April 24, 2024, 4:56 am

Có những dòng sông

1.

Tôi được sinh ra nơi “đất khách quê người”, theo lời của mẹ, nhưng lại là chốn chôn nhau cắt rốn của mình. Đó là giữa những năm 50 của thế kỷ XX loạn lạc, nhà nghèo, ba mẹ phải rời bỏ quê hương thuộc dãy đất cù lao Minh, đùm túm hai đứa con thơ vào làng Tân Thành, huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp. Ba mẹ đi cùng ghe với đôi gia đình nữa vào đây làm thuê kiếm tiền nuôi con và sống nhờ trên đất của những người chủ ruộng. Sau ba năm xa quê, mẹ sinh đứa con thứ ba - là tôi. Buổi chiều mẹ chuyển dạ, ba nhờ người bơi xuồng đưa mẹ đến một trạm xá nằm bên bờ sông Sở Hạ. Mẹ không cho ba đến chỗ trạm xá vì là đàn ông dễ gặp nguy hiểm. Sông Sở Hạ cùng với sông Sở Thượng hợp lưu vào rạch Hồng Ngự và đều là ranh giới tự nhiên giữa Đồng Tháp với tỉnh Prey Veng của Campuchia. Mẹ nói khi ấy đứng chỗ trạm xá nhìn sang bờ bên kia sông, dù thưa thớt nhưng vẫn có thể nhìn thấy sinh hoạt của những ngư dân nước bạn và gọi nhau có thể nghe được. Nói là trạm xá chứ thực ra nơi đó hàng ngày trực và làm việc chỉ duy nhất một cô y tá. Bốn ngày nằm trạm xá mẹ luôn ngóng chờ có ai đó bơi xuồng ngang để nhận lời nhắn hỏi thăm sức khỏe vợ con của ba mỗi ngày, không thì chỉ mong nghe tiếng dầm khua nước cho vơi đi cảm giác buồn vắng giữa không gian với xung quanh um tùm lau sậy. Bên cạnh đó là nỗi sợ ma, lại thêm mối lo cho sự sống của đứa con trai còn đỏ hỏn thiêm thiếp nằm bên, cộng nỗi sợ những “người Hòa Hảo”1. Mẹ nói: “Hồi đó người ta sợ những người đó lắm, nghe nói hễ thù ghét ai rồi thì họ cứ chặt đầu thôi. May mà mọi việc đều yên ổn. Nhờ ông bà phù hộ, tụi con cũng ngoan chứ nếu không mẹ cũng không thể rảnh rang mà phụ với ba mày. Hồi đó mày nhát hít hà, để đâu ngồi dính đít đó. Mẹ bỏ cho anh chị mày cũng còn quá nhỏ ngồi coi trên sàn để còn lo công việc”. Ba mẹ làm khai sinh cho tôi ở làng Tân Thành. Suốt thời gian này, gia đình chúng tôi sống trong mái chòi sàn, đến mùa lũ bên dưới phủ đầy nước. Ba đi làm lúa mướn, mẹ vừa trông ba đứa con nhỏ vừa đặt lưới giăng câu, cả gài cá làm mắm.

Minh họa của TRẦN NGỌC QUỲ

Bây giờ mỗi lần thấy con cháu đi chợ về than mắc mỏ, mẹ nói: “Hồi đó đồng tiền khó kiếm chứ thức ăn thì dễ tìm vô cùng, có mấy khi bỏ tiền mua đâu. Mùa nước nổi ngồi trên sàn nhà đảo cái vợt xuống sông thôi thì đã có cá ăn rồi. Bây giờ con người đông quá bắt muốn hết, lại bày đặt lấy điện lấy thuốc nổ bắt cá rồi còn chặn dòng, chặn ngõ để làm cái gì đó mà không cho nước chảy về. Riết rồi con người tự chôn mình bằng các việc làm ngu dại đó thôi”.

Đến khi tôi được hai tuổi, ba mẹ lại đùm túm gia đình trở về Bến Tre do không chịu được nỗi nhớ quê. Khi ấy còn quá nhỏ, tôi đã không thể nhớ gì và từ đó cũng không một lần nhìn lại dòng sông tuổi thơ đó của mình. Mà dẫu có nhớ thì qua mấy mươi năm loạn lạc rồi thêm bao biến động khác chắc hẳn chốn xưa đã có nhiều thay đổi. Sau này, vài lần tiếp xúc với một số đồng nghiệp ở trường đại học Đồng Tháp sang trường cao đẳng Bến Tre, nơi tôi công tác để làm công việc liên kết đào tạo trình độ đại học hệ vừa làm vừa học, tôi hỏi họ và có người bảo với tôi: “Có nghe nói đến con sông phân ranh hai quốc gia của làng Tân Thành ngày ấy. Cũng chỉ nghe nói lại thôi, chúng tôi cũng không biết cái thời đó, lúc mình chưa ra đời. Mà đã hơn nửa thế kỷ đi qua dễ gì còn tìm lại được dáng dấp ngày cũ nữa hả thầy?”.

Sau này tôi mới biết làng Tân Thành ngày ấy đã trải qua vài lần chia tách. Đến nay, vùng đất nơi tôi sinh ra thuộc xã Thông Bình, huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp.

2.

Rồi tôi cũng có một dòng sông khác gắn với sự phát triển tuổi thơ và kéo dài ít ra đến hết lứa tuổi phổ thông của mình. Đó là sông Hàm Luông, một phân lưu của con sông Tiền cũng là một nhánh đổ ra biển của sông Cửu Long, đoạn chảy qua thành phố Bến Tre bây giờ mà ngày ấy gọi là làng An Hội.

Một năm trước phong trào Đồng khởi, sau khi rời làng Tân Thành (Đồng Tháp) về quê hương nhưng ba mẹ không dám trở lại nguyên quán. Mẹ bàn với ba: “Mình sống bên chợ chứ đừng về quê, anh! Sợ sau này chạy loạn như hồi trước thì không biết con cái thế nào? Để em nhắn về quê, bên Tân Phú Tây nhờ mấy dì ra xã xin làm lại giấy khai sanh cho con. Chứ để sau này có việc lại phải lội vào tận miệt Tân Thành mệt lắm”. Ba nhờ người dựng một cái nhà nhỏ nối vào dãy nhà sàn sát bờ, trên nhánh sông Hàm Luông chảy qua thị xã, dọc con lộ chính. Cạnh đó có chiếc cầu đúc bắt qua đầu con rạch rẽ từ dòng sông Bến Tre mà ngày nay người ta gọi là cầu Kiến Vàng. Đó là dãy nhà của những người lao động nghèo cũng rời quê hương để tránh đạn bom như gia đình tôi. Vài người chủ gia đình trong số đó là đồng nghiệp chạy xe lôi gắn máy với ba. Hồi ấy kinh tế, thương mại và các hoạt động xã hội chưa phát triển như ngày nay, cộng với chiến tranh dai dẳng làm cho đời sống vật chất của người dân thật khó khăn nhưng người ta sống với nhau tình nghĩa lắm. Bây giờ mỗi khi nhớ hay đọc lại bài thơ Tiền và lá của nhà thơ Kiên Giang luôn gợi trong đầu tôi hình ảnh những đêm trăng của nửa thế kỷ trước, nơi dãy nhà sàn của những con người lao động nhập cư ấy. Những chiếc chiếu manh lót tạm trên sàn gỗ ngoài hiên sau mỗi bữa cơm chiều, đám trẻ chúng tôi đùa nghịch hoặc làm trò riêng của mình. Cạnh đó là những người cha với các cuộc trà rượu, còn những người mẹ thì tâm sự với nhau chuyện chồng con, có khi kéo dài đến gần nửa đêm.

Cho đến bây giờ dù đã có con cháu nhưng mỗi khi nhớ lại tôi cứ tiếc nuối những hình ảnh ấy. Hình ảnh con người hòa đồng với nhau và gần gũi thiên nhiên thật thanh bình dù đang trong thời loạn lạc. Hình ảnh của nghĩa nhân và tình thương yêu đùm bọc giữa những người dù không máu mủ ruột rà. Họ chia cho nhau từng chén tương, trái cà cho dù hàng ngày phải trải qua sự bươn chải, mưu sinh cho gia đình trong nỗi khó khăn. Hình ảnh mà ở thời hiện đại này cũng không dễ gì tìm thấy, dù bây giờ đời sống vật chất và phương tiện sinh hoạt đủ đầy hơn rất nhiều. Điều suy nghĩ này không biết có phải do tôi cực đoan hay phiến diện quá chăng? Nhiều đứa bạn cùng xóm với tôi ngày ấy không được đến trường do phải phụ lo với gia đình. Riêng ba mẹ thì bắt anh em chúng tôi phải đi học và rầy, phạt gắt gao khi thấy chúng tôi có biểu hiện chểnh mảng. Chiều, bọn trẻ chúng tôi thường bơi đeo vào các cột chống sàn nhà để gỡ mấy con ốc bám vào cột hoặc cào bùn đáy sông đãi bắt hến làm thức ăn. Sau đó bơi vòng qua con rạch Kiến Vàng, nơi có bãi bồi với rất nhiều cây bần để chơi trò ngụp lặn, hái ổi dại mọc hoang hai bên bờ để ăn và hái trái bần ném nhau. Gia đình chúng tôi và gia đình bác Mười Trắng rất thân thiết. Một chiều muộn, khi ấy tôi ngồi lớp 6, đi học về thấy trong nhà của bác Mười có đông người. Mẹ tôi bảo nghe mấy đứa nói lại lúc đầu chiều, con Oanh - con gái bác Mười là đứa vốn bơi rất giỏi - cùng với mấy đứa cào bắt hến. Xong, nó lại tinh nghịch thách đố với đám bạn rồi một mình bơi ra xa. Giữa dòng nó bị đuối. Phải mất hơn hai giờ mò và giăng lưới kéo, người ta mới đưa được xác nó lên. Bọn trẻ chúng tôi buồn và thẫn thờ một thời gian còn người lớn thì cấm chúng tôi bơi sông.

Nhưng rồi con nít dễ quên. Sau, chúng tôi lại lén kéo nhau đi xa hơn một chút để bơi, cho dù cũng có nhiều lần bị gọi về đánh đòn. Có những hôm sau khi tắm sông, bọn trẻ chúng tôi lội vào mấy con mương trong miếng đất vườn của ông Biện gần đó để móc hang cá bống dừa. Phải dọn mấy tàu lá dừa khô rụng ngâm dưới nước làm chắn đường lội vào mương. Tàu dừa chỉ rơi và nằm dưới mương vài ngày thôi thì đám trẻ chúng tôi phải lôi lên bờ một cách nặng nề, do phù sa theo những con nước lớn vào hàng ngày lắng đọng tạo lớp bùn dày phủ lên. Ngày ấy tuổi nhỏ vô tư, chúng tôi không để tâm nhiều đến chuyện ấy. Sau này khi lớn lên, nhìn những con sông dần ô nhiễm cùng với nước nguồn ít về gây cạn dòng, tôi mới hiểu giá trị của những lớp bùn phù sa ấy lớn như thế nào.

3.

Tôi cùng đám bạn và cả dòng sông tuổi thơ của mình tiếp nhận chiến tranh với những hình ảnh đau thương, điều đương nhiên không thể khác trong hoạt động của nó. Đầu tiên là liên quan với cuộc Đồng khởi (1960). Khi ấy tôi chỉ mới hơn ba tuổi không thể nhớ gì nhiều ngoài hình ảnh sau đây do nó quá ấn tượng đập vào ký ức của mình. Khu nhà sàn của chúng tôi phía bờ sông bên này thuộc ấp Mỹ Hóa, là phường 7 thành phố Bến Tre bây giờ. Hồi ấy - sau này ba nói thời điểm đó là vài ngày sau khi cuộc Đồng khởi nổ ra ở Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh2 - nửa đêm khu nhà chúng tôi bị gọi dậy bởi tiếng mõ dồn dập ở phía bờ bên kia sông. Bên ấy thuộc ấp Mỹ An thuộc làng An Hội, bây giờ là xã Mỹ Thạnh An của thành phố Bến Tre. Anh em tôi ngồi nhìn những dãy đuốc lá dừa bập bùng ánh lửa trôi theo dòng người đang trên con đường đất len dọc theo những rặng dừa cặp bờ sông. Họ đi với những tiếng hô vang phấn khích cổ động phong trào nổi lên “lật ngụy diệt tề”. Sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp… Rồi có những đêm khác chúng tôi lại bị đánh thức bởi tiếng xe jeep thắng gấp, những tiếng giầy đinh kèm theo tiếng hô hoán đuổi nhau và có khi cả những tiếng súng nổ. Người ta lùng bắt những người thuộc phía “bên kia” hoặc bị nghi là Việt Cộng. Trong các cuộc trà rượu đầu đêm của những người đàn ông ở “xóm nhà sàn” bây giờ còn có cả những cuộc bàn luận về thời cuộc. Có hôm, trong các cuộc trà rượu đó không có mặt bác Mười Trắng. Đến cuối năm 1963, buổi sáng bác Mười dẫn chiếc xe lôi gắn máy ra khỏi nhà chạy về phía Bình Phú, sâu vào tận mí ruộng trong. Ở đây, bác bỏ lại chiếc xe và theo người ra đi. Bác nhắn ba tôi đến đưa chiếc xe về dùm để bác gái bán lấy tiền nuôi con. Từ đó “xóm nhà sàn” không gặp lại bác. Thì ra lâu nay bác là người của cách mạng tham gia hoạt động thành, giờ sợ bị lộ nên được tổ chức đưa ra chiến khu. Sau ngày giải phóng miền Nam, gia đình bác và chúng tôi mới biết tin bác đã hy sinh trong một trận đánh trên chiến trường Tân Uyên, Đồng Nai vào năm 1972.

Đến cuộc tổng tấn công xuân Mậu Thân (1968) và sau đó cũng lại là phản ứng đàn áp của chính quyền Sài Gòn. Thường ngày, đoàn xe nhà binh chở đầy những người lính chạy qua nhà tôi, về phía phà Hàm Luông để sang Mỏ Cày ruồng bố cộng sản. Rồi hình ảnh những chiếc trực thăng bắn rocket vào những rặng dừa hoặc khu nào đó bị nghi là căn cứ Việt cộng. Cả những chiếc “đầm già” bắn khói hiệu ở phía Mỹ An để gọi pháo từ sân bay Tân Thành thuộc xã Sơn Đông thành phố Bến Tre bây giờ, có khi cả từ bãi pháo đặt tại sân banh của tỉnh. Đêm nằm cứ nghe tiếng đạn và cả tiếng bom vọng từ xa… Những ngày này, chúng tôi luôn trong tâm trạng bất an. Cứ chiều đến, mọi nhà xong cơm nước thật sớm rồi kéo nhau vào khu bệnh viện tỉnh gọi là lánh nạn, để không bị lính bảo an đập cửa kiểm tra và tránh bị đạn lạc khi xung đột xảy ra trong đêm. Giống như có lần vào một buổi chiều, hàng loạt các quả pháo được bắn đi từ căn cứ Bình Đức, Tiền Giang của chính quyền Sài Gòn rơi lạc vào khu dân cư ở Mỹ An gần bờ sông Hàm Luông. Đến sáng chúng tôi quay trở về tiếp tục nhịp sống thường ngày và nhiều lúc hãi hùng nhìn những xác người của cả hai phía trôi phều trên sông. Hồi ấy xác trôi nhiều lắm. Nhiều đến mức người ta phần bươn chải mưu sinh, phần lo chạy loạn nên không còn có thời gian để kịp dọn xác. Chiến tranh tất nhiên là điều không ai mong muốn nhưng những hình ảnh đau thương liên quan đến nó hàng ngày xảy ra trước mắt. Những hình ảnh đó quá đủ để những người dù chưa trưởng thành như bọn trẻ chúng tôi nhận ra sự vô nghĩa và phi lý của việc con người lại phải hàng ngày tước đoạt sự sống của đồng loại mình.

Từ sau thời điểm đó, “xóm nhà sàn” của chúng tôi đã bắt đầu thưa dần. Cảm giác thiếu an toàn trong cái đô thị nhỏ bé của tỉnh Kiến Hòa3 ngày càng đè nặng trong tâm tư của những cư dân ở đây. Có gia đình lại đùm túm cho một sự tản cư mới để đến một nơi nào đó mà người ta nghĩ rằng có thể an toàn hơn. Ba mẹ tôi với một số gia đình khác cố bám lại. Ba nói còn biết phải đi đâu khi mà chiến tranh ác liệt đã ngày càng lan rộng. Cũng như tất cả các nơi của một nửa dãy đất hình chữ S này đang trong kiểm soát của chính quyền thuộc chế độ cộng hòa đều có thể đã trở nên mất an toàn rồi.

4.

Tuổi thơ đi qua cùng hình ảnh chiến tranh của thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ trước không khó để có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trên đất nước chịu nhiều đau thương này, trong suốt hơn một phần tư thế kỷ của cuộc chiến tranh hiện đại. Nhưng hạnh phúc cho tôi có được những hàng dừa xanh vỗ về cùng những con sóng Hàm Luông ru đưa giấc ngủ để được lớn dần theo thời gian với tâm tư và tình cảm hiền hòa của người dân đồng bằng. Tôi tập làm thơ tình và bắt đầu say nhìn theo những tà áo dài trắng để mộng mơ từ năm học lớp 10. Đó cũng là những ngày mà cứ sáng ra nghe tiếng chị tôi càu nhàu. Căn nhà trong đêm bị tôi làm bẩn do những tờ giấy vở học trò tôi viết rồi xé vò ném vào sọt rác, không cẩn thận làm vương vãi xung quanh….

5.

Ai cũng có một dòng sông tuổi thơ để nhớ và yêu. Tôi may mắn có đến hai. Đó là dòng sông Sở Hạ đã từng đón nhận tôi sinh ra, được chôn nhau cắt rốn và suốt hai năm “dính đít” trên sàn của một mái chòi gần nó. Dù khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ và lưu lại dấu ấn nhưng qua lời mẹ kể, hình ảnh nó trong tôi bao giờ cũng đẹp. Đẹp vì nó đã cưu mang và một thời ghi giữ hình ảnh cơ cực nhưng tràn đầy tình yêu của đôi vợ chồng trẻ cùng các đứa con tha hương.

Tôi còn có một dòng sông khác chở bao kỷ niệm gia đình và của riêng mình, dòng sông mà ngày nay được xem là biểu tượng của Bến Tre với đầy ắp những sự kiện. Đó là dòng sông lịch sử từng diễn ra những trận đánh oanh liệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước vừa qua, trong đó có ghi dấu biệt đội đặc công thủy của anh hùng liệt sĩ Hoàng Lam “cưỡi sóng Hàm Luông nhận chìm tàu Mỹ”. Đó là dòng sông của thi ca với bao tác giả đã từng ngợi ca nó bằng những tác phẩm nổi tiếng. Năm 1980, nhạc sĩ tài danh Nguyễn Văn Tý trong một buổi chiều đứng bên dòng Hàm Luông, đã lắng đọng những cảm xúc để cho ra đời ca khúc Dáng đứng Bến Tre bất hủ.

Hai dòng sông tuổi thơ của tôi có xa cách nhau về không gian địa lý nhưng đều là phân lưu của sông Tiền, một trong hai nhánh của sông Cửu Long - đoạn cuối cùng của sông Mê Kông cũng chính là đoạn đi qua Việt Nam trước khi ra Biển Đông. Con sông dài 4350 km bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia, được xem là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới. Nhưng cũng giống với kiếp người, dòng sông đã trải qua bao thăng trầm, cũng biết yêu thương chia sẻ và cũng buồn đau khi bị tổn thương. Sự tổn thương, đau buồn đó đã vượt quá khả năng mà dòng sông có thể chịu đựng và tự điều chỉnh để bây giờ hệ quả tiêu cực tất yếu đã đến. Những năm gần đây người ta hay dùng cụm từ “sự biến đổi khí hậu” để liên hệ các thay đổi bất thường của tự nhiên, trong đó có lũ, hạn - mặn của sông. Mẹ nói suy cho cùng cũng do con người cả thôi…

Còn nhớ trận lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2000. Mẹ tôi nói những lúc như vậy là dòng sông đang đau. Đối với mẹ, sông là người bạn lớn vì đó không chỉ là nguồn sống vật chất từng nuôi sống gia đình chúng tôi cũng như bao người. Sông còn lưu giữ, chia sẻ bao hình ảnh, kỷ niệm yêu thương đáng nhớ trong suốt cuộc đời của mẹ. Tôi cũng hiểu được “nỗi đau dòng sông” mà mẹ đã nói. Con người lâu nay đã quên rằng những tài sản như rừng, biển, núi, sông… do thiên nhiên đã phải mất hàng triệu năm để hình thành và bàn giao lại họ. Sự cộng đồng khai thác sử dụng vì lợi ích chung vừa có trách nhiệm bảo vệ cho sự bền vững của nguồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau là cách ứng xử thông minh nhất. Tiếc rằng do cái nhìn thiên về lợi ích cục bộ đã làm cho con người quên đi điều đó.

Con người hàng ngàn năm nay đã nhận nguồn sống từ dòng sông Mê Kông hào phóng. Sự hào phóng đó của sông đã vô tình kích thích lòng tham quá lớn của họ. Người ta tìm đủ mọi cách để khai thác lợi ích từ nó mà quên rằng nguồn sống đó cũng chỉ có giới hạn. Đến độ giờ đây có lẽ dòng sông càng thấy đau hơn, khi có nước mang tư tưởng bá quyền dùng nó như một lợi thế để ép buộc nước khác, làm công cụ cho những cuộc mặc cả để đòi hỏi lợi ích vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bây giờ lại thêm việc chặn dòng xây đập làm thủy điện cũng như nhiều công trình khác ở các quốc gia thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và ngăn nước về các khu vực hạ lưu, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nỗi đau của sông giờ diễn ra theo chiều ngược lại. Nguồn nước trên sông Cửu Long đang cạn dần nhất là vào mùa khô tạo điều kiện cho biển xâm mặn ngày càng sâu và gây hạn hán kéo dài.

Tại “Hội nghị Đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên” diễn ra vào tháng 3/2016 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “đến nay lượng nước sông Cửu Long đã giảm 50%. Trong khi thủy triều dâng cao bất thường khiến mặn xâm nhập, có nơi tới 50-70 km, sâu hơn trung bình mọi năm 20 km. Đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng, 300.000 hộ gia đình với khoảng 1,5 triệu người không có nước ngọt và thức ăn. Họ phải mua nước ngọt với giá từ 60.000-80.000 đồng/m3, gấp 8 lần so với giá ở thành phố...4

Gần đây lại thêm tình trạng chất độc hại từ các nhà máy công nghiệp thải ra sông. Vậy thì những diễn biến xấu đã và đang xảy ra nói trên bao giờ được đẩy lùi? Tương lai nào sẽ đến với sông Mê Kông nói chung và của dòng Cửu Long nói riêng? Điều đó đang phụ thuộc vào cách ứng xử của chính con người.

_____________

1. Sau khi lãnh đạo cao nhất của Hòa Hảo là Huỳnh Phú Sổ mất (1947), nội bộ Hòa Hảo tách thành mấy nhóm. Có nhóm theo Việt Minh. Ở đây chỉ những người thuộc các nhóm chống lại Việt Minh, cát cứ ở mỗi vùng riêng như Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ… gây ra những vụ thanh toán và tranh giành ảnh hưởng, có khi đẫm máu.

2.  Ba xã thuộc huyện Mỏ Cày Nam ngày nay. Từ đây phong trào Đồng khởi lan rộng ra các huyện khác của tỉnh Bến Tre và toàn miền Nam.

3.. Tên tỉnh được đổi từ Bến Tre theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ngày 22/10/1956. Sau ngày 30/4/1975, Kiến Hòa được gọi lại là Bến Tre.

4. Nguồn: VOV 15/3/16.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm