March 28, 2024, 6:47 pm

“Con chữ bò ngang”, nghịch lý cuộc đời

CHU THỊ THƠM

Con chữ bò ngang

Không phải dùng ngôn từ bí hiểm cho những cuộc truy hoan. Và đặt tên những cái hĩm, thằng cu... thành Yến Oanh, Hùng, Dũng... Tôi lặng lẽ khều lên từ đám rong rêu non trẻ, tìm cho mình những con chữ bò ngang...

Bốn bề những con chữ bò ngang...

Những con chữ bò ngang gặp vồng cát cuộc đời. Mướt mát mịn dưới chân, ngỡ con đường trải thảm. Ngỡ hang ẩn dưới chân, ngỡ nơi trú là an toàn tuyệt dối. Vồng cát mịn êm ngỡ yên ả con đường...Không phải là điểm khởi đầu, không phải là điểm kết thúc. Bò ngang nên ngỡ mình tìm ra giới hạn. Giới hạn cuối cùng là thấy không giới hạn đâu...

Những con chữ bò ngang thay tên gọi mỹ miều bằng những tiếng gọi nguyên sơ của nó. Tôi nhìn thấy bom rơi làm nát thân người bạn. Nhìn thấy một mặt người lại cất tiếng gư... gư... Tôi nhìn thấy kẻ gian móc túi đời đánh cắp niềm tin yêu đồng loại. Nhìn thấy ả ca-ve đóng giả vợ ngoan hiền...

Tôi nhìn thấy cuộc đời như một bàn tay. Năm ngón chỉ ngỡ về nơi duy nhất. Nhưng cao thấp, nhỏ to chưa bao giờ là nơi thuần nhất, cho những hành trình không đến trước hoặc sau...

Những con chữ bò ngang lết ra đến mặt cầu. Sông Ô Thước rộng và sâu, ngăn những vần thơ sắp ngã. Sóng sủi bọt toan ném tung vào hẻm đá. Những con chữ bò ngang tất tả lại quay về...

Tôi gói những con chữ theo lộ trình thứ tự trước sau, ngỡ xếp được những nắp ngăn, những nguyên âm, phụ âm, những sắc, huyền, hỏi, ngã... Để cho chúng bình yên theo hàng dọc, chờ đến phiên đến lượt. Như niềm vui không phải đợi xuân về.Và cái chết cũng đâu cần sắp đặt...

Những chân chữ lại bám vào thành quách, run rẩy đu mình trong cõi nhớ và quên. Dẫu chạy ngang cũng gặp sóng trên thuyền. Và đi dọc cũng trở về nơi đến...

Những con chữ bò, theo lối dọc đi ngang...

 

Lời bình của Hoàn Nguyễn

Sinh ra ở đời, đã là con người luôn có khao khát để vươn lên, khẳng định bản thân. Khi xưa, ngay các nhà triết học cổ đại, việc đưa ra các lý thuyết giải thích về bản chất thế giới cũng là muốn lưu lại tên mình trong lịch sử nhân loại. Khổng Tử từng dạy học trò của mình rằng, sinh ra trên đời ai cũng muốn lập thân, dương danh, làm rạng rỡ tổ tông, dòng họ. Trong số những người giỏi giang vượt quá tầm vóc nhân quần, còn nuôi chí lập ngôn muốn lưu danh thiên cổ bằng những trước tác để đời. Nguyễn Công Trứ, một nhà nho tài tử, giỏi ca trù, từng xuất sĩ đến hàm thượng thư, tổng đốc, cũng để lại những vần thơ nổi tiếng về chí nam nhi: “Làm trai sống ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Thế mới biết cái danh của người ta ở đời quan trọng đến mức nào, nếu không nói nó trở thành căn tính dân tộc, di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày trước vậy ngày nay lại càng như vậy. Đó là mong ước, là khát vọng, chính đáng của bất cứ cá thể nào được làm người.

Có lẽ, vốn là nhà giáo rồi chuyển qua làm báo, viết văn, mong ước của nữ sĩ Chu Thị Thơm là “phải có danh gì với núi sông”. Chỉ tiếc bản thân lại mang phận “nữ nhi thường tình” nên hơn ai hết, chị hiểu sự nghiệt ngã của cuộc đời khi quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của tư duy phong kiến đã ăn sâu bám rễ vào đời sống xã hội chưa dứt bỏ được. Lập thân, nói cách khác là “lập thế” nghĩa là tạo cho mình có danh phận trong cấu trúc quyền lực xã hội, nhất là lại đứng đầu một nhóm người, thậm chí trở thành yếu nhân trong guồng máy quản trị thượng tầng. Nhưng với chị em phái yếu, chuyện này không phải ai cũng đạt thành sở nguyện. Cổ ngữ có câu “công thành danh toại”, vì thế, lập thân với lập danh đều có chung một nội hàm với hai khái niệm tương hỗ không thể tách rời nhau. Trong ba cách lập thân, Chu Thị Thơm chọn cách lập ngôn.

