April 24, 2024, 12:06 pm

Có xanh như trời xanh

 

Đinh Long có một xuất phát, một quan niệm, một định nghĩa về thơ theo cách của mình. Bài thơ Trên cánh đồng thơ là bài thay cho suy nghĩ đó: Đã đắp đập còn be bờ/ Lại còn thả lưới, đơm lờ, chắn đăng…/ Gây nhiễu cả khúc sông trăng/ Đắng lòng con cá tinh thần… thơ ơi!... Chắc hẳn khi viết 4 câu lục bát này, Đinh Long muốn thả lòng mình với thơ và muốn hướng tới sự tự do của thơ, tránh “gây nhiễu”, tránh làm “đắng lòng con cá tinh thần” là thơ vậy!

Đinh Long chủ trương viết thơ ngắn. Khá nhiều bài trong Nhìn lại là thơ ngắn. Ấy là thứ thơ cô đọng lại mà viết, dồn nén lại mà viết và bao giờ, ý tứ cũng được đặc biệt coi trọng, được đặc biệt đề cao, nếu như không muốn nói là tiên quyết, là tiêu chí để hướng tới. Những bài thơ ngắn như Hỏi, Vô đề, Chết, Niềm kiêu hãnh kiểu ấy, Liều lượng… là những ví dụ.

Trong vệt thơ ngắn này, có Chết mang hàm ý sâu xa và được ngẫm nghĩ đến tận cùng ý nghĩa của sự nhân - quả, không chỉ ở thế giới này mà ngay cả khi đã sang thế giới bên kia:

Không phải chết

có nghĩa là hết

không phải chết

một lần là hết

còn thiên đường, địa ngục chờ ta.

Cả Vô đề 1 cũng sâu xa như thế:

Tôi cúi lạy

nơi đặt những vòng hoa

tôi khóc

cho những vòng hoa

không có nơi để đặt.

Với Đinh Long, “nơi đặt những vòng hoa” và “những vòng hoa” đều quan trọng như nhau, thiêng liêng như nhau, đều phải tương ứng hoặc xứng đáng với nhau. Ông không phân biệt giữa nơi đặt vòng hoa và vòng hoa. Bi kịch nảy sinh ở chỗ: “Những vòng hoa không có nơi để đặt” và vì thế mà “tôi khóc…”

Ở hai bài khác, TếtTrở về, Đinh Long cũng không phân biệt giữa hoa, nụ và cỏ, giữa cỏ xanh và trời xanh. Bởi thế mà trong Tết, ông mới hạ bút: Ngước nhìn phía trước/ Hoa, nụ mời chào/ Ngoảnh mặt phía sau/ Cỏ xanh tuổi mới. Bởi thế mà trong Trở về, ông mới hạ bút: Giờ anh trở về đấy/ Cỏ xanh như trời xanh.

Đinh Long ưa triết lý. Ông coi “những cặp mắt những người đang sống” và “nỗi buồn đau” là “không mặc định bao giờ” (Trong nghĩa trang thành phố) cho dù nhiều thứ khác là mặc định, kể cả những nấm mộ, những tấm bia, những số phận… Ông nhìn ra bản chất của sự chia tay là “những vết chân đi ngược chiều nhau” (Một bức họa chia tay), bản chất của sự chết là “khi bị mọi người lãng quên” (Bộc bạch), bản chất của sự đi câu (Con mồi) là trò chơi giữa “chiếc lưỡi câu và xác cá”.

Đinh Long rất sợ sự vô cảm (Còn hơn nhiều lần) và ông thực sự xa xót trước sự ra đi bất ngờ của những người tốt (Về những cuộc chia tay). Ấy là những người vô tình đã “rơi theo một tảng đá”, “cuốn theo một khúc sông”, “đổ theo một cây rừng” đến nỗi “chưa kịp thở dài”, “chưa kịp nhớ về ai”, “chưa kịp gọi mẹ”. Rốt cục, thơ ông đôi khi như một tiếng thở dài, đầy nuối tiếc và đôi khi như một lời nhắc nhở về sự đáng trân trọng và đáng quý của cuộc sống: Những người tốt ra đi đôi mắt còn mở/ Nhắc chúng ta yêu cuộc sống từng ngày.

Đinh Long nhớ nhiều, ít nhất là “quá tam bận trong Nhớ tháng tư, Nhớ Tết xưa, Nhớ đói. Nhưng sâu sắc và ám ảnh hơn cả, vẫn là Nhớ đói: Bếp sớm chiều/ vắng khói/ những mặt người lo toan…/ Lũ trẻ nỉ non/ lo/ đứt bữa…Rá vác quanh làng/ Vác rá về không…/ Khách nán lại nhà/ mẹ ngắn mặt/ vào ra… Đấy là hiện thực sống của một thời, những người ở tuổi 70 như Đinh Long đều đã trải qua.

Tôi thích những câu thơ lục bát rất duy tình, rất nặng lòng của Đinh Long. Đọc lên muốn ứa nước mắt. Đây là đoạn đầu của Khóc thi nhân: Đêm qua tôi chết lâm sàng/ Xác còn năm cũ hồn sang giao thừa/ Vãn chiều đời vẫn ngu ngơ/ Tim mình lại đập múi giờ người dưng. Còn đây là một đoạn trích ra từ Khóc mẹ: Linh sàng/ leo lét hoa đèn/ khói nhang quặn thắt/ một miền cô đơn..

Trong Nhìn lại cũng không thiếu những tứ thơ khác lạ. Đó là Hỏi, Màu của chiến tranh, Bộc bạch… nhưng theo tôi, ngạc nhiên hơn cả vẫn là Niềm kiêu hãnh kiểu ấy. Tứ thơ độc đáo được hình thành, tạo dựng thông quan một cuộc đối thoại:  - Ngài thấy đấy/ Dân tộc chúng tôi/ đánh bại rất nhiều kẻ thù… Thưa ngài/ Còn đất nước chúng tôi/ không có được niềm kiêu hãnh kiểu ấy… Nhiều khi thơ đến từ đâu cũng không dễ biết. Như lời nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lúc sinh thời: “Phần lớn những bài thơ hay là những bài thơ viết như bắt được vậy!”

Nguồn Văn nghệ số 47/2019

 


Có thể bạn quan tâm