April 23, 2024, 9:08 pm

Cô giáo không bục giảng

 

Một trận ốm vi rút đã bất ngờ cắt ngang cuộc đời cô giáo Ngô Tuyết Lan mà chính cô sau này cũng không thể tưởng tượng nổi. Đời người phụ nữ như một sợi dây, ở đó có những nút xoắn nghiệt ngã. Và tự cô đã ghép cho mình trách nhiệm, đi tìm ánh sáng phía cuối đường hầm cho cuộc đời mình. Hơn 30 năm nay, cô vẫn miệt mài đứng trên lớp học dạy phụ đạo cho các học sinh ở khắp nơi tìm đến. Dưới bàn tay của người “mẹ hiền” ấy, đã có bao thế hệ học sinh trưởng thành và tiến bộ…

Cô giáo Ngô Tuyết Lan ngày ngày vẫn miệt mài cập nhật thông tin để làm phong phú thêm bài viết của mình

Tuổi thơ dữ dội

Tuyết Lan sinh ra trong một gia đình có 2 chị em gái. Cô là con thứ hai và cũng là người kém may mắn nhất, cô mắc phải căn bệnh bại liệt vi rút bẩm sinh. Đây là một căn bệnh rất khó chữa. Ký ức về ngày ấy, cô chỉ nhớ được ít lắm, mơ hồ lắm, những cũng đủ làm cho cô nhói đau trong suốt cả cuộc đời. Sau này cô có nghe ba mẹ kể lại rằng khi được 1 tuổi, cô bị trận ốm nặng do vi rút bại liệt. Dù cha mẹ đã cố gắng chạy chữa rất nhiều nhưng di chứng thì vẫn còn đó. Càng lớn cô càng thấy chân tay mình teo tóp, các cơ chân ngày càng nhỏ xíu lại và mỗi bước đi cứ thêm xiêu vẹo, có cảm giác như cơn gió thoảng qua cũng có thể làm chao đảo... Đôi chân đã thế, đôi tay cô cũng chả khá hơn, không còn cảm giác cầm nắm, kể cả việc cầm bút…

Bế đứa con trên tay mà người mẹ bầm gan tím ruột. Gia đình đưa Tuyết Lan đi khắp hết các bệnh viện. Các bác sĩ đều lắc đầu, bệnh viện trả về vì ngày đó chưa có phương pháp hay loại thuốc nào chữa trị được bệnh này. Mẹ chỉ quanh đi quẩn lại nơi cửa nhà để bồng bế con, chẳng làm được việc gì. Việc đồng áng nhờ vào anh em, làng xóm. Bố Lan là công nhân công ty vận tải xây dựng, cả nhà chỉ biết trông chờ vào đồng lương ít ỏi mà ông kiếm được, cuộc sống chật vật khó khăn.

Theo thời gian, Tuyết Lan cũng tập đi, tập bò, tập ngồi và tập bước những bước đầu tiên, dù vẫn còn nghiêng ngả. Thế nhưng vì đôi chân quá yếu ớt, quá non mềm, em không thể đi quá nổi hai bước. Cùng từ ấy do bận bịu công việc, ba mẹ thường đặt em trên giường nằm thơ thẩn, em tự chơi và sống trong tứ thế không đi lại được. Nỗi buồn không giống bạn bè bắt đầu khắc sâu vào trong lòng cô. Hơn 3 năm, Tuyết Lan phải chống chọi với căn bệnh quái ác, không ít lần cô bé đáng thương bị căn bệnh ấy hành hạ. Những vết thương cũ chưa lành thì ngay lập tức vết thương mới lại tiếp diễn. Những chỗ xương bị nơi cánh tay, khuỷu tay khiến Lan quằn quại đau đớn. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Tuyết Lan phải phụ thuộc vào bàn tay của mẹ. Tới tuổi đến trường, nghĩ bụng “cho con đi học để được thỏa lòng mong mỏi”, bà Khánh lại cất công lặn lội vất vả ngược xuôi lên xin nhà trường nhận Lan vào học. Khi biết được niềm vui ấy, Tuyết Lan bắt đầu tập đi, với những bước đi ngắn, nghiêng ngả và xiêu vẹo khó khăn. Đôi bàn tay nhỏ xíu cứ lần lần bám vào thành cửa, thành giường hoặc bất cứ thứ gì để có thể làm điểm tựa... Rồi những bước đi đầu tiên còn nhói đau đến tận xương tủy, đã khiến chị không ít lần vấp ngã. Có lần vì ham tập đi quá, chị bị ngã gãy chân, phải bó bột suốt một thời gian dài. Nằm thế, chị nghĩ, giá như có một chiếc xe lăn để có thể giúp mình đi lại được. Và rồi, vào năm 2003, niềm ước mơ cháy bỏng đó đã thành hiện thực, khi chị được một tổ chức nhân đạo tặng một chiếc xe lăn. Từ ấy chiếc xe lăn như một người bạn đồng hành không thể thiếu vắng trong cuộc sống khi đó cũng như suốt một phần đời sau này. Nhờ có chiếc xe mà giờ đây chị đã không còn phải ngồi một chỗ nữa, đã có thể đi ra ngoài, được nhìn ngắm cuộc sống, giao lưu và tự mua sắm cho mình vài món đồ thiết yếu. Rồi cũng nhờ chiếc xe, chị cũng có thể đi đến một vài hiệu sách để mua sắm thêm sách cho mỗi buổi lên lớp của mình.

Còn nhớ vào năm 1977, cô thi đỗ khoa Văn thư Lưu trữ, một khoa của trường đại học Ngoại ngữ khi đó, cơ sở được đặt tại Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cả gia đình háo hức, khát khao chờ ngày người con gái bé bỏng bước lên thềm giảng đường… Thế nhưng, niềm ước mơ và khao khát chảy bỏng ấy đã ngay lập tức bị dập tắt, đổ sụp khi nhập học được vài ngày, trong đợt kiểm tra sức khỏe đầu vào, chị không được nhập học với lý do: Sau khi học xong sẽ phân công công tác cho từng học sinh nên không thể sắp đặt cho chị đi đâu được. Chán nản, tuyệt vọng nhưng quyết tâm theo đuổi con đường học vấn vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai, Ngô Tuyết Lan luôn trăn trở làm một điều gì trong tương lai và cũng là để nói với mọi người rằng mình tàn nhưng không phế. Cô làm đơn và viết giấy cam đoan rằng chỉ xin được học để lấy kiến thức chứ không cần nhà trường chịu trách nhiệm phân công công tác. Nhưng mọi chuyện đều chìm vào trong vòng xoáy của thời gian.

Đau khổ, mặc cảm, Lan đã bao lần khóc ướt gối. Nhưng dường như khi con người ta rơi vào bước đường cùng thì niềm tin và nghị lực luôn là ánh sáng soi rọi con đường giúp họ bước tiếp. Và rồi mấy ai ngờ rằng, ở người con gái nhỏ tật nguyền ấy lại ẩn tàng một ý chí thép, một nghị lực phi thường để vượt lên tất cả. Lan lao vào công việc kiếm tiền. Hồi đầu chị đi làm len, chị giúp mẹ đan len, móc áo, khăn len. Số tiền ít ỏi từ công việc vụn vặt này cũng chỉ đủ cho ba con người sống trong tằn tiện. Để có thêm 10 cân gạo mỗi tháng, chị nhận hộp bìa cáttông của xí nghiệp 202 (Trụ sở đặt ở Đại La), xí nghiệp dành cho người khuyết tật làm thêm. Có nhiều lần tay chị run run, yếu đi mỗi khi làm xong, hai bàn tay chị nhức buốt ê ẩm đến tận xương tủy. Chị mỉm cười hạnh phúc: “Nhưng làm nhiều khắc quen, mấy tháng sau tôi không còn cảm giác đau nữa phải cố gắng ghim hoàn chỉnh một chiếc hộp”

Vì sự nghiệp trăm năm “trồng người”

Nhiều người bảo rằng, hình như Lan rất có duyên với nghề nhà giáo thì phải. Chị chỉ lặng thinh, mỉm cười. Nhưng quả đúng là cuộc đời chị đã gắn bó với nghề nhà giáo thật. Cái nghiệp “trồng người”, gieo con chữ như đến với chị cũng rất tình cờ. Dạo đó, một lần có một người bạn đến phàn nàn với chị về trình độ tiếng Nga của đứa con gái rất kém, điểm lúc nào cũng thấp. Nghe người bạn nói, với vốn tiếng Nga ít ỏi, chị mạnh dạn đề nghị được làm gia sư giúp cháu. Trong thời gian hai tháng, Lan đã thành công. Đưa học trò đầu tiên của chị đã thi đỗ vào trường cấp 3 với số điểm rất cao.         

Không biết ngọn gió nào đã mang câu chuyện ấy đi xa, mà sau đó đã có biết bao cô bạn của cô có con học kém không có thời gian kèm cặp đều tìm đến những mong mỏi nhờ chị kèm cặp, dạy dỗ. Chỉ sau một thời gian, những học sinh sau khi được “cô giáo” Lan trực tiếp giáo dục đều tiến bộ lên rất nhiều. Từ đó cho về sau rất nhiều người tìm đến “lớp dạy kèm” nhỏ của cô Lan và đưa con đến nhờ giúp đỡ.

Đã có biết bao khóa học sinh đến và đi. Rồi đã có biết bao người trong số lớp học đã đỗ đạt trường chuyên, vào đại học, vẫn tri ân cô giáo đặc biệt của mình. Nhiều người hiện nay rất thành đạt trong cuộc sống. Có những người đã có gia đình và thường xuyên qua lại động viên, tâm sự, chia sẻ và nhắc lại kỷ niệm cũ với lòng biết ơn sâu sắc… Giờ đây, mỗi khi có dịp nhớ lại kỷ niệm với đám học sinh của mình, cô giáo Lan đều không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào, cô nói: “Nhiều em học sinh ra trường còn không quên cô giáo và về thăm cô luôn luôn. Thậm chí các em còn coi tôi như là người mẹ, người chị, người bà thân thiết trong mái ấm gia đình của mình. Đó là kết của quý báu nhất mà tôi thu lượm được từ nghề giáo cao quý này, dẫu chưa một lần được chính thức đứng trên bục giảng…”.

Dù không phải là một nhà giáo theo đúng nghĩa. Nhưng chính tình cảm của biết bao thế hệ học trò, trong đó nhiều người thành đạt, đã khiến Lan nhận ra rằng, nhà giáo không phải là cái danh, nhà giáo chỉ xuất phát trong tâm của người truyền chữ và nhận chữ. Điều đó càng khiến chị yêu hơn nghề “trồng người”. Có những học sinh biết hoàn cảnh gia đình cô khó khăn, mẹ già yếu, bố qua đời, chị gái đã lấy chồng nên thường lui tới thăm nom, săn sóc, đỡ đần, coi chị như mẹ mình.

Sau những bộn bề cuộc sống, mỗi ngày, “cô giáo” Tuyết Lan vẫn miệt mài bên từng trang giáo án, mải mê với những con chữ, những cuốn sách hay… với mong muốn sẽ truyền đạt lại kiến thức cho các em bằng tâm huyết của mình. Trong ngôi nhà có mỗi mình người phụ nữ tật nguyền sinh sống, song không hề hiu quạnh, buồn tẻ bởi ở đó mỗi sớm mai thức dậy người ta vẫn thấy văng vẳng tiếng trò truyện, đọc sách, cười đùa, trao đổi bài của những đám học sinh ngộ nghĩnh…

Nguồn Văn nghệ số 07/2020


Có thể bạn quan tâm