Những con chữ ở đây bắt đầu từ một kiếp người. Ấy là cái tên định danh có mặt trên đời. Thằng Cò, cái Hĩm một thời cũng có khác gì cái danh Yến, Oanh, Hùng, Dũng… Lại nhớ câu đùa mà nói lên cái nhân tình thế thái của người, của một số lớp trẻ thời nay: “Ở nhà mẹ gọi Mít, Na/ Em ra thành phố là Hoa, là Hường”. Cái định danh ở đây chỉ là để phân biệt người này với người khác. Ấy thế mà cũng không ít trường hợp đánh lừa được thiên hạ bằng sự hào nhoáng của những con chữ mỹ miều. Từ những nghịch lý ấy, bằng sự nhạy cảm của người cầm bút, nữ sĩ đã “khều lên” khuôn mặt đời dưới những hình thức khác nhau, tuy chỉ như một bức phác thảo nhưng lại vô cùng sinh động qua thủ pháp ẩn dụ.

Khuôn mặt đời có đủ, từ đất, cát, từ hang hốc, từ sự sống và cái chết trong đạn bom, từ khuôn mặt người cất tiếng gư gư, từ kẻ du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp đến sự gian dối của cô gái làm tiền… Những khuôn mặt mơ hồ mà rất cụ thể bởi chính những gian dối, ảo tưởng của cuộc đời mà họ tự vẽ ra rồi cũng chính từ những toan tính, ảo tưởng ấy họ đã tự lừa dối, tự huyễn hoặc chính mình. Họ có biết “làm một việc sai trái dù lấy trái đất lấp đi nó vẫn hiển hiện ra trước mắt” như một nhà thông thái đã nói hay không? Họ có biết “cây kim trong bọc lâu ngày lòi ra” như câu tục ngữ cha ông ta truyền lại hay không? Biết. Thậm chí biết rõ là khác. Nhưng sự mỹ miều, cái “ai ố” của đời đã làm mụ mị, làm nên sự “tự mù” của chính cái danh xưng lấp lánh trang kim ấy.

Trong cái say có cái tỉnh. Ấy là chính từ những trò gian dối được sơn phết hào nhoáng, lại tiềm ẩn một sự thật hiển nhiên. Một sự thật như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Trong cuộc hành trình có kẻ trước người sau. Trong nỗi buồn đau vẫn tìm ra sự may mắn. Trong sự chia ly vẫn hy vọng có bầy quạ làm cầu gặp mặt. Đó có phải chăng chính là tính hai mặt của một vấn đề. Và cái đích đến của tất cả, dù gian dối hay thẳng ngay, khổ đau hay hạnh phúc, cái phồn hoa hay sự chân quê, tất cả rồi sẽ lại quay về theo đúng trình tự của nó trước sau như quy luật nghiệt ngã. Quy luật mà đến thánh thần cũng không thể nào trốn được. Đó chính là cái chết. Hư vô rồi trở lại hư vô. Cát bụi rồi trở về cát bụi. Phải chăng chính là cái triết lý nhân sinh mà Chu Thị Thơm muốn gửi gắm đến con người với biết bao chen vai, thích cánh cùng những nhỏ nhen, ti tiện? Có ai không, trong hành trình làm người có thể bước qua được chính thân xác mình?

Điều này chẳng có gì lạ. Bất cứ ai đọc cũng sẽ có câu hỏi đặt ra, tại sao lại là con chữ bò ngang? Phải chăng, bản thân mỗi con chữ khi ta viết ra đều nằm trên những dòng kẻ ngang? Cũng không loại trừ đây là sự ngang tàng, chơi ngông của kẻ sĩ? Cho nên, khi viết, Chu Thị Thơm cũng đã phân trần, những điều mà chị nói trong bài nó khó nghe lắm bởi “trung ngôn” thường “nghịch nhĩ” với những ai có chính kiến khác mình. Có lẽ vì những điều băn khoăn ấy mà chị đã “hạ câu chốt” sau tất cả những suy tư, trăn trở. Đó là: “Những con chữ bò, theo lối dọc đi ngang...”. Vẫn là quy luật muôn đời của kiếp nhân sinh. Tất cả rồi sẽ phải trở về với đúng giá trị đích thực của nó và “ga cuối cuộc đời” “chữ nhất” nằm ngang.

Bằng thể thơ “văn xuôi”, một cách thể hiện mà người đọc sẽ rất khó thuộc bởi sự vần điệu, tính “gồ ghề” của câu chữ, Chu Thị Thơm đã tìm đến cách diễn đạt của hình thức gần gũi nhất với những gì của kiếp người. Bởi cuộc đời là thế nên câu thơ phải thế? Dẫu không mượt mà vần điệu nhưng lắng lại là những dư âm, những suy ngẫm về cuộc nhân sinh. Và xét đến cùng, cái sự lập thân, lập danh hay lập ngôn, dù thành công đến mức nào cũng không thể sánh bằng lập đức. Lập đức chính là lập thân theo đúng quy luật của tự nhiên mà Lão Tử đã nâng lên hàng “đạo”. Tôn trọng quy luật và hành xử theo quy luật, ấy cũng là cách “biết sống” như ngài đã từng răn dạy vậy.

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm