March 29, 2024, 12:24 am

Chuyện với người con út cụ Bùi Bằng Đoàn

Mạn khuất nẻo chỗ con hồ Ba Mẫu gần lối công viên Thống Nhất có một căn hộ xây cất giản dị. Đã bao lần ghé căn hộ ấy, chẳng hay người khác thế nào nhưng tôi đã phải ngập ngừng, rón rén? Bởi đấy như là một góc của sử, một chứng nhân hiếm hoi (mà may mắn còn sống) của sử! Chủ nhân căn hộ tuổi đã ngoại cửu tuần, cụ Bùi Nghĩa người con út của cụ Bùi Bằng Đoàn! May mà giời cho đến tầm này cụ hẵng còn chút sức đủ để thư thả đi lại và minh mẫn…

Khó mà dứt mỗi khi được ngồi chuyện với cụ. Cứ như một cuốn sử dày dặn đã bện quện chằng chịt bao nhiêu là sự kiện? Mà để đọc cụ, mà lật giở phải bắt đầu, khởi đầu từ đâu nhỉ?

Cụ Bùi Nghĩa trước ban thờ cụ Bùi Bằng Đoàn

Ngồi bệt trên bậc thềm nhà Thiệu Đức Đường ở làng Chùa xã Liên Bạt của đất Ứng Hòa, tôi cố hình dung ra ba cơ ngơi của ba anh em Tam Bằng Hà Đông. Những Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận, Bùi Bằng Đoàn (Cụ Phấn đỗ tú tài, Cụ Thuận và cụ Đoàn đỗ cử nhân cùng một khoa thi Hương năm Bính Ngọ, 1906. Thời ấy được ví như ba cánh chim bằng đất Hà Đông). Trong nhà cụ Bùi (tiếc là cơ ngơi ấy ngay chỗ đầu ngõ nay đã có chủ mới mà cũng bị phá dỡ xây lại) nhóm Tam bằng Hà Đông ấy đã ngồi vợi đến hai phần của một đêm thu tháng chín năm 1945 để bàn soạn một việc trọng. Ấy là việc hồi đáp cái lẽ hành hay tàng khi tiếp được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra gánh việc nước. Chỉ chưa non tháng mà cụ Hồ đã hai lần cho người tin cẩn ân cần thiết tha mời. Hai lần thư từ cẩn trọng. Và là lần thứ 3 này, thư mời đưa tới chỉ thiết tha và ngồn ngộn hàm súc ngữ nghĩa trong vỏn vẹn bảy chữ trên vuông giấy đỏ do chính tay cụ Hồ viết Thu thủy tàn hà thính vũ thanh!

Và lần cuối, lần thứ ba ấy, vị Thượng thư triều đình nhà Nguyễn, Bùi Bằng Đoàn đã chọn lẽ hành chứ không tàng (ẩn) nhận lời ra làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh! 

Rồi đâu là căn phòng dành riêng cho cụ Tôn Đức Thắng khi ấy là Phó Ban thường trực Quốc hội (Phó Chủ tịch Quốc hội, cụ Bùi là Chủ tịch) lại gánh thêm chức Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của cụ Bùi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bộ sậu của Quốc hội gấp rút sơ tán về nhà cụ Bùi ở Liên Bạt. Cụ Bùi và các cụ Vi Văn Định, Hoàng Minh Giám… đi ô tô. Nhưng cụ Tôn thì thong thả xe đạp về Liên Bạt. Mỗi sáng cụ vần cái xe về tận Thanh Oai khi thì Vân Đình vừa thể dục vừa tiện việc nghe ngóng tình hình. Vùng Liên Bạt kề Vân Đình ngày ấy tấp nập xôm tụ. Ngoài việc cưu mang hàng chục hộ trong thành ra tản cư, Liên Bạt còn dựng ngót trăm cái nhà tranh tre nứa lá cho đồng bào tản cư.

Ngoài thời gian bàn soạn công việc Quốc hội, nhiều tối rảnh rỗi các cụ Bùi, cụ Tôn, cụ Hoàng Minh Giám… giải trí thêm vài ván cờ tướng, đôi khi mạt chược. Nếu không thì thư thả sang xóm bên ghé ngôi nhà của cụ Nguyễn Thượng Phiên thân sinh Nguyễn Thượng Hiền. Không xa là cơ ngơi của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm.

Và không thể không nghĩ đến những bữa ăn của Tổng quản phu nhân cụ Bùi một tay vun quén, đảm đang lo liệu. Cụ Bùi có hai vợ. Bà đầu là Đặng Thị Thọ, trưởng nữ của cụ Phó bảng Đặng Tích Trù. Bà sinh năm 1891, mất năm 1929 vì bạo bệnh hưởng dương có 39 tuổi. Sinh được 5 con gái và một trai. Người con trai ấy không may cũng mất sớm. Thời gian tập sự tri huyện Nghĩa Hưng, cụ Bùi thành thân với bà Trần Thị Đức quê ở làng An Ninh, Bình Lục, Hà Nam. Cụ bà sinh hạ được 6 người con gồm 3 trai, 3 gái.

Bà Đức có một liên lạc viên tin cẩn là cậu con trai út Bùi Nghĩa khi ấy đương làm thư ký riêng cho cả cụ Bùi, cụ Tôn. Đại loại là bữa nay có khách không, hoặc cần thức gì để bà trù liệu. Ấn tượng về cụ Tôn tính lành, xuề xòa ăn thức gì cũng được, cũng thấy ngon. Điều kiện kháng chiến phải thích nghi nhiều thứ. Trong đó các cụ phải tập bỏ nếp sinh hoạt quen thuộc. Cụ thể là công đoạn uống trà những pha phách, kích rích mất nhiều thời giờ. Các cụ cũng mau chóng làm quen với bình tích trà xanh mà cụ bà Đức hãm rất khéo. Bên nhà cụ Bùi Bằng Thuận, anh ruột cụ Đoàn khi ấy có cơ quan báo Sự Thật của ông Trường Chinh sơ tán. Ông Trường Chinh thường ghé thăm cụ Bùi, cụ Tôn. Ông rất thích khoản trà xanh cụ bà Đức hãm khá bắt miệng. Ông Trường Chinh thi thoảng có vài thức quà mọn để tặng bà Đức rất trân trọng tình nghĩa.

Không lâu sau thì cụ Bùi bị tai biến. Cơn tai biến làm cụ đi lại khó khăn. Điều kiện ở chiến khu Thủ đô kháng chiến thiếu thốn nhiều thứ… Cụ Hồ đã quyết định đưa cụ Bùi về quê nhà Liên Bạt khi ấy vẫn đương là vùng tự do để có nhiều điều kiện chữa trị. Mọi thứ đã sẵn sàng.

Chiều tối ngày 17 tháng 8 Âm lịch năm Mậu Tý 1948, đoàn thuyền đưa cụ Bùi từ ATK xuôi xuống Bình Ca. Tháp tùng cụ Bùi có một trung đội cảnh vệ 20 người. Có bác sĩ riêng của Cụ Hồ là Lê Văn Chánh. Tất nhiên có anh con trai Bùi Nghĩa. Lộ trình là xuôi thuyền về Việt Trì bắt vào sông Đáy xuôi chùa Hương. Nhưng thuyền chưa đến Ngã Ba Thá thì bất ngờ xảy ra cuộc Pháp nhẩy dù xuống Vân Đình. Ông Nguyễn Văn Trân khi ấy là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Liên Khu 3 (ông đã được báo trước lộ trình của cụ Bùi) lúc ra đón đoàn thuyền của cụ Bùi chỉ dám trao đổi gấp và riêng với Bùi Nghĩa tin dữ vừa xẩy ra ở Liên Bạt. Tuyệt nhiên không dám hé gì với cụ Bùi vì sợ cụ đương tật bệnh nhỡ có bề gì.

Vậy là đương đêm Bùi Nghĩa hổn hển phóng bộ một mạch về Bặt Chùa. Chạm mặt với khung cảnh tang thương quê nhà vừa sau trận càn dã man. Bà Đức, vợ cụ Bùi bị giặc bắn chết. Chiếc quan tài mẹ lù lù... Sau khi chôn cất mẹ, Bùi Nghĩa lại phải mau chóng lần tìn dấu tích đoàn thuyền chở cha mình đang lênh đênh trên sông Đáy.

*

… Mảnh mai, phong thái lịch lãm, chất giọng nhẹ nhàng. Trong câu chuyện, cụ lướt nhanh cái đoạn năm tao bảy tiết những ngày gian khó Bùi Nghĩa tận tâm chăm sóc cha già Bùi Bằng Đoàn tật bệnh ở vùng tản cư Thanh Hóa. Rồi hòa bình, Cụ Hồ cho rước Cụ Bùi về Hà Nội. Nhưng cụ đã không qua khỏi… Nhất là cái đoạn mãi khi ấy cụ mới đột ngột được tin báo, người vợ thuở tao khang của mình đã bị giặc Pháp bắn chết 7 năm trước!

Khó hình dung chàng trai Bùi Nghĩa từng là sĩ quan pháo binh. Bởi ngày ấy ông đã khấn trước quan tài mẹ sẽ trả thù cho mẹ. Bùi Nghĩa được toại nguyện. Cụ Bùi trong những ngày bệnh tật ở trên chiến khu từng canh cánh mối lo người con trai lớn đang ở Mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt không biết sống chết ra sao. Nay cậu con út lại cũng dấn thân vào trận mạc. Nên cụ ngỏ kín với ông Phạm Văn Đồng một niềm riêng…

Thể theo nguyện vọng cụ Bùi, anh con trai Bùi Nghĩa được chuyển sang dân sự đi học trường Y Việt Bắc. Và sau này chững chạc vị thế cán bộ Y đầu ngành ở bệnh viện ung bướu quốc gia cho mãi đến lúc hưu. Bà vợ ông cũng ở ngành Y. Bà mất mấy năm nay. Hiện cụ Nghĩa ở cùng người con trai.

Có lần tôi đánh bạo ngỏ cái ý rằng, cụ nên viết hồi ký. Cụ chỉ cười… Hồi ký, tại sao không? Là những dòng hồi ức của cậu con út Bùi Nghĩa dĩnh ngộ mau mắn thông minh từng được theo cha mình Bùi Bằng Đoàn, khi đóng chức Án sát Bắc Ninh, khi Tuần phủ Cao Bằng, Ninh Bình… Tuổi hoa niên được cha cho đi học tại những vùng trị nhậm ấy. Lại được cho hầu trà tại nhiều cuộc thù tiếp. 12 năm ở Huế được ăn ở, học hành với cha là Thượng thư bộ Hình là thành viên Cơ Mật Viện. Lại được hầu cha những năm tháng khi cụ Bùi là Cố vấn của Cụ Hồ kiêm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi từng là thư ký là giúp việc cho cha là Chủ tịch Quốc hội và phó chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng v.v…

Thử trích cái đoạn chuyện cụ Nghĩa mà có lẽ sử chưa kịp chép? Đó là một đêm xuân năm 1945, kinh thành Huế lúc chộn rộn khi tĩnh lặng sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Người bên nội thị kinh thành Huế đưa sang tư gia Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn một chiếu thư của vua Bảo Đại. Bức chiếu ấy đặt hờ hững trên án thư nên cậu con trai Bùi Nghĩa mau chóng biết được nội dung.

“… Buồi chầu ngày mai chỉ có khanh và Trẫm…

Tầm bảy rưỡi, cụ Bùi sai con trai Bùi Nghĩa cắp tráp theo. Đôi khi cụ vẫn cho cậu con trai út cái đặc ân theo hầu cụ dự những buổi chầu…

Vua Bảo Đại đang ngự trên ngai. Buổi ấy tha thẩn trên nền điện rộng thênh là hoàng tử Bảo Long hơn Bùi Nghĩa 2 tuổi. Vua Bảo Đại khoát tay nói hai đứa ra ngoài chơi…

Cái khúc đầu thì Bùi Nghĩa không biết. Mãi sau này cụ Bùi mới thuật lại.

… Từ trên ngai, vua Bảo Đại hướng xuống viên đại thần Cơ Mật viện kiêm Thượng thư Bộ Hình, chất giọng lúc khoan thai, khi gấp gáp truyền rõ việc sẽ tiến hành Lời tuyên bố Việt Nam độc lậpTờ phiếu xin từ chức của toàn thể Cơ Mật viện.

Lời cuối là: “Khanh có thuận lòng cùng trẫm dự vào chính phủ mới không?

Một hồi lâu, không khí im lặng nặng nề bao trùm giữa vua tôi!

Rồi cũng rành rẽ một lời tâu:

Muôn tâu bệ hạ, thần rất vinh dự được góp tài khuyển mã để nối dài triều đại của đức Cao Hoàng đế (ý chỉ chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng - XB) nhưng hiềm nỗi…

Không phải là già yếu bất tài mà khó phụng sự một chính thể mới theo thuyết Đại Đông Á. Ý cụ Bùi muốn nhắc nguyên tắc, tôi trung không thể thờ hai vua?

Lại nữa: “thần không muốn quân đội nước ngoài lại làm đổ máu đồng bào mình! Đó là lý do thần không tham dự chính phủ mới vậy!

Vua Bảo Đại lúc này đang trên ngai bỗng tụt xuống. Ngài đặt tay lên vai vị bề tôi trung thành tin cẩn rồi bất ngờ bật lên, nức nở… Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn bất giác cũng ôm lấy vị vua, bật khóc…

Đúng khi ấy, Bảo Long và Bùi Nghĩa hé cửa dòm vào thấy vậy sợ quá cũng bật khóc theo!

*

Sau này, vua Bảo Đại đã trở thành ông cố vấn Vĩnh Thụy. Một bữa ở Phủ chủ tịch đã cao hứng kể lại chuyện này cho cụ Hồ và chỉ về phía vị Cố vấn Bùi Bằng Đoàn rằng “có vị này làm bằng…”. Bùi Nghĩa khi ấy đương có mặt chứng kiến cảnh Cụ Hồ vẫy cụ Bùi và cố vấn Vĩnh Thụy lại… Rồi Cụ Hồ ngồi giữa, hai người ngồi hai bên. Hai tay Cụ Hồ giơ ra nắm lấy tay hai người!

Như sử đã chép, ngày 16 tháng 3 năm 1946, cố vấn Vĩnh Thụy được cử tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  sang Trùng Khánh đi công cán. Nhưng sau đó ông đã tách khỏi đoàn để tới Côn Minh rồi Hương Cảng (Hồng Kông). Tại Hồng Kông, ông đã thường lui tới các sòng bạc và sàn nhảy. Ông đã nhiều lần khiến các sòng bạc phải kinh ngạc vì những khoản tiền cược rất lớn trong các ván bạc…

Nhưng có lẽ sử chưa kịp chép cái đoạn ở ATK, Cụ Hồ thân đến gặp cụ Bùi vào mùa xuân 1947 (khi đó cụ Bùi vẫn khỏe, chưa bị bạo bệnh). Cụ Hồ ngỏ với cụ Bùi một việc cơ mật. Qua Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cụ Hồ biết cố vấn Vĩnh Thụy rất muốn gặp riêng cụ Bùi… Ông cố vấn Vĩnh Thụy muốn chuyện trò với cụ Bùi. Và chỉ có cụ Bùi mới góp phần quyết việc ông cố vấn có về lại Việt Nam hay không!

Anh con trai út Bùi Nghĩa khi ấy không biết được hai cụ đã trao đổi những gì. Nhưng cụ Bùi chỉ vắn tắt với con trai là có chuyến công tác sang tận Hồng Kông. Sau đó cụ mới ngỏ hết là cái việc phải đi đón ông cố vấn Vĩnh Thụy về.

Chuyện biên ra thì dài. Có lẽ xin khất bạn đọc vào một dịp thích hợp. Nhưng vắn tắt là hai ông con, cụ Bùi Bằng Đoàn và Bùi Nghĩa từ ATK Việt Bắc đã mất rất nhiều công sức để đến được đất Trung Hoa. Nhưng nhân mối cùng lộ trình đã bị lỡ dở bởi sự thám thính bủa vây cùng phá hoại của quân Tưởng Giới Thạch. Nhận được tin báo, thấy nguy hiểm, từ ATK chiến khu, Cụ Hồ nhắn hai ông con trở về Việt Bắc!

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm