April 26, 2024, 12:12 am

Có một người thày như thế

 

Không có nhiều người biết, cho đến bây giờ cô là nữ nhà giáo duy nhất ở Phú Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân. Thế nhưng trong ký ức của các đồng nghiệp và các thế hệ học sinh đã luôn lắng đọng hình ảnh của một cô giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vì con người. Người con ưu tú đó của Đất Tổ là cô Cù Thị Kim Hợp.

Sinh ra trong một gia đình và quê hương Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa có truyền thống hiếu học, ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông Cù Thị Kim Hợp đã ước muốn mình trở thành một kỹ sư tâm hồn. Niềm khát khao đó đã chắp cánh ước mơ cho cô trò nhỏ trong suốt những năm là học sinh phổ thông cấp 2 Sa Đéc và cấp 3 Hùng Vương thị xã Phú Thọ.

Vâng lời dạy của Bác Hồ, cuối những năm năm mươi Cù Thị Kim Hợp đã hăng hái đi đầu trong phong trào “Bình dân học vụ” giúp nhân dân “xóa nạn mù chữ”. Chính hình ảnh cô và câu chuyện “Lớp học úp thúng” năm xưa đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ Hoàng Minh Chính sáng tác bài thơ Đi học mà cho đến bây giờ vẫn lắng đọng trong lòng người nghe.

…Trường của em bé bé

Nằm ở giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay…

Những câu thơ, chân chất, mộc mạc đó, song đã tạo nguồn cảm hứng và sức lay động to lớn, tiếp sức cho biết bao thế hệ thầy cô giáo bám lớp bám trường trong bom rơi, đạn nổ suốt những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ.

Rồi ước mơ làm cô giáo của Cù Thị Kim Hợp đã trở thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, cô trở thành sinh viên trường đại học sư phạm Hà Nội đúng vào những năm 1965-1966, khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Với sức trẻ và bầu nhiệt huyết, cô nữ sinh trường sư phạm lại hăng hái đầu quân trong phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”. Cô đã có mặt ở tuyến lửa miền Trung, sát cánh bên các chiến sỹ pháo binh bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. năm 1967, thực hiện hoài bão của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có”, không nề hà khó khăn, gian khổ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Cù Thị Kim Hợp lại tình nguyện lên nhận công tác tại trường Trung học Sư phạm Yên Bái (tỉnh Hoàng Liên Sơn). Gần 10 năm gắn bó với trường cô đã góp phần đào tạo và truyền cảm hứng yêu nghề, yêu người cho hàng ngàn giáo viên của các trường phổ thông. Không ít người trong số họ về sau trở thành những cán bộ quản lý giỏi của ngành giáo dục.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Cù Thị Kim Hợp được về giảng dạy tại trường cấp 3 Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ). Cô tiếp tục khẳng định mình và trở thành giáo viên giỏi ở ngôi trường có truyền thống dạy tốt và học tốt của tỉnh. Nhờ vậy năm 1982, khi phân hiệu Năng khiếu (Tiền thân của trường THPT Chuyên Hùng Vương) thành lập, cô giáo Cù Thị Kim Hợp được trên tín nhiệm chọn về giảng dạy tại Trường và sau đó được đề bạt làm Phó hiệu trưởng. Cho tới giờ, sau mấy chục năm, song các thế hệ các thầy cô giáo và lớp học trò đầu của trường Chuyên khi đó có ai quên được hình ảnh cô giáo Cù Thị Kim Hợp miệng nói tay làm, đi đầu trong các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường có tài năng, say mê, sáng tạo, tâm huyết với nghề. Cô trở thành chỗ dựa tinh thần để các thế hệ giáo viên của trường vững bước trong sự nghiệp và trưởng thành.

Trong mười năm liên tục, cô giáo Cù Thị Kim Hợp được công nhận là giáo viên giỏi cấp Ngành, cấp Tỉnh và là Chủ tịch Công đoàn xuất sắc. Từ năm 1994-2000, cô được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phú và Phú Thọ. Tại Đại hội Đảng  bộ tỉnh Phú Thọ, cô được tín nhiệm bầu là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong cương vị của người quản lý, cô luôn có những ý kiến tham mưu với ngành và tỉnh những quyết sách thiết thực, sáng tạo góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Đáng chú ý như chính sách tạo đà cho việc nâng cao chất lượng Đại học, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đã đi vào đời sống tích cực và hiệu quả. Trong công tác thi đua khen thưởng, cô đã phát động được phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cán bộ giáo viên toàn Ngành, từ đó phát hiện, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ lãnh đạo tài năng của ngành Giáo dục Đất Tổ.

Bao thế hệ giáo viên và học sinh nay đã trưởng thành, nhiều người trong cương vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang các cấp luôn nhớ về cô giáo Cù Thị Kim Hợp với những việc làm tình nghĩa tất cả vì học sinh thân yêu. Quên sao được những tháng ngày gian khổ, thiếu thốn, cô đã vận động giáo viên chia sẻ, giúp học sinh từng bát cơm, manh áo, củ khoai… mang lên từng phòng ký túc. Rồi những đêm đông, giá lạnh, cô đôn đáo lo từng viên thuốc cho học sinh lúc ốm đau. Những hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của học sinh Chuyên Hùng Vương, là động lực giúp các em luôn ý thức trong việc rèn luyện tài năng và nhân cách.

Để động viên học sinh phấn đấu rèn luyện trong học tập, hàng năm cô đã dành một phần lương của mình tặng cho những học sinh có thành tích tiêu biểu nhất: Đạt giải Nhất các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cán bộ Đoàn nữ xuất sắc. Chỉ tính riêng đối với học sinh Chuyên Hùng Vương (từ năm 1994-2004) đã có 17 học sinh được cô trao tặng mỗi suất quà tương ứng với 01 chỉ vàng. Nghĩa cử cao đẹp ấy của cô đã lưu lại trong lòng học sinh những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò. Có sức lan tỏa thành một hoạt động từ thiện trong việc xây dựng các quỹ Khuyến học, Khuyến tài trong toàn tỉnh. Là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Phú Thọ, cô luôn trăn trở và tâm niệm “Làm thế nào để vừa tôn vinh được sự nghiệp giáo dục, vừa truyền được tình yêu nghề cho thế hệ sau. Chính vì vậy từ năm 2000, sau khi đã nghỉ hưu, cô vẫn chủ động, tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội. Thực hiện mục tiêu “Xây dựng xã hội học tập”, cô đã dồn bao thời gian, tâm huyết để tổ chức và thành lập Hội Khuyến học góp phần đưa tỉnh Phú Thọ trở thành tỉnh có phong trào khuyến học xuất sắc nhất trong cả nước.

Năm 2005, đứng trước nhu cầu của xã hội, của nhân dân. Để có một môi trường học tập cho học sinh THPT, cô lại cùng người bạn đời của mình là Nhà giáo ưu tú Vũ Văn Viết thành lập trường THPT Vũ Thê Lang. Việc xây dựng trường không xuất phát từ mục đích kinh tế mà từ một suy nghĩ thấm đẫm chất nhân văn. Ngôi trường dành cho những học sinh mong muốn có cơ hội học tập, luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, đây là một ngôi trường đặc biệt trong hệ thống giáo dục đã ghi nhận thành công của cặp vợ chồng nhà giáo ở cả 2 phương diện: Xây dựng đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục. Là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, cô luôn chú trọng công tác tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo tiêu chí và phong cách: Nhân ái - Tâm huyết - Trách nhiệm - Tự chủ - Tự tin- Năng động - Sáng tạo - Hiệu quả.

Trường THPT Vũ Thê Lang từ nhiều năm nay luôn là mái trường có cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Nhà trường đã tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho trường, lớp học với 18 lớp học ổn định, có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học. Đồng thời tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, tích cực sử dụng công nghệ thông tin phù hợp, hiệu quả, dạy cho học sinh cách học, cách tư duy, chú trọng phương pháp tự học, tự nghiên cứu… Học sinh giữ vai trò trung tâm, thầy là người tổ chức các hoạt động cho trò; tổ chức cho học sinh tự học có hiệu quả, nhất là học sinh khối 12. Thường xuyên kiểm tra đánh giá định kỳ các môn học: Văn, Toán, Tiếng Anh, tổ chức cho học sinh tham gia dự thi sáng tạo thanh thiếu niên, khoa học kỹ thuật cho học sinh do Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức; đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua các hoạt động của đoàn thanh niên như: "Chương trình áo ấm tặng bạn", thăm quan trải nghiệm thực tế, tổ chức các hoạt động văn hóa, Thể dục thể thao... nhằm phát huy sở trường và năng lực toàn diện của các em, rèn luyện kỹ năng sống tạo hứng thú trong học tập cho học sinh.

Với sự nỗ lực, bền bỉ, quyết tâm cao của Ban giám hiệu Trường THPT Vũ Thê Lang, nhà trường đã thực hiện tốt phương châm: Dạy thật - Học thật, để có chất lượng thật. Năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng đạt gần 70%; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực và hạnh kiểm tốt có chiều hướng tăng; không có học sinh vi phạm kỷ luật. Trải qua hơn 14 năm phấn đấu, Trường THPT Vũ Thê Lang, ngôi trường tư thục đã là một trong những trường phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên thành phố Việt Trì.

Trong suy nghĩ của mình cô giáo Cù Thị Kim Hợp luôn tâm niệm một điều, giáo dục không chỉ chú trọng đến việc dạy Chữ mà luôn phải quan tâm đặc biệt đến việc dạy Người và chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để có thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Với hơn 50 năm cống hiến phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, tấm gương hết lòng vì học sinh thân yêu, hết lòng vì khuyến học, khuyến tài của cô có sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ đến với nhân dân trong toàn tỉnh, các thế hệ giáo viên và học sinh. Cô giáo Cù Thị Kim Hợp xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước phong tặng: Nhà Giáo Nhân Dân.

Ngày 28 tháng 7 năm 2019 (tức ngày 26 tháng 6 năm Kỷ Hợi), trái tim của Nhà giáo nhân dân Cù Thị Kim Hợp - người con ưu tú của quê hương Đất Tổ đã ngừng đập.  Trên mỗi chặng đường đời, Nhà giáo nhân dân Cù Thị Kim Hợp luôn tỏa sáng những phẩm chất cao quý, của một con người cao quý, hết lòng vì mọi người. Phẩm chất cao quý đó sẽ còn mãi tỏa sáng trong tâm trí mỗi người.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm