April 25, 2024, 11:03 pm

Chuyện rừng

 

Mấy ngày nay cả nước, và cả cõi mạng, rên xiết vì “xót rừng” miền Trung bị cháy... Cùng đó là những kết tội, đủ các loại tội, người nào cũng có tội: Tội kẻ bất cẩn đốt rừng, tội địa phương ứng phó chậm và chủ quan trước việc tái cháy, tội cơ quan chức năng không công bố thảm họa kịp thời, tội quân đội không dùng máy bay chữa lửa, tội cả những cư dân mạng (sao và không sao, vip và phó thường dân...) không lên tiếng than khóc như họ đã từng xót xa khi nhà thờ Paris bị cháy cách đây chưa lâu…, tội báo chí mải lo chuyện hòa bình thế giới mà nhẹ lượng với rừng, tội nhà báo chỉ giỏi đưa tin lãnh đạo, cọp ảnh không bản quyền và không rõ nguồn gốc…

Thật là lạc lối giữa muôn ngàn thông tin và nhiều lời kết tội, trách cứ… đôi khi chỉ vì không ưa một ai đó mà trách, giận một sự việc tương tự mà lên án… giữa những lời cầu nguyện sẻ chia đau đớn và xót xa không biết có bao nhiêu là thật từ đáy lòng hay chỉ là theo trend…

Thôi thì cũng là một câu chuyện ồn ào, ngọn lửa cháy ngụt ngàn từ rừng miền Trung lan tràn trên mạng đã giúp cho thật nhiều người biết rằng, rừng đang bị thảm sát. Hãy biết xót thương, hãy biết kêu gọi mọi người có ý thức bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên lâu nay vẫn được xem là vàng của đất mẹ Việt, nguồn dưỡng môi sinh của tất cả mọi người. Đừng vì bất cẩn một giây mà gây họa đốt rừng. Đừng bao giờ lơi là, chủ quan trong công tác bảo vệ, phòng và ứng cứu với giặc lửa.

Nhưng rừng không chỉ mất do cháy!

Con số thống kê đến hôm nay của vụ cháy rừng miền Trung mấy ngày qua là gần 100 hecta. Hầu như ai cũng biết. Nhưng còn một con số đáng sợ hơn về số hecta rừng đã mất, đang mất trong những năm qua vì những lý do không liên quan đến cháy: Từ 2015 đến 2018 đã có gần 4.000 hecta rừng bị mất bởi 2 lý do: phá rừng làm thủy điện và phá rừng để xẻ thịt lấy gỗ. Vị chi là mỗi năm có khoảng hơn 1.000 hecta rừng lặng lẽ biến mất, không phải rừng mới trồng, đó là những khu rừng nguyên sinh, rừng cổ thụ với những loại gỗ quý hiếm, như lim, nghiến… hàng trăm năm tuổi…

Trong khi rừng Hà Tĩnh còn đang cháy rừng rực thì trên mạng xã hội và cả một số trang báo, xuất hiện một bức ảnh rất ấn tượng – một người lính cứu lửa với đôi mắt rưng rưng, tay nâng vòi phun nước… bên cạnh đó là những bức ảnh rừng rực lửa cháy. Bức ảnh gây được xúc động cho hàng triệu người vì nó phản ánh được đau xót, nỗi lo và phần nào cảm sự bất lực trước giặc lửa hung tàn. Nhưng, rất tiếc là chỉ ngày hôm sau thì cái nguồn cảm xúc ấy bỗng… xì hơi vì bạn đọc đã phát hiện ra đó là bức ảnh về một người lính cứu hỏa Hà Nội, trước một trận đánh giặc lửa hoàn toàn khác.  

Sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp của một phóng viên, hoặc một biên tập viên nào đó quả thực đã gây ra một “đám cháy” khác, đó là đám cháy phẫn nộ của công chúng, độc giả vì… đã bị lừa dối!

Sự thật đau đớn như sự bất lực của con người trước giặc lửa, cũng còn ít bỏng rát lòng hơn là sự lừa dối. Thật buồn vì những bức ảnh thuộc loại fake news đó lại quá dễ lan tỏa trong một cộng đồng vốn hay nghi ngờ mọi thứ, nhưng đôi khi lại cả tin một cách vô cùng nông nổi và hời hợt, trong khi những thông tin hàng ngày, có trên mặt của tất cả các báo, các phương tiện truyền thông: như là bao nhiêu vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng, bao nhiêu vụ phá rừng, những người kiểm lâm bị hành hung, những kẻ tiếp tay cho lâm tặc… lại rơi vào sự thờ ơ.

Chuyện cháy rừng Hồng Lĩnh, may sao vẫn còn có những “con nước” của lòng dũng cảm, sự từ tâm của hàng ngàn con người bên dãy Hồng Lĩnh và trên khắp đất nước hướng về nơi thiên nhiên và con người đang nguy nan. Chính những “cơn mưa” ấy, đã cứu lấy chúng ta, cứu những cánh rừng. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi không đủ. Đã đến lúc cần lắm một hiệu ứng như ngọn lửa kia, cháy bùng sự căm phẫn trong cộng đồng… để cứu rừng. Cứu đại ngàn xanh!

Nguồn Văn nghệ số 27/2019


Có thể bạn quan tâm