April 24, 2024, 10:59 pm

Cơn “địa chấn” mang tên John McCain

Người xưa có câu “mọi chuyện hãy chờ cái quan định luận ” (đậy nắp hòm rồi mới có thể khen chê hay dở!) Nhưng trường hợp Thượng Nghị Sỹ John McCain, không những nắp hòm đã đậy, mà quan tài cũng đã đem chôn, nhưng những đánh giá về Thượng Nghị Sỹ  - cựu phi công “mặc quần áo ngủ” vẫn còn khác nhau, cả ở trong lẫn ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, một thực tế không thể bác bỏ là ở Việt Nam, mạng xã hội những tuần qua tràn ngập lời tốt đẹp nóivề Thượng Nghị Sỹ - vị anh hùng của nước Mỹ, người bạn lớn của Việt Nam, cho dù sự ra đi của ông đã đẩy cuộc hỗn chiến trong giới chóp bu Hoa Kỳ lên tầm mức khác thường.

Nhiều người Hà Nội đã đặt vòng hoa viếng ông, cũng như viết lời chia buồn trên trang mạng của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, một số người khác đã đến bức tượng (tạc ông quỳ gối giơ tay đầu hàng) bên hồ Trúc Bạch, nơi ông nhảy dù rớt xuống hồ, để tỏ lòng tưởng nhớ. Lời chia buồn và những từ ngữ kính trọng dành cho ông John McCain không chỉ đến từ những người xuất thân trong chínhthể Việt Nam Cộng Hòa trước đây, mà còn từ những người sinh trưởng tại miền Bắc thời chiến tranh phá hoại. Mỗi bài viết ngắn đều có hàng trăm lời nhận xét (comments) và chia sẻ, phần lớn đều phản ánh tình cảm chân thành của nhữngngười dân, từcác nguồn gốc xã hội khác nhau.

Nhân cách và sự cống hiến

Vượt trên mọi sự thị phi của người đời, chínhnhân cách và sự cống hiến của cá nhân John McCain đã góp phần đưa những người khác chiến tuyến trở nên gần gũi nhau hơn, như cách mà ông John McCain đã nỗ lực thực hiện với tái lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua hơn 5 năm tù đàyở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và có thể do kinh nghiệm trải qua thời chiến và những năm tháng tù ngục, “năm năm là bấy nhiêu ngày…” kể cả những lần bị dẫn điệu đi trên đường phố Hà Nội, John McCain đã trở nên một con người đặc biệt.

John McCain nhiều lần nhắc lại những năm tháng bị đầy ải, trong đó có hơn hai năm bị biệt giam, nhưng thay vì gặm nhấm các ký ức hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình để trở thành một chính trị gia, vận động cho quyền lợi của những người yếm thế ở trong và ngoài Việt Nam, nơi ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời. Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, Tổng thống Trump nói McCain không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua các cuộc chiến ở mọi thời đại, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện. Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các kẽ sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học… nhưng người đời đều coi họ là anh hùng theo đúng nghĩa của từ này.

John McCain đã dành hơn 30 năm cuộc đời cống hiến tại Thượng viện Mỹ. Trong thời gian đó, ông đã viết nhiều sách và thực hiện hàng trăm bài phát biểu. John McCain từng hai lần là ứng cử viên tổng thống. Những suy nghĩ, quan điểm mà ông bày tỏ thể hiện bản lĩnh của một chính trị gia tầm cỡ. Cố thượng nghị sĩ 81 tuổi được tưởng nhớ như nhân vật chính trị tới từ Arizona quan trọng nhất trong 50 năm qua. Trong cuốn sách của mình mang tên Faith of My Fathers: A family memoir (Trung thành với truyền thống cha ông: Hồi ký gia đình), McCain viết: "Tôi cảm thấy càng yêu đất nước hơn khi sống những ngày tù ngục. Tấm lòng ái quốc vẫn soi tỏ. Song khác với trước đó, khitôi cũng giống hầu hết thế hệ trẻ, tình cảm chỉ giản đơn là biết ơn những đặc quyền mà mỗi người Mỹ được thụ hưởng. Phải cho tới khi đứng ở bờ vực của sự ra đi, tôi mới ng ra mình yêu tổ quốc biết nhường nào".

Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa năm 2004, ông nói: "Sinh ra là người Mỹ. Chết đi là người Mỹ. Chúng ta mãi mãi là con dân đất Mỹ. Chúng ta có thể tranh luận về những khác biệt nhưng chắc chắn chúng ta là đồng đội chung chiến tuyến. Lực lượng quân đội chỉ mạnh được khi dân tộc đồng lòng và dành cho họ tình cảm bất diệt". Tại buổi gặp gỡ cử tri tại tòa thị chính, một người phụ nữ đã bày tỏ ý kiến không tin tưởng Barack Obama vì ông có gốc gác Ả Rập. Lập tức, John McCain đáp trả: "Đừng nghĩ vậy thưa bà. Obama là một người đàn ông đứng đắn, hết lòng vì gia đình, một công dân mà tôi chỉ không đồng ý với một vài quan điểm nền móng chính trị. Đó mới là điều cốt lõi phải bàn của chiến dịch tranh cử này".

Tổng thống Trump thời còn là ứng viên từng có lần bày tỏ thái độ tiêu cực với gia đình những người có công trong chiến tranh Mỹ - Iraq. Thượng nghị sĩ quá cố lập tức có động thái thể hiện quan điểm: "Đã đến lúc để Donald Trump thiết lập đất nước và tương lai của Đảng Cộng hòa. Dù ông ta là người Đảng chúng tôi tiến cử, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ quan điểm gây tổn thương cho những người ưu việt nhất trong cộng đồng. Tôi muốn nói với ông bà Khan rằng: "Cảm ơn gia đình đã nhập cư vào Mỹ. Đất nước chúng ta sẽ trở nên tốt hơn khi có các bạn. Và ông bà đúng khi cho rằng việc tưởng nhớ sự hy sinh của con trai ông bà thúc đẩy Mỹ trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn".

 

Lập trường kiên định về Biển Đông

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain ngày 4/01/2016, từng chỉ trích chính quyền Obama trước đây đã thiếu quyết đoán trong đối sách chống Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông McCain, việc Washington chậm tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc tại Trường Sa đã khuyến khích tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Trả lời hãng tin Anh Reuters, Thượng Nghị Sỹ McCain từng quy thái độ thụ động của Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc tiếp tục theo đuổi các tham vọng lãnh thổ trong khu vực, và gần đây nhất là việc cho các máy bay chiến đấu hạ cánh xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa.

Đối với ông McCain, việc Mỹ không ráo riết tiến hành các chiến dịch tuần tra vào năm 2015 “rất đáng thất vọng, cho dù không đáng ngạc nhiên”. Theo ông McCain, chính quyền Obama hoặc đã không đảm đương được tính chất phức tạp của quy trình ra quyết định liên ngành trong địa hạt an ninh quốc gia, hoặc là quá sợ rủi ro trong việc làm những điều cần thiết nhằm bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc luật pháp tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Ngay sau chiến dịch tuần tra đầu tiên do khu trục hạm USS Lassen thực hiện ngày 27/10/2015, các giới chức Mỹ từng tuyên bố là sẽ có những chiến dịch kế tiếp. Mọi người chờ đợi là sẽ có một chiến dịch thứ hai trước cuối năm 2015, tuy nhiên, chính quyền Mỹ sau đó đã xác định rằng cuộc tuần tra kế tiếp chỉ diễn ra vào đầu năm 2016.

Theo hãng Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp xin giấu tên đã xác nhận rằng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ phải cân nhắc các thời điểm thích hợp. Trong một lá thư đề ngày 21/12/2015 gởi Thượng nghị sĩ McCain, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nhắc lại quan điểm của Washington là sẽ tiếp tục cho tàu và phi cơ tiến vào bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.Đây không phải là lần đầu tiên Thượng Nghị Sỹ John McCain phê phán chính quyền Obama là quá mềm yếu trong việc chống lại những hành động coi thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông. Vào năm 2017 chính ông cùng với 3 Thượng nghị sĩ có uy lực khác tại Thượng viện Mỹ đã gởi thư ngỏ yêu cầu chính quyền Mỹ phải có chính sách rõ ràng hơn về Biển Đông.

 

Đấu đá trên đỉnh chín tầng cao

Từng có một thuyết âm mưu cho rằng, cách người ta tổ chức lễ quốc tang của McCain là để tạo cớ cho những người ủng hộ và chống đối đương kim tổng thống Donald Trump có dịp “đấu tố” lẫn nhau, làm bộc lộ rõ hơn những màn đấu đá phức tạp trong giới chóp bu hiện nay của nước Mỹ… Dù thuyết này đúng hay sai, một sự thật khó chối cãi là, giống như hai cố tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan, nhà hoạt động dân chủ Rosa Park và một số thượng nghị sĩ nổi tiếng, linh cữu của người hùng chiến tranh John McCainđã được quàn tại tòa nhà Quốc Hội ở Washington.Thành ra, ông là một trong mười ba thượng nghị sỹ trong lịch sử nước Mỹ được đặt quan tài tại tòa nhà lịch sử này. Tuy nhiên, một “trái khoáy” nổi bật khác: lần đầu tiên trong lịch sử đương đại của Hoa Kỳ, đối với vị tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng Hòa, tức là ông Donald Trump, cùng đảng với ông McCain, thì chính cá nhân ông John McCain đã không muốn mời ông Donald Trump dự lễ tang của ông. Gia đình ông John McCain đã phải theo lời dặn của ông. Tuy nhiên, phó tổng thống Mike Pence đã dự lễ tang.

Sự phản đối nhằm vào Tổng thống Trump bùng lên khi sáng sớm ngày thứ hai sau khi ông McCain qua đời (thì không còn treo cờ rủ nữa). Các phóng viên phát hiện lá cờ trên nóc Nhà Trắng đã được kéo lên tới đỉnh. Điều này đã khiến các cựu chiến binh Mỹ hết sức tức giận. "Thật đáng thất vọng khi Nhà Trắng tưởng niệm sự ra đi của người anh hùng John McCain bằng một đoạn tweet có hai câu mà không nhắc đến cuộc sống anh hùng và cuộc đời đầy cảm hứng của ông ấy", một cựu binh Mỹ chỉ trích. Thậm chí, người ta còn gọi cách Nhà Trắng kéo cờ lên sớm là không tôn trọng con người gần như dành cả đời để phục vụ cho nước. Lưỡng đảng trong Quốc hội cũng đưa ra những phản ứng với cách Nhà Trắng kéo cờ lên quá sớm. Cả Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell đều lên tiếng kêu gọi Nhà Trắng thể hiện sự tôn trọng với ông McCain.

Các cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush - hai người đã từng đánh bại ông John McCain trong những cuộc bầu cử tổng thống trước đây, ông Obama trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2008, và Bush trong vòng bầu cử sơ bộ trong Cộng Hòa năm 2000 - đều ca ngợi sự chính trực của ông McCain. Có điều là sự tôn vinh McCain lại thường đi đối với sự phê phán đương kim tổng thống Trump. Tuần trước chẳng hạn, Ông Obamađã chỉ trích mạnh mẽ, tấn công người kế nhiệm của mình một cách đích danh, lên án đường lối của Trump hiện nay là “nền chính trị của sự sợ hãi và oán giận”. Nền chính trị đó không bắt đầu với Donald Trump, theo Obama “Trump là một triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân. Ông ta chỉ lợi dụng những bất bình của dân chúng do các chính trị giacủa chúng ta gây ra trong nhiều năm”./.

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm