April 20, 2024, 2:34 pm

Con đường mờ sương

 

Giỗ ông Mộc sau tiết đại hàn nên ngày này năm nào cũng rét căm căm. Gió lồng lộng thổi từ cánh đồng sau làng về nhà mang theo mùi bùn đất tanh nồng, và lá tre khô rụng kín mặt sân. Ở cánh đồng ấy nơi gồ đất cao nghĩa địa của làng có mộ ông Mộc. Một mấm mộ không xương cốt chỉ có bộ quần áo và đôi dép, tìm lại được ở dòng sông ngày ông phẫn chí trẫm mình. Mộ là nhà của người đã mất, mộ ông Mộc như nhà vắng chủ, cửa đóng then cài, đợi hồn ông đang ở đâu đó trở về.

            Tối qua cả nhà họp bàn chuẩn bị giỗ có đầy đủ con cái và các em ông Mộc, bà Ngát vợ góa của ông Mộc bảo:

            - Năm nay làm đơn giản thôi, chỉ mời họ hàng thân thích, chứ vẽ ra kính chẳng bõ phiền.

            Vợ chồng bà Ngát có ba con: Minh con gái lớn, Mạc con trai thứ hai, Mai con gái út. Năm ông Mộc mất tích, mọi người cho là ông nhảy xuống sông tự vẫn, cả ba còn nhỏ. Đã mấy chục năm qua rồi bây giờ họ đã trưởng thành, yên bề gia thất. Minh lấy chồng trên Thái Nguyên, cả nhà là công nhân gang thép. Mạc lấy vợ ở quê làm ruộng kết hợp buôn bán nông, lâm sản. Dân làng gọi “Mạc lái trâu”. Còn Mai, đứa con sáng giá nhất nhà, tốt nghiệp đại học lấy chồng viện sĩ, làm việc ở đại học thành phố.

  Nghe bà Ngát nói thế, Mai phản ứng:

            - Không được, chị Minh chắc ở xa không mời, còn khách của vợ chồng con, và của anh Mạc tính sao?

            - Thế các anh các chị cũng mời họ à?

            Mạc đang đưa cái điếu cầy lên miệng, đặt vội xuống, đáp lời mẹ:

            - Theo nếp cũ năm nào chúng con chẳng mời.

            Bàn đi tính lại, ý bà Ngát muốn bớt đi ba bốn mâm. Khách của con là cố định vì đã mời rồi, còn họ hàng tính đến từng người không bớt được ai. Cuối cùng cả nhà đồng ý làm như năm ngoái.

            Ông Mộc mất đã ba chục năm. Dạo ấy hòa bình được khoảng một, hai năm, anh Mộc về phục viên tiếp tục cái nghề theo đít con trâu. Làm ruộng tuy vất vả nhưng vẫn có mùa vụ, ngày nông nhàn, học được cách hoạn lợn từ người đồng ngũ, Mộc thường đi quanh làng xã kiếm thêm đồng chè thuốc. Nghề hoạn lợn ít người làm, nên vùng hoạt động của anh rộng ra cả huyện. Thu nhập bước đầu chỉ là thêm thắt, sau lớn dần tỷ lệ thuận với số bước chân của Mộc, đi nhiều thì kiếm được nhiều. Tiền hoạn lợn thành một khoản thu nhập không thể thiếu trong gia đình. Mộc hoạn lợn như người làm nghề chuyên nghiệp. Sáng khoác túi dao kéo dây gai đạp xe lên đường, chiều tối mò mới về với một mớ tiền nhàu nát nhưng cũng đủ mua cả tạ thóc. Anh sửa nhà sắm xe đạp Thống nhất cho vợ. Hoạn lợn khó nhất làm sao móc đúng cắt đi cái dạ con (Mộc gọi là cái hoa) trong bụng. Có người tưởng dễ bắt chước Mộc, nhưng lôi hết cả bộ lòng của lợn ra mà không tìm thấy cái hoa đâu, ấn vào ruột gan lộn phèo, con lợn chết như bị cắt tiết. Với Mộc thì đơn giản: treo con lợn lên cái thang rửa qua, dùng dao mổ là cái đinh mười phân được đập bẹp một đầu như lưỡi rìu, rạch sâu một đường rộng vài phân cho hai ngón tay vào, chỉ một phút lấy được dạ con ra, khâu lại bôi cho ít dầu hỏa là xong. Mộc thành người cả vùng biết tiếng, ai cần hoạn lợn đều tìm đến anh. Trẻ con nhìn thấy Mộc cao lớn lại râu quai nón như đàn ông đạo Hồi hết cả hồn vía. Vì mỗi lần khóc mẹ chúng lại dọa: “Mày không nín tao gọi ông Mộc vào bây giờ”.

            “Sông có khúc người có lúc”. Gia đình Mộc như con sông hết những ngày êm đềm, đến ngày nổi sóng. Mộc có vợ bé, không phải tin đồn. Một ngày nắng như thiêu như đốt, có cô gái tầm hai nhăm, hai sáu tuổi, da ngăm đen, tóc dài tận bắp chân, mang đưa bé gái độ ba tuổi đến nhà Mộc. Cô bảo: “Anh là quân lừa đảo mồm xoen xoét bảo có trách nhiệm, nhưng cả năm nay anh không đoái hoài gì tới mẹ con tôi. Con anh anh nuôi, để tôi đi lấy thằng khác”. Thế là cãi vã, đánh ghen nảy lửa xảy ra. Ngát như chảo mỡ đang sôi trên bếp lửa, chị đập phá, túm tóc tình địch, xé quần xé áo. Nhưng tình địch của chị không phải tay vừa, kẻ tám lạng người nửa cân. Cuối cùng hai người đều tô hô, trắng nhễu. Cánh đàn ông xem xấu hổ ra về, mà đầu vẫn nghoảnh lại. Mộc như bù nhìn rơm ngoài ruộng dưa, ruộng đỗ, không biết xử trí ra sao. Cuối cùng ông đội trưởng phải vào cuộc, ông kéo hai người ra hét lên: “Các người hãy dừng lại nhìn lại mình đi”. Hai người đàn bà bị tách ra khỏi nhau, ngượng ngùng thấy trên người không còn mảnh vải, họ chạy vào nhà. “Xấu chàng hổ ai”, Ngát xuống thang, chị hỏi chồng: “Tính thế nào đây”? Mộc kéo tay cô vợ hờ: “Bế con về đi, từ mai tôi sẽ có trách nhiệm”. Ngát như lửa đổ thêm dầu, rít lên: “Không được, có trách nhiệm để mỗi lần anh thậm thụt sang, nó ngửa lên lại có đứa nữa à. Mày về đi mai mốt tao sang giải quyết sòng phẳng”. Đúng như đã hứa, Ngát bán xe đạp, bán thóc, rút tiền tiết kiệm trả đủ theo yêu cầu của tình địch. Cô vợ hờ của Mộc đi lấy chồng mang đứa bé đi theo. Sáng sáng ngươi ta lại thấy Mộc, thong thả đạp xe trên đường cất tiếng rao: “Hoạn lợn đ…â…y…”.

            Được hơn một năm nhà Mộc sóng yên biển lặng. Trưa ấy vào cuối năm, sau tiết đại hàn trời rét căm căm, dân làng còn nhiều người trùm chăn chưa muốn ra đồng. Bỗng có tiếng kêu, tiếng gào thét từ hướng nhà Mộc, tưởng có cháy nhà mọi người vùng dậy xách thùng xách xô lao đến. Nhà Mộc không cháy. Trước mảnh sân nhỏ cái xe đạp nằm chềnh ềnh và túi đựng dụng cụ hoạn lợn của Mộc vương vãi mỗi thứ một nơi. Ngát quần áo xộc xệch, thấy dân làng đến gào khóc to hơn, chị vật vã: “Ối dân làng ơi, mới năm ngoái một con đĩ đến trả con, năm nay lại một con đĩ đến trả con, chồng gì mà như con lợn hạch. Trời ơi là trời, số tôi sao lại khổ thế này”. Mộc trong nhà hầm hầm ném cốc chén ra, mảnh vỡ trắng sân. Dân làng hiểu ra sự tình họ quay về. Một buổi trưa, hai buổi trưa, rồi nhiều buổi trưa, vợ chồng Mộc đánh chửi nhau quen như tiếng trống trường làng. Ngát nhiếc móc chồng với tất cả vốn từ ngữ ngoa ngoắt, độc địa mà chị có. Mộc cục cằn hung hãn, nhưng những đứa con cứ đến bám lấy mẹ, nhìn anh với con mắt ngơ ngác, khiến Mộc không thể xuống tay. Đến bữa ăn nếu Mộc ăn trước thì mẹ con Ngát ăn sau, mẹ con Ngát ăn trước thì Mộc ăn sau. Ngát đi đâu ba đứa con bám như cái đuôi, để lại ngôi nhà hoang vắng, chỉ còn Mộc cô đơn như con voi già bị tách khỏi bầy đàn. Mộc mất vị trí gia trưởng, không đi hoạn lợn nữa, tính tình anh trầm hẳn. Buồn bã một chiều tối sẩm, gió bấc hanh hao, lá khô rơi xào xạc trên đường làng, Mộc thấy lòng trống trải, hẫng hụt, anh lẳng lặng ra đi. Mẹ con Ngát nghĩ chắc Mộc đi chơi đâu đó như mọi lần. Ba ngày không thấy anh về, họ bấn loạn, hoảng hốt báo họ hàng đi tìm. Không thấy Mộc, chỉ thấy bộ quần áo dạt vào bờ tre chắn sóng. Gia đình thuê thuyền chài, thợ lặn mò dưới đáy cũng không thấy, họ tìm được đôi dép. Thuyền chài bảo: “Đoạn sông này nước xiết, chắc cuốn xác đi rồi”. Ngát ân hận chạy dọc bờ sông khóc chồng ngất lên, ngất xuống, thân hình gầy tọp. Giỗ ông Mộc được tính từ ngày đó.

*

            Bàn bạc chuẩn bị giỗ xong mấy người em ông Mộc ra về, mẹ con bà Ngát ngôi quanh bàn nước. Minh bảo:

            - Từ ngày bố mất nhờ trời phật, mà nhà mình cũng dần vượt qua được đói kém, đến nay đứa nào cũng có của ăn của để.

            Mai chen ngang:

            - Trời phật thì ở đâu đâu, chứ đúng ra không có cái bác tận trong rừng xanh núi đỏ giúp anh Mạc buôn bán, thì nhà mình chắc hẳn vẫn đói vàng mắt, chứ sao được như bây giờ. Bác gì ấy anh Mạc nhỉ?

            Mạc đặt chiếc điếu cầy xuống nền nhà:

            - Bác Hoán. Cô Mai nói đúng. Ngày ấy con mới mười sáu tuổi, chẳng biết run rủi làm sao bác ấy lại tới nhà xin nước, rồi chỉ cho con cách làm ăn.

            Bà Ngát vất cái tăm trong miệng ra:

            - Năm nay con có mời bác ấy không?

            - Năm náo con chẳng mời, nhưng không năm nào bác ấy đến – Mạc đáp

            Ngày chồng mất, mẹ con Ngát bắt đầu những tháng năm gian khổ. Gia đình thiếu người đàn ông trụ cột, động công to việc lớn đều phải nhờ vả, thuê mướn người ngoài. Tất cả mọi chi tiêu sinh sống của gia đình, đều nhờ mấy hạt thóc được chia của hợp tác xã, sau này cũng là thóc của năm sào ruộng khoán. Ngát oằn lưng trên đồng, nhưng cũng chỉ đủ cho con rau cháo, hàng năm mùa về mới được mấy bữa no. Minh, Mạc từ lúc mười tuổi đã phải ra đồng làm cùng mẹ, bắt thêm con chuột, con ốc về ăn.

            Năm Mạc mười sáu tuổi. Hôm ấy đi làm thuê cho chủ lò gạch, ra lò gạch đẹp chủ cho về sớm. Đang vục bể nước mưa uống ừng ực, thì có người sau lưng lên tiếng rất trong và nhẹ: “Cậu cho tôi một ngụm”. Mạc giật mình quay lại, thấy người đàn ông tầm bốn mươi tuổi, tóc lốm đốm bạc, mặt sạm đen, trên trán còn đọng những giọt mồ hôi vì đi đường nắng gắt. Mạc ngại ngần: “Nước toàn bọ gậy và nòng nọc, bác không uống quen, không uống được đâu”. Người đàn ông quả quyết: “Tôi uống được”. Bác vục gáo vào bể. Uống xong bác bảo: “Thả mấy con cá vào cho hết bọ gậy, nhà cậu hoang toàng quá”. Mạc mời bác vào nhà, bác lắc đầu ngồi bệt xuống hiên lấy nón quạt phành phạch. Bác hỏi gia cảnh. Mạc đứng dựa cột kể vanh vách. Người đàn ông nghe xong, vừa vẽ đường lên tờ giấy vừa bảo: “Tôi tên là Hoán địa chỉ và đường đi ghi trong tờ giấy này, khi nào rỗi cậu vào chỗ tôi, tôi sẽ chỉ cho cách thức làm ăn, cần sẽ cấp vốn cho cậu”. Người đàn ông ra về. Cầm mảnh giấy trên tay Mạc nghĩ: ông này nói để lấy lòng, chứ thời buổi vay cân thóc mẹ con Mạc còn phải chịu lãi, nói gì đến việc cấp vốn cho người không quen làm ăn? Mạc hờ hững nhét mảnh giấy vào khe cửa.

            Tháng mười khu lò gạch gây ô nhiễm môi trường bị đình chỉ hoạt động, Mạc mất chỗ làm thuê. Hàng ngày Mạc đi bắt chuột đồng bán kiếm tiền, nhưng rồi báo đài đăng tin chuột chứa mầm bệnh nguy hiểm, bán không ai mua. Mạc ở nhà chơi. Nhớ đến tờ giấy hôm nào, Mạc đến bên khe cửa moi ra nhẩm tính chặng đường. Mạc quyết định đi liều một chuyến. Mượn chiếc xe đạp cọc cạch của hàng xóm, sáng sớm sương còn giăng kín, Mạc đã lên đường. Đi qua bến đò, đi qua trại phong, đạp xe theo đường mòn vào rừng, vừa đi vừa hỏi, vượt tám quả đồi. Tối nhưng nhức Mạc thấy ánh đèn le lói trên quả đồi thấp, vào cổng không thấy người, Mạc gọi: “Bác ơi cho cháu hỏi nhà bác Hoán ở đâu”? Một đàn chó lao ra gầm gừ, sau đó có bóng người đàn ông ra mở cổng: “Tôi là Hoán đây”. Ông nói. Mạc trình bầy vắn tắt chuyện hôm nào. Nhận ra Mạc, ông vui mừng: “A di đà phật. Cậu đến được đây là cậu đủ nghị lực làm giầu. Mời cậu vào nhà”. Mạc khấp khởi vì đã đến được nơi cần đến. Nhà ông Hoán có ba gian tre gỗ, lợp ngói âm dương, ngoài cái giường được đóng cẩn thận, còn tất cả đều được làm dã chiến, như doanh trại bộ đội thời đánh Mỹ. Thấy Mạc nhìn quanh, ông Hán bảo: “Ở đây chỉ có mình tôi, nên cũng chẳng cần gì nhiều. Giếng ở đầu nhà cậu ra rửa tay chân, đợi tôi bắt con gà thịt ăn cơm. Sáng mai tôi sẽ dẫn cậu đi thăm vườn đồi, rồi bàn tính cách làm ăn”.

            Đêm trong rừng âm u, chỉ có tiếng gió lùa, tiếng cầm thú gọi bầy, và tiếng gà rừng eo óc gáy. Trong đời Mạc chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon, và ngủ một đêm say sưa như thế. Sáng, chờ sương tan ông Hoán dẫn Mạc đi thăm vườn đồi. Mạc sửng sốt trước cơ ngơi bạt ngàn cây quả, và những con trâu, con bò béo núc của ông. Ông vừa đi vừa nói những suy nghĩ trằn trọc đêm qua: “Tôi bàn với cậu hai cách. Một là cậu ở đây làm giúp tôi, vì đằng nào tôi cũng phải thuê người, hai là cậu dắt một con trâu nái về cầy bừa cho nhà cậu, nó đẻ, con nghé sẽ là của cậu, con trâu cậu bán đi đấy là số tiền tôi ứng vốn cho cậu, khi nào có thì trả”. Mạc bất ngờ trước cách tính rộng lượng của ông Hoán, cậu đắn đo nửa muốn ở lại làm cho ông, nửa muốn về. Ông Hoán hiểu, đưa ra quyết định: “Thôi sáng mai cậu cứ mang trâu về, giúp mẹ cầy bừa vụ này đã, mọi chuyện tính sau. Khi mang trâu về đừng nói gì nhiều về tôi, chỉ nói thuê của tôi thôi nhé”. Hai ngày, tay dắt xe đạp, tay dắt trâu, tối ngủ lại dọc đường, Mạc về tới nhà. Nghe Mạc kể lại bà Ngát vui mừng bảo: “Từ nay ba mẹ con hết phải còng lưng quốc đất”. Bắt đầu từ vụ chiêm năm ấy, Mạc thành anh thợ cày, cầy cho nhà mình, và cày thuê cho làng xóm. Bừa ải xong con trâu đẻ, vì nó đã có chửa từ khi còn ở trong rừng. Nhà Mạc có thêm chú nghé. Con nghé lớn vực được Mạc bán trâu, mang trả tiền ông Hoán. Ông vui mừng: “A di đà phật, bước đầu như thế là tốt rồi. Cậu cứ giữ lấy để làm vốn tôi chưa cần đến”. Theo ý ông, lần này Mạc dắt hai con trâu về, đúng như tính toán của ông, Mạc lãi gần một con. Cứ thế Mạc như con thoi đi về, lãi mẹ đẻ lãi con, Mạc thành người buôn trâu. Nhà Mạc khá lên từ đó. Mạc làm nhà, mua xe máy, cùng mẹ giúp chị gái xin việc, em gái học hành thành đạt.

*  

            … Minh vẻ khó chịu, bảo:

            - Có thờ có thiêng có kiêng có lành, hôm nào con đưa mẹ đi chùa gọi rí cho bố, xem bố có nói gì không. Mạc và Mai có điều kiện mời nhà ngoại cảm về tìm hài cốt bố, chứ đành bó tay sao?

            Mạc lắc đầu:

            - Cả một con sông dài bao nhiêu năm phù sa bồi lắng, biết đâu mà tìm. Mẹ kể ngày xưa thuê cả thuyền chài, thợ lặn mò mấy ngày trời không thấy, bây giờ sao thấy được.

            Không khí lắng xuống, bà Ngát thở dài:

            - Năm ấy cánh thuyền chài bảo sông chảy xiết mang xác bố các con đi xa, bây giờ tìm khó lắm. Hôm nào rảnh mẹ sẽ đi chùa làm lễ, nhưng cũng phải có lần vào nhà bác Hoán để cảm ơn, để có trước, có sau.

            Mạc vỗ đùi reo lên:

            - Thôi chết, bây giờ con mới nhớ ra, gần nhà bác Hoán có ngôi chùa cổ, đông người đến lễ lắm, con tính hôm nào cả nhà mình cùng đi, tiện một công đôi việc.

            - Thế thì tốt quá, cậu tính ngày đi.

            Minh nói. Mai bấm đốt ngón tay.

            - Còn hai ngày nữa mới giỗ, theo con thì mai đi không công việc cuối năm khó xếp lắm.

            Bà Ngát gật đầu:

            - Cũng phải. Thế mai đi sớm để còn sắm lễ.

            Đêm mùa đông dài dằng dặc, chỉ có Mạc đặt lưng là ngáy như tiếng máy công nông, còn ba mẹ con đàn bà con gái không ai ngủ được, thấp thỏm đợi chuyến đi. Năm giờ sáng bà Ngát đã gọi các con dậy. Bốn mẹ con đi bằng hai xe máy, qua bến đò mới gặp người đi chợ. Năm nay rét, lâu lắm không mưa, đất đai cằn khô, sương muối trắng những bãi cỏ, hoa cải ven sông nở vàng lay lắt. Cây cối hai bên đường bạc phếch nhuốm một màu đất. Mạc đã quá quen với con đường, còn ba người phụ nữ lần đầu tiên đến nơi này, họ xuýt xoa lạ lẫm, bởi càng đi càng thấy hun hút xa xôi. Mười giờ công việc cúng lễ ở ngôi chùa cổ xong, mẹ con bà Ngát đến nhà ông Hoán. Họ vô cùng ngạc nhiên trước khu vườn đồi của ông.

            Mạc bảo:

            - Chưa tính đến gia súc gia cầm, khu đồi này đã có người trả bác ấy bạc tỷ rồi đấy mẹ ạ.

            - Đến quá đi chứ.

            Bà Ngát đồng tình. Ông Hoán từ lúc khách đến, sau những lời chào hỏi, ông cứ lụi cụi dưới bếp, hình như trong ông có gì hệ trọng diễn ra. Cơm nước xong, bà Ngát trình bầy:

            - Thưa bác hôm nay mẹ con em đến, trước là thăm bác, sau là xin được nói lời cảm ơn tấm lòng của bác, đã cưu mang giúp đỡ mẹ con em để có ngày hôm này. Ông Hoán đứng lên tay run run:

            - Có gì đâu mà chị phải cẩn trọng thế. Nhưng quả thật tôi đợi ngày này cả chục năm rồi. Hôm nay đông đủ các cháu tôi xin nói hết chuyện đã qua.

            Mẹ con bà Ngát sững sờ. Ngôi nhà lặng phắc nghe rõ tiếng mọt cọt kẹt trong song cửa, tiếng lá khô rơi, giọng ông Hoán lúc đều đều, lúc tắc nghẹn:

            - A di đà phật. Đêm ấy Mộc không chết như người ta tưởng. Trong tâm trạng hụt hẫng buồn chán, anh giật tung quần áo lao xuống sông, là người biết bơi Mộc cứ ngửa người trôi theo dòng nước. Trôi mãi, trôi mãi. Mộc dạt vào một cồn cát lao sậy um tùm, lúc bấy giờ mới thấy rét. Mộc lồm cồn bò lên vơ lá khô làm ổ nằm chờ trời sáng. Khi mặt trời lên Mộc bơi vào bờ, gặp ông già râu tóc bạc trắng, bàn tay các ngón đều thiếu đốt, đang mệt nhọc đẩy xe đạp thồ chở bao phân đạm, anh hỏi: “Ông ơi đường này đi đâu hả ông”? Ông già nhìn anh từ đâu đến chân, thấy anh trên người mặc độc bộ quần áo lót, tưởng kẻ tâm thần, ông hất hàm: “Trại hủi”. Ông đẩy xe đi. Mộc bám theo hỏi tiếp: “Thế qua đó thì đi đâu”? “Vào rừng cậu có thích thì theo tôi”. Mộc nắm vào ghi đông xe đạp: “Để cháu”. Ông già nhận ra, Mộc không phải tâm thần, ông nhường xe lùi lại phía sau. Ông hỏi: “Sao cậu lại thế này”? Mộc nói dối: “Con bị bọn thuyền chài đánh hội đồng, phải bỏ của chạy lấy người”. “Thế cậu định đi đâu”? “Con chưa biết”. Ông già đắn đo: “Nếu cậu không ngại, thì đến chỗ tôi”.

            Hai người đẩy xe vượt qua những con đường quanh co, những quả đồi cây cối rậm rạp, trưa rặt mới về đến quả đồi thấp, ở đấy có ba gian nhà tre gỗ lợp ngói âm dương. Ông già bảo: “Tôi tên là Bắc. Đây là nhà và đồi vườn của tôi. Chẳng giấu gì cậu, tôi là bệnh nhân phong khi điều trị khỏi không biết về đâu, vào đây làm vườn để sống. Nếu cậu cũng không còn nơi đi về, và không ngại thì ở đây với tôi, cùng làm cùng hưởng, khi tôi chết tất cả là của cậu”. Nghe ông Bắc nói, Mộc rưng rưng: “Vâng con xin ở đây với ông”. Thế là Mộc có chỗ trú thân. Hàng ngày hai ông con lăn lưng ra với vườn đồi. Đất phì nhiêu, thiên nhiên ưu đãi, hoa mầu súc vật thi nhau sinh sôi nảy nở. Hai người quý nhau như cha con. Ông Bắc quê ở xa lắm, ông bảo: “Bẩy năm điều trị ở trại phong người thân không ai đến thăm, họ coi như ông đã chết làm sao còn có đường về”. Một buổi trưa Mộc về trước nấu cơm, đợi mãi không thấy ông Bắc về ăn. Anh nóng ruột chạy ra vườn. Mộc hoảng hốt khi nhìn thấy ông Bắc nằm co quắp trên bãi cỏ, chân phải phình lên tím mọng như quả sim chín, cạnh đó là con rắn hổ mang to như bắp tay bị chặt làm đôi, đang uằn mình trên vũng máu. Mộc lao đến ôm lấy ông Bắc, ông đã tắt thở. Anh vuốt mắt cho ông, khóc như ngày cha mất.

            Khu vườn đồi còn lại mình Mộc, bây giờ ông mới cảm thấy nỗi cô đơn mà trước kia ông Bắc đã phải gánh chịu. Ngày công việc quên đi tất cả, nhưng đêm xuống tất cả lại trở về hối thúc. Mà đêm ở rừng dài dường như vô tận, làm cho Mộc không sao ngủ được. Có đêm anh đã ngồi bên mộ ông Bắc tới lúc mặt trời lên. Ngày giỗ đầu ông mưa ngút ngàn, lạnh tê cứng  tay chân, hạ đồ cúng xuống, Mộc ngồi uống hết cả chai rượu, nhìn ra dải rừng trước mặt, gió rật ào ào rừng ngả nghiêng, đàn cò cứ bay rồi lại đậu chới với bám lấy ngọn cây, tổ, con non, trứng rụng lả tả. Mộc liên tưởng đến cái tổ ấm của mình, anh nghĩ: Con anh cũng đang rơi xuống như những chú cò non. Mộc khóc, anh căm giận mình, với con dao, Mộc cắt xoẹt hai hòn giống ném ra sân. Rượu ức chế mọi cảm giác, không đau đớn, chỉ có vết máu lênh láng chảy. Hai tháng vết thương lành sẹo, Mộc thành người khác hẳn, anh yếu đuối héo rũ như tầu lá phơi ngoài trời nắng.

            Ông Hoán dừng lại như để có thêm bình tĩnh:

            - Tôi nhận được thư của Mộc, đến đây thì anh yếu lắm rồi. Nửa tháng sau anh ấy mất, mộ an táng cùng chỗ cụ Bắc. Trước khi mất, Mộc giao cho tôi trông nom khu vườn đồi này, và tạo điều kiện cho mẹ con chị làm ăn, nên tôi mới đến gặp cháu Mạc. Gần hai chục năm tôi đợi chị và các cháu đến để giao lại khu vườn đồi này, nay mẹ con chị đến, xin giao lại tất cả cho chị. Tôi là bạn đồng ngũ, người đã dạy anh Mộc hoạn lợn.

            Trên gương mặt ông Hoán có dòng nước mắt lăn dài. Bốn mẹ con bà Ngát không ném nổi lòng mình, họ ôm nhau vật vã. Mạc cố chấn tĩnh:

            - Không, vườn đồi này là của bác, mẹ con cháu không nhận đâu.

            Ông Hoán lắc đầu:

            - Bác không con cái, vườn đồi với bác chẳng có nghĩa gì cả. Trước khi về đây bác đã là kẻ tu hành trụ trì một ngôi chùa, nay bác muốn trở về ngôi chùa ấy.

*

Không như dự tính đi về trong ngày, mẹ con bà Ngát phải ở lại rừng, để sáng hôm sau về sớm. Ông Hoán đưa họ ra thăm mộ ông Mộc, cụ Bắc an táng ngay sườn đồi. Chiều rừng lạnh giá có tiếng chim hót véo vót thả vào không gian, tiếng nước dưới khe róc rách như đánh động khoảng trời, làm bớt đi cảm giác hoang vắng, u buồn. Đêm xuống nhanh. Ông Hoán đốt thêm đống lửa, căn nhà ấm áp hẳn lên. Ông nói lại lần nữa việc giao lại vườn đồi cho mẹ con bà Ngát. Bà khăng khăng không nhận. Ông bảo:

            - Thôi để sáng mai bàn tiếp, bây giờ khuya rồi chị và các cháu phải nghỉ cho đỡ mệt.

            Mọi người đi nằm ai cũng trằn trọc khó ngủ, nhưng gần sáng đều thiếp đi mê mệt với giấc mơ riêng. Mai mơ thấy đám cưới của mẹ với một người đàn ông dong dỏng cao, giọng nói trong và nhẹ. Đám cưới cơ man là người, là hoa, nhìn mãi mới nhận ra chú rể ấy chính là bác Hoán.

            Sáng khi những tia nắng đầu tiên rọi qua cửa sổ, mẹ con bà Ngát mới bừng tỉnh. Họ lục tục dậy chuẩn bị ra về, không thấy ông Hoán, linh tính mách bảo có điều gì đó không bình thường. Mạc đến bên chiếc rương đựng tư trang của ông. Không còn gì cả. Mạc sập nắp rương buồn rầu;

            - Bác ấy bỏ đi rồi.

            Bốn mẹ con bà Ngát chạy xuống chân đồi. Nhìn dọc cánh rừng không thấy bóng ông Hoán, chỉ thấy con đường rừng mờ sương tít tắp.

 

                                                                                                                        N.T.S

Nguồn Văn nghệ số 28/2019


Có thể bạn quan tâm