễ của sự học thì đắng, nhưng quả của nó thì rất là ngọt ngào. Như thầy vốn là người Cao Lãnh, sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn. Sau giải phóng, điều kiện học tập vẫn còn thiếu thốn. Hồi đó, trong xóm có một hoặc hai đứa đỗ tú tài là mừng rơn, nhà đó lấy làm hãnh diện lắm. Vậy là đứa nào đứa nấy cố gắng học. Ngày đó, ước mơ duy nhất là được học. Học để hoàn thiện bản thân, để đổi đời, để nở mặt với chòm xóm.

 

Nhờ cần cù và chăm chỉ, thầy đỗ tú tài, rồi vào đại học. Trước nhiều ngã rẽ chọn lựa nghề nghiệp, thầy quyết định chọn nghề nhà giáo, mang theo bao khát vọng, hoài bão thế hệ. Có ai thắc mắc hỏi " sao không chọn nghề khác", thầy chỉ cười cười, rồi đáp: " Tôi yêu sự nghiệp trồng người ". 

Thầy tên Nguyễn Quốc Quận.

Tốt nghiệp đại học, mỗi người một định hướng, đứa thì được giữ lại trường, đứa thì tìm cơ hội tại Sài Gòn, riêng thầy xin trở về Cao Lãnh giảng dạy, nơi thầy sinh ra và lớn lên, gửi gắm biết bao tâm tư tình cảm, trong từng cách ăn, nếp sống. Chọn trường Trung học phổ thông Thành Phố Cao Lãnh là nơi công tác, bộ môn truyền đạt Toán học. Thầy đã đào tạo bài bản ra nhiều thế hệ, có người hiện là kỹ sư, nhân viên ngân hàng, công chức hoặc giám đốc doanh nghiệp. Thầy không những dạy kỹ năng chuyên môn, mà còn chỉ cách ứng xử đẹp trong cuộc sống qua công tác chủ nhiệm. Thấm thoắt, thầy đã gắn bó hơn 30 năm trong sự nghiệp trồng người.

Tôi bước vào phổ thông năm 2007, có duyên được học thầy suốt ba năm (2007-2010). Tôi còn nhớ như in hình ảnh ngày đầu tiên thầy bước vào lớp 10L, ánh mắt nghiêm nghị ẩn sau đôi mắt kính, rắn mắt nhìn chăm chú vào chúng tôi. Đứa lớp trưởng hô: “ Nghiêm !”, cả lớp đứng dậy chào thầy mới. Nhớ lại, là cả khoảng trời thắt thỏm lo lắng. Thầy vẫy tay ra hiệu cả lớp ngồi xuống, rồi bắt đầu phần tự giới thiệu hề hước, làm đứa nào đứa nấy cười nghiêng ngả. Ranh giới căng thẳng được xóa nhòa bằng những tràng cười, những giờ học thú vị. Ai nói dạy toán là khô khan. Ba niên khóa học với thầy Quốc Quận, tôi học rất say mê. Thầy dạy tôi học Toán bằng văn vần, bằng thơ ca chẳng hạn như:

“ Tìm sin lấy đối chia huyền,

Cô sin (cos) hay cạnh kề huyền chia nhau

Còn tang ta hãy tính sau,

Đối trên, kề dưới chia nhau thấy liền”

Cứ cuối giờ, thầy hay có một câu chuyện kể vui nhộn, khi thì ông Newton làm rơi quả táo, phát minh ra ba định luật, có khi thầy kể về các giai thoại toán học. Nhưng, thích nhất là lúc thầy tâm sự về nghề, chia sẻ những cung bậc cảm xúc trong mấy mươi năm thầy đứng trên bục giảng. Tất cả như một bản nhạc, được thầy xướng âm và phân tích từng tiết tấu, trường canh cho chúng tôi nghe. Một bản nhạc mang âm hưởng “dân ca”, với những giai điệu trầm bổng uyển chuyển, như những thăng trầm trong chuyến hành trình trồng người của thầy vậy.

Thầy Quận có một đứa con trai. Năm tôi học lớp 11, con trai thầy học năm 2 đại học ở thành phố Cần Thơ. Trong một lần về thăm nhà, anh bị tai nạn giao thông. Anh mất. Những tưởng cuộc sống sẽ phẳng lặng như mặt sông buổi trưa hè, trong và sạch đến mức, đứng trên bờ nhìn xuống, có thể thấy được hình ảnh của chính ta. Kém may, một cơn gió thổi qua, làm mặt nước gợn sóng, nhấp nhô. Anh đi nhanh quá, nhanh đến mức thầy chưa nghe được một lời cuối cùng nào từ anh, ngoài dòng tin nhắn thầy nhận tối hôm trước: " Cha ơi, ngày mai con về ". 

Hôm cả lớp đến viếng, trông thầy phờ phạc. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ hay vì những giọt nước mắt vừa mới vơi, lại tuồn ra dữ dội. Đó là những giọt buồn, giọt tuổi, giọt xót của người đầu bạc tiễn người đầu xanh ra đi mãi mãi, của người cha dành hết tình yêu thương cho đứa con trai duy nhất, của người làm thầy dành bao hy vọng, tâm huyết gửi gắm vào tương lai thế hệ trẻ. Sự ra đi của đứa con trai duy nhất, với thầy là mất mát to lớn. Giờ mới thấu hiểu cái câu: " Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời. " chua chát và đau đớn quá!. 

