March 29, 2024, 3:27 am

Có dấu hiệu vi phạm quy định tập trung kinh tế trong vụ Grab sáp nhập Uber

 

Ngày 16 tháng 4 năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-CT về việc điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, Cục CT&BVNTD đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các Hiệp hội, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục CT&BVNTD đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Trước đó, việc sáp nhập của Gap và Uber đã  bị Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore điều tra và ra yêu cầu Grab, Uber không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.Thông báo của ủy ban cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời, hai bên không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế.

Singapore cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab vi phạm điều khoản 54 của Đạo luật cạnh tranh theo đó, cấm việc sáp nhập và thâu tóm về cơ bản làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường.

Như vậy, cùng với Singapo, động thái tích cực của Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương, chắc chắn sẽ sớm có được kết luận chính thức về  thương vụ sáp nhập của Gap và Uber tại thị trường Việt Nam.

PV

 


Có thể bạn quan tâm