April 26, 2024, 5:19 am

CON CHIM JOONG BAY TỪ A ĐẾN… HUYÊN NÁO TÂM CAN

 

Đỗ Tiến Thụy là nhà văn có duyên với chim thú. Ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay viết theo lối tả thực, cuốn Màu rừng ruộng, Thụy đã tả con nghé hoa được chàng trai trẻ vực cày, tả nghé mà cứ như vận vào mình, người vực nghé, nghé vực người rất nhuyễn.

Đến Con chim joong, thì không còn mượn chim làm ẩn dụ, con joong trở thành một nhân vật kể chuyện, như chú lợn cắp nách và thậm chí là khẩu đại liên Mỹ mang số hiệu M134. Đồ vật trong tư cách nhân vật như các nhân vật khác, có tâm hồn và cá tính, hẳn rồi. Nhưng chúng còn là tương tác với người, vừa tương tác vừa là nhân chứng của câu chuyện, cũng rất nhuyễn.

Ảnh Internet

Con chim joong bay từ A đến Z kể câu chuyện hậu chiến khá điển hình, có bi hùng, có bi đát. Từ chiến tranh bước ra, những anh hùng trận mạc bắt đầu xây dựng lại đất nước theo lý tưởng được đảm bảo bằng xương máu của đồng đội. Những người quen làm chủ, quen lãnh đạo bộ đội tiến thoái đều răm rắp như Khoa, khi bước vào quản lý đất nước theo ngành, mới biết kỹ năng kinh nghiệm chiến tranh và hòa bình (xây dựng kinh tế) là không giúp gì nhau được. Thậm chí, cụ Tướng còn như người thua cuộc ngay trong nhà của mình. Bi phẫn nhất là trong gia đình cụ, chỉ có con gái, con rể và cháu ngoại; trong bốn người thì đã hai, là cụ và ông con rể Khoa đã rất trung thành với lý tưởng, chứa đựng hình bóng của chính nhân quân tử một cách kinh điển mà rồi mọi gia đạo đều bị con gái và cháu ngoại cụ coi như cái bung xung, cái bùa phép để họ làm ăn bất chính theo “thời”!

Cụ Tướng là người mẫn tiệp. Cụ cũng tự biết mỗi thời mỗi khác, cho nên cụ chỉ dám nghĩ và dành hết tâm sức cuối đời để viết lại kinh nghiệm chiến tranh pha cách binh thư dành cho hậu thế, với hy vọng rằng, vạn bất đắc dĩ đất nước có gặp phải nạn binh đao thì con cháu có cái mà dùng cho tiết kiệm xương máu. Viết lại kinh nghiệm cũng còn là để khắc ghi khí phách của quân đội và đồng đội một thời máu lửa, chứ cụ cũng tán thành với ý ông con rể, mong rằng con cháu không khi nào phải vận dụng nó nữa. Mà cụ cũng đâu có đòi hỏi con và cháu phải gian lao phấn đấu gì cho cam, có dám bắt họ phải đầu tầu gương mẫu đâu nào, cụ chỉ yêu cầu họ phải sống trong kỷ cương đạo lý cho nó ra một con người, một thường dân. Đó là mẫn tuệ. Vì suốt cả đời cụ mải miết trận mạc, cụ bà mất sớm, con cụ - bé Nga sớm tiếp xúc với thế giới văn minh trong khi cái nền tảng các giá trị cổ điển chưa từng được gia cố vững vàng. Thằng cháu ngoại, thằng Gấu – hẳn đây là cái tên gọi ở nhà lúc còn bụ sữa mà đến lúc trưởng thành cha mẹ nó vẫn gọi thế… Tính cách mẹ con bà Nga giống khá nhiều người trong hoàn cảnh ấy, không theo gương cha ông, bỏ ngoài tai mọi lời giáo huấn, nhưng lại biết triệt để lợi dụng uy tín và vinh quang của họ để trục lợi. Tính cách này dẫn đến cái chết cho chính cha ông họ, ở đây là cụ Tướng, đó là một nghịch lý mà họ không thể lường tới, một nghịch lý có sắc thái thời đại. Trong những tháng năm vừa dạy bảo con cháu mình, vừa trả lời phỏng vấn trên báo và truyền hình về cuộc chiến chống tham nhũng; cụ Tướng yên tâm cái tốt rồi sẽ đẩy lùi cái xấu, từ gia đình ra ngoài xã hội. Yên tâm đến nỗi, khi ngồi ăn tất niên với cánh nông dân tại nhà cụ Trưởng thông gia, cụ đã ngầm coi những người nghi ngờ vào thành công của công cuộc chống tham nhũng mà căn vặn cụ là vừa ngô nghê vừa xấu bụng. Thế rồi, cuộc đời xô đẩy cụ đến chính cái cảnh huống bi đát nhất, đó là cụ nhìn thấy bức tượng mình, bằng đồng, hớn hở ở chỗ trang trọng nhất của phòng khách sang trọng, bức tượng cụ thành ra như ăn nhập, như phấn khởi với la liệt hoa tươi và “túi quà” Tết dưới bệ. Cạnh tượng cụ, là con gái cụ, cháu ngoại cụ đang nhận “túi quà” Tết, vải thưa che mắt thánh của thói hối lộ, tham nhũng; sau lưng cụ là hàng hàng xe nối nhau nhích từng milimét để vào, cũng nhích từng milimét để ra; lối vào lối ra riêng rẽ. Đó là cơ sở vật chất để tham nhũng, là một thiết chế kinh khủng…

Đây là lý luận của Gấu:

“Hầu hết những công ty tư nhân hiện nay muốn sống được đều phải dựa vào một thế lực nào đó. Và mỗi thế lực muốn tồn tại cũng đều phải tạo cho mình một sân sau.”

Lý thuyết của Gấu trở thành sợi dây xuyên suốt tiểu thuyết là ý đồ của mẹ con bà Nga thuyết phục ông Khoa “chạy” chức bộ trưởng, sau khi cụ Tướng bức xúc trước nghịch lý của con cháu mà chết. Và họ đã thẳng thừng ép chồng con vào việc bất nghĩa…

Con joong là một nhân vật sống động và thú vị. Nó có một lai lịch nhiều biến cố thăng trầm và như một đứa trẻ dần lớn lên, càng lâu sau, joong nói được nhiều hơn và lời cũng có nghĩa hơn. Nó là quà tặng của chàng kiểm lâm cho cô giáo cắm bản nhân 20-11. Tại đây, joong thấm thía tình nghĩa thầy trò. Joong chứng kiến cảnh cô bé Mi Thon đu rễ cây vượt lũ sang trường, đến lần đu thứ ba thì lỡ đà rơi xuống suối đang chảy như thác, joong sà xuống dùng đôi cánh để cô bé níu bám nhưng niềm tin ngây thơ không cứu nổi Mi Thon. Một người quyên góp làm cầu, thấy ông ta thích joong, cô gái tặng lại. Về thành phố, đến lượt một đại gia thích joong, nhà từ thiện liền biếu nó. Vậy rồi, không biết sao nó lại bị bỏ mặc trong đói rét và bị cụt chân, phải chui vào sọt rác là hình con chim cánh cụt ngoài cổng mà kiếm cái cho vào bụng. Chị quét rác nhặt được, mang về nuôi, khi nó khỏe mạnh thì mang đến ngôi biệt thự ấy trả. Chủ ngôi biệt thự bèn nhờ chị ta mang nó biếu cho cụ Tướng. Từ đây, nó tham dự vào cuộc sống của cụ Tướng và gia đình cụ.

Từ đây, nó cũng hình thành tính cách. Nó nhận thấy: “Cứ đón ý chủ mà thả những câu thuận tai là mọi thứ sẽ êm đềm. “Sếp sáng suốt”, “Cậu chủ đẹp giai”, và “Bà chủ xinh đẹp”, chỉ cần ba câu này là đủ để sống ấm no”…

Có lẽ, do quen sống trong yêu thương, con joong bắt đầu có nhân tính? Nó dần dà ghét cậu Gấu, nhìn và kể về cậu những lời thiếu tôn kính mặc dù vẫn nói “cậu chủ đẹp giai” khi giáp mặt – câu nói khiến cậu sướng rơn mà không nhận ra hàm ý giễu nhại coi thường của nó. Rõ nhất là nó kiên quyết không chịu nói câu “thiếu gia giá lâm” – cái câu mà cậu sẽ bắt nó chào Beo – con một soái mà mẹ cậu buộc cậu phải cầu thân bằng mọi giá. Lão Bẩm, người mà joong cảm thấy gần gũi nhất sau ngày cụ Tướng mất, ông chủ Khoa mang vào cho bạn nuôi, lão đã dùng mồi ngon, nhời khéo để bảo nó nói, nó vẫn không nói. Chỉ đến khi Gấu dùng kéo cắt sung để dọa nó không nói thì cắt cổ, nó mới buột thành lời để tự cứu mạng sống.

Beo, cũng là một con ông cháu cha nhưng quái kiệt hơn Gấu. Hình như Beo không có một cụ Tướng, một ông Khoa để kèm cặp rèn dũa và cha cậu “nghe nói sắp lên soái”, vì vậy mà mẹ con bà Nga phải cầu thân để dựa vào khi chỗ dựa khi mà cụ Tướng thì vì họ mà tăng xông dẫn đến tử vong còn ông Khoa không những không đồng ý “chạy” lên chức mà còn từ chức thứ trưởng. Chuẩn bị cho cuộc cầu thân là cả một kế hoạch chu đáo, còn hơn cả việc dùng dinh thự khác khuất mắt cụ Tướng, tạo cái vỏ trụ sở công ty để nhận “quà Tết” hồi trước. Cuộc chuẩn bị này là trường đoạn thứ hai của tiểu thuyết, ly kỳ rùng rợn và đặc biệt hung hiểm hơn nhiều.

*

Khẩu súng M134 đã tự giới thiệu như sau: I’m a M134 miligun Made in Ohio, American. Nó luôn mồm kêu đói – I’m hungry! Nếu như thăng trầm của joong chỉ xoay quanh cái trục nó thuộc về ai, kẻ ghét hay yêu thương nó, thì lai lịch và “quá trình làm việc” của M134 phức tạp và khốc liệt hơn nhiều. I’m hungry, khi M134 nhắc đi nhắc lại câu này thì người đọc đã hiểu nó bảo nó đang đói thịt người. Một cái nhìn nghệ thuật chính xác và ngắn gọn bất ngờ về vũ khí chiến tranh. M134 tả nỗi thèm ăn, tả khoái cảm khi nó được ăn, tả mùi máu, thịt bắp, tim, óc não nhiều khi thật ghê rợn.

M134 đã được lính Mỹ bắn người Việt tàn bạo, đã trở thành chiến lợi phẩm của bộ đội giải phóng, rồi nó bắn lại chính người Mỹ trong một trận đánh bài bản của quân chủ lực Bắc Việt. Tiếp tục hành trình, nó bị thương, được đưa đi công binh xưởng sửa chữa và biên chế cho một đơn vị địa phương, những người du kích vì ấu trĩ đã mang nó ra bắn lính Park Chung He bị lính Hàn Quốc thu, sử dụng để trả thù, gây nên cuộc thảm sát đẫm máu dân thường ở làng Bình An. Nó được trở lại với quân đội giải phóng và tham gia ăn thịt lính Polpot ở chiến trường K, chuẩn bị đối đầu với lính Tàu ở biên giới phía Bắc. M134 Made in USA trải qua chiến tranh, gây nhiều tai họa nhưng rồi nó trở thành một ví dụ để nói về chiến tranh nhân dân: Vũ khí thô sơ đánh thắng vũ khí hiện đại tối tân. Nó dần trở thành kỷ vật của chiến thắng, bị lãng quên trong kho quân dụng thời bình.

Nhưng khi M134 rơi vào tay Gấu, nó đã mang một ý nghĩa khác. Khi Gấu giao cho ông Bẩm lau chùi nó, lắp ráp nó thì lại mang một ý nghĩa khác nữa; như việc Gấu tự tay dùng khẩu M134 bắn chết con bò tót trong rừng cấm: Hắn vừa cắt cổ vừa ra lệnh cho tùy tùng chụp ảnh (hẳn sẽ đưa lên facebook) lại vừa moi mật bò tót vừa ra lệnh chụp ảnh. Đây là chỗ đặc tả, diễn đạt một triết lý ghê gớm khi ác nhân có ác vật trong tay:

“Vị chỉ huy nắm hai sừng con vật gồng tay đưa lên quá đầu. Máu chảy ròng ròng vào mặt vị chỉ huy. Ông cười. Nụ cười loang lổ máu rừng già. Flasch! Flasch! Flasch!”

Bọn uống máu rừng già say sưa trong “chiến công”, trong rượu cần và say sơn nữ. Chúng đã nổ súng bắn dọa, bắn hơi cay để xua đuổi chàng kiểm lâm “khovilon” cùng cộng sự. Họ sẽ quay trở lại với nhiều người hơn cùng súng ống. Nhưng có vẻ như không còn cần thiết nữa. Lão Bẩm, một chiến binh anh hùng năm xưa, giờ đã bị thằng Gấu hành hạ dày vò đến vóc hao mình gầy, như một lão già Thần Chết. Thần Chết khi bị hai vệ sĩ canh chừng cho cuộc chơi thác loạn trong nhà rông hất khỏi thang gác, lại nghe tiếng Y Ngoan kêu “cứu… cứu con” đã cầm khẩu M134 nã đạn vào chúng. Đây là lời khẩu súng:

“Thần Chết hạ dần mũi tôi xuống. Những loạt răng của tôi găm vào gỗ tường toang toác. Gỗ lém lửa, tỏa khói thơm.

Xuống, xuống, xuống nữa đi!

Phằm phằm phằm phằm… Phằm phằm phằm phằm…

Tôi reo lên những tràng cười man dại của kẻ sắp được ăn món thiếu gia đặc sản.”

Đó là lúc đạn đã bẻ gẫy ngôi nhà rông, Thần Chết vẫn đang chúi mũi súng để tiêu diệt lũ khốn là lúc ông Khoa lấy tay mình đỡ cho các nòng súng cao lên khỏi các mục tiêu người. Kết quả của hành vi quyết đoán, đầy bản lĩnh của người am hiểu pháp lý và đạo lý là lão Bẩm bị bắn chết còn tay ông Khoa thì bị cái nòng súng nóng rực thiêu cháy xèo xèo. Vâng, trong cuộc chiến giải phóng đất nước, hai người anh hùng ấy đã chiến thắng; ông Bẩm bị bọn giám ngục tra tấn dã man đến mất khả năng duy trì nòi giống nhưng ông vẫn đứng vững, ông Khoa thì gần như nguyên vẹn. Còn cuộc chiến chống cái ác, bảo vệ thiên nhiên, kỷ cương, đạo lý và những điều tốt đẹp hôm nay thì ông Bẩm bị bắn chết; ông Khoa thì vừa bị cháy mất tay nhưng có điều ghê gớm hơn là trái tim ông bị tổn thương sẽ khó có thể chữa lành.

Một kết thúc đa bùng nổ.

Khép cuốn sách lại, lòng tôi cứ ngân mãi cái tiếng Phằm phằm phằm phằm… của khẩu súng biểu tượng, gắn liền với cuộc chiến khốc liệt nhưng hào hùng của cha ông bây giờ được lũ con em mang bắn vào uy linh dĩ vãng, bắn vào thiên nhiên tài nguyên ông cha mang xương máu, cả tuổi thanh xuân của mình bảo vệ và truyền thừa. Nó chất chứa nhiều bức xúc, cảm xúc, nhiều tầng ý nghĩa. Nó huyên náo tâm can.


Nguồn Văn nghệ số 50/2019


Có thể bạn quan tâm