April 20, 2024, 10:39 am

CON BÚP BÊ VÀ CÁI KHUNG XE ĐẠP

Bây giờ, người ta hay dùng từ "ăn theo", nhưng với trường hợp của tôi ngày mới giải phóng Sài Gòn, thì phải gọi là "chơi theo" mới đúng. Vì nói thật, tôi cũng chẳng "ăn" được cái gì, ngày đó. Tháng Năm 75, Sài Gòn cứ tưng bừng lên đủ thứ, tùm lum lên đủ thứ, và tôi, suốt ngày rong ruổi trên các đường phố, làm không ra làm (vì công việc cơ quan đã hoàn thành), chơi không ra chơi, mà ăn thì càng tùy tiện, nghĩa là tiện đâu ăn đó, đâu cũng gặp bạn bè, đâu cũng được bà con Sài Gòn hồ hởi cho... nhậu. Một buổi sáng, tôi và Ngô Thế Oanh đang định lang thang chợ sách bán "xon" trên đường Lê Lợi, thì ông bạn "nối khố"  Tám Nhân xịch xe Jeep đến, bảo lên xe đi Vũng Tàu. Ờ thì đi. Hỏi đi làm gì, Tám Nhân chỉ vào hai ông lớn (lớn tuổi hơn chúng tôi) và giới thiệu : "Đây là anh Lê Đăng Thực, đây là anh Trần Thế Dân ở xưởng phim Tài liệu Trung ương đang làm phim về Sài Gòn giải phóng". Mãi sau này, Tám Nhân có về làm ở Hãng phim Giải phóng mấy năm, chứ lúc đó, cậu ta cũng như chúng tôi, đâu biết làm phim là thế nào. Nhưng Tám Nhân là dân sinh viên tranh đấu, quen đường thuộc lối Sài Gòn, lại đang làm ở cơ quan Bộ Văn Hóa chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, nên có vẻ oai và thạo việc hơn chúng tôi. Đi với đoàn làm phim kể cũng oai thật, xe chúng tôi có thể dừng dọc đường và máy quay phim của anh Trần Thế Dân làm việc liên tục. Có một hình ảnh mà tôi nhớ mãi, là khi xe ra ngã ba Vũng Tàu thì gặp một đoàn quân toàn lính Bắc hành quân cùng chiều. Cả một đoàn quân ngoài ba lô và vũ khí giống nhau, những gương mặt lính giống nhau, còn giống nhau khi trên vai mỗi người lính đều khoác một cái sườn xe đạp và một con búp bê. Tại sao chỉ là hai thứ quà "xú-vơ-nia" đó mà không là thứ gì khác ? Ống kính anh Dân chắc đã ghi lại hết cái cảnh tượng vừa hào hùng vừa cảm động lại vừa... buồn cười ấy trong những ngày mới giải phóng. "Hành trang của lính" chỉ là vậy, và "chiến lợi phẩm" khi họ giải phóng Sài Gòn "Hòn ngọc Viễn Đông" cũng chỉ có vậy. Ai chiếm được nhà, xe, của cải đâu không biết, những người lính chỉ có cái sườn xe đạp và con búp bê với hy vọng mang về làm quà cho gia đình ngoài Bắc. Xuống Vũng Tàu, thành phố biển này vừa qua một "cơn bão di tản" nên trông còn xơ xác lắm. Chúng tôi cũng tới bãi Trước bãi Sau, cũng ngồi hóng gió biển và thậm chí, còn mặc quần đùi áo may-ô ở rừng nhào xuống tắm biển như dân chơi thứ thiệt. Ngồi quán cóc trên bãi biển uống bia, chúng tôi được ông chủ quán là cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn kể chuyện Vũng Tàu những ngày hỗn loạn vì làn sóng di tản, ông kể chuyện hình như ca sĩ Khánh Ly đã bị mất tích khi tìm cách ra những chiếc tàu đậu ngoài khơi Vũng Tàu. Nghe chuyện, cả đoàn đều rất buồn, và các anh Thực, Dân nhắc khi về Sài Gòn nên tìm đến nhà Khánh Ly hỏi thêm tin tức. Bởi trong những ngày đó, Khánh Ly với những ca khúc của Trịnh Công Sơn là ca sĩ được nghe nhiều nhất bởi tất cả những người Việt Nam không phân biệt "bên này" hay "bên kia". Ngồi  trên xe, tôi và Oanh vẫn kè kè cái cát-sét cà rỉ là quà của ông bạn Minh Vồ (Thái Thành Đức Phổ) cho, và băng nhạc duy nhất được mở liên tục suốt dọc đường vẫn là băng Khánh Ly hát « Da vàng ca khúc ». Vậy mà... Vừa về Sài Gòn, chúng tôi đã phóng xe tới đường Tự Do (sau ngày là đường Đồng Khởi) theo sự chỉ dẫn của Tám Nhân, để tìm nhà Khánh Ly. Cũng dễ tìm, vì hỏi đến nhà hàng Khánh Ly, dân ở đường Tự Do ai cũng biết. Nhà hàng Khánh Ly, tôi nhớ, hình như ở đối diện cơ quan thường trú báo Văn Nghệ 43 Đồng Khởi, nhà hàng ấy mấy năm sau trở thành một cửa hàng mậu dịch bán phở, còn bây giờ thành cái gì thì cũng không biết. Đến nhà Khánh Ly, gặp ông cụ bố ca sĩ, nghe cụ kể chuyện mới biết, hóa ra cụ là em họ nữ nghệ sĩ Ái Liên, là cậu Ái Vân và Ái Xuân. Ngày đó, người Sài Gòn rất hay kể về họ hàng ở ngoài Bắc, đến nỗi có câu đối lưu truyền khá rộng rãi ngày ấy : "Chiến tranh xuất quân - Hòa bình xuất tướng - Miền Nam nhận họ - Miền Bắc nhận hàng".  Âu cũng là chuyện lạ lùng và đáng nhớ của một thời. Ông cụ bố Khánh Ly nói, mấy hôm nay cả nhà không ngủ được vì nghe tin Khánh Ly mất tích, anh chồng của Khánh Ly đang chạy ra Vũng Tàu để hỏi dò tin tức vợ mình. Chúng tôi nói với gia đình, có thể tin ấy chỉ là tin đồn, không chính xác, gia đình đừng quá lo lắng. Tôi không nhớ, lúc ấy các anh đoàn làm phim có quay cuộc chuyện trò ở nhà Khánh Ly không, nếu quay được, tôi nghĩ đó là những thước phim có ý nghĩa. Bao nhiêu là số phận trong những ngày đầu giải phóng, trong 'Mùa xuân đầu tiên" ấy. Và ống kính máy quay thật có ưu thế khi có thể ghi lại được những khoảnh khắc với rất nhiều tâm trạng đó. Có những cảnh đối lập mà tôi nghĩ, chỉ có điện ảnh mới làm bật lên thật rõ, như cảnh chúng tôi thấy giữa những khu phố buôn bán sầm uất, ăn nhậu hà rầm ở Chợ Lớn, lại xen vào những khu nhà ổ chuột theo đúng nghĩa đen, và nhìn bà con mình sinh sống trong những cái gọi là nhà đó, thật không sao cầm lòng. Hơi lãng mạn và đa cảm, những chú lính ở rừng về là chúng tôi cứ đứng lặng trước những cảnh đối lập ấy, và cứ tưởng đó là những cảnh cuối cùng sẽ được xóa bỏ một ngày không xa. Nói chung, ngày đó, chúng tôi như những đứa trẻ khá ngây thơ, và cũng trong trẻo như... ống kính máy quay của mấy bác điện ảnh. Cầu mong cho chúng tôi còn giữ được cái nhìn và "gốc của cái nhìn" trong trẻo đó, dù mấy mươi năm sau, những cảnh đối lập ấy vẫn còn "đậm đà khó quên" lắm lắm. Sau này, khi được xem phim của các anh Lê Đăng Thực và Trần Thế Dân làm ngày đó, dù không thấy mặt mình, những thằng "chơi theo" trong phim, nhưng chúng tôi vẫn rất cảm động. Phim tài liệu là nghệ thuật của những thời khắc, và những thời khắc của tháng Năm năm 1975 thì làm sao có thể quên được !

Có thể bạn quan tâm