April 25, 2024, 4:22 pm

Chuyện từ Gò Sồi

Chúng tôi quyết định làm nhà thờ bố mẹ ở trên chính nền đất ngôi nhà xưa, ở gò Sồi, nơi bố mẹ tôi tự tay khai phá, tự mình xây dựng nhà cửa, sinh đẻ và nuôi dưỡng 9 anh em chúng tôi. Sau này, chúng tôi tản mác mỗi người một nơi, do đường lên nhà dốc cao, mà bố mẹ thì tuổi già, nên cực chẳng đã anh em chúng tôi bèn xây một ngôi nhà mới ở dưới thấp cho bố mẹ ở những năm cuối đời. Ngôi nhà gỗ xoan năm gian có tuổi hơn cả tuổi tôi, đã được bàn tính giữ lại, cải tạo làm từ đường, nhưng do một lí do nào đó đã bị đem bán.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Thời bố mẹ tôi tuổi thanh niên, gò Sồi còn hoang rậm, cách nơi tập trung dân cư, trung tâm thôn làng khá xa. Bố mẹ tôi được bà nội cho xuống gò Sồi lập trại, khai phá trồng chè, dứa, cam quýt và trồng cây xoan. Bố mẹ tôi đổ sức khai phá và trở thành chủ sở hữu của cả một quả đồi. Khi tôi lớn lên cư dân đã không còn thưa thớt, nhưng hươu nai, cầy cáo vẫn đầy rẫy, cả gấu và cọp beo. Bố mẹ tôi già đi, con cái nhất là con trai chả ai chịu cày ruộng ở quê, thành thử gò Sồi dần bị chia năm xẻ bẩy. Đến khi bố mẹ tôi về Trời, anh em chúng tôi cũng già theo, e rằng quê gốc chỉ còn tồn tại trong hồ sơ cá nhân, để mà hồi tưởng. Anh em chúng tôi nhà ai mà chả lập bàn thờ bố mẹ, tổ tiên nhưng vì trăm thứ lí do nên hàng năm ngày giỗ tết chả thể tập trung được mọi người ở nhà con trưởng. Một lần cô em gái gọi điện cho tôi, nói nằm mơ gặp bố mẹ, chỉ nhìn thôi không nói được gì, nhưng nom nét mặt thì thấy bố mẹ rất buồn. Bố mẹ buồn vì hàng năm cứ phải chia nhau đi nhà các con, buồn vì không có một ngôi nhà để bố mẹ đầm ấm bên nhau? Trần sao âm vậy, chắc chắn bố mẹ cũng có vô thiên lủng lí do để buồn. Vậy là chúng tôi bàn nhau, quyết định xây dựng nhà thờ bố mẹ, để lấy nơi anh em hàng năm tụ về, để nhắc nhở các thế hệ sau về mảnh đất ông bà đã khai phá. Theo đó, nhà thờ chính là quê hương.

Lần này tôi về quê và sống ở quê có đến gần nửa năm, khung cảnh đồng quê, con người nhà quê đủ để nhào nặn tôi, tưới tắm cho tôi, khiến tôi như cái cây cỗi rồi lại nở ra lá mầm, xanh lại.

Nhà tôi ở gò Sồi, ngoảnh mặt hướng nam, nhìn qua một một cánh ruộng, ngày xưa ngập nước, được gọi là đồng Vàng, nghe nói đêm đêm vẫn có đàn vịt vàng bơi lội ve ve kiếm ăn, là đến đường sắt Hà Nội - Lao Cai ngày dăm chuyến tầu ầm ĩ chạy qua. Tiếp đó là cánh đồng, gồm cả một đầm nước, gọi là đầm Làng nay cũng cạn thành ruộng cấy, rộng nhất xã tôi. Nói là rộng nhưng đi bộ cũng chừng mươi lăm phút là đến sông Thao. Qua một chuyến đò ngang là quê ngoại tôi.

Đêm đầu tiên, tôi về, nằm trên chiếc giường cũ xưa bố tôi vẫn nằm, không khỏi xa xót, khi bố mẹ còn sống mình chả chăm sóc được bao nhiêu. Khuya sâu, những hạt sương nặng lăn trượt khỏi tầu lá, âm thầm rơi xuống mảnh đất mà bố mẹ tôi khai phá để lại cho con cháu. Trí óc tôi miên man, nghe thấy rì rầm từ đâu đó xa thẳm vọng về, mơ hồ mà dường như rất thật, tiếng nói của đất đai.

Ngày trước, mỗi lần về quê ăn tết cùng bố mẹ, tôi đều phải vượt qua một thử thách không nhỏ, chen lấn kiếm vé lên tầu, làm quen với kĩ năng vượt qua cửa sổ, luồn lách để kiếm được chỗ đứng, cảnh giác để không bị kẻ trộm trên tầu móc túi. Ngày đó, nhà tôi có một cái giếng đất ở chân đồi, mạch phun mạnh mẽ, nước trong vắt, ngọt lừ, không bao giờ cạn. Sau những năm 1950, trải qua mấy cuộc biến động lở đất long trời, ruộng đất được phân chia lại, chiếc giếng tự dưng đứt mạch, nước đục ngầu. Bố tôi bèn đào một cái giếng khoan, ngay lưng chừng đồi, đủ nước dùng cho cả nhà. Mùa hè mỗi lần tôi về quê, múc một gầu nước giếng, giội lên đầu, cảm thấy thật khoan khoái dễ chịu. Khi xây ngôi nhà mới ở dưới thấp gần chân đồi, chiếc giếng khoan ở lại trên cao, nguồn nước cũng cạn dần, bố tôi đào một ngôi giếng mới ở sát chân ruộng, không có nước nguồn chỉ có nước ngấm. Nước ngấm không sạch lắm, chỉ có thể dùng tắm giặt, không thể dùng làm nước ăn, nhất là để pha trà. Mà bố tôi nghiện trà. Vậy là bố tôi phải xây một chiếc bể dung tích cỡ chục khối chứa nước mưa, hứng từ giọt tranh để nấu nướng, pha trà.

Tôi về, thêm người, cái bể nước mưa chục khối trở nên nhỏ bé, không đủ năng lực phục vụ. Vấn đề bức bách đối với tôi, chiếm ưu tiên số một không phải là internet, mà là nước. Tôi buộc phải đi tìm nguồn nước. Thăm hỏi những gia đình ở xung quanh gò Sồi, nhà nào cũng gặp vấn đề nước. Có nhà phải đào hai giếng, dùng nước ngấm. Có nhà xây bể chứa, dung tích bốn năm chục khối. Có nhà đã đào giếng khoan, khoan sâu tới gần trăm mét, gặp đá đen như than. Không có nước. Lạch nước nhỏ chẩy qua trước nhà tôi, có mầu đen và bốc mùi hôi, do chất thải chăn nuôi của một số hộ thải trực tiếp ra. Nước ngầm bị ô nhiễm, nước ngấm thì ô nhiễm phải rất kinh khủng. Tôi dứt khoát không thể dùng nước ngấm.

Gò Sồi xưa thừa thãi dùng nước, sao giờ lại hiếm thế? Tôi đạp xe một vòng quanh xã Đan Hà cũ, lên Hậu Bổng, dọc theo con kênh đi xuống Lệnh Khanh, Phụ Khánh, Y Sơn và trở lại. Cảm giác của tôi, vừa vui vừa buồn. Vui vì làng xóm đông đúc, nhà cửa san sát, có vẻ có bàn tay quy hoạch can thiệp. Buồn vì những dải rừng đã biến đi đâu mất tăm tích, đến ngay cả dãy núi Hoa Hoè cũng trơ trọi. Rừng bị phá trụi hay bị con người xả ra từng miếng, nuốt dần, hiển nhiên gò Sồi nhà tôi là một ví dụ điển hình.

Hầu hết ao đầm không còn nữa. Những ao đầm xung quanh gò Sồi như Cây Xanh, đầm Vàng; những đầm lớn của làng như đầm Làng, đầm Cả, Mỏ Trang… cũng không còn. Đầm Phai ở Hậu Bổng được đắp theo một Quy hoạch thủy lợi tầm nhìn xuyên thế kỉ, là mỏ nước của hạ lưu nhưng được tháo nước theo lịch thời vụ, chủ yếu phục vụ nông nghiệp. Thành thử những giếng đào lấy nước ngấm cũng ngắc ngứ chứ không phải dư dả gì.

Tôi có một đứa cháu họ, là một tay kinh doanh đa nghề cự phách, trong tay có hàng chục hecta đất trồng rừng, có đủ xe tải, máy húc nhận thầu san lấp, chăn nuôi gà, nuôi nhím… và kinh doanh nước. Anh cháu mua một khoảnh đất ở xa trung tâm cỡ dăm cây số, đào giếng bắc đường ống bơm dẫn nước về làng, cung cấp cho gần hai chục hộ. Nghe nói, nước giếng được đem đến trung tâm kiểm nghiệm chất lượng, kết quả là tinh khiết, uống được. Tôi gặp anh cháu, nói gò Sồi nhà bác không có nước ngầm, mà bác cần dùng nước sạch, cháu liệu có thể cung cấp nước cho bác không. Anh cháu nhiệt tình nói, gò Sồi thiếu nước là đúng, vì rừng đã không còn, lại nằm trên dải đất có cấu tạo địa chất không giữ nước được. Vì thế đào giếng lấy nước ngấm không phải là cách giải quyết tốt nhất. Anh cháu phân bua, hiện nay nguồn nước của cháu có hạn, nếu bác đợi được đến quãng năm sau, cháu sẽ đào thêm giếng, sẽ tăng số hộ được cấp nước lên, cháu sẽ ưu tiên cấp nước cho bác. Tôi thầm nghĩ, đợi đến năm sau thì năm nay bác dùng nước sạch ở đâu. Trước đây làng vẫn có người kéo xe nước đi bán, nhưng nay người này không rõ vì sao đã nghỉ rồi.

Chú em rể nghe tôi nói về chuyện cấp nước bèn nói, giếng nhà em bên này thoải mái dùng, em có thể cấp nước cho bác, ngặt nỗi đường ống phải vượt qua đường sắt. Nhớ lại người cháu nói, bác có thể lấy nước bên giếng nhà cô Dương. Nhà cô ấy ở tả ngạn ngòi Ván, dải đất bên đó có nước ngầm. Nước giếng tinh khiết. Điều đó thì tôi biết. Lúc đầu chưa nghĩ đến vì ngại đường ống dài, phải đúc nhiều cột xi măng, đầu tư khá tốn kém. Tôi đem chuyện bàn với đứa cháu con cô Dương, bảo cháu khảo sát tuyến đường ống ngắn nhất, tính toán rồi thuê thợ làm. Cuối cùng, sau những tháng hè phải đi tắm nhờ, tôi đã có nước giếng sạch để dùng. Nhìn những cột xi măng trồng trên cánh đồng, đỡ ống kéo qua vườn nhà hàng xóm, dài trên năm trăm mét, tìm mua một máy bơm đủ sức đẩy nước đi quảng đường dài hơn thế về nhà mình, lòng không khỏi vui sướng và ngầm chút tự hào.

Nếu nhìn trên bản đồ Phú Thọ, huyện tôi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, giáp giới với huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Xã tôi giáp giới với xã Văn Tiến, lên đến trung tâm thành phố Yên Bái mất chừng 20 phút chạy xe ô tô. Trước đây về quê bằng tầu hoả, đi từ Hà Nội lên ga Đoan Thượng đã là 150 km. Đường bộ về quê, chọn con đường dễ đi nhất, lòng vòng mất cỡ 170 km, chạy bằng xe máy tốn khoảng gần nửa ngày. Bây giờ hệ thống đường giao thông được cải tạo, được mở thêm, nhất là sau khi có cao tốc Hà Nội - Lao Cai, đường về quê đã được rút ngắn đáng kể cả về thời gian và quãng đường, mất độ hai tiếng rưỡi. Hôm 17 tháng 10, sau khi xuống Việt Trì tiêm mũi vacxin phòng Covid-19 đầu tiên cùng với anh em Chi hội nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ trở về nhà, tôi bỗng nẩy ra ý định, đi lại con đường xưa tôi vẫn đi xe máy chở theo cậu con trai út về quê, con đường mà xứ mệnh văn hoá đã đưa các nhà văn Việt Nam lừng danh một thủa đi qua thậm chí trú ngụ: các địa danh Đông Thành, Phương Lĩnh, Đồng Xuân, Yên Kỳ, Gia Điền, Ấm Hạ, Ấm Thượng… Không khỏi ngạc nhiên, toàn đường trải nhựa phẳng lì, những ngã ba, ngã tư lớn lạ lẫm, nhiều khi phải dừng lại hỏi thăm đường. Một lần nhà thơ Hữu Thỉnh lên thăm, tôi đã cố ý đưa ông đi theo triền đê sông Thao, cắt ngang thị xã Phú Thọ, qua chợ Mè, lên Chí Chủ, qua Vũ Ẻn, Ấm Thượng về Đan Thượng. Con đường đê được mở rộng và trải nhựa, chạy giữa những cánh ngô hoa cờ tím phơ phất và những bãi hoa giong giềng đỏ thẫm. Sông Thao của thi ca và âm nhạc đỏ lựng mầu phù sa, mầu của sự sống kiên dũng.

Ở quê nhớ về Hà Nội chẳng còn cảm giác xa xôi nữa, đi lại giải quyết công việc trong một ngày không hề hấn gì. Ai đó nói, giao thông là cơ sở hạ tầng để kinh tế bay lên. Tôi muốn thêm rằng, giao thông làm cho con người trẻ lại, bởi khoa học đã chứng minh, nếu con người di chuyển bằng tốc độ ánh sáng, con người sẽ bất tử.

Hồi đầu năm, trước khi về quê, tôi mua một sim điện thoại 4G thời hạn một năm, chuyên để vào mạng. Không có thông tin, con người lập tức bị đẩy lùi về nửa đầu thế kỉ hai mươi, ú ớ, ngu ngơ và lạc hậu, bản năng sẽ lấn át trí tuệ. Ở quê, cho đến hiện nay, tôi thấy hầu như mỗi người đều dùng một hoặc hai điện thoại, một cái chỉ để nghe và gọi, một cái để vào mạng xem tin tức. Các thông tin quan trọng như tiền điện thắp sáng, hội họp, thông tin thông báo chống dịch… ở quê đều được gửi qua tin nhắn. Mấy cô em gái tôi, cô nào cũng dùng điện thoại thông minh, cài đặt Facebook để giao lưu, cài đặt Báo mới, Netflik để xem tin tức, xem phim; cài đặt Zalo để gửi hình ảnh và gọi điện thoại miễn phí... Do dịch bệnh Covid-19 phát triển phức tạp, các cô ngày nào cũng cập nhật tin tức dịch bệnh ở địa phương cho tôi, dặn cẩn thận, nhanh không cần phải đợi xem chương trình thời sự của VTV mới biết. Tôi không có điều kiện khảo cứu, nhưng cứ quan sát các hiệu sửa chữa các thiết bị máy tính và điện thoại thì có thể suy đoán sự phổ cập sử dụng đến đâu. Ở trung tâm xã tôi, có vài hiệu sửa chữa điện thoại, muốn sửa máy tính phải về thị trấn huyện lị, thế có nghĩa là điện thoại thì phổ cập, còn máy tính thì hiếm hơn. Dù sao ở nông thôn, với chiếc điện thoại thông minh, về cơ bản không có nền tảng xã hội nào có thể cản trở bà con quê tôi lướt qua tìm hiểu.

Với tôi, tôi thích dùng laptop hơn, vì thế tôi quyết định kéo mạng đến tận nhà. Ở quê tôi chỉ có mạng VNPT và Vietel. Tôi gọi cho cơ sở dịch vụ. Lập tức được cơ sở cử người đến khảo sát, nói rõ có thể phục vụ những dịch vụ gì. Tôi hỏi có cáp quang không. Đáp, hoàn toàn cáp quang. OK. Nhưng khâu tiếp theo thì hơi chậm. Chờ mấy ngày không thấy động tĩnh, tôi gọi điện giục thì mới có nhân viên đến lấy các dữ liệu cá nhân. Rồi chờ quãng một tuần, Internet mới được kéo đến.

Internet là một phát minh vĩ đại, nói một cách hình tượng nó xóa bỏ sự ngăn cách biên giới địa lí, nó trả lại sức mạnh vô địch cho sự thật. Do thế, nó là kẻ thù không đội trời chung với dối trá, lừa bịp. Dĩ nhiên mạng ảo, nhưng đời thì thật, tin tức giả, hình ảnh xấu độc làm sao tránh hết, giống như sông Thao trước nhà tôi cuồn cuộn phù sa, dòng chẩy mạnh mẽ, nhưng cũng cuốn theo rác rưởi và gây nên ngập lụt. Cũng phải thấy một điều, Internet không phải có sức xuyên phá không gì cản nổi. Nó vẫn bị ngăn bởi những bức tường lửa. Chỉ đến khi nào người ta phóng lên quĩ đạo gần trái đất dăm ba ngàn vệ tinh, phát sóng trực tiếp xuống mặt đất thì tường lửa mới bị xuyên phá hoàn toàn. Những phần mềm vượt tường lửa hiện nay, quả thực khá hạn chế. Và nhiều nước vẫn dựng tường lửa để ngăn chặn thông tin mà họ không thích.

Nói đến Internet, khiến tôi nhớ khoảng đầu những năm 1990, khi làm phim ở Quảng Đông, việc mua sim điện thoại liên hệ quốc tế khá dễ dàng, ở bên đó tôi có thể vào mạng, chat để biết tình hình ở nhà hàng ngày, có thể liên hệ, bàn bạc công việc. Sau này qua Trung Quốc việc mua sim điện thoại liên thông quốc tế rất khó khăn, thậm chí không thể mua. Đi nước ngoài ngắn ngày, dùng mạng viễn thông quốc tế của Việt Nam thì không có trở ngại gì, nhưng trở ngại lớn nhất là ngốn tiền như thằng nghiện, chỉ có đại gia mới xài.

Cách đây mấy năm, sang Nam Ninh dự một diễn đàn văn học quốc tế khu vực, hoàn toàn không vào được mạng. Một tình nguyện viên người Hà Nhì nói với tôi, Trung Quốc cấm các nền tảng xã hội nước ngoài như Facebook, Twitter… Sau đó khoảng một năm, tôi có đi Bắc Kinh tham dự một diễn đàn giao lưu văn hoá lớn hơn, vượt khỏi tầm cỡ khu vực, mỗi đại biểu được phát một thẻ để vào mạng. Vừa đây, mạng xã hội đưa tin, Trung Quốc sắp ban hành qui định cấm tất cả các nền tảng xã hội có vốn đầu tư của tư nhân làm tin tức. Người Trung Quốc chỉ được nghe và đọc những tin tức mà Tập Chủ tịch muốn.

Trở lại với quê, ngồi ở một góc vườn nhỏ Hà-Phạm gia viên, bàn về sự trao đổi thông tin thật khá lí thú. Tôi có mấy người anh em họ hàng thi thoảng trà lá bàn chuyện trồng cây, trồng hoa, chia sẻ cho nhau giò lan hoặc khóm trúc; cả chuyện trên trời dưới bể, chuyện quốc tế trong nước. Có khá nhiều tin tức mà tôi lần đầu được nghe. Ông anh họ tôi, một cựu chiến binh mặt trận Tây Nguyên đột ngột hỏi tôi, chú làm báo, đi nhiều biết nhiều, nói xem nông dân Trung Quốc và nông dân Việt Nam, anh nào nhiều thông tin hơn. Tôi bị bất ngờ, bèn lảng ra, nói ông anh hỏi thế là có ý gì. Mà sao ông anh không hỏi các nước khác, lại hỏi Trung Quốc. Ông anh cười, chú ngại à, vì Trung Quốc với ta đều do Đảng Cộng sản cầm quyền, hỏi để làm phép so sánh, không có sự so sánh thì không tìm ra được sự thật. Có lí. Tôi nói, theo số liệu mà Trung Quốc công bố khi điều tra về Internet ở nông thôn, không phải mới nhất vì chưa được cập nhật, thì nông dân Trung Quốc chiếm 50,32% dân số, tức khoảng trên 700 triệu người, số người dùng mạng xã hội chiếm 36,2%. Nếu so với những người dùng mạng xã hội ở Trung quốc thì số nông dân chỉ chiếm 27%. Nghe tôi xong, ngẫm nghĩ một lát, ông anh nói, xã ta vốn là một xã hẻo lánh, nhưng tôi cam đoan tỷ lệ dùng mạng xã hội của nông dân ta rất cao, vì ngoài những tin tức thời sự chính trị xã hội, nông dân còn cần không ít tri thức về nông nghiệp, về chăn nuôi, về kinh doanh buôn bán… Tôi hỏi, nếu cho anh ước tính thì khoảng bao nhiêu phần trăm. Ờ ờ, anh bảo, phải tám chín mươi phần trăm, khiêm tốn thì bẩy tám mươi phần trăm. Cứ như ông anh tôi nói, thì thật là những con số lạc quan.

Tôi học hết lớp 9 hệ 10 năm thì đi bộ đội. Quân đội cho đi học ba môn Toán – Lí - Hoá để lấy bằng tốt nghiệp cấp III, rồi đi vào đại học, tôi mù tịt về những thứ văn chương khoa cử, Hán - Nôm không rành, thành thử không biết làm câu đối. Những thứ mẹo mực chặt chẽ, những thứ qui tắc cứng đờ gò bó không hợp với tôi, nhưng khi làm nhà thờ bố mẹ, tôi đã để công sưu tầm lựa chọn câu đối, có mạn phép chỉnh sửa từ nọ từ kia cho hợp với gia cảnh. Trong quá trình “sao kê” ấy, tôi đọc được hai câu đối sau, không biết có thật chỉnh không, nhưng tôi thấy lí thú. Câu đối như sau. Vế thượng: Nhất đình tận lãm sơn trung thú. Vế hạ: U thất năng quan thế ngoại thiên. Ở quê, tôi được hưởng cái thanh sạch ít bị ô nhiễm của khí trời, sáng sớm thức dậy được nghe bản hoà tấu các giọng chim trên những lùm cây vải, cây mít, cây trám xanh um… Và khi mặt trời nhô lên, phân phối ánh sáng theo kiểu ngẫu hứng nghệ sĩ trên cánh đồng, tôi đã chụp được bức ảnh đẹp đưa lên mạng, khiến không ít bạn bè thốt lên, đẹp kém gì phong cảnh châu Âu. Với chiếc laptop và chiếc điện thoại Samsung cũ kĩ A70, thông qua nền tảng Twitter, Facebook và Google… tôi có thể hàng ngày quan sát nước Mỹ, nước Nga, Trung Quốc và một số nước khác mà tôi quan tâm. Đưa tin và bình luận. Thế chả đáng sống sao!

Cuối năm 2021

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm