April 26, 2024, 2:36 am

Có một tượng đài Mẹ Suốt bằng thơ

Tượng đài Mẹ Suốt bằng đá cạnh bờ sông Nhật Lệ (gần chợ Đồng Hới) nhiều người đã thấy, nhưng với “chất liệu thơ” để tạo nên một tượng đài bằng thơ về Mẹ trong lòng người đọc thì hầu hết mới biết qua bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu, trong khi đó thơ ca ngợi Mẹ từ trước đến nay khá nhiều bài. Từ từng góc độ khác nhau, mỗi nhà thơ có cách cảm, cách nghĩ riêng của mình, góp một “viên gạch thơ” xây tượng đài Mẹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Mẹ Suốt tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc ngày 28-12-1966.

Nhà thơ Trúc Chi cho ta tận mắt chứng kiến ngôi nhà của Mẹ ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh ngày nào:

Nhà Mẹ Suốt ở đầu thôn

Nắng vào ấm cát trong sân mùa hè

Ngõ ngoài cài mấy thân tre

Vài cành hoa biển vàng hoe góc rào

Một chum nước ngọt trong veo

Đường ra giếng nhỏ còn leo bậc ghềnh

Đó là tổ ấm gia đình Mẹ, nhờ Cách mạng mà có, còn tuổi thơ và tuổi xuân thì như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Lớn lên ở bốn cửa người/Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua. Có nghĩa là hơn 12 năm làm con ở, làm thuê cho nhà giàu; đến khi lấy chồng thì “Tám lần đẻ, mấy lần sa”, khổ hết chỗ nói! Thế nhưng Mẹ vẫn sống lạc quan sau mỗi lần làm xong nhiệm vụ đưa đò, trở về với ngôi nhà thân yêu của mình:

Mẹ về sau những chuyến đò

Hiên nhà rộn rịp đường tơ giăng hàng (Nhà Mẹ Suốt)

Nhà thơ Nguyễn Đình Hồng vinh danh Mẹ là Bà mẹ Hải quân, coi Mẹ như là một chiến sĩ Hải quân thực thụ. Hình ảnh con đò của Mẹ hiện lên trong thơ ông thật sống động:

Tuổi sáu mươi tâm hồn lan sóng biếc

Đồng Hới – Bảo Ninh đôi bờ thân thiết

Chiếc đò con của mẹ bắc cầu sang

Đò hướng theo từng nhịp pháo phòng không

Trăm con sóng nâng đò lên phía trước

Lòng khoang con chở đạn nhỏ, đạn to

Lao qua lửa và bom tung cột nước

Nhà thơ Trần Nhật Thu, người con rể của đất Bảo Ninh, còn cho người đọc biết cụ thể:

Bến đò này ngày xưa không có tên

Chỉ động cát rừng dương che mắt giặc

Khách qua sông nay gọi thầm  tên Mẹ

Lái con đò dưới tầm đạn bom

Mẹ đưa xã viên đi làm nương

Đưa bộ đội vào tiền phương

Trăm lối mòn họp bến (Bến đò Mẹ Suốt)

Trong bài thơ Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam, nhà thơ Huy Cận cũng đã dành cho Mẹ câu thơ đầy kiêu hãnh:

Chèo Mẹ Suốt vang sông, chị Khíu giành lại biển

Gái Quảng Bình phí khách đọ Trường Sơn

Nhà thơ Lê Đức Thọ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã có thơ về Mẹ như sau:

Trời khuya bến nước mênh mông

Đạn bom trút xuống, dòng sông căm thù

Vững chèo lướt sóng tới bờ

Mẹ đưa con đến kịp giờ xuất quân

Giữa làn bom đạn, xông pha

Thương con, thương nước thiết tha cháy long (Nhớ Mẹ)

Con đò và mái chèo vừa là phương tiện hoạt động của mẹ vừa là hình ảnh biểu trưng cho khí phách anh hùng của Mẹ. Chả thế mà nhà thơ Chế Lan Viên hạ bút viết:

Đêm thắng giặc, Bảo Ninh Mẹ Suốt ngâm Kiều

Mẹ đâu dám quên cái thuở khổ nghèo

…..

Nhật Lệ sông dài đò mẹ lại qua

Một mái chèo trong lửa đạn xông pha

(Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ)

Nhà thơ Xuân Hoàng còn mở rộng liên tưởng ra thế giới:

Cả thế giới biết con đò Mẹ Suốt

Một con đò soi bóng vạn dòng sông

(Mẹ Suốt, mùa xuân và bó hoa của Bác)

Nhà thơ Cẩm Lai cảm nhận về tình cảm của Mẹ đối với bộ đội: “Tất cả các con đều là con Mẹ/ Tình Mẹ bao la trời biển một màu” (Mẹ Bảo Ninh).

Yêu quý bộ đội quên mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là thể hiện lòng yêu nước! Mẹ Suốt xuất phát từ tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương mà có những việc làm đầy ý nghĩa; có sức lan tỏa lớn đến mọi người. Vì thế mà khi Mẹ bị bom Mỹ sát hại, ai cũng thương xót Mẹ. Trong bài thơ Mẹ vẫn đưa đò, nhà thơ Văn Lợi khẳng định:

Mẹ không còn đưa đón khách sang

Người qua bến thương mái chèo quen thuộc

Mẹ mãi sống trong lòng đất nước

Giữa dòng xanh lịch sử Việt Nam

Có nhiều bài thơ nữa ca ngợi Mẹ song tôi muốn dừng lại phân tích bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu để thấy rõ toàn vẹn bức chân dung Mẹ. Cái tài của Tố Hữu là biết xích lại gần Mẹ, kéo Mẹ lại gần phía mình và người đọc, nghe Mẹ kể về cuộc đời thăng trầm của Mẹ trên mảnh đất Bảo Ninh (Quảng Bình):

Lặng nghe Mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng: quê mẹ, Bảo Ninh

Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền

Tố  Hữu lấy quê hương làm nền để xây tượng đài Mẹ. Hình ảnh “nắng trưa, chang chang cồn cát” và “mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền” rất ấn tượng. Từ trên cái nền quê hương ấy tác giả cho hiện lên một Mẹ Suốt ngày còn bé trong bóng đêm nô lệ thật tội nghiệp:

Sớm chiều, nước xuống triều lên

Cực thân từ thuở mới lên chín, mười

Lớn đi ở bốn cửa người

Mười hai năm lẻ một thời xuân qua

Thân phận làm vợ, làm mẹ cũng thật là gian truân:

Lấy chồng, cũng khổ con ra

Tám lần đẻ, mấy lần sa tội tình!

Nghĩ mà thương mẹ cha sinh

Thương chồng con lại thương mình xót xa…

Chính từ nỗi khổ cực trên mà Mẹ ý thức sâu sắc quyền được làm người, được sống trong một chế độ xã hội tự do, hạnh phúc:

Bây chừ sông nước về ta

Đi khơi đi lộng thuyền ra thuyền vào

Bây chừ biển rộng trời cao

Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!

Mẹ không chịu thua chồng trong việc tham gia chống Mỹ cứu nước:

Ông nhà theo bạn “xuất quân”

Tui nay cũng được vô chân “sẵn sàng”

Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Lấy tinh thần thắng Pháp để đánh Mỹ, Mẹ bất chấp tuổi tác, không sợ gì sóng gió đạn bom giặc:

Sợ chi sóng gió, tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Tố Hữu để Mẹ hiện lên trong thơ mình thật đẹp và kỳ vĩ:

Ngẩng đầu, mái tóc Mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung trắng bờ

Vừa chiêm ngưỡng Mẹ, nhà thơ vừa đối thoại với Mẹ như một nhà báo phỏng vấn bằng thơ và Mẹ cũng trả lời bằng thơ với nhà thơ trong vai nhà báo.

Nhà thơ hỏi:

Gan chi gan rứa Mẹ nờ?

Mẹ trả lời:

Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai

Chẳng bằng con gái con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…

Nhà thơ lại hỏi:

Ghé tai Mẹ, hỏi tò mò:

- Cớ răng ông cũng ưng cho Mẹ chèo?

Mẹ lại trả lời:

Mẹ rằng: Nói cứng phải xiêu

Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!

Nghe ra ông cũng vui lòng

Tui đi còn chạy ra sông dặn dò:

“Coi chừng sóng lớn gió to

Màn xanh đây mụ đắp cho kín mình!”

Người đọc nghe hai người đối đáp với nhau thật thú vị. Từng câu hỏi và câu trả lời đều sử dụng phương ngữ Quảng Bình: Tui, chi, rứa, cớ răng, nờ… làm rõ hơn đặc điểm vùng quê và tính cách của Mẹ.

Cái kết của bài thơ đã mang đến cho người đọc sự ngất ngây khoái cảm:

Vui sao câu chuyện ân tình

Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say…

Nghệ sĩ Châu Loan với chất giọng đặc biệt, đã ngâm bài thơ này, phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, khiến ai nghe cũng thích! Mẹ Suốt hồn nhiên đi vào lòng người với niềm yêu kính. Nhân dân đã tạc tượng Mẹ trong lòng mình nhờ hình tượng Mẹ trong thơ của các nhà thơ!

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm