April 25, 2024, 6:09 pm

Có cứng mới đứng đầu gió

1.

Lấy địa bàn và cư dân hai xóm Răng Ngựa người Hán Trung Hoa và Mỏ Phàng người Mông Việt Nam ở Mèo Vạc - Hà Giang làm đối tượng để dựng lại một phần cuộc chiến tranh biên giới mùa xuân năm 1979 là cái nghệ thuật dùng điểm để tả diện của Võ Bá Cường.

Răng Ngựa và Mỏ Phàng. Hai xóm nhỏ vài chục nóc nhà ở sát đường biên quốc gia vốn chỉ là một con suối nhỏ. Còn Phùng Lý Lô người Hán gần đây chuyển nhà đến thì gần đến mức, mở cửa bếp là có thể nhìn sang nhà Chảo A Nghì người Mông Việt. Chẳng phải là được giáo dục theo tinh thần của 4 dòng chữ “vàng” to đùng, nói rằng Việt Nam và Trung Quốc vốn Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Vận mệnh tương quan, Văn hóa tương đồng, mà người hai bên từ lâu nay vẫn sống tử tế thân ái với nhau. Nghĩa là sống theo cái lẽ tự nhiên của con người với con người là quý trọng nhau, là bán anh em xa mua láng giềng gần. Là khi tắt lửa tối đèn có nhau. Sẵn sàng cưu mang giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Như Lưu Văn Lèng người bên Răng Ngựa vợ chết vì chó sói ăn thịt, đã được người nước Việt cho an táng tại đất Việt lại còn lo ma chay cho mồ yên mả đẹp. Đã có con trai Chảo A Nghì là A Thàng và con trai Phùng Lý Lô là Lý Chi thân nhau như hai anh em một nhà, hai nhà lại còn có ý kết thông gia giữa Lý Chi và Máy Mỉ gái xinh gái đẹp của Chảo A Nghì… Người như thế với nhau làm sao mà không động lòng đến cỏ cây hoa lá. Nên giàn đậu ván nhà Chảo A Nghì đã nở hoa tím biếc cả bên nhà Phùng Lý Lô nên được mệnh danh là “Đậu hai nhà”.

Cuộc sống như thế cứ tưởng sẽ êm ả trôi đi! Nào ngờ, đang bạn bè tương thân tương ái với nhau như thế mà bỗng chốc hóa ra cừu thù. Thì ra câu tục ngữ sau đây của người Đức thậm thúy thật: Thượng đế cho ta người láng giềng. Còn láng giếng là thù hay là bạn thì là do con người quyết định. Và người quyết định coi người Việt là kẻ thù, tiếc thay lại chính người bên Răng Ngựa. Từ lúc nào vậy? Từ lúc một hôm đi núi về, Lý Chi thấy cái cửa bếp bị đóng kín, hỏi thì mẹ bảo: Chú Lưu Văn Lèng bắt làm thế, không cho nhìn thấy kẻ thù của mình… Và tiếp đó là tiếng hô của chú Lèng ngày Lý Chi nhập ngũ: Hãy lựa chọn lấy Tổ quốc mình, dân tộc mình, nước non mình, nắm giữa bá quyền thiên hạ!  

 

2.

Nhưng chính là Lý Chi nhờ quá trình 4 năm rèn luyên trong quân ngũ, mới nhận ra cái cội nguồn hành động của chú Lèng là ở tít trên cao kia. Và gần cận hơn một chút, ở môi trường quân đội của Lý Chi, là trung úy Lô có cái mặt ngựa dài ngoẵng, và nhất là đại tá Voòng Xình hung thần hóc hiểm. “Thưa đại tá, tôi học môn gì?”. Trả lời câu hỏi của Lý Chi, Voòng Xình nói: “Đồng chí học cách im lặng đi từ trong bóng tối vào nước Việt. Chúng ta sẽ tạo ra một cuộc chiến độc đáo, làm chảy máu, suy kiệt nước Việt”. Thế là rõ rồi! Lý Chi được đào tạo để trở thành một tên thám báo. Để tham gia vào một cuộc chiến tranh chống nước Viêt, nhằm thỏa mãn mưu bá đồ vương, vốn có từ trong máu huyết của người Hán từ xa xưa.

Vậy là một cơn gió độc đã thổi về làm ô nhiễm không khí Thượng Phùng, nơi có ngọn gió mang hơi sương tuyết cao nguyên mát lành. Người Răng Ngựa đem mìn sang giết chết trai gái Mông ở hội Võ Mông trên bãi Tình yêu. Mìn cũng đã nổ để phá hồ nước của dân Mỏ Phàng. Rồi một đám đông người Răng Ngựa ngang nhiên sang canh tác trên đất của người Mông Việt, và xô xát đã xảy ra, con trai bà Dìn bị bắn chết. Cố tình quên cả ơn người cưu mang, người anh em láng giềng chẳng cần biết đến điều liêm sỉ, trâng tráo đặt yêu sách đòi người Mỏ Phàng phải trả đất cho họ với lý do nực cười, trên đất Mỏ Phàng có mộ người Răng Ngưạ (!). Đánh đập giết chóc hãm hiếp. Dụ dỗ, đe dọa. 30 vạn, 50 vạn tệ là giá cái đầu của mấy anh cán bộ người Việt. Người anh em láng giềng chẳng ngần ngại tự lột mặt nạ bội tín bội nghĩa của mình. Không biết dơ. Lại còn dùng cả đạo sĩ sang thuyết khách đòi đất, đòi người. Và cuối cùng, cái gì phải đến đã đến. Chiến tranh đã nổ bùng!

 

3.

Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Ba chiến sĩ công an ta đã lập tức được cử về Thượng Phùng làm điểm tựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chống kẻ thù điên đảo, Phạm Hữu Thông, Giàng Văn Tờ, A Lừ, ba chàng trai mặc áo Tà Phủ, đội mũ nồi đen, thắt lưng chẽn, vai khoác súng, bụng dắt dao. Còn trẻ, tính tình vui vẻ, có chút tếu táo, nhưng nghiêm ngắn, từng trải dạn dầy và được đào tạo bài bản. Không sợ rét, họ coi mình là những con hổ Mèo Vạc. Không sợ ốm đau vì họ đã có cây rừng làm thuốc. Chẳng ngại đèo cao suối sâu. Vì trong bọn họ có kẻ đã từng qua bao dốc đá cheo leo, đường đi như đường lên trời, lên tới đỉnh Lủng Chu, ngọn cao nhất của Thượng Phùng. Đỉnh Lủng Chu có rừng hoang, đá đứng, đá ngồi, gió reo, tuyết rơi. Nhìn qua vách đá thấy trời to bằng chiếc bánh phở. Ở đó có mấy gia đình người Mông trông trọt săn bắt hái lượm, sống để giữ đất đai của ông bà tiên tổ. Lặng lẽ kiệm lời đã nói là thâm trầm sâu xa. Dân chúng gọi ba chiến sĩ nọ là những con sư tử đá, những thiên thần. Được viết với cảm hứng lãng mạn, đọc đọan văn này, lại nhớ đến bài bút ký Một lần tới thủ đô của Trần Đăng. Cũng  thấp thoáng một vẻ âm thầm bí hiểm và mạnh mẽ, tin yêu như thế!

Tất nhiên cùng với ba chiến sĩ nọ, Huyện trưởng Công an phải đóng vai trò một hình ảnh bổ sung, không thể thiếu được. Ăn to nói lớn, ngang tàng, khỏe khoắn, cao ngạo, bất chấp, một đặc sản của miền biên tao loạn. Con người khí chất mạnh mẽ, oai vũ này là niềm tin tưởng của mọi người trong cuộc sống gian nan. Thêm nữa, một khoái cảm thấm mỹ với bạn đọc.

Dĩ nhiên, không thể không nhận ra dụng công tác giả dành cho việc khắc họa hình ảnh những con người cố thổ ở Mỏ Phàng, những nhân vật đối diện trực tiếp với kẻ thù. Hai chương viết về Chảo A Nghì và Dống Sò kỹ lưỡng và tràn đầy cảm hứng ngợi ca cái phi thường, cao cả. Hãy treo cổ tôi lên chứ tôi không trao đất của ông bà cho ai khác. Đó là câu trả lời đanh thép của người đại diện Mỏ Phàng Chảo A Nghì trước yêu sách và dọa dẫm của kẻ thù. Chảo A Nghì, quả táo đỏ! Chảo A Nghì chỉ muốn được làm người Mông hiên ngang trên cao nguyên đá, trồng lấy cây ngô mà ăn, kiếm hớp nước để uống, giữ lấy đất đai tổ tiên để lại. Đó là câu trả lời dõng dạc của ông trước bọn sát nhân. Và nếu hình ảnh ông bị quân thù sát hại, ngã xuống, phủ phục dưới chân hòn đá “Bố nuôi” như biểu tượng cho cái chết lẫm liệt của người anh hùng, thì Dống Sò lại là một già làng sừng sững tri thức dân gian, thông hiểu đạo lý, am hiểu kỹ càng nền văn hoá Việt. Đấu lý với ông, tên đạo sĩ kiêu ngạo đuối lý cứng họng. Thua cuộc, giữa lúc y sợ bị bắt giữ bức hại, ông bảo: Ngài đừng sợ. Người Việt không làm điều xấu. Ngài và các người ở đây sẽ theo tôi đi sang phía trái quả núi xem hoa tam giác mạch. Ở đó ngài chỉ thấy khuôn mặt trẻ thơ không có sự hiểm ác.

Người Việt sống nhân nghĩa trước sau. Người Việt sống với thanh khí tinh thần lề luật đạo lý của người Việt. Người Việt yêu đất đai sông núi quê hương do mình khai khẩn bồi đắp mà có. Vì năm này qua năm khác, người Mông Việt đã đổ mồ hôi nước mắt để biến bãi đá sắc nhọn như răng hổ thành nương ngô. Nên như bà Dìn tâm sự: Nếu ta thả một hạt ngô hạt đậu xuống đất. Tới vụ cho ta hoa quả nuôi sống con người. Đất đai là mẹ hiền là thế! Nay có kẻ đến cướp đất. Ta ngồi yên sao các cháu?

Chân lý thật giản dị mà thấm thía. Cũng thế là cái ý chí kiên trung của con người nơi biên ải. Cái tình quê mộc mạc mà tha thiết! Có cứng mới đứng đầu gió. Người miền biên như người lính đứng ở đầu sóng ngọn gió giữ nước giữ nhà. Khai thác vào sâu tâm tính ý chí con người ở đây, Võ Bá Cường đã lý giải được sức mạnh bất khả chiến bại của người Việt trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. 

  

 4.

Quy mô phản ánh của Gió Thượng Phùng vừa sâu vừa rộng”. Một nhận xét xác đáng của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Từ điểm mở rộng ra diện là thủ pháp nghệ thuật càng vào sâu tác phẩm càng được thể hiện rõ. Điều đó biểu hiện ở việc, trong quá trình sáng tạo, hễ có điều kiện là tác giả lại chủ động phá vỡ đường biên của sự kiện, mở ra một bình diện mới rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, giống như một vết dầu loang, mang hình ảnh một vòng sóng đồng tâm, khi thì về một không gian mới, một thời khắc lịch sử chưa được biết, lúc thì về một phong tục tập quán lạ và đẹp… Tất nhiên chỉ có thể làm được thế nhờ sở hữu một khối lượng trí thức thực nghiệm phong phú dồi dào. Thêm nữa một tay nghề khéo léo vững vàng. Để các đoạn mang tính lắp ghép mở rộng vẫn giữ được mạch văn tự nhiên, nhịp nhàng.   

Gió Thượng Phùng dựa trên cơ sở hiện thực để xây dựng tác phẩm, nhưng chịu ảnh hưởng không ít của bút pháp lãng mạn. Và điều đó bộc lộ rõ ràng nhất là ở những cao trào cảm xúc, sự mê say trước những hình ảnh có tính phi thường, lớn lao. Điều đó cũng thể hiện ở giọng văn. Một giọng văn giàu xảm xúc, thênh thoáng, ngẫu hứng, không câu nệ, với kiến trúc phi cổ điển, hóm hỉnh, hoa mỹ và duyên dáng.

Cái kết thúc có vẻ chưa tướng xứng với khuynh hướng chủ đạo, với sức nặng của cuốn sách. Âu cũng là một cái lẽ đương nhiên khó có thể cưỡng lại được. Tuy vậy dẫu có thế nào thì tiểu thuyết Gió Thượng Phùng cũng đã đạt được một hiệu quả rất tích cực, đáng được nhiều người công nhận là một khúc bi tráng ca biểu dương tinh thần yêu nước nồng nàn và dũng cảm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, một thành tựu mới của Võ Bá Cường./.

 

Nguồn Văn nghệ số 33/2019

 


Có thể bạn quan tâm