April 18, 2024, 5:36 pm

“Có đàn em bé hát cười trong mây…”

Một ngày hè, nắng tươi lành như mật rót, chúng tôi cùng những cô chú từng trưởng thành ở trại trẻ Khe Khao Nhà trẻ nội trú đầu tiên của ngành giáo dục mầm non nước ta (nay thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Những cô bé, cậu bé ngày nào là con của các đồng chí cán bộ cách mạng được nuôi dạy ở trại trẻ Khe Khao giờ đây đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức của họ về tuổi thơ trên đỉnh núi Phja Khao vẫn luôn được nhắc nhớ. Ngày đó, họ đều còn rất nhỏ, được cô giáo Lê Tụy Phương nhờ đồng bào bản địa dẫn đường lên vùng núi hẻo lánh này để lập trại trẻ của Hội Liên hiệp Phụ nữ trên chiến khu Việt Bắc. Hành trình gian nan ngày đó đến nay họ vẫn luôn nhớ và dễ dàng nhận ra những dấu tích còn sót lại sau 72 năm kể từ ngày đầu dựng trại.

Bác Hồ và hai cháu nhỏ tại trại trẻ Khe Khao.Ảnh TL

Để lên đỉnh Khe Khao cho đến tận bây giờ vẫn không hề dễ dàng, vậy mà các cô chú vẫn đi phăm phăm khiến đám trẻ như chúng tôi theo muốn hụt hơi. Họ đọc vang những câu thơ của đồng chí Đào Duy Kỳ, cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng viết tặng trại trẻ năm xưa: “Khe Khao cao ngất lưng trời/ Có đàn em bé hát, cười trong mây/ Xung quanh núi đá rừng cây/ Ngày chim hót gió, đêm nai kiếm mồi/ Các em được sống vui tươi/ Được chăm ăn, ngủ, vui chơi, học hành/ Các em xa cách gia đình/ Nhưng được ấp ủ trong tình nhân dân/Các em là cháu Bác Hồ/ Các em yêu bác, yêu cùng mẹ cha/ Các em mong Bác đừng già/ Để bác xây dựng nước nhà Việt Nam

Khi xưa, vào năm 1951, Khe Khao là tên một dãy núi cao gần 1000m thuộc Bản Thi bao quanh một thung lũng từng có mỏ kẽm được thực dân Pháp khai thác nhiều năm. Ông Trần Kiến Quốc, con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình nhớ lại, mình từng được cô giáo Tụy Phương kể rằng đầu năm 1951, trong một cuộc họp, khi Bác Hồ hỏi về sự vắng mặt của đồng chí Hà Quế, người nữ chiến sĩ cách mạng được thực dân Pháp gọi là “Bà tướng Việt Minh”. Mọi người báo cáo với Bác rằng, con của đồng chí Hà Quế bị ốm nên không thể dự họp. Vậy là Bác gợi ý cần xây dựng một nhà trẻ để cho các cán bộ nữ yên tâm công tác.

Theo lời Bác, các đồng chí cán bộ đã đi tìm một địa điểm có khí hậu ôn hòa, không được quá xa An toàn khu nhưng phải là nơi bí mật, an toàn và ít bị giặc bắn phá. Và đồng chí Hoàng Quốc Việt chính là người đã gợi ý chọn Khe Khao là một cái khe rất hẹp nằm dưới chân núi Phja Khao (tiếng Tày có nghĩa là núi đá trắng) để đặt trại trẻ. Chọn được địa điểm rồi, cô giáo Tụy Phương nhờ bà con dân bản và anh em chiến sĩ công tác ở quân giới xưởng Ngô Gia Khảm giúp dựng nhà. Dù chỉ tranh tre, nứa lá nhưng có đủ phòng ăn, phòng ngủ, phòng học và trạm xá. Ngoài ra, còn có hai hang đá sâu được vệ sinh sạch sẽ, có lương thực dự trữ để phòng khi phải sơ tán tránh máy bay địch.

Sau này, cô Tụy Phương đã viết trong cuốn hồi ký Nghĩa tình năm tháng cuộc đời của mình như sau: “Nhà trẻ vừa xây dựng vừa đón các cháu. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trẻ đã có đủ tiện nghi như phòng ăn, phòng ngủ, phòng chơi, trạm xá. Các hang đá gần nhà được bố trí làm hầm trú ẩn. Trong hang có một con suối nhỏ cho các cháu tắm rửa và tập bắc cầu vui chơi. Bàn ghế tuy đơn sơ nhưng vừa tầm để các cháu tự bưng bê lấy, bày thành các hình để ngồi học. Nhà trẻ có 30 cháu do 6 anh chị phụ trách, thay thế hẳn bố mẹ đi công tác, chiến đấu ở xa. Hằng năm, bố mẹ các cháu đến thăm con một lần, có chị mãi đến năm 1954 sau hòa bình lập lại mới gặp lại con

Gắn bó sâu sắc trong một thời gian dài như vậy, nên những em bé Khe Khao ngày ấy sẽ chẳng bao giờ quên. Ông Lê Võ Bạch Thông, con trai đồng chí Lê Hữu Kiều, nguyên Bí thư xứ ủy Nam kỳ trước năm 1945 là một trong số những đứa trẻ đã lớn lên ở đây. Ông chia sẻ rằng: “Tôi được sinh ra ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nên bố mẹ đặt tên tôi theo tên đất để kỷ niệm những ngày kháng chiến ở Việt Bắc. Khe Khao không phải nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nhưng tôi luôn ghi nhớ mảnh đất đó là quê hương thứ hai, có ý nghĩa quan trọng của cuộc đời mình. Năm ngoái, khi tôi về Khe Khao, tôi rưng rưng vì tôi hiểu tôi đang về với cội nguồn của mình”.

Ông Lê Võ Bạch Thông còn nhớ, có lần được các cô dẫn đi thăm trại sản xuất vũ khí anh hùng Ngô Gia Khảm và anh hùng Trần Đại Nghĩa. Trên đường đi, cô cháu thấy vết chân hổ đầy mặt đường nên run lắm. Cô động viên các cháu hát và vỗ tay thật to để dọa hổ. Nửa đường, một con hổ hiện ra, nó nhảy thoăn thoắt trên các gò đất cao để đuổi bắt một con trâu. May là nó không chú ý đến đoàn người nên cô cháu thoát nạn. Có lần cả trại đang ngủ trưa, bỗng có chú nai đi lạc vào hẳn trong phòng ngủ, các em vui ơi là vui vì có bạn từ rừng đến thăm.

Những em bé Khe Khao được các cô giáo đưa đi chơi bằng xe goòng

Bà Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ cho chúng tôi xem bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bế trên tay một đứa bé rất nhỏ. Vừa chỉ vào tấm ảnh, bà nói đứa bé được Bác nâng niu trên tay chính là mình: “Tôi được sinh ra vào một đêm tháng Giêng năm 1949 ở Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên. Khi đó Bác đi từ đỉnh đồi xuống chân đồi thăm mẹ tôi, Người dặn: “Cô sinh được cháu tốt, cố nuôi dạy cháu thành người. Khi cháu đầy tháng tôi sẽ đặt tên cho cháu”. Vậy là khi tôi đầy tháng tuổi, Bác sang, Bác bế tôi trong lòng, chụp ảnh và bảo “Bác là Chí Minh, đặt tên cháu là Chí Nhân, lấy họ của bố thành Hạ Chí Nhân. Đó là may mắn đầu đời của tôi, tôi không bao giờ quên. Khi được hơn 2 tuổi, tôi được mẹ gửi đến nhà trẻ Khe Khao”.

Ngày đó, Bác Hồ vô cùng quan tâm đến trại trẻ. Người từng nói, cho các cháu học tập trung như thế để cha mẹ yên tâm làm việc. Ta vừa bảo vệ an toàn cho các cháu, vừa chuẩn bị thế hệ kế cận. Người cũng thường xuyên gửi quà cho các cháu vào những dịp lễ, tết và luôn nhắc nhở các đơn vi đóng quân gần đó ưu tiên giúp đỡ trại trẻ, nhất là phải khẩn trương hỗ trợ trại trẻ tránh trú máy bay địch. Ấn tượng nhất là chuyến công tác của vào ngày 1 tháng 2 năm 1952, ngang qua Bản Thi, Bác đã đến thăm trại nhi đồng.

Được tin Bác đến, các cô chú cán bộ và các cháu đều rất mừng, vội chạy đi hái những bó hoa rừng để dâng lên Bác. Ngày đó, Bác mặc bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su với đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu. Bác đi thăm khu ăn nghỉ của các cháu, thăm cả hang đá trú ẩn rồi chia kẹo cho các em thơ trong trại trẻ. Bác xoa đầu các cháu và động viên các cháu chăm ngoan, rồi Bác chụp chung ảnh với các cháu. Bác cũng ân cần thăm hỏi các cán bộ làm nhiệm vụ ở đây và căn dặn: “Các cô, các chú là người thay mặt cha mẹ các cháu trông nom, nuôi dạy con em họ, để các đồng chí đó yên tâm công tác. Vì vậy nhiệm vụ của các cô, các chú là phải chăm sóc những mầm non cách mạng cho tốt”.    

Bà Đặng Minh Châu, con gái đồng chí Đặng Việt Châu, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ là một trong hai bé gái ôm hoa chụp ảnh chung cùng Bác kể rằng, ngày đó các cô giáo cùng các bé lớn thường hay trồng bí để cải thiện. Phần bí bánh tẻ ngon nhất sẽ dành để cuối năm các cô làm mứt biếu Bác Hồ. Còn Bác thì mỗi năm Bác đều cố gắng gửi bưởi lên tặng các cô cháu mỗi người một quả. Vậy mà có năm chẳng hiểu do thu hoạch kém hay các cô quên không làm mà thành ra không có mứt biếu Bác. Tết năm ấy Bác đến thăm, Bác vẫn mang bưởi nhưng lại bảo “chỉ có bưởi cho các cháu thôi”.

Ấy là bác dí dỏm nói thế, chứ quà của Bác vẫn không thiếu một ai. Rồi Bác âu yếm ôm hôn từng cháu, hỏi han các cháu có mong muốn gì, có nhớ bố mẹ không và kể cho từng cháu nghe về cha mẹ của các cháu đang công tác, chiến đấu anh dũng ra sao… Bác đã gieo vào lòng những em bé Khe Khao ngày ấy niềm tự hào về cha mẹ, khích lệ các cháu tự giác, tự lập dù còn rất nhỏ để sau này, tất cả những cháu nhỏ từng ở nơi đây đều đã trưởng thành, ra sức cống hiến cho đất nước. Đàn em bé “hát, cười trong mây” đó sau này đều trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

PGS Chu Việt Cường, con trai liệt sỹ Chu Văn Mô, mẹ cũng mất do một lần Pháp thả bom xuống thị xã Tuyên Quang cũng luôn khắc cốt ghi tâm về những ngày tháng ấy: “Tôi đã trưởng thành như vậy từ cuộc đời chìm nổi của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ, phải chăn trâu gánh nước kiếm sống qua ngày, được gửi gắm từ nhà người thân này sang nhà người quen khác mà ai cũng nghèo cũng hoàn cảnh, sẽ không biết đi đâu về đâu nếu không có sự giúp đỡ cưu mang của họ hàng, đồng đội của bố mẹ tôi, nhất là của bác Trần Huy Liệu. Cuộc đời tôi được hoàn toàn thay đổi từ khi bác Trần Huy Liệu mang tôi đến gửi gắm cho Trại Nhi đồng của cô Tụy Phương ở Trại Khe Khao”

Rời Khe Khao, chúng tôi nhìn những vầng mây và nụ cười của những em bé Khe Khao năm xưa tóc hoa râm, mắt đã nhiều vết rạn của năm tháng và dáng đi của nhiều người cũng đã không còn được thẳng lưng. Nhưng vẫn còn đó vẹn nguyên nụ cười của “đàn em bé hát, cười trong mây”.

Phạm Vân Anh

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Có thể bạn quan tâm