Nhiều ngày sau đó, thầy cũng không thể đứng lớp, có thể cú sốc tinh thần quá lớn. Để đảm bảo tiến độ học tập, một thầy khác thay thế, phụ trách hỗ trợ thầy Quận một khoảng thời gian khá dài. Tôi nhớ đâu đó khoảng 3 tháng. Vòng xoáy học tập cứ cuốn chúng tôi vào liên tục, nên có thể đến thăm thầy vào cuối tuần. Cảnh nhà đơn chiếc quá! Hôm đến thăm, chỉ gặp cô (vợ thầy). Hỏi thăm mới biết, ngày nào thầy cũng ra mộ, túc trực bên con bất kể ngày hay đêm, phần chăm nom mồ mả,  phần coi chừng coi đỗi nhang khói. Hóa ra ông bà xưa nói câu nào trúng câu đó: "mưa từ trên trời mưa xuống", tình thương cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến, dù con còn hay mất. 

Vết thương có sâu cở nào rồi cũng có ngày lành, dù không như lúc ban đầu hoặc đôi khi có vài vết sẹo. Ai cũng phải chấp nhận xem như là một an bài của số phận. Tôi cứ ngỡ là thầy dạy Toán thay thế vô thời hạn. Nhưng, một buổi sáng trời trong, thầy Quận bước vào lớp, giọng khản đặc, thầy nói: " Mới qua 100 ngày của thằng con, thầy đã thu xếp xong mọi thứ, thầy có thể đến lớp được rồi. Thầy nhớ bục giảng, nhớ các em lắm rồi. " Dứt câu nói, thầy lấy cái tay dúi dụi lên tóc. Một hành động mà tôi ít gặp lúc trước, nhưng sau này trở thành thói quen ở thầy mỗi khi gặp lúng túng về câu chuyện anh con trai bạc phận. Tự nhiên một khoảng lặng vô hình nào đó tự nhiên xuất hiện, làm ai ai cũng mủi lòng. Tôi thương thầy quá, thầy ơi! 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Thoắt cái, chúng tôi bước vào kỳ thi quan trọng nhất của đời người, tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học. Hôm tổng kết, thầy Quận có ghé lớp, mang theo món quà nho nhỏ động viên tinh thần cho các chiến binh dũng cảm. Thầy tặng mỗi đứa một cây bút bi, với dòng tựa đề được viết nắn nót trên bảng:

" Thầy tặng mỗi đứa một cây viết "thần" và 

. Lời chúc: May mắn 

. Lời dặn: Tự tin khi làm bài "

Cách trình bày đậm chất toán học. Một hành động của thầy, tuy nhỏ nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ và tích cực đến chúng tôi. Hầu như, ai cũng dặn lòng: " cố gắng làm bài thật tốt, đạt kết quả cao, để không phụ lòng của thầy cô, cha mẹ mong mỏi." Đó cũng là cách để hoàn thiện chính mình, cũng như thầy hay nói, cái rễ của việc học rất đắng nhưng quả của nó thì rất ngọt, và tôi xem đó là tôn chỉ, gói ghém trong hành trình tương lai phía trước.

Rồi chúng tôi lớn lên, ra trường, mỗi đứa một nghề khác nhau,  đứa có gia đình, có con cái, thời gian về thăm thầy mỗi lúc một ít dần. Sau khóa của tôi, thầy dạy được vài năm nữa thì về hưu. Xa mái trường, xa bục giảng, viên phấn, bạn bè đồng nghiệp, nỗi nhớ nghề, nhớ trò khôn xiết. Cuộc đời của người làm thầy, giống như người lái đò đưa khách sang sông, hết chuyến này đến chuyến khác, âm thầm và lặng lẽ. Lâu lâu, nghe được tin tức, biết được học trò mình đứa được thành tích này kia, là trong bụng hớn hở. 

Ngày hiến chương năm 2015, tôi có về Cao Lãnh thăm thầy, vẫn cái ngõ dẫn vào nhà xưa cũ đó, vẫn cái xóm thân thuộc trìu mến níu giữ lòng mình, nhưng câu chuyện về thầy Quốc Quận đã đi về thế giới thật xa, thật xa! Thầy tạ thế tại quê nhà, hưởng thọ 60 tuổi. Ai cũng có một quãng đời riêng để sống, để thỏa sức cho những ước mơ. Riêng thầy, ước mơ lớn nhất là chứng kiến hạt giống mình gieo, được nảy mầm, thành chồi, thành những tán cây cao to vươn mình ra vòm trời xanh thẳm.

Chiều Sài Gòn có những cơn mưa bất chợt. Tôi hối hả tìm chỗ trú mưa. Nép mình dưới mái hiên nhà ai, nghe tiếng mưa rì rào ngang phố. Mưa nghiêng theo chiều gió, cuốn theo xác phượng từ đâu rơi rụng, chảy về, mang màu đỏ thẫm. Một thứ cảm xúc nóng hổi, chạy qua tim. Tôi bâng khuâng nhớ về thầy, cơn nhớ quay quắt và thèm khát trở về mỗi bận đi xa. Giảng dạy là một nghệ thuật, người làm thầy giống như một nghệ sĩ. Thầy đến cuộc sống này để cống hiến những gì tốt đẹp cho đời. Khi ra đi, thầy để lại cho chúng tôi vốn liếng tri thức, những ước mơ cháy bổng, đưa vào thinh không đầy háo hức. Thầy hay nói, thầy cho chữ, chúng tôi có để ăn hoài. Tôi cũng nhận định là như thế. Bởi chỉ khi giá trị trân quý đạt ngưỡng của tình thương, mới đủ mạnh dạn bày tỏ tấm lòng, vừa chân thành, vừa cao quý. Nên chi, dù ở bất cứ  nơi đâu, còn thương, còn nhớ, thì cứ về. Đơn giản như thắp cho thầy một nén nhang, lắng lòng mình lại, thử nhìn về những giá trị thân gần. Lúc đó, chắc chắn thầy sẽ mỉm cười và an yên.

 

 


Có thể bạn quan tâm