March 29, 2024, 12:46 pm

Có ai ngược dòng Nhật lệ với tôi không

 

 “Từ cửa sông Nhật Lệ/ Mời anh về thăm quê...”

Ca từ trong bài hát của Trần Hoàn đã mở đầu cho nhiều chuyến... không phải “về” mà là “lên” thăm quê. Từ cửa sông mà về theo con nước thì ra biển ngay. Cửa sông Nhật Lệ! Lịch sử gần nghìn năm láng lên mặt nước này những sự kiện dữ dội không mấy phù hợp với sự bình lặng, trong xanh vốn có.

Kể từ năm 1069, khi quân Đại Việt tiến xuống phương Nam trừng phạt Chế Củ, cho đến các triều đại sau này, mỗi lần Nam tiến đều ghé cửa Nhật Lệ hoặc dừng chân chỉnh đốn, luyện thủy quân. Thời Trịnh - Nguyễn, cửa Nhật Lệ là quyết chiến điểm của cả thủy bộ. Quân Nguyễn đốn trú căng cả xích sắt để ngăn thủy quân Trịnh. Tháng 2/1802, ngay ngoài cửa biển Nhật Lệ, hạm đội Bắc kỳ của vua Cảnh Thịnh chiến bại trước hải quân Nam kỳ của Nguyễn Ánh, cáo chung một vương triều ấn tượng nhưng ngắn ngủi. Nhiều bậc đế vương, tao nhân mặc khách để lại thi phẩm trên mặt nước này. Năm 1470 vua Lê Thánh Tông ngự giá Nam chinh, dừng chân ở cửa Nhật Lệ duyệt thủy quân để lại  bài “Nhật Lệ hải tấn:

Hiểu khóa lâu thuyền độ vĩ lư

Phiên phiên chinh bái trú Hà cừ

Sa hàn địa lão tà dương ngạn

Sương lẫm phong phi túc thảo khư

              ...

(Dịch: Bừng sáng lâu thuyền qua sông buổi sớm/ Nhanh chóng đóng quân ở Hà cừ cờ chiến bay phấp phới/ Cát lạnh đất cằn bóng chiều xế bên sông/ Sương mù giá lạnh gió đêm thổi trên đồi hoang...”

Cũng chính tác giả bài thơ trên đây đổi tên Nhật Lệ thành Ô Long giang, để đến thời Tây sơn, Ngô Thì Nhậm viết:

Hoành trạo Ô Long nhật hướng môn

Vọng cùng Hà Hán triệt vân côn...

(Gác ngang mái chèo thuyền đến Ô Long vừa tối/ Nhìn xa thấy cả sông Ngân hà cùng núi non cao vút...- “Nhật Lệ hải môn dạ phiến”).

Giữa thế kỷ 19, vua Thiệu Trị tuần giá Bắc Hà cũng để lại câu thơ đau đời:

Bích huyết dư quang lưu Nhật Lệ

Hoàng trần việt chướng nhiễm Đâu Mâu.

Và, Nguyễn Khuyến:

Sơn tự Đâu Mâu bàn nhị trạch

Thủy quy Nhật Lệ trích quần than.

Thực ra, quãng sông có tên Nhật Lệ chỉ có cung độ mười lăm cây số lại gấp hình thước thợ. Từ Đồng Hới ngược lên thì thực ra là đi theo hướng Nam, song song với quốc lộ 1A. Lên tới làng Văn La, sông đột ngột ngược theo hướng Tây. Đoạn nước bao vòng này cho phép các nhà địa lý phán truyền “Văn La long đáo địa”. Rồng lên cạn! nên đất Văn La sinh nhiều người tài? Cụ Hoàng Kim Xán và quý tử Hoàng Kế Viêm là những nhân vật lịch sử tuấn kiệt. Người đời đã tổng kết: “Văn La song hiệp biện/ Trung Bính tứ thương thư”. Văn La và Trung Bính là hai làng tả hữu Nhật Lệ quãng sông này.Tiếp tục ngược lên theo hướng Tây, Nhật Lệ lặng tờ giữa hai bên “bờ xôi ruộng mật”, kết quả của bao đời tải phù sa bồi đắp. Đến ngã ba Trần Xá - Đuồi Diện, nơi hợp thủy hai dòng Long Đại (nguồn Côộc) và Kiến Giang (nguồn Đợi) sóng nước mênh mang, dòng trong dòng đục, tâm lý thuyền khách có một chút lưỡng lự. Ngược dòng bên phải là tiếp tục theo hướng Tây, qua cầu Long Đại, nơi bến phà xưa lưu dấu ký ức của ngàn vạn lớp chiến binh hành quân qua. Người nằm lại đâu đó trên những nẻo đường trận mạc. Người trở về bản quán tháng năm âm thầm nhớ những trận oanh kích long trời lở đất của Không quân, Hải quân Hoa kỳ, mà xuất hiện cái tên “phà long đầu”. Lên nữa, qua chân núi Thần Đinh ngả bóng chiều hôm. Lạ! từ Bắc vào Nam, tìm trong sử sách chỉ có hai địa danh dám mạo phạm chữ “Thần”. Thần Đầu và Thần Đinh. Không phải chỉ mạo phạm danh xưng đâu! Cả một dãy Trường Sơn vạn chóp núi đều ngoan ngoãn chầu về phương bắc Hy Mã Lạp Sơn, về Thăng Long kinh đô. Vậy mà, Thần Đinh, chỉ riêng Thần Đinh, dám riêng một hướng chầu ra biển. Vua Lê Thánh Tông, chính trong lần ngự giá thân chinh để lại trên mặt nước cửa sông tuyệt bút “Nhật Lệ hải tấn” đã nổi giận sai lực sĩ đánh ba trăm roi vào núi Thần Đinh, đổi tên thành “Bất nghĩa sơn”. Tám mươi năm sau, tiến sĩ Dương văn An khảo tả Thần Đinh, bỏ qua án phạt của bậc quân vương, vẫn ngợi ca bằng lời thơ hào sảng: “.../ Thần Đinh tốt luật, thế bình thôn tứ bách chi châu” (.../ Thần Đinh sừng sững, thế hùng dũng bao trùm bốn trăm cõi). Lại gần nửa thiên niên kỷ sau, có một nữ sĩ không coi Thần Đinh là núi Bất nghĩa, cũng chẳng tôn xưng “tốt luật”, “bình thôn” mà dám ngạo nghễ hạ một câu thơ vừa dân dã vừa hiên ngang: “Bóng Thần Đinh ngả vào thung lũng/ Em quẩy vừa một gánh đong đưa”. Lên nữa trên Trường Sơn, Long Đại nằm nép mình giữa hai bên vách núi, dòng trong vượt qua ba mươi sáu thác lớn nhỏ khoác những cái tên hoang sơ như cổ tích: Chỏi, Bờng, Tam lu, Lộộc Cộộc...

Có ai ngược dòng Long Đại với tôi không?

*

Từ Ngã ba Trần Xá - Đuồi Diện, cạy mái chèo cho thuyền qua trái là ngược dòng Kiến Giang. Lạ chưa! Thuyền đi về hướng Đông, nghĩa rằng quãng sông này Kiến Giang chảy hướng Đông - Tây, sông chảy về hướng núi? Có một tồn nghi của lịch sử để lại mà hậu thế lo miếng cơm manh áo, lo binh đao, tiến thân nên chẳng mấy ai bỏ công truy tìm nguồn cội. Vẫn còn đó dấu tích con sông Bình Giang được miêu tả kỹ càng trong Ô châu cận lục của tiến sĩ Dương văn An nhuận sắc tập thành giữa thế kỷ mười sáu. Sông ấy không nhập với Long Đại ở Trần Xá mà là đổ vào Nhật Lệ ở ngay Võ Xá nhìn qua Văn La. “Sông kia (nhiều quãng) rày đã nên đồng”. Nhưng, đi trên đường quốc lộ từ cầu Quán Hàu vô Mỹ Trung, đánh mắt sang phải vẫn thấy ẩn hiện một con sông đang âm thầm nằm... chết: Bình Giang đấy! Kiến Giang, mặc nhiên nghĩa Hán tự là sông đào, sông kiến tạo. Đầu thế kỷ mười bảy, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn xây lũy Trường Dục cự nhau với quân Trịnh. Để lấy đất dựng chiến lũy, quân gia đào con hói Tùng nối Long Đại với Bình Giang. Rồi thì, một trận lũ cực lớn nào đó của nhiều năm sau phá toang con hói Tùng thành dòng chảy lớn mà bồi lấp dòng Bình Giang vào quá vãng? Hiền lành đến như dòng Hương giang của Huế mà cũng đôi ba lần xé toang cửa biển, lấp chỗ nọ mở chỗ kia khiến người đời phải theo đó mà đôi ba lần đổi tên cửa sông, tên làng tên xã, thì cái hói Tùng với Kiến Giang chảy ngược, với Bình Giang “tuẫn tiết” có gì lạ đâu! Cũng trên quãng sông Kiến Giang chảy ngược này, hình sông uốn lượn thành cái khóa “son” trong bản nhạc, mà nên một cái làng chỉ lanh canh dệt vải như tiếng nhạc và lời ca dân gian vang vọng đã vài trăm năm. Tới thời nay, làng cũng lại “đẻ” ra tới năm bảy nhạc sĩ hữu danh. Trai gái thành gia thất cũng lựa nhạc sĩ tài danh mà kéo về: Họ Dương Quảng xá đấy, Phạm Tuyên, Vĩnh Phúc đấy!

Lạ thay vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Ngược dòng Kiến giang sẽ qua phá Hạc Hải nguyên sơ rộng bốn nghìn mẫu tây “mênh mông vạn khoảnh leo lẻo dòng trong... có thể sánh với ngũ hồ” (Ô châu cận lục). Kể cũng hơi ngoa ngôn. Ngũ hồ là thắng cảnh bậc nhất của Trung hoa. Nhưng đây là Biển cạn (Hạc Hải) của gần năm trăm năm trước. Lớn vậy mà chỉ được ví như nghiên mực, đỉnh Đâu Mâu trên Trường sơn là ngọn bút, chấm vào nghiên mực viết lên bản giấy Đại Trường Sa ven biển: “Mâu Sơn vi bút/ Hạc Hải vi nghiên/ Trường Sa vi bản” mà làm nên truyền thống hiếu học của cả một vùng đất. Hạ nguồn Hạc Hải sinh thành Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh định vị hình hài đất nước cả một cõi phương nam. Thượng nguồn Hạc Hải sinh trưởng Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lừng danh bất khả chiến bại.

*

Một thời chưa xa, khi mà văn minh cơ giới đường bộ chưa phát triển, Nhật Lệ là tuyến giao thông, giao thương hữu dụng và thơ mộng. Thuyền buồm từ Đồng Hới ngược lên bán vải vóc quần áo, cá biển, lại mua nông sản hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy xuôi về. Những lúc ấy bến sông quê đôi bờ nhộn nhịp lắm. Nghĩ lại mà thấy thương. Hồi ấy kinh tế hàng hóa chưa như bây giờ. Người nông dân có đôi ba đồng hào trong túi nhờ bán nải chuối, con gà, con vịt. Người tụ tập ở bến sông nhiều khi chỉ để ngắm những hàng hóa xanh đỏ lạ mắt, màu của văn minh đô thị. Trẻ con cũng nháo nhác chạy tới chạy lui vậy thôi. Tối về vẫn manh áo cũ và bát cơm mắm thường nhật không có khác gì. Nhiều khi thuyền xuôi ngược giao thương cũng kiêm chở khách. Thuyền ngược sông ghé bến, một hành khách bước lên bờ ngơ ngác giây lâu rồi định hướng rảo bước về nhà. Thuyền xuôi, người đưa tiễn rối rít dặn dò, người xuống bậc bến bần thần bước chậm, xao xuyến đặt bàn chân lên mạn ván bắt đầu hành trình xa quê. Ngày được mùa, bạn gặt thuê các nơi đổ về. Rồi tới khi “Mãn mùa, tóóc rạp rơm khô (chia tay) Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”. Trăng lên, trai gái tụ tập sân đình giã gạo hò khoan, hò hụi thâu đêm. Tết độc lập 2/9, dòng sông thành đấu trường thể thao. Hàng mấy chục thuyền bơi thuyền đua tranh tài trên cung đường ngót ba chục kilomet trong tiếng reo hò của cổ động viên đứng chật hai bờ. Hàng hơn nửa thiên niên kỷ đua bơi lễ hội đã kết tinh lại trong một “cổ động viên” thể thao độc nhất vô nhị: Người thiếu nữ khỏa thân đánh lừa trai bơi làng bạn cho đò bơi bản quán vượt lên giành giải rồi quyên sinh giữ gìn danh tiết. Dân làng lập đền thò “Bà Lỗ”. Đây cũng chính là biến thể của Thánh Mẫu trên đường vân du tiến xuống phương Nam bảo hộ con dân mở cõi. Và nữa, đền thờ vị tiến sĩ triều Mạc Dương văn An, học giả cuốn sách đầu tiên của Quảng bình còn lưu lại tới ngày nay: Ô châu cận lục. Đền thờ quận công triều Trần Hoàng Hối khanh có công lập huyện Nha Nghi là vùng hai huyện phía nam Quảng Bình: Quảng Ninh Lệ thủy bây giờ. Ngược lên nữa sẽ gặp chốn tâm linh khá nổi tiếng: Chùa Hoằng Phúc 718 năm tuổi, có từ khi thượng hoàng Trần Nhân Tông năm 1301 trên đường du ngoạn vào Chiêm thành bang giao đã ghé lại thuyết giảng giáo lý đạo Phật. Lên nữa trên ngọn nguồn là vực An Sinh, nơi hợp thủy của hai nhánh Rào Mẹ và Rào Con. Một vách đá hoa cương chặn hai dòng nước xoáy lại thành vực sâu nghe đồn thông tới tận bàu Tró ở Đồng Hới xa trên ba chục cây số. Trên đỉnh núi vẫn còn dấu tích đền thờ Cao Biền, một pháp sư người Tàu từng vân du tầm long điểm huyệt ở nước ta... Nếu “phải dò cho tới ngọn nguồn...” sẽ gặp dãy An Mã là nơi phát của nguồn mạch kiến Giang. An Mã chính là dãy núi đối ý đối lời với Thần Đinh trong câu biền ngẫu ấn tượng của bậc danh sĩ Dương Văn An: “An Mã chi cao khí áp trực cửu tầng chi hán/...”

Kiến Giang hay Bình Giang cũng một dòng trong ấy, đôi bờ nhiều ẩn tích lịch sử văn hóa thú vị.

Có ai ngược dòng sông Kiến với tôi không?

*

Trở lại cửa Nhật Lệ. Tôi ngồi khởi viết những dòng văn này vào mùa hè nồng cháy 2019, sau 147 năm trận đánh đẫm máu giữa quân Nam kỳ của Nguyễn vương và đội quân của vua Quang Toản từ Thăng long chuyển vào. Cuộc chiến có sự tham gia của hai lực lượng lục quân và thủy quân ngay tại cửa sông Nhật lệ được Linh Mục Cadie, thông tín viên của trường Viễn đông bác cổ thuật lại khá sinh động trong tác phẩm Thành Đồng Hới/ Sự tích nhà Nguyễn chiếm cứ Nam kỳ: Triều Tây sơn, mười năm sau ngày vua Quang Trung đột ngột băng hà rơi vào cảnh khốn đốn. Vua Cảnh Thịnh từ Thăng Long kéo ba vạn quân vào hợp với năm nghìn quân của Bùi thị Xuân đánh một trận tử chiến với quân Nam kỳ của Nguyễn vương mong “vãn hồi thế cuộc”. Trận chiến trên bộ đang bất phân thắng phụ thì nghe tin hạm đội Tây Sơn bị thủy quân Nam kỳ đánh bại ngoài cửa sông Nhật Lệ. Vua Quang Toản nản lòng rút lui, chính thức cáo chung một vương triều. Lại 145 năm sau, ngay trên trảng cát cửa Nhật Lệ, những tiếng súng đánh Pháp đầu tiên vang lên sáng ngày 27/3/1947. Tiểu đoàn Lê Trực dàn quân dọc cửa biển. Hai chiếc tàu chiến Pháp nhả xuồng hàng chục Ămpipi (xuồng đổ bộ) lao vào bờ. Cuộc tao ngộ chiến kéo dài hơn một giờ với ba lần chạm súng. Chín giờ sáng, Tiểu đoàn trưởng Lê Thành Đồng hy sinh. Đồng Hới thất thủ. Quân ta rút dần lên chiến khu tổ chức kháng chiến lâu dài...

*

Một ngày, tôi nhận được cú điện thoại từ số máy lạ hoắc: “A lô! Tôi ở tập đoàn... xin anh vui lòng tư vấn sơ bộ, liệu có thể đầu tư khai thác du lịch tuyến đường thủy Nhật Lệ - Kiến Giang - Long Đại...?. Sao lại không, hỡi nhà đầu tư chưa quen biết! Nhưng trước hết, hãy về đây, hãy cùng chúng tôi thám sát vốn văn hóa vật thể, phi vật thể và cả tiềm năng chưa phát lộ của quãng sông mười lăm ki lô mét có tên Nhật Lệ và cả hai chi lưu Long Đại, Kiến Giang hay Bình Giang.

Có ai cùng ngược dòng Nhật Lệ với chúng tôi không?!

Nguồn Văn nghệ số 36/2019

 


Có thể bạn quan tâm