March 29, 2024, 8:04 pm

Có một đường Trường Sơn “đặc biệt”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh xứng đáng được gọi là huyền thoại với 5 trục dọc, 21 trục ngang tạo nên “bát quái trận đồ” hùng vĩ trên trùng điệp vạn lý Trường Sơn. Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng… (Lê Duẩn). Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích bi tráng của dân tộc trong những năm tháng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu) vẫn không phôi phai. Trong ký ức dân tộc, đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị mờ nhạt bởi những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt có từ quá khứ và sự tiếp nối tốt đẹp hiện nay gắn với công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Cùng với đường Trường Sơn trải dọc ngang trên mặt đất như một công trình vĩ đại còn có một đường Trường Sơn khác hiện lên hùng tráng trong văn thơ một thời. Tôi muốn gọi đó là đường Trường Sơn “đặc biệt” do một “binh chủng đặc biệt” làm nên. Họ là các nhà văn, nhà thơ của thời chống Mỹ oanh liệt.

Còn nhớ, trong thi phẩm Nước non ngàn dặm, sáng tác năm 1973, nhà thơ Tố Hữu viết: Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình. Trường Sơn thời đánh Mỹ được coi như biểu tượng của lòng yêu nước cao cả, là nơi tụ hội chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo văn học dạt dào bởi hiện thực chiến tranh bộn bề cháy bỏng, gắn liền với ý thức công dân - chiến sĩ luôn được nêu cao. Năm 1979, nhân kỷ niệm 20 năm Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học in cuốn Trường Sơn. Thơ văn chọn lọc dày gần 600 trang khổ 16x24. Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ có mặt trong ấn phẩm này không hề ít. Tôi nghĩ, phần lớn các tác giả tên tuổi thời chống Mỹ đều có mặt trong tuyển tập này. Đó là các nhà thơ Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Đặng Tính, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Chính Hữu, Thanh Hải, Giang Nam, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật, Trọng Khoát, Phạm Lê, Trịnh Quý, Xuân Miễn, Tạ Hữu Yên, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Duy Khán, Hữu Thỉnh, Gia Dũng, Xuân Hoàng, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhật Thu, Lê Đình Cánh, Võ Văn Trực, Lê Thị Mây, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Thúy Bắc… Cùng với các nhà văn nổi tiếng như Thép Mới, Chu Văn, Đỗ Chu, Nguyễn Việt Phương, Xuân Thiều, Hữu Mai, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Cao Tiến Lê, Bùi Bình Thi, Đào Vũ, Nguyễn Minh Châu, Phạm Hoa, Nhật Tuấn, Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường), Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Lê Lựu… Có thể nói rằng Trường Sơn thời đánh Mỹ có một sức hút mãnh liệt các nhà văn, nhà thơ. Trường Sơn không chỉ là tên của dãy núi dài nhất Việt Nam, được ví như xương sống của giang sơn, là không gian lịch sử, văn hóa mà đích thực là một đề tài sáng tác quan trọng nhất thời đó. Trường Sơn với con đường mang tên Bác huyền thoại gắn với Đoàn 559 rất nổi tiếng trong chiến tranh đã hội tụ nhiều văn nghệ sĩ tài giỏi mặc áo lính hay dân sự tâm huyết sáng tác về vùng đất, con người nơi đó. Khoảng cách giữa hiện thực đời sống, nguyên mẫu nhân vật với trang viết hình như không xa mấy. Những cung đường ác liệt, những trọng điểm bị bom đạn giặc cày xới trơ trụi, những cánh rừng đại ngàn, những chiến sĩ lái xe, công binh, pháo binh, bộ binh…, những cô gái thanh niên xung phong, những đội dân công hỏa tuyến tự nhiên bước vào những trang bản thảo viết ra dưới ánh đèn dầu vàng hoe trong các căn hầm dã chiến. Những bài thơ, trường ca, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết được khai sinh dưới tầm bom của “pháo đài bay” B52 rải thảm, hay máy bay phản lực của Mỹ. Những trang văn thơ Trường Sơn của “Binh chủng đặc biệt” xứng đáng được coi là vũ khí đánh giặc lợi hại của người cầm bút vừa tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng vừa giàu chất trữ tình lãng mạn, đầy tính nhân văn. Đọc kỹ văn thơ Trường Sơn thời đánh Mỹ tôi thấy rõ điều đó. Có một tuyến đường Trường Sơn khí phách anh hùng, sáng tạo trong chiến đấu, lao động và cũng có một Trường Sơn nồng thắm yêu thương trong văn học. Hai cái bổ sung cho nhau tạo nên hình tượng con đường Trường Sơn, con người Trường Sơn hùng vĩ, kỳ diệu, cao cả, trong sáng một thời và mãi mãi. Tôi nghĩ, không phải sáng tác nào về Trường Sơn cũng hay cả nhưng những tác phẩm đã in dấu ấn trong lòng bạn đọc rất nên được trân trọng và quảng bá rộng rãi bây giờ dù cuộc chiến đã lùi xa. Đó là những thi phẩm hay như Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi; Bướm Trường Sơn của Chế Lan Viên; Ngã ba Đồng Lộc của Huy Cận; Ngọn đèn đứng gác của Chính Hữu; Tiểu đội xe không kính, Gửi em, cô thanh niên xung phong, Nhớ, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Những vùng rừng không dân…của Phạm Tiến Duật; Anh bộ đội và tiếng nhạc la của Hoàng Nhuận Cầm; Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ; Bầu trời vuông của Nguyễn Duy; Hành quân thần tốc của Nguyễn Đức Mậu; Viết trên đường 20 của Xuân Quỳnh; Khúc hát rừng của Lê Thị Mây… Cũng như thế, bạn đọc hôm nay sẽ biết được Trường Sơn thời đánh Mỹ qua những tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết Mở rừng của Lê Lựu; Xẻ núi của Nguyễn Việt Phương…cùng các truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu; Cây hoàng liên rễ đắng của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh; Tiếng đêm của Cao Tiến Lê; Những chùm hoa một màu của Phạm Hoa… Hẳn còn nhiều tác phẩm về Trường Sơn thời chiến tranh nữa mà tôi chưa kể hết ra đây. Chỉ xin nói thêm một điều, đừng xem văn học thời kháng chiến là dàn đồng ca đơn điệu; đọc thật kỹ, nhìn thật sâu, ta sẽ thấy cái riêng biệt ở mỗi tác giả như là dấu ấn sáng tạo của người cầm bút. Hoặc có những khía cạnh cần sự chia sẻ cảm thông như không có nhiều tác phẩm xoáy sâu vào mất mát, đau thương, những bi kịch thời chiến vốn không thiếu trong đời sống xã hội bấy giờ. Sau chiến tranh, khi đã có một độ lùi cần thiết chúng ta được chứng kiến sự ra đời của không ít tác phẩm văn học xoáy sâu vào sự mất mát, đau thương, thân phận con người.

Không thể nói khác được, đường Trường Sơn trong văn học cũng là con đường đánh giặc để dành lại độc lập tự do, hòa bình, thống nhất non sông. Đấy là con đường mà mỗi ngày đêm đi qua, chủ nghĩa anh hùng cách mạng luôn được tỏa sáng. Trước hết, đấy là công trình vĩ đại mang tính chất huyền thoại do bàn tay của chiến sĩ và nhân dân tạo dựng nên. Thơ Tố Hữu đã cho chúng ta một hình dung khái quát về con đường chiến lược mang tên Hồ Chí Minh: Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình… (Nước non ngàn dặm). Trường Sơn là con đường ra trận, muôn vàn gian khó hiểm nguy nhưng không làm sờn lòng các chiến sĩ lái xe: Chao, đèo cao hiểm yếu/ Dốc ngoặt gấp cheo leo/ Bom giặc cày phá trụi/ Xe ta băng qua đèo… (Qua đèo 700 - Đặng Tính). Trường Sơn thấp thoáng những ngọn đèn đứng gác trong thơ Chính Hữu: Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt/ Như miền Nam/ Hai mươi năm/ Không đêm nào ngủ được/ Như cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức…. Đó là con đường của niềm tin và hy vọng; con đường dẫn đến đích Chiến thắng: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường/ như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn (Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)…

Nói đến Trường Sơn những năm đánh Mỹ người ta không thể không nhắc tới Phạm Tiến Duật. Anh là bộ đội Trường Sơn, gắn bó với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại nhiều năm. Con đường Trường Sơn, con người Trường Sơn đã chọn Phạm Tiến Duật để viết về mình. Đấy có lẽ là nhân duyên đẹp đẽ không dễ tới với người làm thơ. Cũng chung một hiện thực, bối cảnh nhưng không phải ai cũng làm nên được một Trường Sơn vừa khí phách anh hùng, vừa trữ tình lãng mạn và còn thêm sự tươi trẻ khoáng đạt trong thi ca như Phạm Tiến Duật. Những thi phẩm hay nhất của Phạm Tiến Duật là những bài thơ về Trường Sơn. Nhà thơ tài năng Chế Lan Viên từng khẳng định, Phạm Tiến Duật là một hiện tượng lớn, là người cách tân thơ, là người khai mở một thi pháp, rất nhiều năm sau sẽ khó có thể thấy. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng dành cho “con chim lửa Trường Sơn” những lời ngợi ca ấm áp: Dưới bầu trời sinh tử của chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã làm một cuộc tự trải nghiệm, tự khám phá khắc nghiệt nhất và đã vươn lên làm một cuộc đột phá điển hình nhất, đưa thơ chống Mỹ lên đên đỉnh cao… Độc đáo và vụt sáng, đầy sức lay động và ấm áp ngay cả trong những lúc cay nghiệt nhất của chiến tranh, đó là vẻ đẹp của thơ Phạm Tiến Duật. Tôi không ngần ngại khi nói rằng Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật là Trường Sơn nhìn gần, Trường Sơn của người trong cuộc sinh tử, Trường Sơn của những thử thách lớn, Trường Sơn của tầm nhìn xa rộng tới mai sau. Đọc lại anh để thấy có một Trường Sơn bình tĩnh, tự tin, vượt lên bom đạn kẻ thù: Tôi đứng giữa Seng Phan/ Cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn/ Tiếng mìn công binh đánh đá/ Tiếng điếu cày rít lên thong thả…/ Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường…/ Thế đấy giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ (Tiếng bom ở Seng Phan). Hình tượng người chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã khắc tạc vào tâm trí bao người khi lời kể ngắn gọn của anh đã được Phạm Tiến Duật chuyển hóa thành thơ: Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo…/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. (Nhớ). Về bài thơ tứ tuyệt rất hay này, Phạm Tiến Duật có lần tâm sự: “Nhiều người bảo tôi dụng công ở hai dòng sau. Thực thì không phải thế. Cái khó mà tôi đã phải vượt qua là hai dòng đầu”. Đúng thế, hai dòng sau cất cánh được một cách lãng mạn như thế bởi nhờ đường băng hiện thực có phần mộc mạc cụ thể của hai câu đầu. Với các cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn thì phải nói rằng chưa ai viết đẹp về họ như nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cái đẹp ôm chứa sự yêu thương, trân trọng thành thực; một trong những cội nguồn tạo nên sức mạnh vượt thoát của con người trong bom rơi, đạn nổ. Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom/ Áo em hình như trắng nhất (Gửi em, cô thanh niên xung phong). Đây nữa, những câu thơ như thế này mang vẻ đẹp thanh xuân lâu dài dù người làm thơ đã bay vào cõi khác và nguyên mẫu nhân vật cũng đã thành bà: Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa, ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà/ Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy… (Gửi em, cô thanh niên xung phong)…Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, những bài thơ và những câu thơ như thế sẽ không còn giá trị hay bị khuất lấp trong hiện tại và mai sau.

Lại có một Trường Sơn của tình yêu trong lửa đạn. Chiến tranh dù khốc liệt đến mấy cũng không dập tắt nổi yêu thương của con người. Trên con đường Trường Sơn văn thơ có những vầng sáng tuyệt đẹp của tình yêu. Đọc đã lâu lắm rồi mà tôi vẫn chưa hề quên nhân vật cô gái làm đường tên Nguyệt và anh lái xe Lãm trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đầy chất thơ của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cái ghim chặt trong lòng ta không chỉ là câu chuyện nhiều thắt mở quanh co mà chủ yếu ở tâm hồn trong trẻo của cô gái làm đường mang tên mảnh trăng. Thú thật, tôi còn rưng rưng khi đọc lại những câu văn này: Con sông miền Tây in đầy bóng núi xanh thẫm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng chơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông, giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa bom đạn và cảnh tàn phá những cái quý giá do chính bàn tay mình xây dựng lên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?

Con đường Trường Sơn có những đoàn quân trùng trùng ra trận đã được ví như tình yêu nối lời vô tận. Tình yêu của những gánh vác, chăm lo chung riêng trong rất nhiều xa cách, gian nguy. Bây giờ, đó chính là hồi ức đẹp nhất trong lòng người lính, tôi tin thế, dẫu không phải yêu dấu nồng cháy nào cũng cùng nhau về tới đích. Trường Sơn Tây anh đi thương em/ Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo…/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có hái măng không?/ Em thương anh bên tây mùa đông/ Nước khe cạn bướm bay lèn đá/ Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lo đường chắn bom thù… (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật).

Trên đây, chỉ là mấy nét chấm phá sơ lược về con đường Trường Sơn “đặc biệt”, con đường Trường Sơn trong văn học thời chống Mỹ. Đó là ký ức của tôi, của nhiều người, từng là lính Trường Sơn, từng đi qua Trường Sơn. Dấu chân người ra trận in lõm vào đá núi đại ngàn (có một phiến đá như thế đang được trưng bày ở Bảo tàng Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh). Và những tác phẩm văn học về Trường Sơn thời bom đạn còn lưu giữ trong các thư viện lớn hay tủ sách gia đình. Lại có bài thơ, câu chuyện được lưu giữ trong ký ức tâm hồn người lính như một phần đời chiến trận không bị lãng quên. Mạch văn thơ viết về Trường Sơn vẫn chưa ngưng chảy; sau chiến tranh, nhiều tác phẩm xúc động về Trường Sơn vẫn được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Điều đó cũng đúng thôi, Trường Sơn là một phần không thể thiếu trong  các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Những trang văn từ quá khứ góp thêm năng lượng cho cuộc sống hôm nay và cả mai sau nữa mà con đường Trường Sơn “đặc biệt” là một ví dụ.

Nguồn Văn nghệ số 22/2022


Có thể bạn quan tâm