April 20, 2024, 7:44 pm

Có một mạch thơ như thế

Đó là mạch thơ từ Xóm không chồng của Ngô Quang Hưng, Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai, Phố bà của Lê Va, và Những người trồng rừng một mình của Nguyễn Tấn Việt… Một mạch thơ, một mạch đời mà chính xác là từ một mạch đời tới một mạch thơ. Đây là một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam được xuất hiện bằng thơ tại tỉnh Hoà Bình, do các tác giả khi viết nên những bài thơ trong mạch thơ này đều đang công tác tại tỉnh Hoà Bình. Từng bài thơ ra đời là cảm xúc của từng người, không ai bảo ai, không ai hẹn ai. Và khi nó ra đời rồi còn trải qua thời gian dài mới được hệ thống lại thành một mạch thơ.

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã vào giai đoạn cuối. Khi đó, hàng ngàn nữ thanh niên xung phong từ những cung đường Trường Sơn khói lửa được chuyển về các nông trường quốc doanh. Xuân thì của chị em đã gửi lại các cung đường, tuổi của chị em đã “nhỡ”. Thời đó, để một người phụ nữ làm mẹ đơn thân quả là quá khó khăn bởi sự mặc cảm của xã hội. Tuy thế, vẫn có một số chị em lúc này đã là công nhân nông trường vượt sự mặc cảm đó để giành quyền làm mẹ. Khi chưa làm mẹ họ còn ở chung khu lán tập thể. Khi đã làm mẹ đơn thân, họ rủ nhau vào sâu hơn trong các khe núi để cùng ở với nhau… Nhà thơ Ngô Quang Hưng khi đó đang là thầy giáo trẻ dạy học tại tỉnh Hoà Bình và bằng thực tế sinh động tại Nông trường Sông Bôi, ông đã viết bài thơ đầu tiên:

 

Xóm không chồng

 

Nông trường chè riêng một xóm các cô

Không có dáng con trai trùm lên mỗi căn nhà

Chè được lứa người thì nhỡ tuổi

Không lấy được chồng ai cũng khát được có con

 

Xóm trồng chè thiếu cánh tay đàn ông

Lợp chẳng kín chái nhà

Giếng đào không tới nước

Thảng một tiếng tắc kè chẵn lẻ

Tay hái chè đời chát cắn vào môi

 

Thèm một nửa mặt trời

Khát một nửa vầng trăng

Vào bữa tối thèm so đôi đữa lệch

Bao khuya khoắt không nhà nào chợp mắt

Nghiến răng cùng tiếng mọt cứa ngang đêm

 

Thèm một lần được xưng một tiếng em

Dù vụng trộm trong một lần vụng dại

Không làm vợ ngửa tay xin làm mẹ

Nước mắt rơi về phía nụ cười

 

Những đứa trẻ sinh ra chỉ có mẹ thôi

Lớp vẫn mở cho đàn con không bố

Tiếng cười vỡ buổi chiều tuổi nhỏ

Dứt tiếng trống trường cô giáo cũng cô đơn

 

Có còn ai rơi vào xóm này không

Bao người mẹ còn làm dâu trong điều ước

Sóng lơi lẻ rơi vào tim tê buốt

Gió lang thang thổi rỗng xóm không chồng

 

Giá có được một vành tang còn đỡ tủi

Hay một lần hoá đá nỗi chờ trông

Xin san lấp hố sâu mặc cảm

Cho đời không còn để tiếng xóm không chồng

 

Chè ai hái tuổi xuân mình trong đó

Mỗi búp chè sẻ nửa niềm riêng.

Và rồi một số năm sau, khi đang là cô giáo dạy tại Trường Sư phạm tỉnh Hoà Bình, với tâm thức của một người mẹ làm thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Mai viết:

 

Nhà không có bố

Nhà không có bố buồn sao

Cái kim cũng thiếu con dao thì cùn

Bơm xe chẳng hiểu cái giun

Rát tay bật lửa đá cùn xăng khô

Không có bố chẳng thì giờ

Bữa cơm chẳng đợi chẳng chờ chẳng mâm

Ngày đông giá rét mưa dầm

Dậy che mái dột âm thầm mẹ con

Chẳng vui tiếng điếu rít giòn

Bia không mua uống em còn bán chai

Nước đun sôi để nguội hoài

Nhà không có bố lấy ai pha trà

 

Dù cho bãi mật phù sa

Mà không bên lở chẳng là dòng sông.

Khi Xóm không chồng của Ngô Quang Hưng và Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai ra đời, tôi (Lê Va) đang công tác tại huyện miền núi cao Đà Bắc và hoàn toàn không biết về hai bài thơ này. Năm 1993, tôi được chuyển công tác từ Đà Bắc về thị xã và mon men đến “làng thơ” Hoà Bình rồi dần dần tôi mới được nghe tới chúng, nhưng cũng không phải nghe đến, biết đến chúng cùng lúc. Khi nhà thơ Ngô Quang Hưng đã là Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Hoà Bình, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã chuyển công tác về Hà Nội lâu rồi, trong tôi mới chợt nghĩ, nếu dừng lại ở Nhà không có bốXóm không chồng thì chỉ thấy đau và những người viết sẽ có lỗi. Thời gian qua đi, vết thương nên da cũng như xã hội phát triển… và tôi đã viết tiếp:

 

Phố bà

Theo vần thơ về nông trường thăm lại

Xóm không chồng giờ đã phố đông

Vàng vào chậu nở đầy xóm rỗng

Chẵn lẻ đua chen thơm bí thơm bầu

 

Lúc nhá nhem ngửa tay xin làm mẹ

Nội ngoại rồi bà bạch nhật thanh thiên

Nụ rạng rỡ giọt tươi còn ngấn

Những nếp nhăn giữ giọt lệ khỏi lăn

 

Chia đất nhận chè bàn nóng phố

Trường mầm non xanh mượt bãi ngô

Chè cuối vụ nếu sợ đau không đốn

Thì mùa sau đâu tán rộng búp đầy

 

Kịch ti vi bà cháu tâm sự

Truyện đêm khuya mai bà kể cháu nghe

Hội cao tuổi toàn cụ bà sinh hoạt

Dù vắng tiếng điếu cày vẫn rộn rã trầu cau

 

Nước sông Bôi mát trong man mác

Chè nông trường chát trước ngọt sau

Pha nước mời người chè đủ ngấm     

Ấm tình bà con cháu đôi nối đôi.

Thế rồi trong một lần nhà thơ Nguyễn Tấn Việt cùng nhà văn Phạm Huy Định điền dã tại huyện Đà Bắc. Từng làm Phó Giám đốc Lâm trường Đoàn Kết đóng trên địa bàn các xã Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hoà của huyện Đà Bắc, nhà văn Phạm Huy Định nắm chắc địa danh và chỉ cho Nguyễn Tấn Việt một xóm thuộc địa phận xã Tân Minh, nơi có một số phụ nữ không chồng ở và trồng rừng. Sau về, nhà thơ Nguyễn Tấn Việt thốt lên: Ối trời ơi! Phạm Huy Định chỉ cho tôi một mỏ vàng!. Và Nguyễn Tấn Việt cho ra đời bài thơ thứ tư của mạch thơ này:

 

Những người

trồng rừng một mình

 

Những ngọn đồi đã không xanh một mình

Những cánh rừng họp mây chiều mây sớm

Làng trồng rừng mưa xanh áo trắng

Bâng khuâng mùa ngâu hoa lá gây rừng

Quên làm sao hạn hán buổi khai sơn

Mắt cây nảy mầm trong giấc mơ làm mẹ

Giọt lệ nắng ngọt qua giọt sữa

Qua đêm đồi mầu lá hoá sương mai

Quên làm sao lũ cạn quét qua đời

Trồng cây ngoài rừng nuôi con ngoài giá thú

Cây và con không phải là thú dữ

Bao mầm xanh xóm sạch hiện hình

Niềm vui hoài thai hoang hoá nỗi buồn

Dù cây dại và đứa con còn đỏ

Chang chang nắng bao nhiêu là bóng lẻ

Bao nhiêu là sum họp phía người dưng

Tiếng gà cồ bắc cầu lòng thung

Chim chuyền nắng tha chiều về xây tổ

Rừng đã suối giữ chân hòn sỏi cũ

Đồi đã làng trăng xuống trẻ con chơi

Những cao xanh tròn tán những mảnh đời

Cặp con đỏ đã nàng dâu chàng rể

Làng cô phụ đã mẹ chồng mẹ vợ

Những muối tiêu sương trắng đã nên bà

Những người trồng rừng mai một đi xa

Cô đơn cũ sót lại vài mảnh nắng

Hồn đàn bà sẽ nhập vào mây trắng

Cánh rừng xanh xanh mãi hoá chân trời.

Và như thế từ Xóm không chồng của Ngô Quang Hưng, Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai, Phố bà của Lê Va đã được Nguyễn Tấn Việt khép lại bằng Những người trồng rừng một mình. Nguyễn Tấn Việt khép lại một mạch thơ, nhưng chính là mở ra một mạch cảm xúc mới. Những người phụ nữ trải qua mất mát hy sinh cá nhân mình, vượt nên biết bao khó khăn, mặc cảm, góp phần cùng toàn dân tộc làm nên hoà bình, độc lập dân tộc và tiếp tục xây dựng đất nước. Đó là màu xanh xanh nhất, và không chỉ xanh một mình.

Hẳn sẽ rất thú vị khi lần đầu tiên bốn tác giả Ngô Quang Hưng, Nguyễn Thị Mai, Lê Va và Nguyễn Tấn Việt cùng có mặt, cùng đọc thơ, cùng giao lưu với mọi người về thơ nhất là mạch thơ mà họ đã viết ra tại đất Mường Hoà Bình.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm