April 20, 2024, 8:38 pm

Con đường đến trái tim phải bắt đầu từ trái tim

 

Thời kinh tế thị trường có câu rằng: Cái gì cũng có thể mua bằng tiền, nếu không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Điều đó có thể đã không đúng với văn chương. Đơn giản là vì, có thể đầu tư nhiều tiền để có tác phẩm hay thì mấy ai dám chắc?

 Từ buổi lọt lòng, tôi đã được nghe lời ru của mẹ. Chỉ có thế mà thành quê hương. Không chỉ có vậy, ở bên trong, ở phía sau sự chân thành, mộc mạc còn là dung dưỡng, là tâm sự gửi gắm, kỳ vọng tốt đẹp về một “ngày mai”. Rồi mãi tôi mới ngộ ra, lời ru là tác phẩm lớn. Nói cách khác, “tác phẩm” ấy đã dựng lên tượng đài yêu thương trong trái tim người.

Ảnh Internet

Ấy thế mà mỗi thời, câu hỏi: Thế nào là tác phẩm văn học lớn (?) lại có thêm nhiều sự bàn luận. Đó là tác phẩm có thể tham gia gián tiếp vào sự biến đổi xã hội, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan… Đó phải có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật… Đó phải là một người khổng lồ về tư tưởng, tài năng… Nói chung là mọi hình dung, phân tích, lý giải hầu như chưa vượt qua được câu ngắn gọn nhất của M.Gorki “Văn học là nhân học”, ở đây chỉ cần thêm chữ “lớn” hoặc là chữ “hay” mà thôi.

Xưa nay tác phẩm văn học tồn tại được đều xoay quanh cái “tâm điểm con người”. Ở đó, triết lý nhân sinh được giải mã theo sự phát triển của thời đại và mỹ cảm của người thể hiện. Đương nhiên, sự thể hiện ở tầm khái quát cao theo quy luật sinh tồn muôn thuở. Đó phải là tác phẩm chuẩn mực và không thể thay thế được.

Chả riêng nhà văn, mọi công dân không thể đứng ngoài đất nước, dân tộc, càng không thể đứng ngoài thời cuộc và số phận con người. Khi nỗ lực sáng tạo hết mình cho tác phẩm, không nhà văn nào lại không có mong muốn nâng đỡ, bồi đắp tâm hồn con người để đi đến hoàn thiện hơn, nhân ái hơn.

Nhưng sự thể đã khác. Trong cuộc đua chen vật chất, đồng tiền nhiều khi đã làm khuynh đảo nhiều giá trị trong xã hội. Không phải tất cả, nhưng không thiếu tác phẩm văn chương có thể thay thế. Nó chưa neo lại được trong sâu thẳm trái tim người.

Làm thế nào để có tác phẩm hay? Câu trả lời trước hết đi từ chủ thể đầu tiên là nhà văn. Không thể có tác phẩm đích thực nếu không có nhà văn đích thực. Những tác phẩm đích thực chỉ có thể bắt nguồn từ tài năng của nhà văn, từ nhiệt huyết của cuộc sống.

Lịch sử đã trải nghiệm, ở bất kỳ chế độ xã hội nào thì vấn đề làm người cũng được đề cao, thậm chí vấn đề xây dựng nhân cách đi trước. Xác định vai trò của văn học trong việc ổn định xã hội và ngăn ngừa tội ác chính là lý do tồn tại của văn học. Và chính văn học là nhu cầu tồn tại của xã hội, của con người.

Có thể tăng trưởng nóng đang làm mai một bản sắc, biến dạng nền văn hoá, cả những biểu hiện giẫm đạp lên phẩm giá con người… Song những tác phẩm văn học mang những thông điệp tốt đẹp vì con người luôn là mệnh lệnh của trái tim các nhà văn.

Đổi mới nào cũng có căn nguyên của nó. Trong quá trình phát triển, có những hành vi của con người mà pháp luật chưa thể điều chỉnh, thì ở đó có can dự của văn chương.

Thực tế đang tồn tại nghịch lý: Một phía cần, nào là “đỉnh cao”, nào là “tinh tuý”, “có giá trị sâu sắc”…; một phía khác chỉ thích “bình dân”, “vui vẻ”… thôi; nó giằng co mãi. Phía sau những nỗ lực là sự im lặng đáng sợ. Văn nghệ có hai mâu thuẫn cơ bản chưa được lý giải. Một là, thành quả lao động nghệ thuật thường là sản phẩm đơn độc của tài năng và cá tính sáng tạo, khó có thể áp dụng đại trà hay dùng mệnh lệnh hành chính. Hai là, lao động nghệ thuật là một nghề được xã hội công nhận nhưng “tác giả” lại chưa khi nào sống được bằng nghề… Trên con đường độc hành đầy cô đơn và khó nhọc ấy, cách nghĩ và cách hành xử với văn chương cảm giác nhiều khi vẫn được chăng hay chớ. Thực tế, số phận của nhiều tác giả, tác phẩm như ánh sao băng. Vô cảm là hội chứng, hô hào cũng thành hội chứng tự bao giờ. Nếu chỉ hô hào đến lòng nhiệt tình là quá phiến diện, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Nó cần có một kế hoạch đầu tư đưa tác phẩm đến với công chúng một cách rộng rãi, nhất là khi sự xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có nguyên nhân hoàn toàn “không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Ý của Napoleon). Bởi vậy, những vấn đề nóng bỏng của xã hội vẫn luôn là một thổn thức của văn học.

Nói khó khăn không có nghĩa là đổ lỗi cho khách quan mà chính bản thân mỗi nhà văn đã cố gắng vươn lên, nhưng phải thẳng thắn nói rằng, chất lượng tác phẩm vẫn còn nhiều bàn cãi. Nếu coi nhân lực là một khâu đột phá, thì đối với văn học lại phụ thuộc vào tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của “chủ thể sáng tạo” chứ không thể căn cứ vào việc đào tạo. Tài năng không dễ có - “Nhân tài như lá mùa thu” mà. Nếu tính hiện nay cả nước có khoảng 2.000 người sáng tác chủ lực, các hoạt động chuyên ngành chỉ có khoảng trên dưới 10.000 người làm nghề cho ít nhất 100 triệu người hưởng thụ, thì quả không nhiều. Có thể có trường dạy viết văn đúng, nhưng chưa có trường dạy viết văn hay. Những sự giông giống văn nghệ thì nhiều, chứ để có được một văn nghệ đích thực không dễ. Lại nói trước đây, khi chưa có thị trường, thế gian vẫn có những nền văn minh rực rỡ. Sự phát triển văn học là nhu cầu tồn tại của chính quốc gia đó chứ không phải phụ thuộc khả năng chi trả nào. Bởi vậy, khi xác định đầu tư cho văn học là trách nhiệm của nhà nước thì đó hoàn toàn không phải là sự “ban ơn”. “Của cho không bằng cách cho” - từ xưa tới nay, người đời vẫn đối xử với tài năng như vậy.

Văn học nâng đỡ, bồi đắp cái thiện của con người trong cuộc sống, chứ không chống lại con người. Giàu có mà lòng người không vui thì đây đó vẫn còn lắm rối ren cần được cởi nút. Và ở đó, tư duy cho sự phát triển con người mới là cứu cánh để văn học thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống.

Nhà văn lúc nào cũng nuôi dưỡng hy vọng sẽ xây được một tượng đài yêu thương trong trái tim người. Có lẽ chẳng riêng cá nhân tôi, mà tôi thiển nghĩ, các nhà văn đều mong muốn như thế, chỉ có điều, như trên đã nói, trong lớp học cuộc đời, mấy học trò đã dám tự nhận tài năng?

Trở lại câu hỏi cũ, tác phẩm hay đang ở đâu. Dễ dàng nhất là câu trả lời ở trong đời sống. Rồi ai cũng im lặng. Nhà văn viết là nhu cầu tự thân, nhưng thiếu vắng ý tưởng lớn, sẽ không thể có tác phẩm lớn. Nó còn cần ở một tác động khác….

Con đường đến trái tim phải bắt đầu từ trái tim.

Nguồn Văn nghệ số 43/2019

 


Có thể bạn quan tâm