April 25, 2024, 12:04 pm

Chuyện trò với nhà văn Ðỗ Tiến Thụy: Con chim joong và khẩu M134 cùng kể chuyện

Kể chuyện từ góc nhìn trên cao

Đào Tuấn Ảnh: Là một nhà văn quân đội, chiến tranh hẳn là một đề tài anh đặc biệt quan tâm. Vậy chiến tranh trong tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z khác gì với các tác phẩm trước đó của anh?

Đỗ Tiến Thụy: Tôi đã đề cập đến chiến tranh trong nhiều tác phẩm, kể cả truyện ngắn, tiểu thuyết… Tuy nhiên, yếu tố chiến tranh trong những tác phẩm của tôi chỉ đóng vai trò đòn bẩy quá khứ để bật cái hiện tại lên. Riêng Con chim joong... thì hàm lượng chiến tranh có phần đậm hơn thôi.

Đào Tuấn Ảnh: Để viết một tiểu thuyết như Con chim joong... chắc hẳn anh đã phải đọc nhiều và kĩ những tài liệu liên quan, đi Tây Nguyên nhiều lần…? Ý đồ viết cuốn tiểu thuyết này có từ bao giờ và hoàn thành trong bao nhiêu lâu?

Đỗ Tiến Thụy: Tôi không đi Tây Nguyên, mà… ở Tây Nguyên suốt cả thời trai trẻ (từ tháng 6-1988 đến tháng 10-2002 mới ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du). Tuy tôi chưa trực tiếp chiến đấu nhưng ở với rất  nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ đã trải qua trận mạc nên quanh năm suốt tháng nghe chuyện kể về chiến tranh. Những câu chuyện trần trụi và sinh động. Có thể nói “từ trường chiến tranh” ở một đơn vị chủ lực của tôi luôn thấm đẫm, ngấm từ từ vào người. Tuy nhiên, ý đồ viết Con chim joong bay từ A đến Z chỉ xuất hiện từ năm 2012, sau khi tôi nhận lời trở về chiến trường xưa của một nhóm cựu chiến binh Mặt trận B3. Một chuyến đi để lại cho tôi quá nhiều cảm xúc về các nhân vật, sự kiện... Từ đó ý đồ viết Con chim joong… xuất hiện. Và để bắt đầu, tôi phải tra lại tất cả sử liệu liên quan đến các đơn vị của những bên tham chiến để tổng hợp, lựa chọn và hư cấu.

Đào Tuấn Ảnh: Con chim joong – nhân vật xuyên suốt tác phẩm, đóng nhiều vai trò khác nhau: điểm nhìn; kết cấu; nhịp điệu…; so với thằng M134, con chim có hồn này mô tả khó hơn. Song nhìn chung, cả hai nhân vật tạo đều tạo tính khách quan cho truyện và điểm nhìn khác về chiến tranh cùng cái ác. Vậy chắc chắn anh phải bỏ không ít thời gian để quan sát loài chim này?

Đỗ Tiến Thụy: Tôi là người mê chim. Thuở nhỏ suốt ngày trèo cây bắt chim về nuôi. Khi vào Tây Nguyên, tôi rất ấn tượng với loài vẹt xanh, tiếng Bahnar gọi là con joong. Những năm 90, loài chim này bị bẫy bán rất nhiều, có thể gặp bất cứ đâu trên những con đường các tỉnh Tây Nguyên. Cánh lính trẻ bọn chúng tôi khi đi rừng cũng hay bắt vẹt non về nuôi nên khá hiểu tập tính của loài này.

Tuy nhiên, ý tưởng dùng con joong làm nhân vật kể chuyện nảy sinh vào năm 2013. Lúc đó bản thảo đã hình thành với tên tạm đặt Từ A đến Z, nhưng bị “bẹt”, vì chỉ có một giọng kể ngôi thứ 3 đơn điệu nên tôi đã bỏ đó. Thế rồi, có một lần, trong lúc ngồi cà phê trên tầng hai của tòa nhà Cá mập ở Hà Nội, tôi thấy bàn bên có một nhóm phóng viên đang dùng flycam quay cảnh Hồ Gươm. Nhìn những hình ảnh truyền về laptop của họ với một góc quay quá đẹp, thế là tôi vụt nghĩ: sao mình không kể chuyện với một góc nhìn từ trên cao nhỉ? Ý tưởng dùng flycam kể chuyện manh nha trong đầu. Nhưng về nhà nghĩ lại, thấy không ổn. Flycam dù sao cũng chỉ là một thiết bị công nghệ vô hồn. Cần phải có một sinh thể ấm nóng, có khả năng cảm nhận! Thế là hình ảnh con joong vụt về.

Thêm một giọng kể là con chim, thấy bản thảo “tươi” hẳn. Nhưng đến đoạn hồi tưởng về chiến tranh thì lại tắc. Một con chim là chưa đủ. Một giọng kể giấu mặt thông qua hồi ức của những nhân vật người thì… cũ quá. Và sẽ dài nữa. Cần phải có một nhân vật có thể thâu tóm được quá khứ chiến tranh một cách khách quan, trung thực nhất. Và khi nhân vật Bẩm bị cậu Gấu bắt phải lau khẩu súng (lúc đó là súng trường thôi) để chuẩn bị đi săn, thì ý tưởng dùng khẩu súng kể chuyện xuất hiện. Nhưng nếu chỉ là khẩu súng trường bắn phát một thì… lìu tìu quá. Cần phải có một khẩu súng mang tính biểu tượng của giết chóc, tham gia nhiều cuộc chiến mới có thể tái hiện được quá khứ trận mạc của cả mấy thời kì. Vậy là phải tìm hiểu các loại vũ khí được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau nhiều ngày nghiên cứu thì tôi quyết định chọn thằng M134.

Đào Tuấn Ảnh: Kết cấu của Con chim joong... khá phức tạp bởi sự đan cài không gian (Hà Nội, miền quê Bắc bộ, Tây Nguyện, Quảng Trị, Nam Lào, Campuchia) và thời gian (thời  hiện tại, hồi ức và tương lai (trong tâm tưởng sau khi đọc đoạn kết); và bởi quan hệ phức tạp giữa các nhân vật, tính cách, tâm lí của từng người. Câu nhại của con joong: “Việt Nam không làm được đâu” cho thấy hóa ra cuộc chiến chống ngoại xâm, dù khốc liệt thế nào vẫn có thể chiến thắng; nhưng chống nội xâm? Liệu ta có thể giết những người ruột thịt như giết quân thù? Không thể. Bi kịch này không phải của cá nhân mà là bi kịch của cả dân tộc. Về điểm này tiểu thuyết đã thành công.

Tuy nhiên, trong truyện có những nhân vật ẩn – lão Khổng, tay đại gia xây cầu cho dân miền núi, được tặng con chim joong. Nhưng đoạn nó bị chủ Khổng xua đuổi có vẻ như thiếu lí do, và cũng như vậy, là tình tiết tay này nhờ chị công nhân thu rác chuyển con chim này cho Cụ Tướng. Tay này cũng liên quan tới việc gọi điện và cung cấp video vợ con ông Khoa nhận hối lộ?… Nó từng là lính dưới quyền Cụ Tướng, bị phốt, nay trả thù? Xin anh nói rõ cho độc giả hiểu thêm về nhân vật có vẻ “bí hiểm” này.

Và nhân vật chị công nhân thu rác, sau này là nhân viên cơ quan của ông Khoa, người quan tâm tới ông Khoa và giữa hai người hứa hẹn có cuộc hôn nhân đích thực, sau cuộc li hôn của ông Khoa. Hai mối tình của ông Khoa (với “gái núi” và với chị nhân viên), thì mối tình đầu còn khả dĩ, mối tình sau chưa đủ độ, mặc dù nó đóng vai trò quan trọng - tạo lối thoát cho ông Khoa. Xin cho biết ý kiến của anh về nhận xét này.

Đỗ Tiến Thụy: Đây là một mạch văn bản tôi gửi gắm nhiều tâm huyết, nhưng dường như chưa ai nhận ra. Ngay cả các nhà phê bình đã viết về cuốn sách đều bỏ qua mạch này. Tôi cũng hoang mang có lẽ mạch mình bố trí kín quá, thất bại rồi. May mà chị nhận ra.

Chuyện bắt đầu từ nhân vật Khổng, cũng là một thứ trưởng, là đối thủ của ông Khoa trong một bộ. Xét về mọi mặt, sếp Khổng đều thua điểm. Vì ông Khoa, ngoài năng lực, nhân phẩm thì còn có một bệ phóng cực kì quan trọng, đó là Cụ Tướng. Để chiến thắng, không còn cách nào khác, sếp Khổng phải đánh đổ được những chướng ngại vật này. Và khi dịch H5N1 bùng phát, vốn sợ chết, sếp Khổng đành thả con joong. Nhưng việc chị lao công hồn nhiên mang nó trả lại ông này đã nảy ra ý tưởng dùng chính con joong (có khả năng mang bệnh) để đầu độc gia đình Cụ Tướng. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như ý muốn của sếp Khổng. Cụ Tướng và gia đình bình an vô sự trước âm mưu này, buộc sếp Khổng phải sử dụng những đòn khác về sau, đặc biệt giai đoạn chuẩn bị bổ nhiệm Bộ trưởng.

Nhân vật ông Khoa cũng được tôi gửi gắm nhiều tâm huyết, nhưng rất tiếc là các nhà phê bình đều bỏ qua. Ông không chỉ là một nạn nhân của quyết định “yêu người qua một người khác” dẫn đến bi kịch hôn nhân, mà còn là hiện thân của lớp cán bộ kế cận đang tha hóa theo quy luật, nhưng còn bị đạo lí và danh dự níu giữ. Cuộc chiến trong chính con người ông Khoa khốc liệt không kém cuộc chiến với các đối thủ ngoài đời.

Về chị lao công, đây là nhân vật chức năng, có nhiệm vụ “chuyên chở âm mưu” của sếp Khổng tới nhà Cụ Tướng, được “nhận thù lao” từ sếp Khổng bằng việc cho làm tạp vụ ở cơ quan Bộ. Nhưng quá trình tiếp xúc, chị có tình cảm với ông Khoa, và ngược lại. Việc nảy sinh tình cảm này là bình thường. Nhưng tôi đã sử dụng chính mối quan hệ vừa chớm nở này để dẫn tới việc Y Linh ghen. Chuyện “ma ghen” được triển khai như một thủ pháp tâm linh để truyền thông tin cảnh báo cho ông Khoa về mối đe dọa với con gái của hai người (Y Ngoan) ở những trường đoạn cuối. Và vai trò của nhân vật chị lao công – tạp vụ đã hoàn thành. Còn họ “có gì” với nhau về sau hay không thì… tôi không biết!

Mỗi nhà văn đều có quyền tạo ra nhân vật Tướng của mình!

Đào Tuấn Ảnh: Trong văn học Nga –Xô viết viết về chiến tranh có dòng “văn học trung úy”, tức là dòng văn học trong đó các tác giả trưởng thành trong chiến tranh vệ quốc có cấp bậc sĩ quan cấp úy, viết truyện chủ yếu cũng về các nhân vật sĩ quan cùng cấp với mình, những tá, tướng thường chỉ là những nhân vật phụ trợ. Nếu có tác phẩm nào viết về tướng, thì thường là các tướng nổi tiếng có thật ngoài đời và truyện thường mang tính tiểu sử. Trong văn học Việt Nam, như đã biết, ông tướng, với tư cách nhân vật trung tâm, xuất hiện lần đầu tiên trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Trong Con chim joong … nhân vật “tướng về hưu” cũng đóng vai trò trung tâm, mặc dù không đi hết cuốn sách. Tuy nhiên, nhân vật Cụ Tướng trong Con chim joong... phức tạp hơn với khát vọng “bình gia” (theo kiểu của tướng) và tiếp tục cuộc chiến trong thời bình: chiến đấu với quốc nạn tham nhũng. Nhưng một tướng tài trong chiến tranh hóa ra lại là một Don Quijote trong thời bình. Nguyễn Huy Thiệp cho nhân vật tướng thất bại trước những vấn nạn xã hội của mình một cái chết đẹp – chết trên chiến trường; nhân vật Cụ Tướng chết một cái chết “khó nhắm mắt”. Vậy trong khi viết Con chim joong... có lúc nào anh nghĩ tới ông tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp?

