April 19, 2024, 11:59 am

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười – cuộc đời qua những trang sách

                                                               

Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2012) và cũng đúng dịp chúc mừng thượng thọ tuổi 95 của đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật đã xuất bản tác phẩm Đồng chí Đỗ Mười - dấu ấn qua những chặng đường lịch sử. Ngày 1-10-2018, đồng chí Đỗ Mười từ trần, về với “thế giới người hiền”. Hơn một thế kỷ sống trên đời, hơn 80 năm phấn đấu vì dân vì nước, đồng chí Đỗ Mười đã để lại trong ký ức của nhân dân những tình cảm trân trọng cao quý và thiêng liêng.

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LỚN –THỰC TẾ SỐNG VÀ CHIẾN ĐẤU

Đọc Tiểu sử của đồng chí Đỗ Mười (1917-2018) sẽ thấy, chính thực tế đời sống và chiến đấu gian khổ và phong phú của dân tộc trong suốt thế kỷ XX là trường đại học lớn nhất theo nguyên lý triết học Mac-xít “Thực tiễn là thước đo chân lý”. Mười chín tuổi (1936), đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng (Mặt trận Dân chủ Đông Dương). Hai mươi hai tuổi (1939), đồng chí đã đứng trong hàng ngũ của Đảng. Kể từ đó, dù ở cương vị/chức vụ công tác nào đồng chí Đỗ Mười cũng hành xử theo tinh thần “dĩ công vi thượng”. Từ khi là một đảng viên mới và trẻ vào năm 1939, hay sau này trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ hiện nay), đồng chí luôn làm theo lời Bác Hồ dạy cán bộ, đảng viên “Trung với nước hiếu với dân”, luôn “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư”. Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng “Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu”. Đồng chí Nguyễn Văn Chi (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiển tra Trung ương Đảng) cũng nhận định “Đại học đường đời” là trường học vĩ đại nhất với đồng chí Đỗ Mười… Đồng chí Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng) đã nhận xét “Tuy là người không học cao theo hệ chính quy, nhưng đồng chí rất ham học tập qua thực tiễn, qua đọc sách, nghiên cứu... Chính vì vậy, đồng chí hiểu biết toàn diện, sâu sắc nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước”…

 

ĐAU ĐÁU MỘT CHỮ DÂN/ DÂN CHỦ

Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám (1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nước hiệu của thời đại Hồ Chí Minh gắn với hai chữ DÂN CHỦ (Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân). Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai chữ DÂN CHỦ cũng được Người quan tâm thấu đáo. Từng trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, người đứng đầu đất nước, đồng chí Đỗ Mười đã thể hiện là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trên tinh thần “thân dân”. Đồng chí từng nhấn mạnh “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Tư tưởng lớn lao này đã được Nguyễn Trãi minh định cách đây nhiều thế kỷ. Đồng chí Đỗ Mười là hậu thế, là người tiếp biến các tư tưởng nhân văn vĩ đại của tiền nhân… Đồng chí Tòng Thị Phóng (Ủy viên Bộ Chính trị) kể lại câu chuyện đồng chí Đỗ Mười đặc biệt quan tâm đến các tỉnh nghèo vùng sâu, vùng xa “Các anh chị phải nghiên cứu kỹ, lo cho dân làm sao nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm đời sống cho dân, coi đó là trọng tâm số một của tỉnh. Phải nghe dân, bàn với dân, giữ được bản sắc văn hóa các dân tộc rồi mới quyết định”... Đồng chí Ksor Phước (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) luôn ghi nhớ tình cảm của đồng chí Đỗ Mười với đồng bào Tây Nguyên “… Điều cơ bản nhất là khi đời sống của dân được nâng cao, dân tin Đảng sẽ tự giải quyết chống lại bọn phản động. Vì vậy, điều cốt lõi là phải giữ được khối đại đoàn kết”. Đồng chí Đỗ Mười đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.

Nhưng theo chúng tôi, nếu đồng chí Đỗ Mười luôn đau đáu một chữ “dân” thì hiểu rộng ra, sâu sắc hơn, thâm hậu hơn chính là hai chữ “dân chủ”. Đồng chí Hữu Thọ (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương) ôn lại câu chuyện về cuộc “nổi dậy” (từ dùng của đồng chí Hữu Thọ) của nông dân Thái Bình, năm 1997. Đây là một sự kiện quan trọng và nhạy cảm trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Tổng Bí thư của Đảng. Với phong cách làm việc sát sao thực tế và quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra, đã về Thái Bình làm việc với địa phương trong nhiều ngày. Đồng chí Tổng Bí thư và các Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng quan niệm đúng đắn “Người dân cách mạng ở Thái Bình không dễ gì bị kích động chống chính quyền; trước hết cần xem lại sự lãnh đạo của ta”. Sự quan tâm, sát sao thực tiễn đã giúp người lãnh đạo tối cao có nhận thức chính xác và quyết sách đúng đắn. Ngòi nổ được tháo gỡ an toàn. Ngay sau sự kiện này, Nghị định về “Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở” được ban hành kịp thời…

Nhà báo Hữu Thọ, người có nhiều cơ hội gần gũi đồng chí Đỗ Mười đã viết về chuyện Đầu năm bàn chữ dân, câu chuyện Tết năm 1996. Đồng chí Đỗ Mười đến xin chữ nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa. Nhà thư pháp tặng đồng chí Tổng Bí thư 4 chữ “Quốc phú, dân cường” (Nước giàu, dân mạnh). Và giải thích đó là chữ của Thánh hiền, của vĩ nhân Nguyễn Trãi. Nhưng đồng chí Đỗ Mười lại muốn 4 chữ “Dân giàu, nước mạnh”, Đồng chí chia sẻ với nhà báo Hữu Thọ “Cụ Nguyễn Trãi đặt nước lên trên, nhưng ta lại đặt dân lên trên, thế thì có gì khác nhau, Nguyễn Trãi đúng hay ta đúng?”. Cứ mở từng trang sách, chúng tôi nghĩ, cứ đọc từng câu chuyện, sẽ thấy dần dần hiện lên hình ảnh một CON NGƯỜI.

 

NGƯỜI BẠN LỚN CỦA VĂN NGHỆ

Đó là tình cảm của nhà văn Học Phi nói riêng, văn nghệ sỹ nói chung dành cho Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ở ta, có truyền thống các minh quân xưa, các lãnh tụ Đảng ngày nay thường có tài năng văn chương (Lê Thánh Tông, Hồ Chí Minh, Trường Chinh), hoặc rất quan tâm tới văn hóa văn nghệ. Bác Hồ từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết bài thơ Một trái tim không thể nào già kính tặng Tổng Bí thư Đỗ Mười “Tôi nhìn bác, người anh, người đồng chí/ Hiền từ như đồng đất quê tôi/Ấy trái tim không già, trái tim trung thực/ Suốt một đời chỉ đập vì dân”. Là một nhà chính trị, một người đứng đầu đất nước, đồng chí Đỗ Mười luôn quan tâm đến không chỉ tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục mà còn sát sao theo dõi văn nghệ “Việc làm ăn thì khó đến mấy, mày mò mãi rồi cũng ra, khó nhất là chinh phục lòng người, làm cho lòng người quy về một mối. Để làm việc này thì không thể thiếu vai trò của văn nhệ”. Vì thế, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (Khóa VII, 1991), đồng chí đã cho thành lập tổ chức tư vấn về văn hóa để giúp Ban Bí thư Trung ương giải quyết các vấn đề về văn hóa, nghệ thuật. Trong  hồi ức của nhà văn Học Phi, thời gian chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V (1995), có nhiều chuyện đáng nhớ. Dạo đó tình hình chính trị - xã hội - tư tưởng - văn hóa khá phức tạp. Đồng chí Đỗ Mười đã phá lệ, chủ động đề nghị gặp văn nghệ sỹ trước khi vào hội nghị để “tư tưởng có thông thì họp hành mới có kết quả”. Hôm ấy, trong hai giờ đồng hồ liền, đồng chí Đỗ Mười đã mở lòng, dốc bầu tâm sự với văn nhệ sỹ, không giáo huấn, không chỉ thị. Nhiều người dự Đại hội V còn nhớ sự kiện chưa có tiền lệ khi đồng chí Tổng Bí thư sau khi hội nghị kết thúc đã “giữ anh em ở lại hai ngày để phổ biến Nghị quyết của Đại hội Đảng và cùng anh em trao đổi về công việc của nhà văn”. Đúng là chuyện xưa nay chưa từng có. Nhiều nhà văn đã viết về Tổng Bí thư Đỗ Mười như Vũ Khiêu (Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu), Học Phi (Người bạn lớn của văn nghệ), Phạm Tiến Duật (Một trái tim không thể nào già), Chu Lai (Đỗ Mười, một phong cách), Vĩnh Quang Lê ( Đỗ Mười, một trong những lãnh tụ đổi mới ở Việt Nam), Minh Chuyên (Bác Đỗ Mười với quê tôi). Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng đã từng viết một tác phẩm rất ấn tượng Một giờ trong văn phòng Tổng Bí thư.

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Mở một cuốn sách thấy một con người”. Tác giả bài viết này muốn theo cách của mình để nói đôi điều về cuộc đời, nhân cách và những cống hiến cho đất nước của một vị lão thành cách mạng vừa từ biệt chúng ta. Tôi tin, nhiều người có cùng suy nghĩ như tôi./.

Nguồn Văn nghệ số 41/2018


Có thể bạn quan tâm