April 26, 2024, 5:32 am

Cô Ba Sài Gòn và khát vọng Oscar của điện ảnh Việt

  • Cô Ba Sài Gòn chính thức đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự Oscar lần 91, tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Đó là thông tin đã được nhà sản xuất khẳng định trước truyền thông ngày 26/9, khi đã nhân được quyết định chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kèm theo thông báo này, nhà sản xuất cũng bày tỏ hy vọng phim sẽ ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế.
  • Trước Cô Ba Sài Gòn, vào năm 1994, bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng, đã trở thành phim nói tiếng nước ngoài duy nhất lọt vào top 5 đề cử ở giải này.  Cho đến nay, dù chưa  giành  Oscar, nhưng điện ảnh Việt đã có những bước tiến rất đáng nể phục và đang từng bước tiến rất gần đến giải Oscar thế giới
 

 

Tìm về những giá trị nhân văn

Nếu đưa ra nhận xét chung nhất về những bộ phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam ra đấu trường Quốc tế (không kể hai bộ phim Cô Ba Sài GònMùi đu đủ xanh nói trên) thì những bộ phim Việt như: Cha cõng con, đại diện phim Việt tham dự Oscar 2018; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Đảo của dân ngụ cư; Người vợ ba… đều có một điểm chung là phản ảnh những góc khuất của đời sống xã hội, để rồi chuyển tải đến người xem những ẩn ý và những bài học trong nhiều tầng ý nghĩa của cuộc sống. Và điều này cũng phần nào lý giải cho câu hỏi vì sao điện ảnh Việt có sự đa dạng về đề tài? và ngày càng có nhiều những dòng phim hướng đến số đông khán giả.

Bám sát đời sống xã hội, điện ảnh hút chất liệu tươi mới từ đời sống, văn hoá. Và trong mỗi đề tài, dưới góc nhìn của đạo diễn lại chọn một góc nhỏ, nhẹ nhàng khai thác từng số phận đời thường, giản dị mà nhân văn,  khiến cho người xem có được sự đồng cảm cho dù họ không cùng màu da, ngôn ngữ và cả sự khác biệt về văn hoá. Có lẽ vì thế mà Mùi đu đủ xanh, hay Đảo của dân ngụ cư, Cha cõng con có thể nhận được những giải thưởng điện ảnh trong nước, khu vực và thế giới.

Hãy xem, Mùi đu đủ xanh (Tên tiếng Pháp: L'odeur De La Papaye Verte; tiếng Anh: The Scent of Green Papaya) là phim truyện đầu tay của đạo diễn người Việt Trần Anh Hùng. Và cũng là bộ phim điện ảnh Việt duy nhất lọt top 5 đề cử phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Oscar 1994.  Ngoài  phần kinh phí được người Pháp tài trợ, và được quay tại Pháp thì toàn bộ dàn diễn viên chính, ngôn ngữ phim và cả bối cảnh của Mùi Đu Đủ Xanh đều mang đậm màu sắc Việt Nam. Bộ phim xoay quanh câu chuyên về cuộc đời của cô bé Mùi gói gọn trong hai giai đoạn được cho là bước ngoặt (năm 10 tuổi và năm 20 tuổi) qua diễn xuất của 2 diễn viên chính là Lư Mẫn San (Mùi khi nhỏ) và Trần Nữ Yên Khê (Mùi khi lớn). Song song với nhân vật Mùi là Tín. Tín nghịch đúng như cái tuổi của mình, thích bắt nạt Mùi, thích gây chuyện để người khác chú ý. Và xuyên suốt trong Mùi đu đủ xanh là những xúc cảm có thật về những người từ có liên quan mật thiết đến nhau, hay chỉ là những người dung nước lã nhưng đã cảm, đã thấu cái tình chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đó là tình yêu đau đáu của bà nội dành cho ông nội đã mất hay thứ tình yêu đơn phương của ông lão hay trò chuyện với Mùi dành cho bà nội. Với ông chỉ cần nhìn thấy bà từ phía sau, biết bà vẫn mạnh khỏe, vậy là ổn rồi. Tình yêu với Mùi đu đủ xanh chỉ giản dị vậy thôi nhưng đủ để lấy đi những giọt nước mắt của khán giả. Yêu mà không cần phải làm gì cho nhau hay được người khác đáp lại mà chỉ đơn giản là mong người ấy được bình yên.

Cô Ba Sài Gòn cũng vậy. Những giằng xé nội tâm, những gánh nặng giữ nghề truyền thống  khiến người xem không khỏi xót xa cho một thủa vàng son của tà áo dài truyền thống. Trong xã hội hiện nay, tà áo dài vẫn là nét đẹp làm nên cốt cách của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng để có được vị trí “quốc phục” hiện nay cũng đã trải qua biết bao những hỉ nộ ái ố.

Cô Ba Sài Gòn do Kay Nguyễn và Trần Bửu Lộc đạo diễn, Ngô Thanh Vân sản xuất. Lấy bối cảnh Sài Gòn - hòn ngọc viễn đông xưa, nội dung phim xoay quanh tiệm may áo dài Thanh nữ, và một cô gái kiêu ngạo có tên là Như Ý (do diễn viên Linh Dương Lan Ngọc đóng) sống ở thập niên 1960, khinh thường nghề may áo dài gia truyền. Khi du hành đến tương lai, cô chứng kiến nhiều đổi thay và tìm được tình yêu với áo dài. Trên nền câu chuyện giải trí, Cô Ba Sài Gòn có yếu tố xã hội khi đề cao tinh thần gìn giữ nghề truyền thống giữa sự lấn át của văn hóa hiện đại. Hồi tháng 4, tác phẩm nhận giải Cánh Diều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc. Đồng thời năm 2017 lần đầu tiên ra mắt phim cũng đạt doanh thu lên tới trên 60 tỷ đồng. Phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, cũng như nghệ thuật và khả năng diễn xuất của diễn viên. Đặc biệt những tình tiết xung đột trong phim cũng vừa đủ cho người xem thấm thía những giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống thường nhật.

 

Đến những cách tân trong nghệ thuật

Theo quy định của giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc", mỗi nước sẽ cử một tác phẩm dự tranh. Các phim nước ngoài tham gia Oscar phải khởi chiếu từ ngày 1/10/2017 đến 30/9 năm nay. Ban giám khảo sẽ chọn năm phim được đề cử, công bố đầu năm sau. Giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải, dự kiến diễn ra ngày 24/2/2019 ở Los Angeles (Mỹ)… Năm nay, nhiều tác phẩm nặng ký được gửi đến hạng mục này, như Shoplifters (Nhật Bản), Burning (Hàn Quốc), Roma (Mexico), Cold War (Ba Lan) hay The Wild Pear Tree (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây cũng được xem là thách thức không nhỏ cho Cô Ba Sài Gòn. Song trước truyền thông, ê kip làm phim đã khẳng định, họ có đủ tự tin vào chiến thắng của Cô Ba Sài Gòn.

Trước đó, Cô Ba Sai Gòn đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tiến hành vào trưa nay 26/9 với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn phim của Cục điện ảnh. Và trong số các phim được đưa ra xem xét, bình chọn, Cô Ba Sài Gòn đã giành được số phiếu cao nhất, chính thức đại diện điện ảnh Việt đến với sân chơi Oscar diễn ra vào đầu năm 2019 tới tại Mỹ. Lý giải cho sự thành công của Cô Ba Sài Gòn nhiều người đã không ngần ngại cho rằng, Ngô Thanh Vân là một đạo diễn có nghề (Nghề ở đây không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm diễn xuất, khả năng hợp tác với đối tác nước ngoài trong các dự án phim mà còn là sự sang tạo không ngừng nghỉ của một “đả nữ” trong làng điện ảnh. Và cũng chính nhờ đó, việc Ngô Thanh Vân trở thành giám khảo tại nhiều liên hoan phim danh giá thế giới cũng là điều dễ hiểu.

Phim Việt đang chịu lép vế trước phim Trung Quốc, Hàn quốc và nay là Ấn Độ, nên nếu muốn không bị cuốn đi và nhấn chìm, chắc chắn điện ảnh Việt phải lột xác, sẽ không thể đi theo một lối mòn cũ, với những bộ phim đèm đẹp, người tốt việc tốt, ăn ở có nhân sẽ được đền đáp, mà phải có những bộ phim đi vào đời sống xã hội, biến chất liệu đời sống thành những thước phim lấy đi nước mắt, nụ cười khán giả.  Người xem dù đến rạp hay ngồi trước ti vi đều có quyền đòi hỏi nhà sản xuất phải làm ra những bộ phim đình đám với nội dung mới lạ tròn trịa, kỹ xảo bắt mắt từ chính những chất liệu từ đời sống chứ không phải là chuyện viển vông vô nghĩa.  Thị hiếu của người xem giờ đã thay đổi, họ có quyền tiếp nhận hay tẩy chay những bộ phim rẻ tiền, yếu kém về nội dung, nghệ thuật. Và để chinh phục được người xem thì rõ rang điện ảnh Việt Nam cũng phải thay đổi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có 33 phim Việt ra rạp nhưng chỉ có 4 phim doanh thu tốt, tỷ lệ là 12% cho thấy nếu có một sự đầu tư tốt từ kịch bản, đến đạo diên, diễn viên, thì kết quả tốt là điều hiển nhiên và ngược lại. Cảm thụ nghệ thuật của mỗi chúng ta đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, bên cạnh đó còn có quá nhiều nhà cung cấp các kênh giải trí để người xem tha hồ lựa chọn, so sánh. Không thể bắt người xem cứ ăn mãi món ăn truyền thống trong khi có quá nhiều sơn hảo hải vị đang bày ra trước mắt họ. Cách tốt nhất để giành lại vị thế cho phim Việt trong lòng công chúng chính là  những nhà sản xuất phim chân chính cần tiếp tục làm phim, làm thật có tâm, khai phá và đầu tư thật tốt cho sản phẩm của mình. Chính điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư mà không phải lo lắng đến việc nhà đầu tư quay lưng lại với dự án, khiến phim thiếu vốn bị bỏ dở giữa chừng.

Hiện Việt Nam đã và đang được thế giới biết đến là vùng đất sở hữu những danh lam thắng cảnh và một bề dày bốn nghìn năm lịch sử. Nếu biết khai thác tốt những chất liệu sẵn có, hẳn điện ảnh Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, chứ không chỉ khiêm tốn ở những hạng mục phim nhỏ như phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, những đề cử của giải Oscar 2019 (tháng 1/2019) sẽ được công bố. Cô Ba Sài Gòn với Cánh diều vàng có thể no gió bay trên bầu trời nước Mỹ hay không vẫn còn là ẩn số. Nhưng dẫu là vậy, chúng ta vẫn có quyền mơ giấc mơ Oscar cho phim Việt .

Nguồn Văn nghệ số 43/2018


Có thể bạn quan tâm