March 28, 2024, 6:19 pm

Cô gái xóm Ngàn Nưa

Mới từ tỉnh lẻ về Hà Nội công tác một thời gian ngắn, may có khoản tiếng Anh kha khá, tôi lại có thêm chuyến đi nước ngoài nghiên cứu mô hình quản lý kinh tế vi mô, tức là kinh tế ở mảng doanh nghiệp siêu nhỏ trong thời công nghiệp 4.0 dài hơn một tháng ở quốc gia thuộc nhóm G7. Kết thúc chuyến đi, vừa về đến nhà, tôi được bố mẹ cho biết, chú Lâu mới mất. Do hai cụ không được khỏe, đường sá lại xa xôi nên chỉ gọi phôn chia buồn và gửi về chút tiền phúng viếng bằng ngả bưu điện. Nay có tôi về, bố khẩn thiết bảo, tôi phải xin nghỉ phép ít ngày để đưa ông về thắp hương trước tuần bốn chín ngày cho em trai. Sắp đến hôm đi, bố bỗng nhiên đổ bệnh ho, mẹ phải ở lại nhà chăm nên chỉ tôi, một mình một xe chạy ba trăm cây số về nhà ông chú ruột ở một vùng đất bán sơn địa.

 

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

 

Thím Huê, vợ chú Lâu đón tôi với với những lời cảm động trong nước mắt biết ơn, rằng tôi đã không quản đường xa trong lúc nhà đang có người đau ốm về thăm và chia buồn mất mát không gì bù đắp được của gia đình thím.

Tôi đặt đồ lễ, khấn khứa như thông lệ một lúc lâu và ra bàn nước ngồi. Thím Huê vừa gọi điện cho ai đó bằng cái máy di động “cục gạch”. Từ ngoài hiên đi vào, thím mời tôi uống nước rồi vẫn trong tâm trạng sụt sịt nước mắt, vắn tắt kể lại quá trình bệnh tật của chú Lâu. Cũng chỉ là thứ bệnh người già bị di chứng sốt rét những năm ở chiến trường, nó như đèn cạn dầu rồi lịm dần thôi. Thím còn kể thêm, lúc sắp mất, chú Lâu rất tự hào nhắc đến bố tôi, coi ông là một người học hành giỏi giang thông minh từ nhỏ. Khi trưởng thành thì hanh thông sự nghiệp, gia đình khá giả, con cái phương trưởng trong đó có tôi. Kể về anh chồng nhưng không hề tự ti về chồng mình. Thím vừa kể, vừa lau nước mắt về tấm lòng vì vợ con đến hết mình của chú, cho đến lúc hai tay bắt chuồn chuồn cũng chưa hề nguôi.

Nghe lời kể của thím Huê, mặt tôi như có vài chục mũi kim châm chích vì xấu hổ, hối hận bởi sự hư đốn của mình. Suốt mấy chục năm đã và đang sống nhăn của đời mình, đây là lần đầu tôi về thăm chú thím. Quê tôi không phải ở vùng này mà là một làng sát biển phía đông bắc của tỉnh. Chú Lâu tôi, ngày xưa đi lính, trước khi vào chiến trường, đóng quân tại đây, quê thím Huê. Chiến tranh kết thúc, chú trở lại, gặp thím, hai người thành vợ chồng và chú tôi ở rể luôn. Còn tôi, trước ngày về Hà Nội làm việc, tôi từng có chín năm làm chuyên viên, rồi trưởng, phó phòng một sở lớn dưới tỉnh. Rồi tiếp đến là các lớp quản lí, lí luận cho cán bộ nguồn nên khoảng cách từ đó lên đây chỉ chừng bảy mươi cây số mà tôi đã chưa một lần về thăm chú thím. Kể ra cũng có nhiều dịp thăm chú thím, nhưng tôi nghĩ chả cần. Đằng nào mình cũng có vị trí xã hội, nhiều chỗ cần thể hiện hơn chốn khỉ ho cò gáy, dù nơi đó có người chú ruột của mình. Ấn tượng của tôi về chú Lâu là vào dịp Tết đến xuân về, chú cũng trong bộ quần áo lính, đi dép râu cao su, khóa gót bằng cái quai đen chắc chắn như buộc mang túi gạo nếp đến cả chục kí lô và đôi gà đồi, chân cao như chân sếu nhưng thịt mềm và thơm đằm đặm, túi quả hái từ vườn ra biếu bố mẹ tôi, cùng với lời thưa vô cùng mộc mạc: “Vợ chồng em quê mùa góp tí chút cây nhà lá vườn để mồng một Tết, anh chị và các cháu thắp hương cho các cụ”…

Một cô gái dáng cao, khỏe chắc, đi ủng, mặt mày kín mít đồ chống nắng chạy chiếc xe máy cà tang, kéo một cái xe lôi đầy ắp lá sả tươi về sân khiến tôi ngừng mạch nghĩ.

Thím tôi bảo, đó là Mãn, con gái út của chú thím đi làm ở vườn đồi về.

Từ trong nhìn ra, khi thấy cô gái vừa bỏ đồ chống nắng ở mặt, tim tôi muốn ngừng đập. Còn cô gái, lúc vào nhà nhận ra tôi, mặt biến sắc rất nhanh, lúng túng đến vài phút.

Thím Huê dường như không nhận ra điều đó, chỉ nói với con gái như một lời giới thiệu: “Anh Hùng thay mặt gia đình bác cả Nhàn ở Hà Nội về thắp hương cho bố đấy!”

Mãn lấy lại được bình tĩnh, cô nhẹ nhàng đáp: “Vâng! Nghe điện thoại của mẹ là con về ngay”.

Nói thế rồi Mãn rất tự nhiên rót thêm nước vào chén của tôi, mời mọc lễ độ và hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ tôi. Sau đó, cô xin phép đi làm cơm đãi tôi vì đã đến bữa. Cô còn cẩn thận hỏi, tôi thích món thịt gà đồi luộc hay rán. Tôi luống cuống đáp như cái máy: “Anh thích cả hai!”.

Thím Huê bảo tôi ra cái võng đay đầu hồi nhà, dưới một cây xoài cổ thụ rợp bóng nằm nghỉ cho thoáng mát rồi thím vào bếp cùng con gái. Tôi vâng lời thím bằng mấy từ “dạ” và đi ra sân dạo quanh cái cơ ngơi đất cát rộng rãi nhưng khô cằn của một hộ nông dân nghèo ở một vùng bìa rừng được mệnh danh là chó ăn đá gà ăn sỏi.

Khi quay lại đầu hồi nhà ngồi xuống võng, mặt tôi lại sượng sùng bởi nỗi xấu hổ, hối hận thất thần như lúc vừa trông thấy cô em gái con ông chú chạy xe về.

*

Ngày còn làm trưởng phòng ở sở X, một đầu ngành lớn ở tỉnh nhà, vì là nguồn lãnh đạo sở nên tôi hay có những chuyến công cán xuống địa phương. Tính ưa xê dịch và có thói trăng hoa nên mỗi lần đi cơ sở, nếu được anh em “thiết kế” cho đi xả láng từ A đến Z, tôi đều vui vẻ chấp nhận như một thú vui khó cưỡng.

Ở huyện Thanh Vân, qua vài lần lui tới, tôi bị ghiền bởi quán cà phê Hương Rừng. Quán này cách thị trấn huyện bốn cây số. Tuy hơi xa nhưng địa thế có rừng, có suối, sơn thủy hữu tình, đẹp nao lòng như một tiên cảnh nơi trần thế. 

Thời buổi khách hàng là thượng đế, không dễ tìm được tiệm cà phê nào kinh doanh nghiêm chỉnh. Cái phố huyện hơn mười ngàn dân, nhiều người dư giả, khách đến giao dịch làm ăn luôn cần nhu cầu giải trí, tìm cảm hứng để kí kết hợp đồng, săn thú vui. Có đến mươi lăm quán cà phê thuộc loại hoành tráng nhưng chiều thượng đế ngọt ngào đến độ, vui tươi tới bến thì không đâu được như ở Hương Rừng.

Đến Hương Rừng không chỉ để thưởng thức cà phê. Bởi ở đây còn có Diễm Hương, chủ quán mới khoảng ba mươi, đã xinh lại còn trẻ hơn tuổi nhiều. Chồng mất vì tai nạn; đẹp người, lại khéo trang điểm và mốt thời trang luôn tân kỳ nên cô ả khiến cánh mày râu chỉ thoạt nhìn đã thấy rạo rực khắp mọi cơ quan đoàn thể, nội tại cũng như ngoại mạo. Gái phục vụ ở Hương Rừng, tiêu chuẩn số một là cần trẻ, khỏe và đương nhiên là phải xinh. Để cho mới mẻ, độ vài tháng, chủ quán lại đảo tiếp viên một lần hoặc thâu nạp trinh nữ từ các bản làng hương đồng gió nội quanh vùng.

