April 25, 2024, 3:23 pm

Chuyến tàu thời gian trở về ký ức

 

Chuyện kể từ Sài Gòn  của tác giả Nguyễn Ngọc Hà sẽ dẫn dắt bạn đọc quay về những năm 1960, 1970 của thế kỷ 20

Cuốn sách gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy. Tất cả đều gắn với những câu chuyện ký ức của tác giả Nguyễn Ngọc Hà cùng bạn bè và gia đình. Qua những câu chuyện ngắn, đơn sơ, dễ hiểu này, tác giả muốn đưa bạn đọc thế hệ 4X, 5X, 6X trở về với thời thơ ấu của mình. Đồng thời, tác giả muốn giúp bạn đọc trẻ hôm nay có thể hiểu hơn về một thành phố từng là hòn ngọc Viễn Đông, từ những công trình kiến trúc xinh đẹp đến nhân cách, tác phong nhã nhặn, lịch sự của con người. 

Bên cạnh những địa danh hoặc những công trình kiến trúc của thành phố mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy, Chuyện kể từ Sài Gòn còn đưa bạn đọc về với cuộc sống và nền nếp sinh hoạt của Sài Gòn xưa. Đó là cuộc sống ấy bình dị, có thiếu thốn, lam lũ nhưng luôn an vui và ấm áp trong tình người nhân ái…

Cũng như những cuốn sách khác viết về thành phố này của Nguyễn Ngọc Hà, Chuyện kể từ Sài Gòn sẽ là món quà tặng đầy ý nghĩa cho những ai sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, những ai từng dừng chân ở đây và những ai đã rời bỏ Sài Gòn ra đi.

Cùng với Chuyện kể từ Sài Gòn, mảnh đất phương Nam này còn được tái hiện qua Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm của nhà báo Phạm Công Luận. Cuốn sách viết về văn hóa, con người, đời sống của vùng đất Sài Gòn trong 100 năm qua. Với dung lượng hơn 340 trang giấy, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm  gồm các bài viết được sắp xếp thành hệ thống, chia thành bảy phần chính. Mỗi phần của sách là một mảng nội dung Sài Gòn xưa. Trong cuộc biến thiên trăm năm, từ một vùng đất vài chục nghìn người Việt sống chung với người Pháp, Hoa, Ấn, trải qua các cuộc biến thiên, ngày nay, vùng Sài Gòn - Gia Định cũ đã trở thành siêu đô thị đông đúc.

Với cuộc sống đầy sôi động của Sài Gòn, văn hóa 100 năm qua tưởng chừng là câu chuyện quá vãng, vẫn được hiện diện, nâng niu trong trang viết của Phạm Công Luận. Đó không chỉ là tâm sự của tác giả, mà còn là ký ức của cả cộng đồng.

Nguyễn Phương ( tổng hợp)

 

 


Có thể bạn quan tâm