Đỗ Tiến Thụy: Vì sao tôi phải xây dựng nhân vật Cụ Tướng, chứ không phải một ông tá hay ông úy? Như chị đã biết, Việt Nam là một dân tộc trận mạc. Lịch sử Việt Nam cũng được xây dựng trên nền trận mạc. Từ xa xưa, hầu hết các triều đại phong kiến đều được thiết lập từ những người thắng trận, và thời hiện đại cũng không ngoại lệ. Chính khách Việt Nam đa phần đi lên từ trận mạc hoặc được dựng lên bởi những người làm trận mạc. Chất “võ” và bóng dáng tướng soái trong cấu trúc thượng tầng xã hội rất rõ. Bởi vậy Cụ Tướng được tôi chủ đích xây dựng làm đại diện cho thế hệ cán bộ tiền cách mạng đầy hoài bão, lí tưởng; là hiện thân của những vị tướng có đủ các phẩm chất lương – trí – dũng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống hiện thời.

Khi xác quyết nhân vật đại diện cho thế hệ thứ nhất này phải là một cụ tướng, đương nhiên trong đầu tôi nghĩ đến Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp. Có băn khoăn. Có e ngại. Bởi ông tướng của Nguyễn Huy Thiệp đã quá nổi tiếng, mình viết sau, không chừng bị cớm. Liệu có phương án thay thế nào không? Câu trả lời là không, vì những lí do như đã nêu ở trên.

Vậy là xác quyết: nhân vật tướng không phải độc quyền của nhà văn nào. Mỗi nhà văn đều có quyền tạo ra nhân vật tướng của mình.

Nhưng quả thực khi viết, tôi luôn luôn phải nhắc mình: “Tránh ông Thiệp ra!”, tức là những gì ông Thiệp đã viết về tướng thì thôi.

Tôi có thuận lợi là sĩ quan quân đội, đã sống ở nhiều đơn vị, tiếp xúc với nhiều đời chỉ huy cấp tướng. Sau này đi làm báo, ở Văn nghệ Quân đội có mục Đối thoại trong tháng mà nhân vật thường là bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tư lệnh, chính ủy quân khu, quân đoàn, giám đốc học viện nhà trường quân đội… có cấp hàm từ thiếu tướng đến đại tướng, nên có điều kiện quan sát, tìm hiểu.

Và điều này mới thật thú vị: hơn 10 năm về Văn nghệ Quân đội, tôi phải/bị/được sống và làm việc cạnh phòng một thiếu tướng nguyên là Thư kí của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung. Thư kí Tổng Bí thư là “dưới một người, trên muôn người”, có ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch cán bộ; bởi vậy khi tướng Trung về hưu thì “tứ trụ triều đình” khi đó đều là đàn em của tướng Trung. Thế nên trong cuộc sống, hễ bức xúc điều gì từ những quyết sách chính trị của trung ương là tướng Trung mặc quân phục với đầy đủ hàm hiệu huân huy chương gọi xe phi thẳng vào gặp “Tứ trụ” để có ý kiến. Nếu được lắng nghe thì ông vui lắm, còn tôi có cơ hội moi thông tin cung đình (cả quá khứ lẫn hiện tại), bởi những lúc đó ông rất cởi mở. Nhưng khi kiến nghị của ông không được đáp ứng thì ông khóc. Khóc rất ghê. Ông đi đập cửa từng phòng làm việc của các nhà văn trong Văn nghệ Quân đội để khóc lóc, kể lể… Những lúc như thế thì tôi phải... trốn. Đóng cửa trong phòng, mặc ông gào thét bên ngoài.

Tất nhiên Cụ Tướng trong Con chim joong bay từ A đến Z không phải Nguyễn Chí Trung, cũng không phải Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Chơn… (như nhiều người nghĩ), mà là một cụ tướng từ rất nhiều vị tướng của QĐNDVN. Nguyên lí hư cấu thì chị quá hiểu rồi.

“Tôi kể chuyện theo kiểu bện chão!”

Đào Tuấn Ảnh: Cũng câu hỏi như vậy khi so sánh Con chim joong… với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh về cấu trúc tác phẩm (chia thành hai mảng: chiến tranh và hậu chiến), nghệ thuật kể chuyện (các vai kể, hồi cố - hiện tại đan xen…)

Đỗ Tiến Thụy: Nỗi buồn chiến tranh là một cuốn tiểu thuyết hay của văn chương Việt Nam. Nhưng khi viết Con chim joong… tôi không nghĩ gì tới cuốn sách này. Thế nên giữa Nỗi buồn chiến tranh Con chim joong… về cách đặt vấn đề, nhân vật, giọng điệu, tư tưởng và không khí truyện là khác biệt.

Nhưng có một sự ngẫu nhiên thú vị, nhà văn Bảo Ninh và tôi đều là lính Sư đoàn 10 (Bảo Ninh ở Trung đoàn 24, tôi Trung đoàn 66). Bảo Ninh và tôi đều về Trường Viết văn Nguyễn Du học sau một thời gian dài ở đơn vị (cách nhau hơn 20 năm). Bởi thế nếu có chút gì “dính dáng” đến nhau là ở một vài sự kiện mang tính hiện thực lịch sử của một chiến trường (B3); và một số vấn đề liên quan đến thi pháp tiểu thuyết trong bộ giáo trình của Trường Viết văn Nguyễn Du.

Đào Tuấn Ảnh: Trong Con chim joong... anh đã kết hợp khá nhuần nhuyễn nhiều sắc thái cảm xúc, đặc biệt là cái bi - hài. Làm điều này có cảm giác tác giả giống diễn viên đi trên dây, nhưng anh đã thành công. Ở các tác phẩm trước đó có sự kết hợp này không? Tiếng cười trong Con chim joong… đã không cứu nổi “thế giới”, cái kết của nó thật buồn. Anh nghĩ gì về điều này?

Đỗ Tiến Thụy: Cũng có nhiều người nhận xét cái kết của Con chim joong... bi quá, thậm chí có người còn góp ý nên sửa cho nhẹ nhàng, theo hướng kết thúc có hậu. Nhưng tôi đã không nghe. Những ngày học ở Nguyễn Du, tôi đặc biệt mê say môn Mĩ học, nhanh chóng lĩnh hội được vẻ đẹp của cái Bi. Sự thất bại của cái Tốt trước cái Xấu trong Con chim joong... là cái “thất bại tạm thời”, gây sự ám ảnh và căm phẫn cho những người có lương tri. Và như thế, lo gì không có ngày cái Tốt thắng thế.

Còn về việc kết hợp giọng kể thì thế này. Ngày mới tập viết tôi đã hứng thú với giọng hài bằng các tác phẩm tấu nói, kịch vui trong mỗi lần hội diễn quần chúng ở đơn vị. Nhưng khi bắt đầu sáng tác một cách chuyên nghiệp tôi lại hứng thú với giọng bi. Chính giọng bi này mà tôi bị các nhà văn làm lãnh đạo văn nghệ rất chê, khuyến cáo không nên dùng.

Tác phẩm đầu tiên tôi kết hợp cả hai giọng bi và hài là truyện ngắn Nơi không có sóng xì phôn khi đã vào Trường Viết văn Nguyễn Du, được nhiều người ghi nhận, chia sẻ. Vậy là tôi có ý thức điều tiết chất giọng ngay trong tiểu thuyết đầu tay Màu rừng ruộng cho đến những tác phẩm gần đây.

Con chim joong… cũng thế. Ban đầu bản thảo bị “bẹt” là do chỉ có một giọng kể thứ ba thiên về giọng cảm thương đều đều, buồn ngủ. Khi nghĩ ra được con chim, tôi đã bắt nó phải gánh sứ mệnh quan sát hiện thực qua con mắt ngây ngô của chim, nghĩ theo tư duy của chim để tạo nên cái hài.

Còn khẩu súng.

Lâu nay văn chương Việt Nam viết về chiến tranh thường bị chê là thiên kiến, cảm tính một chiều. Là tác giả đi sau, tôi chịu một sức ép khủng khiếp là không được phép viết như các nhà văn quân đội đã viết.

Nếu theo bút pháp tả thực để phán ánh quá khứ chiến tranh thì Con chim joong… phải dài… 1000 trang; theo cảm hứng sử thi để đẩy cái bi lên thành bi tráng hoặc đẩy cái mất mát thành bi lụy… đều khó được độc giả hiện đại chấp nhận.

Vậy nên ý tưởng sử dụng thằng đại liên M134 như một nhân vật không ý thức chính trị với tư duy kĩ thuật, giọng điệu lạnh lùng và bản chất thèm thịt người của súng sẽ khách quan hơn, thể hiện được chiến tranh như nó vốn thế, còn cảm nhận thế nào là quyền độc giả.

Còn giọng kể ngôi thứ ba đã dùng từ đầu, khi nghĩ được con chim và khẩu súng, tôi đã tính “loại biên”. Nhưng rồi tôi vẫn phải sử dụng vì nó có tác dụng điều tiết, cầm nhịp cho mạch truyện. Đặc biệt nó vẫn hữu dụng khi miêu tả nội tâm các nhân vật.

Có lẽ nhờ thời gian hơn chục năm làm nghề biên tập nên tôi nhận ra rằng, một tác phẩm nếu cái hài bị lạm dụng thì dễ nhàm, cái bi quá độ thì nặng nề, cái chuẩn mực kéo dài thì buồn tẻ. Vậy nên trong tiểu thuyết mới này, nhất quyết phải lưu ý liều lượng của cả ba thứ. Và tôi vụt nghĩ đến cách… bện chão của người nhà quê. Một sợi chão thường được bện từ ba dây. Người giỏi bện thì chão sẽ dài và chắc.

Thế là bản thảo được dỡ ra, cấu trúc lại để “ba sợi dây” bi – hài – chuẩn mực xoắn vào nhau theo hướng linh hoạt nhưng phải hợp lí.

Đào Tuấn Ảnh: Một ví von hay và chuẩn xác. Xin cho hỏi thêm: Trong văn học thế giới và Việt Nam anh thích nhất ai, và vì sao?

Đỗ Tiến Thụy: Ngày nhỏ tôi đọc say mê tất cả những cuốn sách tới tay. Nhưng khi lớn lên, đặc biệt khi vào Trường Viết văn Nguyễn Du thì tôi nhận thức lại, quỹ thời gian của một đời người không có nhiều nên chỉ cố gắng đọc của mỗi “ông lớn” một cuốn (tất nhiên ý định này không thực hiện được vì có ông tôi phải đọc tới dăm bảy cuốn). Và tôi thấy rằng mỗi nhà văn đều có một cái gì đấy có thể học hỏi. Nhưng càng đọc nhiều thì càng thấy không thể “thích nhất nhà văn nào”, mà chỉ có thể thích nhất một điểm nào đó, như về cấu trúc truyện, nghệ thuật dựng nhân vật, sử dụng chi tiết tạo biểu tượng nghệ thuật, nghệ thuật bố cục, nghệ thuật sử dụng từ ngữ…

Đào Tuấn Ảnh: Anh trả lời như một nhà ngoại giao có hạng. Nhưng mà đúng.

Rất cám ơn nhà văn Đỗ Tiến Thụy vì buổi chuyện trò thú vị và bổ ích này, ít nhất là đối với tôi, người trong ngạch phê bình-nghiên cứu.

Nguồn Văn nghệ số 42/2021

 

Có thể bạn quan tâm