April 26, 2024, 3:18 am

Con Mộng Trắng

 

Trên lối đi vào nhà có một cây nhãn. Cây nhãn năm nào cũng sai hoa nhưng chẳng mấy khi đậu quả. Bao nhiêu lần cha tôi dọa chặt, nhưng bà nội giữ. Bà bảo tuy nó không cho trái thường xuyên, nhưng nó cho bóng mát. Nó che cho cái chuồng trâu mát rượi suốt mùa hè.

            Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.

Trước đây con Mộng Đen của tôi đã sống trong cái chuồng đó, mùa đông, tôi thương trâu, cắt lá chuối khô giăng quanh chuồng cho nó. Vào mùa hè năm ấy, giữa đêm mưa giông dữ dội, một vầng sáng xanh chói lòa bất thình lình lóe lên, soi rõ từng gốc cây, phiến lá ngoài vườn trong một tích tắc. Ánh sáng tắt lịm, và thì một tiếng nổ đinh tai vang lên.

Cha tôi nói chưa bao giờ ông chứng kiến một tia sét khủng khiếp và gần mình đến thế. Lưỡi sét giáng xuống cây nhãn, chẻ nó ra làm đôi. Một nửa của cây nhãn đổ soạt xuống đất, và trong chuồng, con Mộng Đen tội nghiệp nằm chết thê thảm.

Tôi thương nhớ con Mộng Đen suốt mấy tháng trời, đến nỗi hễ cứ nhìn thấy con trâu nào ngoài đồng là lòng tôi lại đau buồn. Tôi âm thầm khóc thương nó. Bà tôi bảo con Mộng Đen là một thiên thần, trước đây nó phạm một lỗi lầm nào đó trên trời, bị đày xuống trần gian làm kiếp trâu. Vào cái ngày nó bị sét đánh chết chính là ngày kiếp trâu của nó hết hạn, Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi đón nó về trời, tiếp tục làm một thiên thần. Chưa biết chừng ngày nào thiên thần – trâu ấy cũng nhìn xuống trần gian, thấy tôi buồn thương nó, nó hẳn cảm động vô cùng, nhưng nó cũng chẳng muốn tôi buồn mãi vì nó đâu, biết đâu, một ngày kia tôi sẽ được nuôi một con trâu khác.

“Bao giờ nhà mình có trâu mới hả bà?”

Tôi hỏi bà như thế, tỏ ra sốt ruột vì mãi Ngọc Hoàng chưa sai một thiên thần nào xuống làm bạn với tôi. Bà tôi nói sẽ không lâu đâu. Chị Hoài bảo có một con trâu mới là điều không thể, vì thực tế nhà tôi không có tiền mua trâu.

Cái chuồng trâu từng bị sét đánh ấy bỏ không trong suốt hai năm trời. Một ngày, tôi về nhà, thấy cha tôi đang dọn dẹp cỏ mọc quanh cái chuồng. Rất nhanh, tôi hiểu rằng có thể tôi sẽ có một con trâu mới.

Cha bảo đúng như vậy. Chúng tôi nhận nuôi một con trâu mới. Hợp tác xã đã mua về mấy con trâu phục vụ cho việc đồng áng. Một số nhà sẽ được giao nuôi trâu. Vì nhà tôi không có con trâu nào, và tôi còn nhỏ, trong độ tuổi chăn trâu nên được nhận nuôi một con.

Tôi thao thức suốt đêm, hình dung con trâu mới của mình. Nó hẳn hùng dũng, có hai cái sừng khỏe và nhọn hoắt, sẵn sàng húc thủng bụng bất kì con trâu hiếu chiến nào. Nó có cái lưng bằng phẳng êm ru như một cái ghế nệm êm, để tôi cưỡi nó lội qua suối sang bên kia đồi Trọc và mùa hè. Đồi Trọc gọi là đồi Trọc nhưng nó chẳng trọc tí nào, trái lại còn toàn sim, dâu da đất, mùa hè, chúng chín nục, thật là một kho báu trời cho. Thú vị hơn cả là trong đồi Trọc có một đàn chim lạ. Tôi thích ngồi hàng giờ dưới gốc cây dâu da đất kín đáo để nghe bầy chim hội họp. Tôi đã cùng con Mộng Đen đến đó suốt mấy mùa hè, không bao giờ biết chán.

Hôm sau, vừa tan học, tôi đã ba chân bốn cẳng một mạch băng qua đồi về nhà. Dọc đường gặp ai tôi cũng chào vội vã. Tôi nôn nóng muốn được gặp con trâu mới của mình. Về đến ngõ, tôi thấy ngay con trâu mới đã ở trong chuồng.

Tôi lao ngay đến, hớn hở nhìn nó.

Một con trâu trắng đang ở trong chuồng, gục gặc cúi đầu, mũi phì phì, cứ như nó e thẹn xấu hổ vì có người lạ đang nhìn nó. Một nỗi hụt hẫng khoét sâu vào lòng tôi. Con trâu mới chẳng có sừng nhọn, trái lại còn mòn vẹt như có ai đó mài nhẵn nó từ nhiều năm. Nó khá nhỏ so với những con trâu khác, và tệ hơn, nó rất gầy, tỏ ra nhút nhát, sợ đòn.

Cha tôi mang cái mõ đeo vào cổ con trâu. Cái mõ trước kia là của Mộng Đen. Khi Mộng Đen chết, cha giữ lại hai cái sừng và cái mõ treo trong bếp, như giữ kỉ niệm về con trâu xấu số tội nghiệp. Đeo cái mõ vào cổ con trâu rồi, cha hỏi tôi:

“Con muốn đặt tên nó là gì?”                                                                                                                        

Tôi im lặng. Cha tôi cười.

“Hay ta gọi nó là Mộng Trắng nhé.”

Tôi khẽ gật đầu, hơi nghi hoặc về cái tên. Nó màu trắng, khác với số đông các con trâu khác, nhưng nó không hề mộng tí nào, gầy nhom thế kia.

Cha đứng cùng tôi nhìn con trâu đã đeo mõ, nó lúc lắc cổ, cái mõ kêu lốc cốc, cứ như nó vô cùng thú vị về thứ trang sức mới này.

“Sao cha không chọn con khác, con này gầy quá cha ạ.”

 Cha tôi đưa tay vuốt sừng con Mộng Trắng.

“Cha để người ta nhận trước. Con trâu này không được ai chọn, nghĩa là nó có duyên với nhà mình. Nó gầy như thế này, chắc nó đã bị chủ trước đối xử tệ. Con nên đối xử tốt với nó nhé.”

Tôi nghĩ tới buổi chiều đầu tiên đưa trâu mới đi ăn cỏ, trong lòng không vui. Tôi chẳng hiểu sao chỉ thích mình hiên ngang ngồi trên lưng một con trâu mộng thực sự, như chiến binh dũng cảm ngồi trên lưng con Xích Thố trong truyện “Tam quốc” mà tôi đọc trộm của cha. Con trâu gầy nhút nhát thế này thực sự làm tôi mất hứng.

Buổi chiều tôi dắt trâu ra đồng. Dưới gốc chau đầu làng, bọn thằng Qúy đang đợi. Chúng nó biết tôi có trâu mới, nên đã dặn từ lúc ở trường, rằng chiều chúng đợi tôi ở đó, để cùng đi chăn.

Từ xa, tôi đã thấy mấy con trâu mộng của bọn thằng Qúy đang đứng phe phẩy đuôi chờ đợi, còn bọn thằng Qúy thì đang lặn hụp dưới suối. Từ dưới suối, thằng Qúy lên bờ, nó thậm chí còn chưa kịp mặc quần, nhìn tôi và con Mộng Trắng, nó phá lên cười ha ha.

“Ối, con trâu mới của mày đấy à? Như con bò ấy.”

Mấy đứa khác cũng lóp ngóp chạy lên, chẳng đứa nào kịp mặc quần, đã cười hô hô, chê con Mộng Trắng trước tiên.

Sau khi mặc quần và vắt áo lên vai, vuốt cho mái tóc quặt về phía sau, như một quý công tử, thằng Qúy tay cầm cây roi mây mà nó vẫn dùng để đuổi trâu, vung vẩy trước mặt con Mộng Trắng. Con Mộng trắng thấy cây roi vung vẩy, liền lùi lại, khịt mũi liên tục. Thằng Qúy lúc lắc cái đầu:

“Tên nó là gì?”

“Mộng Trắng.”

Tôi trả lời. Thằng Qúy lại cười phá lên:

“Ối dà. Nếu là bò nó cũng không xứng là bò mộng ấy chứ. Xem nào.”

Vừa nói, thằng Qúy vừa vung cái roi trước mặt, bất ngờ, nó vụt mạnh một roi vào mông con Mộng Trắng.

Tức thì, con Mộng Trắng tế lên. Một mạch, không nhìn trước sau, nó lao rầm rầm, nhằm hướng ngọn núi ông Đùng mà phóng tới.

Nhanh tới mức tất cả chúng tôi cùng sững sờ, há hốc miệng, như những cái hang đá trên núi ông Đùng.

Cuộc lùng tìm Mộng Trắng bắt đầu từ đầu giờ chiều và kết thúc lúc trời tối.

 Vô vọng. Mộng Trắng biến mất, cứ như nó chưa hề có mặt trên đời.

Mặt trời xuống núi ông Đùng. Bọn thằng Qúy cho đàn trâu về. Chúng nó nhìn tôi thông cảm.

“Mày yên tâm. Nó đeo mõ rồi chứ gì, trước sau cũng tìm thấy thôi. Chỉ sợ nó vào rừng sâu quá, bị cọp vồ thôi.”

Câu an ủi của thằng Qúy khác nào một cú tát trời giáng. Mộng Trắng không hề biết đường, nó chỉ mới đến làng tôi không quá hai ngày. Nó làm sao thuộc đường về, vả nó cũng đã quen biết gì tôi đâu. Nếu nó lạc vào rừng, thì bị cọp vồ, rắn độc cắn chết là cái chắc.

Nghĩ đến đó thôi, tôi òa khóc. Tôi khóc thật, không phải vì sợ phải đòn, sợ nhà tôi phải đền hợp tác xã, mà vì thương nó. Con trâu tội nghiệp. Chỉ vì một cái roi vào mông mà chạy đến mất mạng. Hẳn là trước đây nó đã bị đánh thậm tệ, đến mức hễ nhìn thấy roi là nó sợ mất vía rồi.

Bữa cơm tối diễn ra nặng nề. Cả nhà trĩu lo lắng. Trước mắt, việc phải đền hợp tác xã là rõ rành. Nó là của cải chung, không phải của riêng ai mà thương lượng được. Nhà tôi lấy đâu ra tiền mà đền bây giờ.

Tôi không sao ngủ được. Tôi chỉ nghĩ đến con trâu. Giường ngoài, cha tôi cũng liên tục trở mình. Ngoài cửa sổ, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao. Tiếng côn trùng rỉ rả không ngớt. Giờ này Mộng Trắng biết ở nơi nào. Ăn cơm tối xong, cha tôi cùng mấy người làng đã đốt đuốc đi tìm nó một lần nữa, nhưng đến nửa đêm, họ về mà không có nó.

Nhưng dù lo lắng, cuối cùng mắt tôi cũng díp lại. Đêm trước tôi đã thao thức để tưởng tượng về con trâu mới, tôi không thể thức được nữa.

Rất nhanh, tôi chìm vào một cơn mơ. Tôi thấy mình cưỡi Mộng Đen đi trên đồi Trọc, hoa sim nở tím. Tôi hái một bó hoa sim, ôm trước ngực như bọn con gái. Đang đi trong đồi hoa, Mộng Đen dừng lại khịt mũi. Nó ọ một tiếng to dài. Và kia, con Mộng Trắng đang đứng trên đồi, giữa bạt ngàn hoa tím. Mộng Trắng nhìn tôi và Mộng Đen, nó lúc lắc cổ, tiếng mõ dưới cổ nó vang lên lốc cốc.

Tiếng mõ trâu vang lên lốc cốc. Tôi mở mắt. Bầu trời sao ngoài cửa sổ lấp lánh sáng.

Tiếng mõ trâu lốc cốc. Giường ngoài, cha tôi trở dậy.

Tiếng mõ trâu lốc cốc. Cha tôi chạy vào buồng.

“Trọng ơi, con trâu về rồi.”

Tôi bật ra khỏi giường. Khi tôi ra đến chuồng trâu, đã thấy cả nhà đứng đó. Và kia, con Mộng Trắng đang đứng trước cửa chuồng, khi tôi ra đến nơi, nó lắc cái cổ một lần nữa, tiếng mõ lốc cốc vang lên, dội vào đêm sáng lờ mờ dưới muôn vì sao lấp lánh.

Từ đó, tôi dắt trâu ra đồi, thả cho nó ăn cùng con Dũng Sĩ của thằng Mận. Con Dũng Sĩ tên như thế, nhưng chẳng hề giống với cái tên của nó, nó là con trâu đực nhút nhát, và có tật ăn vụng lúa. Có điều, từ khi con Mộng Trắng của tôi xuất hiện, thì Dũng Sĩ lập tức tách khỏi đàn, kết thân với Mộng Trắng. Hai con trâu luôn đi ăn ở những chỗ các con trâu khác không tới. Chúng như hình với bóng, chỉ cần thấy con này lập tức thấy con kia. Những khi bận rộn, tôi thả trâu lên đồi, rồi kệ nó kiếm ăn, chiều tối, Mộng Trắng tự trở về. Về đến nơi, nó lúc lắc cái cổ cho mõ kêu để tôi đón nó vào chuồng.

Từ đêm Mộng Trắng tìm về đến nhà khi chạy đi lạc, cha tôi bảo con trâu này có trí khôn khác thường. Có điều nó sợ đòn, hẳn vì lý do nào đó nó đã từng chịu những trận đòn khủng khiếp. Nên khác với người khác, chúng tôi phải đối xử với nó thật dịu dàng.

Cha sai tôi dắt Mộng Trắng ra đồng. Lúa đương thì con gái, xanh mơn mởn, cuộn sóng trong gió. Tôi dắt Mộng Trắng đi giữa hai ruộng lúa, cha đi bên. Cha thì thầm:

“Mộng Trắng à. Mày là con trâu khôn ngoan. Đây là lúa, còn đây là cỏ. Mày chỉ được ăn cỏ thôi, đừng ăn lúa mà bị đánh nhé.”

Cha tôi cứ thầm thì với con trâu như thế, còn tôi thì cười ngất. Trời ơi, sao một con trâu có thể hiểu được lý lẽ cơ chứ.

Nhưng tôi không ngờ được là Mộng Trắng không những hiểu điều cha tôi nói, mà nó còn tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Nó đi ăn cỏ khắp các bờ lúa, nhưng tuyệt đối không gặm một cọng lúa nào. Có điều Dũng Sĩ luôn đi theo Mộng Trắng. Mộng Trắng ở đâu Dũng Sĩ ở đó, vì thế, dù Mộng Trắng không ăn lá lúa nào, thì Dũng Sĩ lại luôn gây họa.

Một lần bọn thằng Qúy cá cược rằng để Mộng Trắng và Dũng Sĩ cùng đi ăn trên một bờ ruộng, xem rút cuộc Mộng Trắng có ăn lúa không, mà chúng tôi đều nấp ở một chỗ kín quan sát, làm sao cho hai con trâu không biết có người theo dõi. Nhưng nếu hai con ăn lúa thì sao? Ai sẽ đền? Mà ăn lúa nhà ai mới được chứ?

Để giải quyết vấn đề, thằng Qúy quyết định cho hai con trâu ăn cỏ ở bờ ruộng nhà ông Thiều. Ông Thiều là người nơi khác chuyển đến, ông ta không nói chuyện với ai trong làng, cứ một mình lụi hụi vỡ ruộng trồng lúa. Hình như ruộng nhà ông ta không thuộc hợp tác xã.

Mảnh ruộng nhà ông Thiều rất tốt. Ông ta lại không có ở nhà, rất thích hợp cho cuộc tỉ thí. Thế là chiều ấy, tôi và thằng Mận mang trâu ra bờ ruộng, xong bỏ đó, cùng bọn thằng Qúy trèo lên cây đa giữa đồng. Cây đa khá xa ruộng và hai con trâu, nhưng vẫn quan sát được toàn cảnh.

Hai con trâu vẫy đuôi gặm cỏ, không có người trông, Dũng Sĩ mắt trước mắt sau, bắt đầu vươn cổ về phía lúa. Mộng Trắng vẫn gặm cỏ trên bờ. Đột nhiên, Mộng Trắng ngẩng đầu ngoái lại, thấy Dũng Sĩ ăn lúa, Mộng Trắng ngúc ngắc đầu, trông xa, cứ như nó bảo Dũng Sĩ không được làm bậy bạ.

Mải nhìn hai con trâu, chúng tôi không ngờ được là ông Thiều đã về. Và khi ông dắt hai con trâu lên bờ, cột vào một gốc cây quanh nhà, thì chúng tôi không còn cách nào khác là tụt trừ trên ngọn đa xuống, đứa nào tản về nhà đứa nấy.

Tôi và thằng Mận đành phải đến gặp ông Thiều để xin trâu. Thằng Mận xác định là sẽ ăn đòn lằn mông.

“Mày chịu đòn một nửa được không? Hai con trâu cùng bị bắt mà.”

Mặc dù đề nghị của Mận khá vô lý, nhưng tôi cũng gật đầu, nhìn cái mặt lo lắng của nó thì không thể không động lòng cho được.

Ông Thiều đứng chống nạnh, hai chân chạng bằng vai, vẻ rất tức giận.

“Hai đứa mày đến xin trâu đấy hả?”

Tôi và thằng Mận cúi đầu lí nhí:

“Vâng ạ. Chú cho chúng cháu xin.”

Ông Thiều cầm cây roi, vung vẩy. Tôi và thằng Mận tái mét mặt. Hai con trâu, nhất là Mộng Trắng bắt đầu bồn chồn. Mộng Trắng dậm chân liên tục, hai mắt nó long lên.

“Vào đây!”

Ông Thiều ra lệnh, rồi quay người đi qua hai con trâu vào nhà.

Chúng tôi bước theo ông Thiều vào nhà. Ngôi nhà mới dựng, các thanh tre vẫn còn chưa tái hết. Nền nhà vẫn ẩm mùi đất mới.

Trong nhà chẳng có đồ đạc gì đáng giá. Một cậu bé con ngồi trên chõng tre, tròn mắt nhìn chúng tôi. Một xâu chuột rừng treo trên vách. Một cây nỏ nhỏ nhắn treo bên cạnh chúng.

“Tao vừa vào rừng bắn được mấy con chuột này, về nhà đã thấy trâu ăn hết một vạt lúa rồi. Trong hai con trâu, con nào ăn lúa?”

Tôi và thằng Mận không đứa nào dám trả lời, cứ cúi đầu thin thít, tỏ ra sẵn sàng chịu đòn.

“Thế con trâu trắng là của đứa nào?”

“Dạ, trâu của cháu ạ.”

Ông Thiều nhìn tôi gật gù.

“Mày có dám khẳng định con trâu trắng không ăn lúa không?”

Tôi cúi đầu, liếc nhìn thằng Mận. Mận vẫn tái mặt, môi nó khẽ run run. Về khoản sợ đòn, có lẽ Mận không khác với Mộng Trắng.

“Thôi được rồi, thằng kia về bảo bố mẹ mang gạo đến đền lúa tao. Tao không có gạo ăn, chỉ ăn măng rừng, săn được con thú nào thì ăn, có mỗi mảnh ruộng vỡ thì trâu mày ăn hết còn đâu. Con trâu trắng kia không ăn một cọng lúa nào. Tao đứng trên đồi thấy hết.”

Tôi và thằng Mận dắt hai con trâu về nhà, đi qua ruộng lúa, quả nhiên một vạt lúa dài đã bị Dũng Sĩ gặm cụt.

Sau vụ cá cược đó, bọn thằng Qúy nể con Mộng Trắng ra mặt. Tôi đi cắt cỏ về để hai rổ cỏ bên nhau, Mộng Trắng chỉ ăn hết một rổ. Nó biết rổ cỏ kia sáng hôm sau, trước khi ra đồng mới được ăn. Nó tôn trọng kỉ luật một cách kì lạ.

Mùa xuân năm đó, làng tôi tổ chức hội thi cày. Mỗi cặp thi là hai con trâu và hai cái cày, do một thợ cày điều khiển. Những con trâu to khỏe nhất làng đều được chủ của chúng đăng kí tham dự cuộc thi. Tôi cũng muốn tham dự cuộc thi. Nhưng trước hết nhà tôi không có thợ cày. Cha tôi bị đau chân, vả con Mộng Trắng dù đã được tôi chăm cho béo tốt, thì so với những con trâu trong làng vẫn không khác một nhi đồng đứng cạnh thiếu niên.

Tôi nghĩ nếu có thợ cày, có khi tôi rủ thằng Mận đưa con Dũng Sĩ cùng tham dự. Cha thằng Mận lập tức bác bỏ ý tưởng đó khi chúng tôi mới chỉ mon men đề nghị. Lòng mang một nỗi buồn bâng khuâng, tôi cưỡi con Mộng Trắng vào đồi Trọc.

Trong đồi Trọc có một khoảnh bí mật, những cái cây to nằm bên bờ suối. Ngồi dưới tảng đá to như chiếc chõng con, được che khuất bởi những chiếc lá dâu da đất, tôi gặp bầy chim quen thuộc của mình.

Trên những cành của cái cây cao nhất, đẹp nhất, một bầy chim, không biết chim gì, đang mê mải với trò chơi vui vẻ của chúng.

Một người đàn ông đứng trên mỏm đá giữa suối, tay cầm cây nỏ, và ống tên vót bằng cây luồng đeo bên sườn. Một xâu cá suối, toàn những con to bằng cổ tay treo trên chiếc giỏ sau lưng. Đó là ông Thiều.

Tin tôi đăng kí tham gia cuộc thi cày khiến bọn thằng Qúy được một mẻ cười nôn ruột. Chúng nó bảo tôi nghe quá nhiều chuyện cổ tích bà kể, đọc quá nhiều sách của cha tôi, toàn những câu chuyện hoang đường cả, và hiện thực thì không hề giống với sách vở.

Ông Thiều tham gia làm thợ cày. Ông cũng biết rằng đối với Mộng Trắng thì không thể dùng roi vọt được. Và chỉ cần dùng roi vọt với Dũng Sĩ cũng khiến nó hoảng loạn tinh thần, thi thố coi như đi tong.

Cuộc thi diễn ra tưng bừng. Những con trâu mộng hùng mạnh nhất đều được gióng cày, và chúng phăng phăng cày mảnh ruộng thi. Đôi nào cày nhanh nhất, đường cày sâu nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất.

Khi Mộng Trắng và Dũng Sĩ được gióng vào cày, dẫn ra mảnh ruộng thi, cả làng gần như cười nhạo. Một con trâu trắng nhỏ con, một con trâu đen to con, như một cặp đũa lệch, và ngay cả người thợ cày cũng gầy gò, ẻo lả. Ông ta ít ăn cơm gạo, nên chẳng có sức sống gì cả.

Cha tôi, ông Thiều, tôi và thằng Mận dẫn đôi trâu ra ruộng, xung quanh các bờ ruộng cờ quạt giăng tưng bừng, người làng đứng quanh hò reo và nhạo báng. Cha tôi thủ thỉ nói với Mộng Trắng như nói với một con người:

“Mộng Trắng à, mày cứ thi hết mình đi nhé, không quan trọng giải nhất, nhưng đừng bỏ cuộc, nghe lời chú Thiều nhé.”

Tôi không còn ngạc nhiên với cách cha tôi thủ thỉ với con trâu. Chúng tôi đều âu yếm vuốt ve hai con vật. Trống nổi lên, ông Thiều và hai con trâu vào cuộc.

Tôi đứng từ xa, không hiểu ông Thiều nói gì với hai con trâu, ngoài hai tiếng “Vắt”, “Diệt” mà cứ thấy miệng ông mấp máy. Ông không hề dùng roi. Hai con trâu như thể đã tập luyện cùng nhau cả tỉ lần. Chúng kéo hai cái cày phăng phăng, đều và đẹp một cách kì diệu.

Những tiếng cười nhạo nhỏ dần, rồi không còn ai la ó nữa, họ lặng im nhìn hai con trâu đang cày. Những tiếng cổ vũ to dần:

“Mộng Trắng. Dũng Sĩ cố lên!”

Rồi người ta gõ trống, hò reo, tiếng trống như thúc giục, động viên. Ban giám khảo sửng sốt. Ông Thiều và hai con trâu sắp cày xong mảnh ruộng thi khi thời gian mới đi được già nửa so với những cặp khác.

“Cha ơi! Mình sắp thắng rồi!”

Tôi nhảy lên ôm lấy cổ cha. Bọn thằng Qúy chạy lại túm lấy tay tôi, cười rạng rỡ. Thằng Quý ôm vai thằng Mận, reo to:

“Mộng Trắng với Dũng Sĩ giỏi quá mày ơi! Sắp thắng rồi!”

Không khí trên bờ sôi động khác thường. Chưa có cặp trâu cày thi nào mà không phải dùng roi vọt lại có thể làm được điều kì diệu đến thế. Chỉ còn vài đường cày nữa là mảnh ruộng hoàn thành. Thời gian trong tim tôi như ngưng lặng.

Bất ngờ, một cái roi tre từ đám khán giả bay vọt ra, nhằm đầu Mộng Trắng bay tới.

Chiếc roi tre quật vào mặt Mộng Trắng, rơi xuống ruộng.

Thình lình. Mộng Trắng sựng lại, rồi bất ngờ, nó lao vọt đi.

Không ai có thể tưởng tượng được sức mạnh dữ dội ở một con trâu đang sợ hãi. Nó lao đi với tốc độ kinh hoàng, kéo theo Dũng Sĩ và hai cái cày. Đám khán giả trên bờ vỡ tán loạn. Ông Thiều không còn cách nào khác là bỏ tay cho đôi trâu lồng trên các thửa ruộng.

Tôi lao ra khỏi đám người, chạy theo Mộng Trắng.

“ Họ. Họ. Mộng Trắng ơi! Họ họ.”

Tôi ngã sấp xuống mảnh ruộng vừa cày. Một ai đó nhấc lấy tôi đứng lên, là ông Thiều. Ông Thiều và cha tôi cũng chạy theo hai con trâu. Họ cũng gọi nó trong tuyệt vọng. Cha tôi bị đau chân, bước chạy của ông khập khiễng, trông rất đau lòng.

Bất ngờ hai con trâu dừng lại giữa đồng.

Khi chúng tôi đến gần, thấy hai con trâu đứng im, con nọ cọ sừng vào con kia, mắt Mộng Trắng vẫn long lanh, vằn những tia máu đỏ.

Cuộc thi không có giải nhất. Nhưng từ đó Mộng Trắng và Dũng Sĩ trong mắt mọi người không còn tầm thường nữa. Những anh thợ cày luôn muốn được đi cày cùng Mộng Trắng. Họ cũng đối với nó thật tốt, luôn tắm cho nó sạch bong, mát mẻ trước khi trả về cho tôi.

Suốt ba mùa hè, tôi và Mộng Trắng đã có biết bao kỉ niệm. Chúng tôi hái hoa sim, ăn quả sim và dâu da đất, tôi nằm ngủ trên tảng đá dưới suối khi bầy chim chơi trò bắt chước, và Mộng Trắng, Dũng Sĩ ngâm mình trong lòng con suối mát.

Mùa thu năm sau, tôi lên phố huyện học cấp ba.

Kì nghỉ đầu tiên về nhà, tôi sững sờ khi biết gia đình tôi đã không nuôi Mộng Trắng nữa.

“Con đi rồi, không có ai chăn thả, hợp tác xã lấy lại để giao cho nhà khác chăn con ạ.”

“Nhưng chỉ cần thả nó ra đồi, nó sẽ tự về, không phải chăn nó mà cha.”

Tôi khóc. Cha tôi lắc đầu.

“Biết là thế, nhưng nhà bà Ban cứ đòi nuôi nó. Họ lấy lại, cha làm sao dám giữ.”

Tôi ra đồi Trọc tìm Mộng Trắng. Tôi gọi nó. Từ trong một lùm cây, tiếng mõ lốc cốc vang lên. Mộng Trắng bước ra cùng Dũng Sĩ. Tôi mừng chảy nước mắt, vuốt ve cái sừng của nó. Mắt Mộng Trắng buồn mênh mang. Nó gầy đi rất nhiều.

Chiều tối, nó đứng trước cửa chuồng cũ rung cái mõ dưới cổ. Tối mịt nhà bà Ban cho người sang tìm dắt nó về. Cha tôi bảo từ ngày đến nhà khác, lúc nào gặp cha ở đâu nó cũng đi theo, nhìn theo, tội lắm.

Chị Hoài của tôi đi công nhân, làm ở Xí nghiệp liên hiệp thực phẩm. Năm cuối tôi học đại học, một hôm nhận được thư chị.

“Trọng ơi! Mộng Trắng chết rồi. Nó bị bán cho lò mổ của liên hiệp. Lúc chị nhìn thấy nó, chị không nhận ra, nó gầy và già quá, nhưng nhờ cái mõ trên cổ nó, chị ngờ ngợ, khi chị gọi nó “Mộng Trắng” nó lập tức ngẩng lên nhìn, rồi lắc mạnh cổ cho cái mõ rung lên lốc cốc.

Chị khóc òa. Trời ơi! Sao mày lại bị bán đến chỗ này hả Mộng Trắng. Làm thế nào. Làm thế nào tao cứu được mày đây?

Mọi người túm vào lôi chị ra. Người ta sắp giết nó. Người ta cầm cái đinh to sắp đóng lên đầu nó. Chị khóc to. Người ta bảo chị đừng khóc, số kiếp của con trâu đã hết rồi.

Em ơi. Chị không bao giờ quên được đôi mắt nó. Trước khi người ta lôi chị ra ngoài. Nó lắc cái cổ liên hồi, tiếng mõ lốc cốc liên hồi, và từ hai con mắt nó, hai hàng nước mắt trào ra…”

Chiếc mõ đeo cổ Mộng Trắng được chị Hoài mang về cho cha tôi, cùng đôi sừng của nó. Cha tôi treo bên cạnh hai chiếc sừng của Mộng Đen.

Mỗi lần về nhà, tôi lại đứng nhìn rất lâu hai cặp sừng đó, và tôi hiểu rằng không bao giờ tôi có thể gặp hai con trâu nào như thế nữa.

Nguồn Văn nghệ số 22/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm