April 25, 2024, 1:12 pm

Chuyện ở làng Mai

1.

Chuyện này mới xẩy ra ở làng Mai được hầu khắp dân làng bàn bạc mỗi khi có hai người trở lên. Vậy được xem là chuyện tầy đình. Nhưng xem ra thật rành mạch rõ ràng, không khuất tất mà cũng chẳng cần đoán già đoán non, cũng chẳng cần những vị thường được dân làng xem là những thám tử làng dò xét, thăm thú như chuyện con bé Nhãn con nhà hai Vện chửa hoang mà khi đẻ ra làng vẫn chia làm hai phe theo phỏng đoán của hai nhà thám tử nổi nhất của làng là tay Lanh Ngão cho rằng con cái Nhãn là con tay thủy thủ chở cát, còn gã Bột nghiền lại bảo nhìn cái mũi thì đích thị là con tay Túy điên có sức uống liền 15 vại bia.

Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN

Chuyện tầy đình này đơn giản như đất vì nó chính là đất - đất là thứ mà hơn 20 năm trước đất chỉ là đất, người thân từ bè bạn cho đến họ hàng, anh em ở làng Mai xin nhẹ nhau cũng được nửa sào, nhưng đất nay là vàng, là kim cương nên mới ra chuyện.

Đất này gắn với cụ Tư Mít đã băng hà hơn chục năm rồi nay lại được nhắc đến một cách ồn ào, sôi nổi ở làng Mai. Cụ Tư Mít là dân chính gốc Mai. Theo lời cụ khi sinh thời là dư mười đời, còn trước đó là đời cụ, kị, tằng tổ chưa biết ở đâu nhưng chắc đến chín phần mười là dân làng Mai chứ chẳng ở đâu xa. Vì là dân sở tại nên đất nhà cụ trước kia mấy ai để ý, còn độ gần chục năm nay dân làng mới ngã ngửa ra. Đất nhà cụ Tư Mít chình ình giữa làng có lẽ chỉ thua đất nhà Bột ngứa dưới đồng.

Hồi B52 nó đánh Bột ta sợ quá sơ tán xuống dưới bờ sông Đào. Vừa xuống gã khoanh liền cả giải bờ hoang trồng sắn, mía và đu đủ. Mía, đu đủ, sắn bạt ngàn như vậy nhưng lũ con ngót mười đứa nhà Bội ngứa vẫn vêu vao vì thiếu ăn. Mía, đu đủ bán rẻ thối chẳng ai mua, sắn thì cho không đắt. Vậy mà vài năm gần đây, Bột ngứa cứ xắn đất bán. 9 đứa con 5 giai, mỗi đứa một nhà ống to tướng sơn vàng hoe, trắng lốp. Trong nhà đứa nào đứa nấy chốc chốc vang ra tiếng hát karaoke oang oang, nhạt toét. 4 đứa con gái cũng vì tiền bán đất bố cho nên đứa nào ra giàng một chút là nhìn trước nhìn sau đã có người rước liền, kể cả con Tý Châu Phi, liên tục phải ra phố mua thuốc tẩy trắng. Còn cụ Tư Mít, ngoài nhà thờ tổ nằm trung tâm khu đất rộng nếu ước lượng bằng mắt thường chí ít khoảng gần hai nghìn mét. Trước là khoảng sân lát gạch vuông, kế đến cái ao quanh năm bèo tấm phủ xanh mướt rồi đến lũy tre. Vườn bao quanh hông nhà gần như chỉ có chuối tha hồ mọc, mỗi bên một cây nhãn cổ thụ. Thời cụ Tư Mít dân làng Mai đẻ thoải mái, nhưng trời cho cụ Tư chỉ có hai người con trai. Tuy ít con nhưng sinh thời dân làng Mai thấy cụ Tư có vẻ hể hả về đường tử tức lắm. Vì láng giềng cũng trang lứa là cụ cả Vịnh đời vợ cả có tới 5 thị mẹt, bà cả đành vác trầu cau đi hỏi vợ hai cho chồng mà vẫn thở dài thườn thượt khi thấy bà hai cho ra liền năm tẹt nữa, tưởng hai bà phải đi hỏi bà ba cho chồng thì bà hai tòi ra được thằng cu, giờ đã là anh Nếp, suốt ngày uống rượu để chờ đến chiều ra uống bia cỏ cho mát ruột và xem đề về bao nhiêu.

Hai con trai nhà cụ Tư khiến cụ hể hả cũng đúng thôi. Con đầu là anh cả Doi, học hành qua được lớp bẩy cũ. Đi bộ đội về mấy năm ra giữ chân Chủ tịch nông hội xã đâu được nhiệm kì rưỡi rồi về nhà chăm lo vườn tược. Anh này vào thời sinh đẻ đã có định mức nhưng đường con cái cũng làm cụ Tư mát ruột khi cả Doi sinh được hai thằng con trai và một con gái. Thằng cu út ra đời là nguyên nhân cả Doi mất chân Chủ tịch nông hội vì sinh con thứ ba. Cu này tên là Na học hành dang dở nhưng lởm khởm thế nào vừa hết lớp 12, thi trượt đại học lại được ông bạn cùng đơn vị của cả Doi xin cho vào chân bảo vệ ở cơ quan gọi là phòng toàn tên tắt là nờ đê a, hay a nờ đê gì ấy, chả rõ chỉ biết lương tháng nó cũng 5, 6 triệu.

Cu Na cũng dạng mồm mép nên về nhà tỉnh thoảng kể khối chuyện hay phết. Toàn chuyện bố nọ, con kia mà anh cả Doi rỏng tai nghe một lúc chán, lại thốt ra câu: “Ôi dào chuyện thiên hạ, hơi đâu để ý”.

Còn anh thứ hai của cụ Tư đặt cho là Dưa. Hai Dưa phát về sự học nên khi vào đại học anh này cậy cục xin đổi tên là Đức, Minh Đức. Kể ra sự đổi này cũng dễ được chấp nhận khi chỉ cần viết thiếu nét chữ a, phết thêm dấu sắc và quệt ngang chữ dê là ổn. Thấy bảo đường học của Minh Đức phát thứ nhì làng khi anh đậu thạc sĩ chỉ kém tay Vi hen nhà Tán cổng Ngỗng có bằng Tiến sĩ luật nghe nói chuyên ngồi thẩm phán tòa xử án, mặc áo đen oai lắm.

Ông giời tính hết cả nên phát đường học thì thạc sĩ Minh Đức lại hơi kém về đường con cái. Anh được hai con gái, ai nói gì thì nói thạc sĩ vẫn hỉ hả bảo “con nào cũng là con”.

Vài năm nay làng Mai có nhiều đột biến. Nhà nào có ao đều lấp sạch để lấy đất làm nhà hoặc bán. Anh cả Doi cũng cho lấp luôn cái ao gần nghìn mét, thành ra đất liền thổ rộng mênh mông.

Cách đây gần chục năm khi cụ tư Mít đã giỗ hết. Hôm đó cả Doi vào tuổi 55, sau khi họ hàng về hết, chỉ còn lại hai anh em, ông anh mới bảo:

 - Nhà mình chả có ai, chỉ có hai anh em mình. Khúc ruột trên liền khúc ruột dưới. Hương hỏa ông bà, bố mẹ cho là nhà cửa ruộng vườn thế đấy. Dù là anh em ruột nhưng yêu nhau thì rào giậu cho kĩ. Anh tính chỗ đất, nhà này anh sẽ chia làm năm phần, anh là cả lấy ba phần, gồm cả chỗ ao anh lấp, còn chú hai phần.

Cả Doi nói chưa dứt, đứa em trai thạc sĩ, mặt hơi đỏ vì rượu xua tay:

 - Thôi, anh đã nói thì em xin thưa thế này. Anh là cả, đã có công trông nhà cho em đi học, đi làm xa, lại còn phải lo giỗ ông bà, bố mẹ. Em ở ngoài phố đã có nhà tiêu chuẩn nhà nước phân, em lại hai con gái nên em xin không lấy chỗ đất hương hỏa anh chia. Xin biếu anh. Chi xin anh cho vợ chồng, con cái em thỉnh thoảng về ngủ ở nhà để đỡ nhớ quê thôi.

- Chú, chú …

Đứa em lại xua tay:

- Em nói thật mà. Anh nhận cho là em mừng rồi. Anh em mình đi đâu mà thiệt

 

2.

Dân làng Mai chính gốc mà đi làm xa độ dăm năm về thì đúng là khó nhận ra làng mình. Cảnh vật thay đổi đến chóng mặt. Ao, chuôm bị lấp sạch. Ngay cả cái đầm to tướng ở giữa đồng chục năm trước vào mùa cạn còn có cá xộp hơn chục kí quăng mình lên bờ cho kiến đậu vào mang rồi nhao xuống nước cho con ăn. Tay Nhỡn toét còn bắt được ba ba chiều ngang mai gần hai gang tay giờ cũng bị hút cạn, san phẳng để xây trụ sở Ủy ban xã. Trong làng nhà ống lênh khênh, cổng sắt sơn, cổng i nốc sáng choang mọc lên ngan ngát thay gần hết nhà ngói, nhà mái gianh thấp lè tè. Người tứ xứ về mua đất làng Mai xây nhà. Xe máy phóng ào ào trong ngõ, hai xe chạm nhau mắt nhìn trơ hạt nhãn không quen. Đường làng thỉnh thoảng bị bóp lại chật cứng vì xe con của vài nhà có người làm trong thành phố mới mua đỗ. Dân làng chốc chốc lại nháo nhào khi thi thoảng lại thấy những tòa nhà chình ình mọc lên, cửa sổ nhôm kính sáng rực, xe nhà nọ nhà kia mới mua giá tỉ hơn, tỉ ngót.

Ngay như chuyện cả Doi, dân bia cỏ mấy hôm nay cũng rộn lên bàn tán. Lanh Ngão uống một hơi cạn cốc bia thứ hai lè lưỡi khơi mào:

- Con nhà ấy làm ăn gì mà tốt tiền thế, mới xây nhà năm tầng, sắm dàn Karaoke xịn, riêng cặp míc đã hai triệu nay lại nghe nói sắp bắt luôn con Mẹc. Kinh thật.

Anh Nếp hàng xóm nhà cả Doi đang ngồi bàn đối diện nghe thủng chuyện cầm cốc bia sang, nhón hạt lạc bỏ vào mồm vừa nhai vừa góp chuyện

- Tài cán chó gì, toàn tiền bán đất cả đấy. Cả Doi tốt số thật, tọa hưởng kì thành chén cả chỗ đất ấy. Mà nói phét đấy chứ, thằng Na làm bảo vệ chỗ đẻ đái đê en để iếc gì chứ ông to bà lớn gì mà đi mẹc.

- Ông thì biết chó gì. Lanh ngão phẩy tay coi thường khi nhìn Nếp nhón thêm hạt lạc nữa.

- Sao tôi không biết. Đấy nhỡn tiền chưa… Tay Dưa nó về kia kìa.

- Lão ấy tên Minh Đức học giỏi lắm đấy. Thạc sĩ chứ xoàng đâu.

- Ôi dào. Tên của bố ấy là Dưa. Không biết hôm nay ngày thường về làm gì nhỉ?

Lanh ngão chớp chớp mắt:

- Có thể, có thể.

Gã thám tử làng gật đầu, bĩu môi bí hiểm:

-  Hừ. Phải có lý do. Được rồi, mình sẽ biết. Có chuyện gì ở làng này mà qua mắt thằng này.

Trái với sự dự đoán của Lanh ngão, Thạc sĩ Minh Đức tỏ ra bình thường, thoải mái tắt máy chiếc xe máy rồi thận trọng dắt qua bộ cổng sáng choang. Ông cả Doi nghe tiếng động nhìn ra hơi mỉm cười khi nhận ra em trai. Ông nhấc chiếc phích lên rồi đặt xuống ngay.

- Chú hôm nay được nghỉ à.

- Vâng. Em có việc với một cơ sở gần đây nên tiện rẽ về nhà. Có cân trà ngon, biếu anh.

- Vẽ. Chú về là vui rồi. Quà cáp làm gì cho tốn. May thật. Anh vừa đun ấm nước lại có trà ngon. Để anh pha. Chú tráng cho anh cái ấm. Đổ bã vào gốc ngâu ấy cho tốt.

Hai anh em ề à, hỏi han đâu như gần cạn tuần trà thì ông em hắng giọng lễ phép:

- Anh ạ, nói thực là em về để báo với anh một tin vui.

- Tin vui gì thế? Có phải chú hay cô ấy lên chức, hay đứa nào lấy chồng. Nói ngay cho anh mừng.

Nhìn mặt cả Doi rạng rỡ, hai Dưa mỉm cười, nhũn nhặn:

- Không. Nó là thế này. Em… Em có con trai anh ạ.

- Chú có con trai. Thế thì may quá, nhà ta ai ngờ cũng lại đa đinh chẳng bù cho nhà bên cạnh. Cả Doi hất hàm chỉ sang hàng xóm qua bức tường mới xây thay cho hàng rào dứa dại thời Tư Mít, cả Vịnh. Bố nó hai bà tòi được độc mình nó, nay thằng Nết cũng ba tẹt may đứa thứ tư là ngẩu thì… Cả Doi dừng chuyện giữa chừng lắc đầu, bỗng hỏi lại. Ờ dưng mà tháng trước thím ấy về giỗ ông anh thấy bụng cô ấy có gì đâu, vả lại tuổi của chú thím….

- Em cũng không muốn lộ ra ngoài, nhỡ làng xóm biết cũng không nên vì… Đứa con trai này là của… cô bồ em… nay cháu cũng ba tuổi rồi. Vì vợ em phát hiện ra làm tợn quá nên em đành thú nhận và xin cô ấy tha thứ. May vợ em cũng là người hiểu biết nên cũng thông cảm.

- Thế cơ quan biết có kỉ luật chú không?

- Em vẫn giữ kín, đợi khi cháu nó lớn cũng chưa muộn, mà bây giờ có chế độ gì đâu. Em lại sắp được đề bạt nên phải giấu kín.

- Chú nói anh mừng cho chú, mừng cho nhà mình. Mà chú nghĩ thế cũng phải. Đúng, chỉ ruột thịt biết thôi chứ chú đang tiến bộ thế mà lộ ra thì… Thôi, anh tính thế này. Thêm con thêm của, hôm nào anh bàn với chị làm mấy mâm để trước là báo với tổ tiên, hay là nhà mình vui với nhau.

- Vâng. Việc ấy dứt khoát phải làm nhưng tính sau anh ạ. Hôm nay em về chỉ nói với anh một việc là…

Thấy em trai ngập ngừng cả Doi phẩy tay:

- Có gì chú cứ nói. Có hai anh em mình với nhau chứ có ai đâu

- Vâng. Thế thì em thưa luôn là anh cho em xin lại phần đất hương hỏa phần của em.

- Phần hương hỏa của chú?… Chú nói hay nhỉ. Thế hồi tôi chia phần thì chú khăng khăng là cho tôi, vì tôi là trưởng phải trông nom nhà cửa, giỗ tết, còn chú vì có hai con gái lại có nhà chế độ nhà nước cho.

- Trước khác, nay em có con trai, anh cũng phải để cho cháu ăn lộc của ông bà, tiên tổ chứ.

- Chú làm lỡ tôi quá. Vì chỗ đất chú tự nguyện cho, phần xây nhà cho thằng Na, phần tôi đã bán cho người ta….

Hai Dứa nhìn ra ngoài:

- Em đã xem hết rồi. Chỗ đất ấy vẫn chỉ trồng rau chứ có gì đâu.

- Trông thế thôi, chứ tôi đã thuê người vẽ kiểu nhà để xây cho thằng Na, mà tiền bán đất người ta đặt cọc tôi đã mua vật liệu định tháng tám này khởi công.

- Thì anh trả tiền họ, chứ không em…

- Mồm chú nói chứ tôi có xin đâu, nay sự thể thế này…

- Nhưng nay em có con trai…

Cả Doi chẹp miệng dăm cái ra chiều nghĩ ngợi, rồi bảo:

- Thôi được rồi. Nước mắt chảy xuôi, nhà có hai anh em chứ nhiều nhặn gì. Chú cứ đưa thằng con về đây cho tôi xem mặt nó rồi tính.

- Anh không tin em à?

- Úi giời thời buổi này biết thế nào được.

- Ruột thịt mà anh chắc lép quá.

Cả Doi nhấp nhổm:

-  Chú không được hỗn. Chú có ăn có học mà còn hai lời thì chú nói sao.

- Được rồi. Tôi sẽ đưa nó về còn anh cũng sửa soạn dần đi là vừa. Đấy là phần đất của tôi chứ tôi có xin anh đâu.

- Mày cứ đưa về đây xem thực hư thế nào đã. Tráo trở, lật mặt thế mà đòi…

- Anh báo ai tráo trở…

- Không nói nhiều, cứ đưa con mày về đây thực mục sở thị hãy hay.

 

3.

Độ non một tuần sau thằng Na về, nghe bố kể lại chuyện ông chú đòi đất mặt nó đỏ tía tai, nghiến răng ken két bảo:

- Chẳng qua lão ta thấy đất bây giờ lên giá thì về đòi, chứ tính lão ta kiệt xỉ từ bé, ngay như tôi, cháu ruột rành rành mà đã bao giờ được thí cho cái kẹo. Loại kiệt như chó ấy thì làm sao dám bồ bịch, yêu đương.

Cả Doi nghiêm mặt:

- Dù sao nó cũng là em tao, chú mày. Cấm hỗn.

- Tôi hỏi giả thử bố trả lại thì chỗ ấy bố tính bao nhiêu mét?

- Tao hai phần, còn lại ang áng cũng nghìn mét.

Thằng Na vứt toẹt mẩu thuốc đang hút, trợn mắt nhìn bố:

- Bố thấy chưa. Đất làng đang lên giá, nghe nói lại rục rịch thành phường. Đất chó ỉa nhà lão Cún cuối làng mà hôm nọ bán nhẹ cũng 30, còn nhà mình giữa làng thế này vứt đi cũng phải 35, 40 mà thôi cứ cho là bằng giá nhà lão Cún, tròn 1.000 mét đi vứt đi cũng ba mươi tỉ. Kinh chưa, thế cho nên ông ấy mới đòi.

- Phải hơn chứ, nhà Mận tươi hôm nọ gần nhà mình bán có 100 mét đã được 3 tỉ rưỡi. Tức là 35 chứ không thể 30.

- Bố thấy chưa? Đống của như thế làm sao mà ông ấy không tiếc nên mới giở trò chứ tôi nghĩ… Ông ấy trí thức cần chó gì con trai với con gái.

Năm Doi bẻ vụn que đóm vứt lên mặt bàn:

- Tao cũng không ngờ. Học hành tử tế như nó mà lại trẹo khẩu. Đã nằng nặc cho dứt khoát không lấy, thế mà bây giờ tự nhiên lại như thế.

- Máu tham nổi lên nên đầu óc lú đi. Mà hồi bố chia ông ấy không nhận từ bao giờ.

Cả Doi chun mũi.

- Từ hồi mày còn đang học lớp bẩy hay tám gì ấy… Hơn chục năm rồi còn gì.

- Úi giời hồi ấy thì nói làm gì. Đất cát đúng là bùn, nay nó thành vàng. Nhưng bố nói với ông ấy ra sao?

- Tao bảo chỗ đất ấy phần xây nhà cho mày phần thì bán…

- Biết rồi. Nhưng tôi hỏi thật. Bố có muốn giữ chỗ đất ấy không?

Cả Doi đưa mắt lơ láo nhìn ra ngoài:

-  Sao lại không. Bét cũng 30 tỉ chứ ít đâu. Mà tao giữ cho anh em mày chứ cho ai. Anh mày thằng Nhãn tao đã hứa cho nó nhà này, với cái ao nó bỏ tiền ra lấp, còn mày thì ăn vào chỗ của hai Dưa thế mà nay nó dở chứng.

- Thế bố nghĩ ra cách chưa?

- Tao mới nghĩ ra kế hoãn binh là bảo nó đưa thằng bé về đây cho tao xem mặt.

- Cũng hay đấy. Nhưng chưa ổn lắm.

- Sao có điều gì, nói rõ xem nào.

Thằng Na cười khẩy:

- Bố đúng là dân nhà quê. Vì giờ có tiền cái gì người ta cũng làm được. Bằng cấp, chức tước muốn kiểu gì có nhiều tiền cũng xong nữa là thuê một thằng trẻ con. Không sao, tôi sẽ mách cho bố cách để lòi sự giả dối của ông ấy ra. Tôi đoán chắc ông ấy bịa chuyện có con, chứ loại đàn bà tợn như bà vợ ông ấy thì bố bảo ông ấy không dám léng phéng đâu.

- Thôi nói luôn đi xem nào.

Thằng Na châm điếu thuốc, tọp má rít hơi thuốc rồi thả từng tiếng:

- Bố bảo ông ấy đưa thằng bé về nhưng phải kèm thêm cái giấy chứng nhận ADN nữa.

- A đê, tao không hiểu, là giấy ở chỗ mày ý à… Để làm gì.

- Bố nghe cho kĩ. À thôi tý nữa tôi viết ra giấy bố học thuộc để nhớ. A đê en. Tức là chỗ xét nghiệm xem có đúng bố con ruột thịt thật không.

- Tao hiểu. Ừ, ừ. Mày nói có lý đấy.

- Chuyện. Có bằng cấp như ông Dưa cũng có thể ông ấy quen thuộc, rồi quẳng tiền ra làm cái ADN giả. Với tôi thì đừng hòng, vì bố biết ở thành phố này có bao nhiêu cơ sở ADN tôi đều chơi thân hết với bọn bảo vệ, nên lão ấy đến chỗ nào, thật giả ra sao tôi có cách để dò ra hết.

- Tức là tao bảo nó phải có tờ a đê… gì nhỉ?

- ADN, bố nhẩm cho thật nhớ mà gọi cho ông ấy yêu cầu dứt khoát phải thế. Bố hiểu chưa?

- Mày viết ra đi để tao nhẩm, chiều này tao gọi cho nó ngay.

- Xong việc, bố cũng liệu làm sổ đỏ chỗ đất bố cho tôi, còn chỗ tiền bố bán đất tôi cũng có phần đấy.

- Tao găm vào để xây nhà cho mày chứ cho chó ai mà chắc lép.

- Vẫn biết thế, nhưng nhỡ ông Nhãn lấy vợ xong nổi máu tham lại nghĩ cách ngoạm chặt trong khi tôi đi làm xa. Chả dại. Bố cứ phải dứt khoát.

 

4.

Giờ anh đã thấy là anh dại chưa? Bỏ rẻ 1.000 mét đất anh cho không anh cả Doi cũng là 30 tỉ. Em nói anh biết, chưa biết chừng làng lên phường thì đất còn tăng nữa chứ không dừng ở giá ấy đâu.

Hồng Diêm vợ Thạc sĩ Minh Đức – người đàn bà ngót 40 tuổi, mặt sát xương, có đôi lông mày xăm màu xám nhạt, cùng đôi môi xăm đỏ chóe đang chống cằm nói dằn từng tiếng.

- Biết rồi. Hơn mười năm trước ai nghĩ đất nó lên giá chóng mặt như thế.

Đôi môi đỏ rẩu lên:

- Không nghĩ thì cũng phải tính. Đấy là lộc hương hỏa của ông cha chứ có phải đi ăn xin đâu. Mà sao hồi ấy anh không hỏi em một tiếng nhỉ. Hay là anh cho là em không có quyền can dự vào việc gia đình nhà anh.

Hai Dưa đờ mặt ra nhìn vợ, rồi xua tay:

- Hồi ấy em đang đi công tác nước ngoài anh lại không muốn em mất tập trung, vì thế…

Mặt Hồng Diêm hơi giãn ra khi nhìn vẻ mặt ân hận của chồng:

- Thôi được rồi. Thế việc thuê thằng bé con đến đâu rồi?

- Thì hôm qua hai vợ chồng mình cùng đến em thấy đấy. Nhìn thấy anh nó đã gọi bằng bố. Cho nó gói bánh nó đã tỏ nũng nịu gục đầu vào vai anh khi anh bế, em thấy không?

- Anh giỏi đấy. Nhưng anh phải nhớ đưa nó về quê nhanh, rồi lại đưa nó đi ngay, mà nhất là không rời nó một bước.

- Sao lại phải làm thế? Hai Dưa thưỡn mặt ra hỏi.

Hồng Diêm nhìn chồng phì cười dí ngón tay vào trán chồng:

- Đúng là ông chồng cả đẫn của tôi. Người ta bảo đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Anh thả nó ra, nhỡ bà chị dâu anh hay thằng Nhãn, thằng Na cho kẹo rồi dỗ dành, hỏi han thằng bé, nó chả nói toạc ra à.

- Ừ, ừ đúng rồi. Em kín nhẽ thật đấy.

- Mà nay, ông ấy đồng ý trả là phải bảo ông ấy tiến hành thủ tục tách sổ đỏ ra ngay cho danh chính ngôn thuận. Hồn ai người nấy giữ.

- Biết rồi. Nhưng mà…

- Điện thoại của ai đấy

  Thạc sĩ Đức với điện thoại đang để trên mặt bàn, quay lại như thói quen giơ tay ra để một ngón trên môi, hạ giọng:

- Điện thoại của bố Doi đây.

- Nghe đi, xem ông ấy nói gì.

Minh Đức gật gật, rồi áp tai vào máy điện thoại:

- Em nghe đây anh cả à.

Hồng Diêm lẩm bẩm:

- Không làm đến nơi đến chốn thì ông ấy chén sạch không rơi một hạt cho mình lại còn…

Minh Đức lừ mắt nhìn vợ, nói to vào điện thoại:

- Anh bảo gì ạ. Vâng em sẽ đưa cháu… Vâng, thứ bẩy em nghỉ chiều bố con em sẽ về… Sao ạ… Mang cả giấy xét nghiệm gì… à a đê en phải không? Anh thật là quá quắt… Thôi được rồi, nếu anh muốn tôi sẽ có…

- Cái gì thế. A đê en… Lão anh anh quả là quái quỷ. Mà không hiểu sao lão lại nghĩ ra cái trò ấy nhỉ. Lại tốn thêm ít tiền để chạy cái giấy ấy rồi. Nhưng liệu…

Mắt thạc sĩ Minh Đức tối sầm lại:

- Gì thì gì cũng phải có cái giấy ấy. Tốn mấy cũng phải chạy.

- Nhưng em sợ nhỡ cái không được vì em chưa bao giờ nghe người ta nói giấy xét nghiệm ADN có thể làm giả được.

- Không làm cũng phải làm, 30 tỷ chứ ít đâu. Mà không có giấy ấy thì tôi sẽ đâm đơn ra tòa, đòi bằng được chứ chả nhẽ mất trắng 1.000 mét đất cho ông ấy à. Lành làm gáo, vỡ làm môi.

Sau đó hơn một tháng làng Mai đi đâu cũng bàn tán chuyện hai anh em cả Doi và hai Dưa đưa nhau ra tòa vì chuyện đất cát, tất nhiên làng Mai cũng chia làm hai phe. Phe ủng hộ Cả Doi, phe ủng hộ Hai Dưa… Hình như gần nửa năm sau việc ra tòa xử chỗ đất ấy thuộc về Thạc sĩ Minh Đức vì đó là quyền lợi chính đáng của anh ta, còn lời hứa cho kia, ở tòa Thạc sĩ Minh Đức tuyên bố ông không bao giờ nói thế. Có thì làm bằng chứng đâu.

Sau khi ở tòa về khi hai Dưa về xây tường bao khu đất của mình còn bị hai anh em Nhãn, Na vác gậy, vác cuốc ra gây sự với ông chú đến độ Thạc sĩ Minh Đức bị phang vào đầu, gãy tay phải nằm viện. Thằng Na bị công an bắt giam ba tháng sau phải làm tờ cam kết mới được thả về.

Từ đó tết năm, rằm bẩy kể cả ngày giỗ cụ tư Mít cũng không thấy vợ chồng con cái nhà Thạc sĩ Minh Đức về… Ai ở làng có hỏi cả Doi về chuyện này, cả Doi và thằng Nhãn, và nhất là thằng Na đều nghiến răng bảo “nhà tôi không có người đó. Nhà tôi đã từ lão ấy rồi”…

Mảnh đất 1.000 mét vẫn có tường bao bọc kín mít. Nghe nói có mấy người hỏi mua, lại ngãng ra. Thấy bảo, mỗi lần có người đến thăm thú, thằng Na sau vụ đó bị đuổi việc, lại vác gậy ra huơ lên, đi đi, lại lại, mồm nói bâng quơ “đất đang tranh chấp đấy, mua vào khéo mất trắng… cho mà xem”.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm