March 28, 2024, 9:02 pm

Có phải Nhà xuất bản Giáo dục đã “gộp” bốn thành hai?

Trong lúc dư luận vô cùng hoang mang về việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tự tay “bóp chết” sản phẩm của mình là hai bộ sách Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực,  thì mới đây, trả lời câu hỏi của giáo viên về vấn đề này trong một buổi giới thiệu sách lớp 2, một đại diện của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định rằng, không có chuyện họ tự “bóp chết” hai bộ sách mà là đã gộp 4 bộ thành hai bộ với những gì tinh túy nhất. Thoạt nghe, có vẻ như cách giải thích của Nhà Xuất bản khá hợp lí, tuy nhiên không khó để dư luận nhận thấy đang có sự “ngụy biện” trong câu chuyện này.

Gộp bốn thành hai?

Năm học 2019-2020, có 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành, bao gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lựcVì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục. Ngoài bộ Cánh diều, bộ sách xã hội hóa duy nhất do hai nhà xuất bản uy tín Đại học sư phạm và Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành, 4 bộ còn lại do đơn vị chủ quản là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty thành viên của họ tạo ra. Tuy nhiên, trong danh mục Bộ trưởng phê duyệt sách lớp 2 năm nay, người ta không thấy bóng dáng hai bộ Cùng học để phát triển năng lựcVì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục, hai bộ sách đi đâu?

Theo một văn bản được cho là do chính Pgs, Ts Trần Diên Hiển, Chủ biên sách giáo khoa Toán 1, bộ Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục chắp bút. Người ta thấy rõ rằng Nhà Xuất bản Giáo dục đúng là đã có chủ trương sát nhập các bộ sách của họ lại với nhau. Cụ thể là bộ Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục sẽ được sát nhập với bộ Chân trời sáng tạo; Bộ Cùng học để phát triển năng lực sẽ được sáp nhập với bộ Kết nối tri thức và cuộc sống. Việc làm này cũng không nằm ngoài dự đoán của những người trong cuộc, chỉ là không ai hiểu Nhà xuất bản Giáo dục sẽ làm thế nào, bởi vì tận đến sát ngày phải nộp bản thảo cho Hội đồng thẩm định (theo dự kiến lần đầu là 20/6/2020), mọi thứ vẫn án binh bất động.

Tận đến ngày 5 tháng 7 năm 2020, tức là trước khi phải trình bản thảo cho Hội đồng thẩm định vào ngày 20 tháng 7 năm 2020 chỉ đúng nửa tháng, lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo chủ trương gộp 4 bộ sách thành hai và tổ chức họp các tác giả của các bộ sách này khiến các tác giả cũng … ngỡ ngàng, bởi một lẽ đơn giản, sách giáo khoa không phải là một nồi lẩu, chỉ cần trộn các bài lại với nhau là được.  

Lí do “gộp” của Nhà Xuất bản Giáo dục không được tiết lộ, nhưng chúng ta dễ nhận ra là với thị phần chỉ trên dưới 10% của hai bộ sách này, việc khai tử hai bộ sách này là điều không khó đoán với những việc làm của Nhà Xuất bản.

Trong văn bản được cho là của PgsTs. Trần Diên Hiển, việc gộp 2 bộ sách theo thỏa thuận của chủ biên hai bộ theo tỉ lệ là 50/50, nếu thực hiện đúng việc này, ta có thể tạm tin việc Nhà Xuất bản Giáo dục đã chọn những gì tinh túy nhất của 2 bộ sách dành cho người học. Tuy nhiên, hóa ra không phải là như vậy, nhóm tác giả Toán 1 bộ Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi chỉ được chọn 7/175 tiết (tỉ lệ 4%). 6 tác giả, bao gồm cả chủ biên, chỉ được chọn 7 tiết (trong khi thỏa thuận là 50/50) thì các tác giả không bức xúc mới lạ. Lạ một điều nữa là sách đem đi thẩm định phải có đủ chữ kí của chủ biên thì chủ biên lại không biết sách có những gì, mình (và nhóm mình) có bao nhiêu bài được chọn. Vì thế, các tác giả Toán 1 bộ Vì sự Dân chủ và Bình đẳng trong giáo dục xem đó là một sự hài hước và đồng loạt kiến nghị rút tên, rút bài, đe dọa khởi kiện. Đến đây, độc giả có thể nhận thấy, có phải Toán 2 Chân trời sáng tạo là sự kết hợp tinh túy của hai bộ sách hay không?

Đối với môn Tiếng Việt, mặc dù không rõ nội tình tại sao việc hợp nhất hai bộ sách Chân trời sáng tạoVì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục không thành? Gs Lê Phương Nga tại sao phải tham gia sửa và hoàn thiện bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng, nhìn vào tên các tác giả trên sách Tiếng Việt lớp 2 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, ta dễ nhận thấy, chả có sự hợp nhất nào hết, chủ biên Lê Phương Nga, chủ biên Nguyễn Thị Hạnh bị… “cho ra rìa” một cách đầy cay đắng.

Thực tế “gộp” hay “tiêu diệt”?

Hai bộ sách Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dụcCùng học để phát triển năng lực được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cấp Quốc gia thông qua năm 2019, điều này khẳng định chất lượng của bộ sách. Thêm nữa, trong vụ lùm xùm về ngữ liệu vừa qua, chính hai bộ này được xem là ít lỗi nhất. Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, “con cưng” của Nhà Xuất bản Giáo dục bị dư luận lên án gay gắt vì vi phạm bản quyền. Thay vì cầu thị, sửa chữa, Nhà Xuất bản đã gửi công văn xin Bộ Giáo dục & Đào tạo cho chỉnh sửa sau, tức là khi tái bản. Tuy nhiên, nhìn vào bản tái bản năm nay, dư luận càng băn khoăn hơn khi không thấy sự chỉnh sửa nào hết. Vẫn là sự vi phạm bản quyền trắng trợn trong một môi trường không cho phép điều này. Việc tuyên bố gộp 4 bộ thành 2, được cho rằng chỉ là cách xoa dịu các tác giả của 2 bộ sách Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dụcCùng học để phát triển năng lực. Sau đó, Nhà Xuất bản Giáo dục lờ đi việc các thỏa thuận giữa hai nhóm tác giả, khiến cho các tác giả ở cả hai bộ này ngậm đắng mà rời khỏi công việc mà mình đã dành tâm huyết cả đời một cách… “tự nguyện” giống như nhóm tác giả Toán 1 của Pgs. Trần Diên Hiển trên đây.

Việc làm của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thực chất có thể hiểu rằng, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng “tiêu diệt” hai bộ sách mà tác giả là những nhà giáo dục, nhà giáo ưu tú và tâm huyết mà chỉ một năm trước được họ ra sức chèo kéo, hứa hẹn.

Và như vậy, một cách tự nhiên nhất, hai bộ sách giáo khoa biến mất. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thì vẫn tuyên bố rằng họ đã gộp các bộ sách lại với nhau. Có giáo viên cắc cớ hỏi rằng, khi giới thiệu sách, Nhà Xuất bản nói rằng, mỗi bộ sách mang một thông điệp, một sứ mạng, một triết lí khác nhau, vậy thì khi nhập các bộ sách, triết lí sẽ là gì? Câu hỏi này chắc không ai dám trả lời.

 Bộ Chân trời sáng tạo với đầy rẫy sự ồn ào vì chuyện nó được xem là bộ sách đặt riêng cho Tp. Hồ Chí Minh bởi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trả lương cho cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh từ Giám đốc đến nhân viên vệ sinh, khi thực hiện bộ sách này, mà theo cách giải thích của Nhà Xuất bản Giáo dục khi đó là “sử dụng từ ngữ phù hợp” với học sinh Tp. Hồ Chí Minh, khi gọi “thuyền” là “ghe”, “bố” là “ba”, “mẹ” là “má”… Tạm cho là hợp lý, Thế nhưng đến năm nay triển khai giới thiệu sách lớp 2, bộ sách lại được Nhà Xuất bản đưa đi khắp nơi, không kể tỉnh đó là Bắc, Trung hay Nam…

Đến đây, không khó nhận thấy rằng, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tự tiêu diệt 2 sản phẩm của mình chỉ vì thị phần của chúng khiêm tốn, ảnh hưởng đến lợi nhuận; còn khó khăn do hai bộ sách biến mất thế nào? Ai chịu thiệt hại? Danh dự của cả tập thể tác giả hai bộ sách đó ra sao… không ai quan tâm.

“Qua cầu rút ván” hay là sự nhẫn tâm với các nhóm tác giả

Chủ biên, tác giả các môn học của hai bộ sách hầu hết đều vô cùng bức xúc. Chúng ta nên nhớ, thời điểm sách lớp 1 ban hành, các tác giả đều phải lao vào làm sách lớp 2. Và đến thời điểm sách lớp 2 đưa đi thẩm định, sách lớp 3 đã phải cơ bản thành hình mói có thể kịp tiến độ. Do đó có thể tin rằng, vào thời điểm tháng 6 năm 2020, bản thảo SGK lớp 2 (và có thể cả lớp 3) của cả hai nhóm Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dụcCùng học để phát triển năng lực đều đã cơ bản hoàn thiện. Để có được bản thảo sách lớp 2, lớp 3 cả một tập thể đã làm việc ngày đêm, thế mà chỉ một giây, sau quyết định của lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục, công sức của các tác giả đổ xuống sông, xuống biển. Ai có thể tính toán và đền bù cho tâm huyết của họ? Ai có thể bảo vệ họ trước sự nhẫn tâm này?

Mới đây, một tác giả môn Lịch sử và địa lí 6 của bộ Chân trời sáng tạo làm dậy sóng facebook vì lá thư ngỏ tố cáo đích danh ông Chủ tịch hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vì đối xử bất công với bộ sách của nhóm bà. Bà e ngại rằng bộ sách mà bà và cộng sự sẽ lúc nào đó cùng chung số phận với hai bộ sách đã “mất tích” kia. Với những gì Nhà Xuất bản Giáo dục đã làm, lo lắng của bà không hẳn là không có căn cứ.

Vì sao Nhà Xuất bản Giáo dục có thể làm được những việc này? Dư luận cứ mặc sức đồn đoán, khó khăn, thiệt hại đã có các tác giả, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh gánh chịu. Nhà Xuất bản thì vẫn kê cao gối ngủ kĩ. Than ôi!

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm