April 20, 2024, 8:41 pm

Cõi Phật

(Tặng Phật tử Tâm hiểu Thương

và nhóm Thiện nguyện)

 

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ

Tỏ mờ đi trong sương

Nắng chiều còn nán lại

Thiêm thiếp triền sông Hương

 

Tìm đường lên cõi Phật

Gặp bao kiếp cơ hàn

Bàn tay chìa run rẩy

Xin chút lòng thế gian

 

Làm được một việc thiện

Là ta gặp Phật rồi

Đâu phải tìm Cõi Phật

Ở nơi nào xa xôi…

Trần Đăng Khoa

 

Lời bình của Trần Bá Giao

Bài thơ gồm 3 khổ thơ mỗi khổ 4 câu theo thể 5 chữ (từ). Tứ thơ khá rõ như tên đề của bài thơ là bàn về Cõi Phật.

Tứ thơ ấy mở đầu bởi khổ thơ viết về Chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ ở Huế được nhà thơ Trần Đăng Khoa đặc tả:

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ

Tờ mờ đi trong sương

Nắng chiều còn nán lại

Thiêm thiếp triền sông Hương

Âm thanh, hình ảnh thơ vừa lắng đọng vừa ám ảnh khi nhà thơ dùng phương pháp hóa để vẽ lên cảnh vật và âm thanh mờ tỏ; đặc sắc là từ “đi’ gắn với tiếng chuông chùa kèm theo hình ảnh gợi tả độc đáo:  Nắng chiều còn nán lại/ Thiêm thiếp triền sông Hương. Hai câu thơ cuối của khổ thơ đầu thật hay. Cũng dùng biện pháp tu từ nhân hóa Trần Đăng Khoa đã thành công khi tả về ánh nắng chiếu (và đọng lại) trên dòng sông Hương. Cả khổ thơ chỉ có cảnh với âm thanh và màu sắc vừa mờ tỏ, vừa ám ảnh vẽ lên được bức tranh bên dòng sông Hương mang sắc thái êm đềm tâm linh.

Từ khổ thơ đầu tả cảnh để dẫn đề, tác giả tiếp tục diễn tả cuộc đi vào Cõi Phật:

Tìm đường lên cõi Phật

Gặp bao kiếp cơ hàn

Bàn tay chìa run rẩy

Xin chút lòng thế gian    

Ba câu đầu của khổ thơ thứ hai này vừa tả vừa kể dựng lên cảnh người vào chùa để đến với Phật. Hình tượng thật gợi khi câu hỏi nói đến việc “gặp bao kiếp cơ hàn”. Những kiếp người khốn khó ấy tìm đến Cõi Phật để cầu xin được tịnh độ. Những kiếp cơ hàn ấy đã “bàn tay chìa run rẩy”. Hình tượng những bàn tay đang vái Phật được khắc họa thật sinh động, chân thực. Chân thực bởi nơi cửa phật thường gặp là những con người ở mọi tầng lớp nhưng nhiều nhất vẫn là những người lao động nghèo khổ tìm đến cõi Phật để xin sự bình an, may mắn; đó là nỗi lòng thế gian nói chung. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đồng cảm với sự cầu mong của những kiếp cơ hàn; câu thơ như trầm lắng, để cảm thấy tình thương đang ẩn trong cả khổ thơ. Một nỗi buồn man mác, ám ảnh…

Không dừng lại ở việc miêu tả như kể lại hình ảnh ở nơi cửa Phật (hay cũng là Cõi Phật); nhà thơ Trần Đăng Khoa kết lại trong khổ thơ cuối bằng nhận định mang tính triết lý.

Làm được một việc thiện 

Là ta gặp Phật rồi

Đâu phải tìm Cõi Phật

Ở nơi nào xa xôi…

Triết lý sâu sắc mà giản dị. Tứ thơ bày tỏ tấm lòng, suy nghĩ của nhà thơ: Hãy làm việc thiện là đến với Phật. Chân lý giản đơn ấy là lời nhắn gửi của nhà thơ Trần Đăng Khoa đối với những ai đang cầu, đang xin Phật cứu giúp mình. Điều mà Phật đã từng răn dạy: Phật ở trong tâm được nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh ở khổ kết bài thơ chính là tư tưởng chủ đề của bài thơ Làm được một việc thiện/ Là ta gặp Phật rồi…

 Cõi Phật ở chính trong tâm ta nếu ta biết tu tâm tích đức.

Nguồn Văn nghệ số 16/2021


Có thể bạn quan tâm