 Là một kẻ nghiện Hương Rừng nên lần nào về công cán ở huyện Thanh Vân tôi đều sắp sếp thời gian để có dịp đáo qua.

Đúng thế! Không đến đây tôi khó mà yên tâm làm việc. Ở đây có nhiều gái xinh đẹp và chiều khách tới bến! Tôi đến còn vì còn một lẽ nữa, cô chủ Diễm Hương đã nói ra cửa miệng, rằng cô ta thần tượng tôi, là bồ, người lấy đi ở tôi luôn rất nhiều sức mỗi lần gặp. Thần tượng một người vừa đẹp trai, vừa phong độ rất tâm hồn, lại còn rất gallant, tiêu tiền không bao giờ nhận phần thối lại. Lần nào đến, tôi cũng có quà cho cô, thứ quà các người đẹp khó lòng từ chối. Là thần tượng, nên lần nào không có các em được như ý, cô tự nguyện hiến dâng bằng cuồng nhiệt hết mình...

Rồi một lần!

Diễm Hương biết tôi về Thanh Vân đã chủ động gọi phôn, báo là có một bông hoa nhỏ, lứa tuổi đẹp nhất thời con gái, nguyên hương đồng gió nội, tinh tươm tuyệt vời, Hương Rừng muốn dâng cho người tri âm tri kỷ, là tôi.

Đang bận lu bù bao nhiêu là hội nghị, thẩm định hồ sơ, nhưng bỏ gái đẹp thì... cũng căng trong người lắm! Tôi phải khôn khéo sắp sếp thời gian, quan hệ và công việc tới bằng được. Buổi chiều, tôi lựa lời từ chối bữa cơm ông phó chủ tịch huyện phụ trách kinh tế mời, nói là phải đi đám cưới nhà bà con ở một làng ngoại vi, cách phố huyện mười cây số.

Tôi đến Hương Rừng sớm hơn hai mươi phút theo lời hẹn với chủ quán xinh đẹp, Diễm Hương.

Trao một hộp kem dưỡng da của Đức mua ở Hà Nội làm quà và đặt một nụ hôn gallant, phong độ lên má Diễm Hương xong, tôi được nàng bật mí: “Có một cô bé trẻ đẹp, cháu đứa bạn, vào đây làm tạm một thời gian. Anh là người đầu tiên Hương giới thiệu. Nhưng ở trường hợp này, anh nên giữ phép lịch thiệp vì chỗ làm ăn của em. Nhớ chưa, cưng? Đẹp trai, phong độ lại rủng rỉnh như anh, chắc nàng đổ ngay mà. Boa bao nhiêu, người gallant như anh không cần phải bàn thảo gì cả”. Nghe thế, tôi rạo rực cả người, hạ bốc lên thượng, hỏi lại Diễm Hương giọng nhuế nhóa nước miếng: “Vô tư đi. Nàng ta đâu? Tên gì”. Đáp: “Thụy Mi. Giờ, em đưa anh đến chỗ nó luôn”. Tôi làm bộ thắc mắc: “Tên là Thụy Mi thì làm sao có hàm lượng hương đồng gió nội được”. Diễm Hương: “Yên tâm, tên ở nhà nó quê mùa lắm, Thụy Mi là tên tem nhãn em đặt cho nó thôi! Nào, phải thực tế! Anh giai nghi ngờ là phụ lòng vàng đá của Hương đấy”. Nói xong, cô ta phạt nhanh tay trước mặt phẳng phần dưới tôi, cười ré lên: “Đang chất lượng thế này, nhịn sao được mà lục vấn em! Nào! (cô ả ghé sát vào tai tôi: còn tốn gái lắm). Mời anh giai yêu quí!”.

