March 28, 2024, 11:59 pm

Có một “người lái đò” như thế!

Nhắc đến cô giáo Lê Thị Phương Lan, Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học hóa học, giáo viên bộ môn Hóa – Sinh, Tổ trưởng tổ Tự nhiên 2 trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, thì các các đồng nghiệp cũng như học trò và các vị phụ huynh của trường luôn tự hào kể về cô với một tình cảm trân trọng và cảm phục. Gần 20 năm trong nghề, với lối sống giản dị, chân thành, tâm huyết và luôn tìm tòi, sáng tạo, khiến “ngọn lửa” đam mê truyền thụ kiến thức cho các học sinh  của cô không bao giờ tắt...

Cô giáo Lê Thị Phương Lan tại Lễ nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2021”

Khi ước mơ trở thành hiện thực

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cô Phương Lan thường xuyên phải lên lớp theo hình thức trực tuyến, vì vậy phải sau vài lần hẹn, tôi mới gặp được khi cô tranh thủ trống tiết học. Nắng đầu đông trải mật óng sân trường im ắng. Không còn tiếng đùa nghịch của lũ “nhất quỷ, nhì ma…” nên dường như những chiếc lá vàng rụng trên sân trường cũng buồn, chúng chỉ khẽ xào xạc, uể oải theo những làn gió nhẹ mơn man. Đưa mắt khắp sân trường, tự đáy lòng tôi chợt dâng lên một nỗi buồn khó tả, ký ức thuở học trò như một cuốn phim quay chậm ùa về. Đang mải mê thả hồn theo mây gió, thì một giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp khiến tôi trở về với hiện thực. Cô giáo Phương Lan với dáng người nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng nhanh nhẹn đang bước tới gần. Trên vầng trán những giọt mồ hôi còn lấm tấm, chắc cô vừa có một tiết học trực tuyến rất sôi nổi và hào hứng! Chất giọng ấm áp cộng với sự giản dị, chân tình và nụ cười dễ mến như đi vào lòng người, khiến tôi cũng như những vị phụ huynh lần đầu tiếp xúc với cô đều cảm thấy yên tâm và tin tưởng. Sau những lời chào hỏi, cô nhẹ nhàng chia sẻ:“Trở thành cô giáo, được làm bạn cùng lũ trẻ chính là ước mơ của tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Nhưng từ ước mơ thì phải sau biết bao nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, cuối cùng ước mơ ấy mới trở thành hiện thực. Đó là sau khi cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, về công tác tại trường THCS Tân Định – Quận Hai Bà Trưng (nay là Quận Hoàng Mai) rồi được về trường Thành Công năm học 2004.

Thầy giáo Lê Thanh Tuấn đang tự hào kể về người đồng nghiệp của mình

Chân ướt, chân ráo bước vào môi trường sư phạm với bao vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng rất đỗi vinh dự, tự hào, cô đã phải phấn đấu hết mình để có được một vị trí xứng đáng như ngày hôm nay. Ngoài thường xuyên học tập nâng cao, trau dồi cập nhật kiến thức chuyên môn, năm 2018, cô đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học hóa học. Với trách nhiệm của một người làm giáo dục cộng thêm tấm lòng bao dung của một người thầy, cô trở thành một người bạn tâm giao, một người mẹ thứ hai thường xuyên bên cạnh, để cùng các con trải qua những tháng ngày khó khăn nhất. Đối với các đồng nghiệp cũng vậy, cô luôn hết mình, tận tâm và có trách nhiệm cao. Thầy Lê Thanh Tuấn, một đồng nghiệp của cô Phương Lan trong tổ Tự nhiên 2 của trường chia sẻ: “Ở cô giáo Phương Lan, tôi luôn thấy một một tác phong rất chuyên nghiệp và tâm huyết trong công việc. Cô luôn chú trọng và chăm chút tới từng chi tiết nhỏ của bài giảng, bất kể đó là bài đi dự thi dạy giỏi cấp quận hay những bài giảng hàng ngày cho học sinh. Đặc biệt, tôi vẫn nhớ như in, năm học 2018-2019, buổi chiều hôm trước ngày tôi đi thi giáo viên dạy giỏi, thì người chị ấy, người đồng nghiệp ấy đã tận tình chỉnh từng câu chữ trong bài giảng cho tôi… đến khi bất chợt nhìn đồng hồ, thì đã 20 giờ… hai chị em lúc đó mới thấy đói bụng, hóa ra là mình mới ăn từ… trưa! Việc làm đó của chị khiến thôi thêm phần tự tin để đi thi giáo viên giỏi và đoạt được giải cao.”.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng” 

Tôi mượn câu trên trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói lên lòng nhiệt huyết với nghề, cái tâm trong sáng đến giản dị của cô giáo Lê Thị Phương Lan. Được trực tiếp được nghe các đồng nghiệp của cô chia sẻ: “Không biết chị Phương Lan lấy năng lượng ở đâu ra để làm việc? Mà việc này, việc kia, việc nọ, chỗ nào cũng thấy có chị! Một cô giáo với dáng người gầy nhỏ với những bước đi như chưa kịp chạm đất từ khi bước vào cổng trường cho đến các hành lang vào nơi lớp học cũng đủ cảm nhận lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết của cô thế nào?”. 

Cô Phương Lan và các giáo viên tổ TN2 thực hiện chuyên đề

Dù bận rộn trong công việc chuyên môn, cũng như cập nhật những bài giảng và kiến thức mới cho học trò, cô luôn có một tấm lòng nhân ái, giàu tình yêu thương đối với chúng, đặc biệt là với những học trò có hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt quá trình dạy học, chứng kiến những học trò do hoàn cảnh gia đình đến mức sắp phải nghỉ học, những đứa trẻ chán học, học hành sa sút vì bố mẹ li hôn, lại có những đứa trẻ theo bạn bè xấu rủ rê trở thành cá biệt, thậm chí vô cùng khó dạy bảo… cô thấy vô cùng xót xa. Những tình cảm đó đã thôi thúc cô để biến thành những việc làm thiết thực. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, bằng tình cảm sẻ chia cộng với tấm lòng và cái tâm trong sáng của người thầy, cô đã dạy miễn phí cho hàng trăm trường hợp học sinh yếu kém, có hoàn cảnh khó khăn, nếu tính trị giá thì lên tới hàng trăm triệu đồng. Cả chục năm nay, hàng ngày cô tới trường với chiếc xe máy cà tàng, có lẽ được sản xuất từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Song, với nhiệt huyết, khát vọng và mơ ước được thấy học trò của mình trưởng thành, không quản giông gió hay mưa rào, không kể nắng đổ lửa hay rét cắt da cắt thịt, một mình trên “con ngựa sắt cũ”, ngoài giờ giảng chính trên lớp, cô vẫn rong ruổi đi truyền thụ kiến thức miễn phí cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn hay bị thiếu hụt kiến thức cơ bản. 

Để có thêm cái nhìn khách quan về cô giáo Phương Lan, tôi gặp chị Trần Thị Thu Hường, hiện là phụ huynh có con đang học lớp 6A8 do cô Phương Lan làm chủ nhiệm, được chị chia sẻ: “Các con rất may mắn được cô Lan làm chủ nhiệm năm đầu cấp 2 này. Dù bận rất nhiều việc, nhưng cô không quản thời gian dạy dỗ các con từ lời ăn, tiếng nói, đồng thời tận tâm hướng dẫn kỹ càng, giảng cho các con hiểu được bài để giúp các con củng cố kiến thức trong thời gian học trực tuyến do dịch bệnh”.

Chị Trần Thị Thu Hường là phụ huynh có con đang học tại trường THCS Thành Công và cô giáo chủ nhiệm Phương Lan trong ngày 20/11

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam vào đầu tháng 5/2021, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải gồng mình chống dịch. Các y bác sĩ, bộ đội, công an, dân quân tự vệ,... trở thành những chiến sĩ nơi tuyết đầu. Hình ảnh những đôi bàn tay nhăn nheo, bợt trắng, những tấm lưng phồng rộp, đôi gò má in hằn vết khẩu trang hay những phút chợp mắt, nghỉ ngơi chớp nhoáng của họ khiến trái tim cô giáo Lê Thị Phương Lan không khỏi xúc động. Cùng với đó là phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi người dân là một pháo đài chống dịch” của người đứng đầu Chính phủ đã thôi thúc cô thực hiện tâm nguyện mình ấp ủ bấy lâu. Cô chia sẻ: "Tôi rất xúc động vì sự hi sinh và cống hiến thầm lặng của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Vì vậy, tôi đã cùng đồng nghiệp mở khóa học trực tuyến miễn phí dành cho con em của các y bác sĩ, công an, bộ đội, dân quân,... đang làm nhiệm vụ cao cả đó”.

Ngoài giảng dạy miễn phí, cô đã cùng ban phụ huynh và học sinh trong lớp vào thăm trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ủng hộ các con 800.000 đồng; cá nhân cô cũng tặng các trẻ em mồ côi Đà Lạt 1.000.000 đồng, ủng hộ miền Trung lũ lụt 500.000 đồng và ủng hộ quỹ Vacxin của chính phủ là 200.000 đồng.

Học sinh Nguyễn Tuấn Anh, lớp 6A8 do cô Phương Lan làm chủ nhiệm tự hào chia sẻ: “Không những truyền đạt kiến thức, cô còn tạo ra những sân chơi để khuyến khích các con học tập. Cô treo giải là những món quà, tuy nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa giáo dục và đã tạo được động lực để các con thi đua phấn đấu lành mạnh trong học tập để từ đó các con có được những giải cao trong học tập. Con thật may mắn khi có được cô Phương Lan làm chủ nhiệm ở năm đầu cấp đầy chông gai và thử thách này”.

Còn cựu học sinh A8, niên khóa 2013-2017 của trường là Nguyễn Minh Ngọc, nay con đã là sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí Tuyên truyền đã chia sẻ với tôi về cô giáo Phương Lan với sự tự hào: “Sự tận tâm, nhiệt tình nhưng cũng rất nghiêm khắc của cô, khiến con vô cùng cảm phục. Cũng nhờ cô mà con có thêm những kiến thức để làm chủ bản thân, vững vàng bước vào trường đại học với tâm thế tự tin và tự hào, bởi mình đã là học sinh trường THCS Thành Công, đặc biệt là học trò của cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Phương Lan”.

Riêng tôi cảm nhận, những lời nhận xét của đồng nghiệp, của phụ huynh cũng như của học sinh đối với cô giáo Lê Thị Phương Lan thực sự từ đáy lòng, bởi khi tiếp xúc với họ, ánh mắt đã nói lên tất cả. Cô mang đến niềm tin cho họ bằng lòng yêu nghề, tận tâm, nhiệt huyết và cái tâm trong sáng.

Cô giáo Lê Thị Phương Lan cùng các giáo viên trường THCS Thành Công trong chuyến  đi làm từ thiện tại Sơn La

Vĩ thanh

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, biết bao “chuyến đò” được cô đưa đến bến bờ vinh quang, với tấm lòng của một người thầy và sự cống hiến tận tâm tất cả vì học sinh thân yêu, cô đã chắp thêm những đôi cánh kiến thức để giúp các con bay cao, bay xa, chững chạc bước vào đời và trưởng thành cùng với khát vọng đưa Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã căn dặn. Và không phụ lòng cô, rất nhiều thế hệ học sinh được cô trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng đã đoạt nhiều giải cao môn Hóa học cấp Thành phố cũng như cấp Quận. Những việc làm tốt đẹp của cô giáo Lê Thị Phương Lan đã được đồng nghiệp cùng cấp trên nhìn nhận. Cô liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Giáo viên dạy giỏi cấp Quận nhiều năm liền. Và gần đây nhất, ngày 08/10/2021, những việc làm nhỏ bé nhưng có sức lan tỏa rộng lớn của cô giáo Lê Thị Phương Lan đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ghi nhận và trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2021”. Nói về vinh dự này, cô khiêm tốn chia sẻ: “Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình còn có rất nhiều gương thầy cô giáo tốt, họ hơn tôi rất nhiều. Tôi rất tự hào về danh hiệu vừa được nhận, song, tôi chỉ là một cánh hoa mảnh góp phần làm đẹp thêm vườn hoa người tốt, việc tốt của trường. Vì vậy, vinh dự này không chỉ của riêng tôi, mà còn là sự nỗ lực của cả tập thể Ban giám hiệu cũng như giáo viên của trường, nơi đã ươm mầm, vun đắp và động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi thành công và có được vinh dự ngày hôm nay”…  

Chia tay cô giáo Phương Lan, trời bỗng nổi lên một cơn gió khiến cho những chiếc lá vàng cuộn lên lao xao, xào xạc. Tôi nghe như tiếng học trò xì xào trong lớp học. Dường như một “chuyến đò” mới trong trạng thái bình thường mới đang bắt đầu, mà “người lái đò” là cô giáo Lê Thị Phương Lan đang đứng trên bục giảng./.

Hà Nội, 22/12/2021

Cô Phương Lan với “Chuyên đề phòng chống rác thải nhựa – Bảo vệ môi trường”

Có thể bạn quan tâm