April 25, 2024, 12:58 pm

Con người nhân văn là sản phẩm văn hóa cao nhất

 

Văn hóa chính là con người

       Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển một quốc gia, cần phải có nhiều vốn và đó là yếu tố đầu tiên, để từ đó mà chuẩn bị mọi thứ, kể cả đào tạo con người. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiền vốn, nhưng theo tôi đó là yếu tố thứ hai. Khi có con người biết làm thì không có vốn họ sẽ tạo ra vốn, có vốn ít họ sẽ tạo ra nhiều hơn và họ sẽ biết sử dụng đồng vốn như thế nào để đào tạo cán bộ một cách hiệu quả. Còn có vốn nhưng không có con người biết sử dụng (chưa nói tham nhũng, lãng phí...) thì vốn sẽ hao mòn dần...

Ảnh Internet

     Như vậy, con người văn hóa – nhân văn là yếu tố thứ nhất để phát triển xã hội, phát triển đất nước. Con người với tư duy và năng lực của họ có thể tạo ra những cuộc cách mạng lớn lao, làm thay đổi vận mệnh của một dân tộc và quốc gia. Mọi cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa sâu sắc, bền lâu khi nó chạm đến được vấn đề văn hóa, giải quyết được vấn đề của văn hóa, kể cả văn hóa trong chính trị, thực hiện một bước tiến vượt bậc trong công cuộc khai hóa văn minh.

       Hàng nghìn năm qua, triết lý về hoạt động văn hóa luôn xoay quanh 2 câu hỏi chủ yếu sau đây:

      Câu hỏi thứ nhất: Sản phẩm cuối cùng của hoạt động văn hóa là gì? Câu trả lời nhận được đó chính là con người với nhân cách của họ. Thế còn các sản phẩm của công việc nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, dịch thuật v.v…? Đó cũng là sản phẩm của hoạt động văn hóa, đều rất quan trọng, nhưng chưa phải là sản phẩm cuối cùng. Mà sản phẩm cuối cùng của hoạt động văn hóa là con người với nhân cách của họ. Để đánh giá chất lượng của các tác phẩm và các hoạt động văn hóa thì cần xem thử nó có tác dụng gì đối với nhân cách khi con người tham gia hoặc tiếp cận với các sản phẩm ấy.

       Câu hỏi thứ hai: Sự nghiệp xây dựng văn hóa cần những con người như thế nào? Câu trả lời nhận được thường có nhiều điểm khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện và trình độ nhận thức ở mỗi người và mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, trong sự khác nhau ấy vẫn có thể tìm ra một số đặc tính phổ biến chung nhất như: Tính trung thực, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, tự chủ và sáng tạo v.v… Các đặc tính đó là những giá trị cần có. Những con người ấy phát triển một cách “tự nhiên”, tự nó, chứ không thể gò ép theo ý muốn của người khác, mà chỉ có thể tác động trực tiếp và gián tiếp bằng tài năng của các nhà văn hóa, khoa học, giáo dục, những nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội, báo chí, những người trong gia đình và cộng đồng...

      Như vậy, văn hóa chính là con người. Con người tự mình, con người ứng xử với đồng loại và ứng xử với tự nhiên. Để sống với đồng loại, con người tổ chức ra xã hội, đó là xã hội của con người. Cách tổ chức một xã hội như thế nào cũng là văn hóa. Đồng thời, hoạt động văn hóa là các hoạt động của con người, nhằm tạo ra, lưu giữ, truyền bá các giá trị nhân văn, tức là các giá trị Người. Phát triển văn hóa hiểu theo chiều sâu của vấn đề là làm cho các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú và hiệu quả hơn, tạo được và làm lan tỏa nhiều giá trị nhân văn. Ở đâu có hoạt động của con người thì ở đó có văn hóa, với một trình độ và đặc tính nhất định nào đó. Như vậy, văn hóa không chỉ có trong các hoạt động văn hóa-giáo dục-xã hội, mà còn có trong hoạt động kinh tế và chính trị. 

      Theo đó, công tác văn hóa là hỗ trợ cho sự phát triển con người có nhân cách, xây dựng các giá trị nhân văn. Sự phát triển của con người vừa là tự nó, vừa chịu sự tác động từ cộng đồng, môi trường, điều kiện tự nhiên và xã hội. Do vậy, để tác động vào sự phát triển của con người thì vừa tác động trực tiếp vừa tác động gián tiếp thông qua môi trường văn hóa, xã hội và tạo ra các điều kiện có tác dụng thúc đẩy theo hướng tích cực. Trong thực tế, đã có không ít việc, không ít nơi coi văn hóa là chuyện “cờ đèn kèn trống”, là tuyên truyền cổ động, liên hoan múa hát và hội hè… Các công việc đó có lúc cũng cần, trong một hoàn cảnh và giới hạn cụ thể, với chừng mực và cách làm phù hợp, cũng có liên quan ít nhiều đến văn hóa, nhưng không phải là nội dung chính của hoạt động văn hóa. Điều muốn nói ở đây là nhiều lúc chúng ta đã không bám chắc mục tiêu chính yếu là xây dựng và phát triển con người với nhân cách văn hóa của họ.

 

 

 

Văn hóa cứu rỗi con người

      Văn hóa quyết định sự trường tồn của một dân tộc, để dân tộc ấy có đủ sức mạnh nội sinh bảo đảm không bị đồng hóa bởi một dân tộc khác và bảo vệ vững chắc tổ quốc của mình. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân”. Đảng ta từ những năm 60 của thế kỷ trước cũng đã xác định cách mạng tư tưởng-văn hóa là 1 trong 3 cuộc cách mạng mạng phải tiến hành đồng thời để xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết của nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây cũng đều xác định: Văn hóa là nền tảng của xã hội; Văn hóa là mục tiêu phát triển của xã hội đồng thời văn hóa còn là động lực của phát triển xã hội, tạo ra nhân tố con người và điều kiện xã hội để dân tộc và quốc gia phát triển. Một quốc gia muốn phát triển thì cần có những động lực nhất định về con người, tinh thần và vật chất. Trong đó, con người là nhân tố đứng đầu.

      Đặc biệt, văn hóa là con đường để khắc phục căn bản tình trạng suy thoái đạo đức xã hội hiện nay. Có những nhà nghiên cứu cho rằng: Văn hóa bắt đầu có từ lúc con người biết xấu hổ. Trước đó, họ sống tự nhiên, theo bản năng vốn có của một loài sinh vật bậc cao. Đến khi họ tự biết xấu hổ, đó là văn hóa bắt đầu, và tiếp theo, họ biết dùng những chiếc lá nho để che những chỗ cần che trên thân thể, từ đó mà văn minh xuất hiện. Vậy là, khi con người ta biết xấu hổ là biểu hiện có văn hóa. Theo đó mà suy, khi con người thời đại văn minh mà không còn biết xấu hổ nữa, thì đó là biểu hiện của văn hóa suy đồi, đạo đức xã hội xuống cấp.

       Trong văn hóa thì đạo đức xã hội là giá trị chiếm vị trí quan trọng nhất. Khi người ta nói văn hóa suy đồi cũng có nghĩa chủ yếu là nói đạo đức suy thoái. Khi nói đạo đức suy thoái cũng tức là nói đến phần quan trọng nhất trong suy đồi văn hóa. Những năm gần đây đạo đức xã hội ở nước ta đã suy thoái đến mức báo động. Sự suy thoái ấy lan rộng trên hầu như tất cả các lĩnh vực, kể cả ở các lĩnh vực “thiêng liêng” như nơi dạy người; nơi lan tỏa các giá trị nhân văn; nơi cứu người, làm nhân đạo từ thiện; nơi thờ tự, tu hành; nơi bảo vệ pháp luật và nắm cán cân công lý; nơi bảo vệ an ninh quốc gia; nơi hoạch định chính sách và luật pháp; nơi làm công tác cán bộ... Không phải tận bây giờ đạo đức xã hội mới có những biểu hiện suy thoái nêu trên, nhưng phải công nhận những năm gần đây đạo đức xã hội suy thoái một cách đáng báo động, mà có nhà nghiên cứu văn hóa đã nêu lên 4 biểu hiện nổi bật là:  Kiếm tiền bất chính; Bạo lực lên ngôi; Giả dối thắng thế; Con người vô cảm. Và cũng có ý kiến cho rằng: Tình trạng suy thoái đạo đức xã hội ấy có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ những cán bộ, đảng viên, công chức... trong hệ thống chính trị, nhất là trong bộ máy của Nhà nước và của Đảng ta. Vấn đề này chúng ta đã nói nhiều rồi. Nghị quyết Đảng cũng đã nói rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần  nhắc  nhở, nhưng quá trình triển khai các biện pháp khắc phục, đẩy lùi trên thực tế thì chuyển biến rất chậm.

       Có thể nói, việc suy thoái nghiêm trọng đạo đức xã hội trước tiên là do những người lãnh đạo và quản lý, nhất là ở cấp trung-cao, hoặc không đủ năng lực giải quyết vấn đề, hoặc thiếu gương mẫu về nhân cách. Nếu không tập trung giải quyết tốt vấn đề kiểm soát quyền lực thì việc suy thoái đạo đức tiếp tục là không tránh khỏi và rất khó khắc phục căn bản được. Những năm gần đây có những chuyển biến rất đáng kể về công tác chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trực tiếp phụ trách, đã khôi phục một phần khá rõ niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuy nhiên, sẽ không thể cơ bản và bền vững nếu như không thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực.

         Trong các quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, có quan điểm luôn luôn khẳng định giá trị cốt lõi cần tạo ra và cũng là nhiệm vụ trọng yếu cần tập trung giải quyết là xây dựng nhân cách con người, bao gồm cả phẩm chất và năng lực của những người được chọn vào bộ máy lãnh đạo, quản lý. Quan điểm này lấy nhân cách làm căn cứ chính để đánh giá con người và lấy con người làm giá trị lõi để đánh giá nền văn hóa. Để góp phần quan trọng trực tiếp cho việc xây dựng nhân cách thì đồng thời phải xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng và đơn vị công tác.  Như trong phần trên đã nói: Cuộc sống cộng đồng đã tạo ra văn hóa. Bởi vậy, nếu không có một môi trường văn hóa lành mạnh thì sẽ rất khó khăn trong xây dựng nhân cách con người. Nhân cách của từng người và môi trường văn hóa của cộng đồng là hai mặt có quan hệ chặt chẽ với nhau, tương hỗ lẫn nhau, tác động qua lại theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Nó gần giống như hai mặt của một vấn đề. Để thực hiện tốt việc xây dựng nhân cách, nhất thiết phải đồng thời xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

        Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập để phát triển và yêu cầu đặt ra là phải phát triển bền vững. Để có thể trở thành một quốc gia phát triển bền vững, nhất thiết phải thực hiện tiếp cuộc đổi mới một cách căn bản và toàn diện hơn, chạm tới và giải quyết cho được những vấn đề về văn hóa, trong đó có văn hóa trong chính trị. Nếu không tiếp tục tiến tới một cách mạnh mẽ mà chỉ dừng lại ở mức cơ bản như hiện nay thì khi năm tháng đi qua, công cuộc đổi mới mấy chục năm nay cũng chỉ còn lại một dấu vết mờ nhạt về một số điều chỉnh chính sách sau khi đã sai lầm trước đó. Đối với công việc của một Đảng lãnh đạo thì không có gì quan trọng bằng làm được sứ mệnh khai hóa văn minh cho dân tộc. Đó chính là sứ mệnh văn hóa của Đảng ta.


[1] Nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo TW.


Có thể bạn quan tâm