Mông nhún nhảy, bầu ngực trắng ngần rung rung theo nhịp bước, chủ quán dẫn tôi đến phòng cô gái tên là Thụy Mi… Cô ả cười, dịu dàng: “Giới thiệu với em, đây một đại gia phong độ nhất thiên hạ, bạn thân của chị. Hai người làm quen với nhau nhé, em làm cho đại gia vui vẻ thì có thưởng lớn đấy.” Chỉ nói thế rồi chủ quán nháy mắt cho tôi, bỏ đi, để lại sau lưng một vùng thơm nức từ nước hoa ngoại.

Thụy Mi đúng là cô bé đẹp, khuôn mặt dịu dàng như trăng thu. Cô không hề trang điểm nhưng nội lực đang thì của một thiếu nữ được phát tiết với làn da tuy hơi rám nắng nhưng hồng hào, đôi má có lúm đồng tiền còn đang lớt phớt lớp lông tơ mịn màng. Khi tôi bắt chuyện, cô nàng ý tứ mở rộng cửa sổ, bảo cho thoáng. Với các cô gái làm nghề ở chốn son phấn, tôi biết, chỉ vài phút “dạo nhạc” cốt gợi phấn khích rồi đàn ông chưa đụng vào đã rên ư ử! Các thao tác gọn và thuần thục như muốn cướp lấy khoái lạc của đối phương. Còn Thụy Mi, chả hiểu sao, cô bé này lúc đầu nhìn tôi đầy ngoan ngoan dễ chịu nhưng hễ tôi nhích lại gần thì cô liền ý tứ lùi xa, lùi xa hơn. Hỏi gì, cô trả lời nấy. Bộ dạng càng lúc càng thêm lẽn bẽn, kiệm lời và luôn trong tư thế cảnh giác phòng thủ cao độ. Tôi bắt đầu thấy rạo rực trong người nên đổi kế, tìm hiểu trích ngang để cô có thể cảm nhận như được một sự quan tâm, thông cảm, sẻ chia từ phía tôi mà mềm lòng lại. Tôi nghĩ, từ việc không sợ hãi mà dần dà cô nàng sẽ dâng hiến. Gạ hỏi mãi, cô mới đáp: “Bố mẹ em á? Anh hỏi làm gì thế ạ? Bố đi bộ đội mười năm, thời chống Mỹ, bị thương. Khi phục viên, bố em tìm đến tận quê em lấy vợ, là mẹ em bây giờ. Bố mẹ tới bốn con. Dạ, cũng vất vả lắm ạ - Thụy Mi bỗng nhiên đỏ mặt ngừng lại một lúc rồi mới nói tiếp - Dạ, nhà làm ruộng nương thôi ạ. Mấy năm nay bố em bị ốm, mùa vừa rồi hạn nặng, sắn ngô chết hết. Nhà quá hoàn cảnh nên em dừng đi học, vào đây…”

Cái khoản than nghèo kể khổ của gái làm nghề mua vui cho thiên hạ, nghe đã quen, tôi chẳng mủi lòng. Tôi nghĩ phải chấm dứt những lời ca cẩm kể lể dài dòng như bất tận của Thụy Mi bằng một cú vồ ôm nghiêng, kéo cô siết về phía mình cùng với bàn tay còn lại, tôi chà vào bộ ngực đang phập phồng sợ hãi tột độ của cô...

Nhưng không dễ. Cô gái này cũng khỏe, lại trong tâm thế cảnh giác cao nên đảo người thoát khỏi hai cánh tay vừa thực hiện cú vồ đầy sức mạnh và lọc lõi như tôi. Điên thật, chúa sơn lâm chịu để sổng con nai rừng ngơ ngác sao?

Cô gái đứng vào góc tường, đưa tay ôm ngực thủ thế, vừa thở, vừa nói kiểu van lạy: “Anh ơi! Em xin anh! Anh đừng làm thế! Em… vào nhà hàng này để hầu bàn, chứ không... Nếu anh cứ liều, em sẽ cắn lưỡi tự tử!”

Tôi gắt lên:  Đừng làm thế? Đừng làm thế? Vậy cô chui vào đây để làm gì ta”. Thụy Mi: “Dạ, xin anh bình tĩnh ạ! Anh hỏi, tại sao em lại vào đây ạ? Vâng thì bố em ốm, các chị lấy chồng rồi, họ cũng khó khăn. Mẹ già rồi, sức không được khỏe mà vẫn hì hục ngoài đồng, mò cua bắt hến, bươi đất lật cỏ, nên có người mai mối vào đây bưng bê trà nước cho khách mỗi tháng có mười triệu, nên em…”.

Tôi lại cáu, ngắt ngang: “Trông xinh xắn thế này sao không kiếm một thằng khá giả ở làng làm chồng, lại chui vào đây, còn làm bộ?” Thụy Miên: “Anh nói gì lạ thế. Dạ, em còn con nít, ai yêu! Vả lại, cảnh nhà như thế, lại ở tít nơi thung sâu heo hút, công ăn việc làm chưa có, ai mà thông cảm thương yêu em được ạ? Thôi, đến giờ phải dọn bàn, rồi còn nghỉ. Để em xin với chị chủ tìm người khác cho anh tâm sự như ý nguyện ạ!”.

Vừa nói, Thụy Mi vừa hơi cúi đầu, đi vội ra, mở rộng thêm cánh cửa sổ bằng động tác nhanh, dứt khoát. Tôi đang chưng hửng thì mưa giông kéo đến roèn roẹt bên ngoài, cùng với tiếng sấm nổ như bom, nước mưa tạt vào phòng cùng với ánh chớp lòe xanh lét. Thụy Mi lại phải ra đóng hai cánh cửa sổ lại.

Một cơ hội không thể tuyệt vời hơn, lại đã nhiều kinh nghiệm; lợi dụng lúc đó tôi ôm siết lấy cô từ phía sau lưng. Bị bất ngờ, Thụy Mi tuy cuống quít vùng ra nhưng giọng vẫn nhẹ nhàng: “Đừng anh, em đã xin anh rồi! Em hoàn cảnh…”. “Mặc kệ! Em là của anh”! Tôi đã ghì chặt được cô gái, chà cái hôn vào đôi môi vừa thốt được “em hoàn cảnh” của cô ta. Thụy Mi người run bắn, đang cố sức đẩy tôi ra. Dịu dàng lúc này là vứt, tôi quyết định dùng sức mạnh. Trong vòng tay tôi, cơ thể cô nàng đẹp đến ngây ngất. Tôi thoáng nghĩ, nếu là ngày xưa, chắc hẳn cô đã được vua chúa tuyển vào làm cung tần mỹ nữ. Thụy Mi càng chống cự quyết liệt, tôi càng dùng sức cộng với cơn điên sắc dục bản năng, khóa chặt cô lại. Cuối cùng, chân yếu tay mềm, cô gái tuổi ten đã không chống đỡ được sức giai của kẻ nặng hơn bảy chục kí, cao gần mét tám, là tôi…

Tôi đã ẩy ngửa được mặt cô bé ra cùng với thứ giọng thèm muốn dính như nhựa: “Thụy Mi! Nào, bé con nghe nào! Chiều anh, em sẽ được nhiều tiền, được mọi thứ!”

Giọng Thụy Mi cay đắng: “Anh ơi, thương em hoàn cảnh đi, anh!” Tôi nhuề nhòa: “Ngoan nào! Anh đang cho em thoát hoàn cảnh đây mà! Nhìn đi bé con!”

Thụy Mi nhìn xoáy vào tôi, bỗng hỏi: “Anh, anh có phải con bác Nhàn không? Anh là… là”…

Như bị một quả chùy giáng vào thái dương, hai tay tôi lỏng ra, sạ xuống, mềm nhũn. Nhanh hơn con sóc, Thụy Mi vơ vội cái túi lao ra khỏi phòng và biến vào trong đêm mưa gió, sấm gầm rít, chớp giật liên hồi…

*

Thím Huê gọi tôi vào ăn cơm.

Đói. Các món Mãn làm rất ngon với có hai đĩa thịt gà rán, luộc, một đĩa cổ cánh chặt đều chằn chặn, một bát miến có hai quả cật gà bày rất khéo. Thím Huê lại chắt trong hũ rượu ngâm toàn trái sim chín vùng đồi cằn, di sản của chú tôi ra một chai Lavie nửa lít để góp phần đưa cơm nên tôi ăn uống như hũ chìm, như rốn nước xoáy. Không khí thật chan hòa tình anh em thúc bá huynh đệ. Thím Huê nhân đó lại ta thán những câu thương tiếc chú tôi. Thím nói: “Số chú cháu khổ, con à. Mấy em, nhất là cái Mãn vừa mới bắt đầu mở mày mở mặt ra được thì trời lại bắt rơi vào hoàn cảnh này. Ba chị lớn lấy chồng, còn vất vả. Giá năm ngoái năm kia mà không túng bấn như bây giờ thì thuốc thang bồi bổ kịp thời, chắc chú Lâu con đã không bị kiệt lực, bệnh nặng…”.

Mãn liền ngăn mẹ cô: “Thôi mẹ! Bệnh bố là di chứng chiến tranh, chứ hồi bố ốm, mẹ chăm nom thuốc thang, đồ ăn thức uống có thiếu thốn thứ gì đâu?” Thím Huê vẫn buồn bã tiếc thương: “Biết thế, nhưng cứ nghĩ đến bố con, mẹ lại xót. Số ông ấy khổ!”

Tôi nói vài câu an ủi thím Huê và hỏi về công việc của Mãn để xem cô đang làm gì mà mẹ vừa nói “mới bắt đầu mở mày, mở mặt ra”. Mãn kể cho tôi nghe, cô hiện có một hec-ta cây sả đang cho thu hoạch, bán sỉ hết được hơn bảy mươi triệu, trừ vốn liếng đầu tư giống, phân bón, công sá làm đất…, cô sẽ có lãi ròng hai lăm triệu. Gần đây, cô chắp mối với một cơ sở ép tinh dầu sả, họ thu mua thứ lá sả bỏ đi sau thu hoạch để ép dầu, mỗi tấn bốn trăm nghìn. Cô làm đại lý cho các hộ trong vùng hưởng tỷ lệ 50/50 cũng được một khoản tương đối. Nói rồi, cô chỉ ra cái xe lôi, có các gồi lá sả xếp buộc cao chất ngất, chứng minh: “Từ sáng đến giờ em có ba xe như này, được kha khá tiền. Bố ốm dài ngày. Chị Ruộng, chị Đồng, chị Mỹ con nhỏ, cũng đang vất nên chỉ hỗ trợ một phần. Em phải cố để lấy tiền mua thuốc cho bố”.

*

Chiều trên đường ra về, xe của tôi bám theo xe lôi của cô em họ ra cánh đồng trồng sả.

Một cơ ngơi thật đáng giá với khoản lãi ròng ước khoảng dăm chục triệu giữa bạt ngàn các thửa sả khác.

Hai anh em ngồi ở bờ thửa có cồn đất nhỏ toàn những cây mua, cây sim mọc hoang. Ngập ngừng mãi, tôi mới mở lời được với Mãn: “Anh xin lỗi em! May hồi đó em chống cự quyết liệt không thì anh đã là loài súc vật, không đáng làm giống người! Chết không nhắm được mắt! Cho phép anh quì xuống xin lỗi em!” Mãn: “Chuyện như thế nhắc lại làm gì nữa anh Hùng. Chúng ta là con chú con bác ruột, mãi mãi là anh em!” Tôi không dám nhìn vào gương mặt hiền thục đằm thắm của Mãn nhưng vẫn tò mò hỏi: “Hồi đó em đã biết anh là con bố Nhàn sao không nói ngay từ đầu?” Mãn: “Nào em có biết gì đâu, lúc bị anh điên, như con sư tử cấu xé con mồi, trong thế hiểm nguy tột cùng, nhìn thẳng vào mặt anh để tìm miếng chống đỡ, tự nhiên em thấy anh hơi giống ảnh bác Nhàn chụp với bố em hồi trẻ. Thực ra, lúc đó em cuống lên, vận mình chỉ còn trời cứu. Em nói bừa, thế mà ông trời lại giúp mới may chứ! Hình như lúc đó em được linh cảm trời ban anh ạ!”

Tôi thở dài: “Chắc em gái khinh anh lắm! Thôi, em ơi, vì tình máu mủ hãy bỏ qua cho anh. Anh xin quỳ xuống, lạy em và thề sẽ từ bỏ lối sống khốn nạn này!” Mãn cười: “Dạ, không sao đâu anh! Em quên ngay từ cái hôm mưa gió ấy! Vả lại làm ở Hương Rừng một thời gian, em biết nhiều đàn ông có tiền là hư. Họ kiếm tiền dễ nên phung phí nào gái, nào cờ bạc...”. Tôi lại gặng hỏi tiếp, cái đêm mưa gió ấy chuyện gì nữa đã xảy ra với Mãn? Em kể: “Từ hôm vào Hương Rừng, xác định chỉ làm tạm để lấy tiền chăm bố, mọi thứ quan trọng, em cho tất vào túi. Nói anh đừng cười, nếu cần, xách túi chạy luôn! Hôm đó em chạy ra đường cái, vừa lúc ngớt mưa. Trăng sáng. Không hiểu sao, cứ thế, em cắm đầu chạy, không nghĩ tới nguy hiểm. Trời mờ sáng, không còn sức để chạy nữa, em liều mình, tạt vào túp nhà bên đường, vừa đến sân, em gục xuống, bất tỉnh. Nghe tiếng chó sủa, vợ chồng bác chủ nhà đã già quáng quàng sơ cứu cho em. Hai bác dìu em vào giường cho em ngủ. Đến gần trưa, em khỏe lại, bác gái nấu cơm xong, em ăn cùng. Hiểu sơ hoàn cảnh của em, hai bác cho em ở lại mấy hôm. Thấy gia đình bác trồng cây sả, em hỏi cách thức trồng và chỗ tiêu thụ. Em xin được giúp việc một tuần, học cách trồng loại cây này. Thế rồi ở làng của em, mọi người cũng được cho vay vốn và hướng dẫn cách trồng sả…

Kể một thồi rồi Mãn kết luận: “Chuyện chỉ có thế thôi anh ạ. Thôi, quên chuyện cũ đi”. Tôi hỏi: “Giờ thì em yên tâm làm ăn ở nhà chưa?” Không trả lời câu hỏi của tôi, Mãn thủ thỉ kể. “Em làm chỗ Hương Rừng mới nửa tháng, nhưng đã ứng hai lăm triệu lấy tiền chữa bệnh cho bố.Vừa rồi, chị Diễm Hương cho tay chân đến hùng hổ đòi, tính thêm lãi suất 5% tháng trong số tiền vay, thế là em toi món hai lăm triệu lãi vụ này. Em phải mất cho thằng đòi nợ thuê 500 nghìn và viết giấy hẹn, cam kết thu hoạch xong mùa sả, em sẽ trả sòng phẳng bằng hết cả gốc lẫn lãi. Thôi, giờ em có việc làm ổn định, cuối năm sẽ trả hết nợ. Anh yên tâm”.

Tôi buột miệng chửi bậy: “Con mụ chó chết”, rồi nói dối Mãn: ả Hương đang cầm của anh ba chục triệu, lát nữa trên đường về, anh sẽ ghé qua Hương Rừng, bắt ả phải nôn ra, Mãn không phải quan tâm đến khoản nợ lãi nợ gốc của ả nữa”.

Nhìn thẳng vào mặt tôi, khuôn mặt xinh đẹp đứa em họ đẫm nước. Rồi cô nhắn tin vào di động của tôi, nội dung, cô vay tôi hai lăm triệu để sản xuất, sẽ trả vào tháng cuối năm.

Tôi đọc tin nhắn, cau mặt hỏi: “Em vừa làm gì đấy, cô bé ngốc nghếch này?” Em cười tươi: “Em vay tiền anh, em phải làm biên nhận kẻo quên”. Tôi cốc vào đầu em đầy thân thiện và bảo, sang thế kỷ hai hai, anh sẽ nhận tiền trả của em qua ngân hàng địa phủ.

*

Qua phố huyện, tôi rẽ vào Hương Rừng, Diễm Hương thấy tôi, như mọi lần, ả xô đến, hai tay ả vừa ôm thắm thiết, vừa vuốt ve khắp trên dưới. Từ giờ trong tôi, ả không còn xinh đẹp nữa. Tôi nhìn ả lạnh băng, đưa cái phong bì, ngoài đề hai lăm triệu, nói nhát gừng: “Trong này đầy đủ tiền nợ gốc, nợ lãi của cô. Từ nay, cấm sai đầu gấu đến quấy nhiễu em Thụy Mi (tức Mãn), vùng đồi! Nhớ đấy”. Bị bất ngờ, mặt ả sưng lên. Tôi nhanh chóng quay lại xe, đóng sầm cửa, thoát nhanh khỏi chốn mà mùi rừng son núi phấn át cả hương vị cà phê...

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm