April 24, 2024, 1:37 am

Chuyện nhà thơ “độc hành, độc bộ”

                                                                                                             

Cho đến nay, dù đã hơn 40 năm trôi qua tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà thơ Vũ Từ Trang tiễn tôi ra cửa báo Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp, ở 80 phố Hàng Gai. Tôi là cộng tác viên của báo. Bao giờ cũng vậy, anh bắt tay rất chặt và xởi lởi, với nụ cười ấm áp. Mới đây đi trại viết cùng nhau ở Tam Đảo, anh lại vồ vập như ngày nào, thân mật chân tình. Tôi cùng anh lang thang khắp thung lũng đầy sương mù…

Nỗi niềm thi nhân

Mỗi khi leo dốc lên nhà Sáng tác Tam Đảo, tôi cứ nói đùa với anh rằng, chúng ta đến nay vẫn là những “Nhà văn độc hành, độc bộ” (tên tập sách của anh), cho đến lúc gục ngã bên những con chữ. Một đời vì văn chương. Có thể nói về nhà thơ Vũ Từ Trang đúng như thế. Mấy năm nay anh viết bài, in thơ trở lại, liên tục trên báo chí. Vừa nhận phòng xong, anh đã bật máy tính, rồi cặm cụi viết. Anh là thành viên có tác phẩm đầu tiên của trại viết. Cứ thế anh lầm lũi với chữ nghĩa…

Vũ Từ Trang đi nhiều, trải nghiệm sâu sắc do công việc làm báo, từ những năm 1974 đến nay. Một hành trình dằng dặc trong miền sương khói, trầm mặc, với ước vọng cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Thơ anh đã xuất hiện rất sớm. Ở tuổi 21, tên anh đã xuất hiện trên báo Văn nghệ, với chùm thơ, in năm 1969. Thời đó, ai được in thơ trên báo Văn nghệ, đều được coi đã nhận chứng chỉ để bước vào làng văn. Nhưng anh lại nổi tiếng, với câu chuyện viết văn, thừa tiền mua được nhà. Khi đó chúng tôi ngả mũ ngưỡng mộ, cho dù đó là một căn phòng nhỏ trên gác hai có 5 mét vuông, và hơn 10 mét vuông sinh hoạt dưới sân, ở số 6 phố Nguyễn Cao. Món nhuận bút cuốn truyện dài Miền đất đợi chờ in năm 1978, đã làm anh đổi đời. Bởi từ đó, Vũ Từ Trang mới chấm dứt được cảnh ngủ trên bàn làm việc, ở trụ sở báo và đi ăn cơm bụi quanh năm. Đúng là anh mua được “Miền đất đợi chờ” ấy, với giá trị hiện thời khoảng 20 cây vàng, như món quà thượng đế ban cho. Anh lại dễ tính, nên bạn bè tứ xứ tụ về, ăn dầm nằm dề suốt. Nhất là cánh thi sĩ Hải Phòng, mỗi khi về Hà Nội, là chỉ đến với Vũ Từ Trang. Đọc thơ. Uống rượu. Say khướt. Bởi lúc nào trong nhà Vũ Từ Trang cũng có hũ rượu làng Vân. Đó là rượu ngon có hạng ở quê anh Bắc Ninh.

Sau này tính anh vẫn thế, yêu quý bạn bè, không làm mất lòng ai. Mua được căn nhà lớn trên phố Bạch Mai, tuy để kinh doanh, nhưng anh lại dành phòng trên gác để tụ tập bạn bè. Khi có ôtô, anh lại vi vu đây đó, đưa mọi người du ngoạn khắp nơi. Anh nói cái số nó thế, chẳng biết từ chối, nói “không” với ai bao giờ. Vũ Từ Trang nói, toàn là những tay giang hồ vặt, đến là vui mà.

Nhưng thực ra, chính nhà thơ Vũ Từ Trang còn là kẻ giang hồ vặt, hơn ai hết. Bạn đến. Vui. Vắng bạn. Anh lập tức lôi xe đi, gần thì xe máy, xa thì ô tô. Gần đây, anh lọ mọ gặp hết bạn văn nọ, bạn thơ kia. Thăm nhau. Có khi làm tư liệu viết bài. Anh đang hoàn chỉnh tập chân dung văn nghệ sĩ thứ tư. Những ai có thân phận trắc trở, thiệt thòi hay khuất lấp là anh tìm đến. Đọc những cuốn trước như  Phía sau con chữ (2007) hay cuốn Nhà văn độc hành, độc bộ (2013) và cuốn Vì ai ta mãi phong trần (2017), quả đúng như thế. Đó là một tấm lòng yêu thương những bạn văn lận đận. Đó là những cái tên đáng trân trọng, như Lê Bầu, Nguyễn Xuân Khánh, Hoài Anh, Trúc Cương, Đào Ngọc Vĩnh, Phương Thúy, Tuân Nguyễn, Đào Cảng… Cứ thế, Vũ Từ Trang không nề hà tìm tới, chia sẻ và đồng cảm với họ, ở những thân phận, kiếp người truân chuyên Phía sau con chữ. Đúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cả một đời cất tiếng, chỉ cần một tấm lòng: “Để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông. Ôi trái tim đang bay theo thời gian…”. Vũ Từ Trang là một tấm lòng. Chính vì thế, thơ anh cũng thể hiện tình cảm thân thiện với thế gian, đúng như anh đã từng viết “Thơ đích thực xin trụi trần đất đá

 

Chặng đường thi ca

In thơ rất sớm, nhưng có thời lận đận với mưu sinh, Vũ Từ Trang đã từng im hơi bặt tiếng cả mấy năm trời. Sau khi ăn nên làm ra, anh quay lại với thi ca. Vậy nên mãi tới năm 1996, Vũ Từ Trang mới in tập thơ đầu tiên, đó là Thời trai trẻ (Nxb Hội nhà văn). Nghĩa là hơn hai mươi năm sau kể từ khi in chùm thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ. Tất nhiên trước tập thơ riêng này, Vũ Từ Trang cũng như tôi đều được in tập thơ chung bốn người, mỗi người chỉ mươi bài. Tất cả anh dồn hết vào tập thơ riêng đầu tiên này. Hồi đó, chúng tôi đều quan niệm thơ mang tính nhân văn, với ý nghĩa như Vũ Từ Trang đã viết: “Thế hệ chúng tôi như một thân cầu. Lớp người sau sang vườn hoa quả lạ. Hết năm rồi chúng tôi bồn chồn quá. Mong câu thơ ngày viết có ích hơn”. 

Chính vì thế, đi tới đâu Vũ Từ Trang cũng có thơ để lại, chia sẻ tấm lòng thi sĩ, chân thành xen chút mơ mộng. Dường như ba tập thơ anh xuất bản liên tiếp đều đậm sắc mầu “có ích”, cho dù không ít bài, anh đều có những dấu hỏi trong tâm tư, ở cuối bài. Cái kết của thơ anh bao giờ cũng là câu hay và đúng là “một tấm lòng”. Riêng bài Trăng Phồn Xương của anh đã từng được báo Nhân Dân, tuyển chon in “Trang Thơ 1978”, nhưng khi in vào tập đầu tiên lại không phải là vượt trội. Hơi thơ không gâp gáp tâm trạng xao xuyến như Thất Khê chiều, Nhịp điệu đá, Thảo nguyên, Mai em đi… và nhất là Thấp thoáng Quy Nhơn hay Một chút Phan Thiết. Chùm bài này đều có những khổ thơ hay câu thơ ấn tượng, găm vào tâm thức người đọc. Nếu ở Mai em đi, tôi rưng rưng với: “Mai em đi, mai đi ư em?. Thơ anh tan nát vạn con đường. Lòng anh rối rắm bờ cỏ ướt. Cho gót chân em in nhớ thương”; thì sang đến bài Một chút Phan Thiết, tôi bất ngờ chìm trong cảm xúc của anh: “Rượu rót rồi, tôi không nỡ uống. Uống làm sao khi mai phải chia xa. Tôi muốn qua sông mà cầu đã bỏ. Biết bao giờ người bắc lại cầu qua. Biết bao giờ về lại Phan Thiết. Nơi góc vườn bỏ sót một chùm hoa”. Quả là thi sĩ hơn và mộng mị hơn. Điều “có ích” ở đây, đã được truyền tải một tấm lòng yêu cuộc sống da diết, đằm sâu.

Hai tập sau đó, Ngược dốc (1999) và Lẻ và không lẻ (2002), cách nhau ba năm, nhip điệu chuyển động thơ Vũ Từ Trang đã có phần đổi mới. Cho dù vẫn là những hình ảnh và cảm xúc như Chiếc cầu vào thành phố, Thấp thoáng Đèo Nai, hay Người đạp xe xích lô ở Bắc Ninh, Mai Châu, Trưa Đức Thọ… Nhưng mỗi tập lại có sự rung động trong ý tưởng và cõi suy tư được phát sáng. Có thể nhắc đến Lên dốcMặt nạ… (tập Ngược dốc) hay như các bài Ký ức con cò, Bất chợtHải Phòng-2001… (tập Lẻ và không lẻ). Tôi đặc biệt thích bài Mặt nạ. Nếu ở Lên dốc ẩn náu tâm trạng tiếc nuối, giật mình, thì ở Mặt nạ lại bừng thức tâm trạng “có ích” ở thái độ công dân cứng rắn hơn, ở khổ thơ cuối cùng: “Tôi chẳng còn chơi mặt nạ. Và tôi ghét con-người-đeo-mặt-nạ. Nhưng chả biết sau này mình giữ nổi mình không. Kẻo giữa nhân gian. Tôi lại vô tính chơi trò đeo mặt nạ thuở nào”. Bởi anh đã chỉ thẳng ra rằng: “Bao kẻ ác vẫn giấu sau vẻ mặt nhân từ. Kẻ xấu vẫn đeo mặt tốt. Mặt thú mặt người vẫn lẫn lộn nhau”. Một chút cay đắng về cuộc sống giả trá mà nhà thơ đã trải nghiệm trong đường đời.

Đáng chú ý, hai tập thơ, Những vòng tròn không đồng tâm (2011) và Cây chuyển mùa (2016), xuất bản tiếp những năm sau đó, Vũ Từ Trang phát huy được nội cảm thơ ca rất khác biệt. Thơ anh đã nâng tầm “có ích”, khi thể hiện tinh thần công dân sâu sắc, mặc dù sự xáo động trong tâm hồn thi sĩ, thể hiện tâm thế hoang mang và tự thú. Anh tự thú khi nói: “Cõi người chìm nổi bao phen. Càng lên chót vót càng thêm xa mình” (Lưng chừng). Hoặc trong bài Những vòng sóng, nhà thơ bối rối, lo toan: “Nay vòng đời rối bời, chồng chéo. Biết sống sao giữa ma thuật cõi người” và cuối cùng có cảm giác xót xa: “Tôi cũng là những con sóng chẳng động tâm”. Sau đó là sự yếm thế có phần cay đắng: “Bạn đã xa, nhà đã bán. Đời người còn một nhúm xương thôi!. Công danh tiền bạc nhòe sương khói. Cửa đóng mình tôi đứng gọi tôi” (Bạn). Ngao ngán cho bạn. Xao xuyến cho mình.

Nhưng có lẽ sang đến tập Cây chuyển mùa, nhà thơ đã bừng lên những cảm xúc và tư duy sắc sảo, thâm trầm. Với những tiêu đề “số cây thơ”, được tượng trưng cho những cây thơ, hay chùm thơ, Vũ Từ Trang có nhiều ảo giác, với những câu thơ tài hoa rộ cành. Ta lại có thể bắt gặp đây đó, với những màu sắc cuộc sống anh đã trải nghiệm như Góc nhỏ Quy Nhơn, Ở xưởng thủy tinh, Thảo nguyên, Đất mũi… Nhưng giờ đã khác hẳn. Bồi hồi. Lay động. Người đọc có thể bắt gặp những câu thơ hay, ở bất cứ “cây thơ” nào. Tôi bị cuốn hút với những cảm xúc ghồ ghề qua những câu: “Ai ai cũng có dòng sông trong mình. Tôi cũng có dòng sông vừa yêu vừa sợ” (Sông Gâm), hay “Vì thế, tôi đã đi. Em lại đi. Còn đường lá chập chờn định mệnh. Màu hoa cúc chơi vơi trước mặt” (Con đường lá rụng); hoặc đó đây tâm trạng nhà thơ quyết đoàn hơn: “Để sống đúng mình. Muốn viết về cái đẹp không bao giờ bị khuất phục” (Về một nhà văn). Ý tưởng đó, tác giả tự vấn và nói: “Sống đúng mình vẫn là khó nhất”. Nhà thơ Vũ Từ Trang đã thể hiện cách diễn đạt mới, không cầu kỳ nhưng ẩn ý cho tâm trạng, khắc khoải về thân phận con người. Vì thế anh có những câu thơ ám ảnh như: “Để tóc tiên cỏ vườn òa khóc mưa ngâu” (Khúc hát xưa); hay trong bài Bước ngoặt, thật hấp dẫn với câu: “Ở đây, chuông nhà thờ gọi em vào mùa thiếu nữ”; Hoặc nao nao, kỳ thú rẳng: “Phố nghèo chập chờn người chìm trong gió mặn. Mái tóc dài ngủ quên bên cửa sổ chờ trăng. Câu thơ tơ trời giăng giăng góc phố” (Góc nhỏ Quy Nhơn); Tôi đoán chắc người đọc sẽ đồng cảm, chia sẻ với anh: “Tôi đến, mùa đã muộn. Đời mãi muộn phần tôi. Chút hoa vàng sót lại. Tấy đau bao nỗi người” (Muộn); Và, rồi với Sen cuối mùa, Vũ Từ Trang vẫn đau đáu nỗi niềm ngược dốc: “Mình lên dốc hay mình tụt dốc. Bông lau già nua cô độc vẫy lưng đèo”. Một khúc nhạc Balad dịu dàng đầy tiếc nuối: “Mình còn là mình, giữa tháng ngày nham nhở. Hơi thở cô đơn trong mạch vữa nhu mì” (Vũ nữ Chàm). Tôi yêu thơ anh vì những nỗi đắn đo và nhu mì đó

 

Ngược dốc

Một buổi sáng mù sương. Tam Đảo dìm cái nắng bên kia núi. Tôi và nhà thơ Vũ Từ Trang đi dọc con đường dẫn lên ngôi nhà thờ đá. Cả hai cùng chậm bước trong mây trườn đỉnh núi. Những câu thơ của anh lấp lánh sưởi ấm lòng tôi. Anh bồi hồi nhớ lại tất cả những ký ức thơ ca dội về. Sau câu chuyện chân tình, cởi mở, tôi đã tìm ra một Vũ Từ Trang thi sĩ, trong mỗi “cây thơ”. Gần đây tôi biết anh lâm trọng bệnh. Nhưng anh rất kiên cường chống trọi lại số phận. Anh khỏe lại và chăm viết hơn trước. Đi bên anh tôi không hề thấy anh than vãn. Anh cũng như tôi từng đi vạn dặm đó đây. Kẻ giang hồ lãng tử coi thường cái bất hạnh đổ ập xuống đầu không biết lúc nào.

Thật bất ngờ, anh rủ tôi, hay là ta lên đỉnh núi Tam Đảo ngắm cột phát sóng truyền hình?. Tôi nhìn anh nghi ngại. Anh bật cười nắm chặt tay tôi như hồi còn thuở ban đầu, ở tuổi hai mươi. Anh mắt anh ngời sáng. Thế là tôi gật đầu, nói: Lại “Ngược dốc” à?. Anh bật cười rạng rỡ. Cả hai, ở tuổi bảy mươi lầm lũi, đếm từng bước lên bậc gạch. Tất cả có 1200 bậc. Chúng tôi đi lên độ cao 1500m, đỉnh núi. Thở dốc. Lẽ dĩ nhiên. Phải hít thở tiếp. Hình như “sơn thần” Tam Đảo tiếp sức cho những thi nhân liều lĩnh. Tôi đột nhiên nhớ đến hai câu thơ thiền, hít một hơi thật sâu rồi đọc: “Thở đi nhẹ một kiếp người. Vui đi để có nụ cười thênh thang”. Nhà thơ Vũ Từ Trang dừng chân, lắng nghe rồi cười lớn, vang cả rừng cây. Chúng tôi lại tiếp tục ngược dốc. Cho dù ở trên đó chẳng có bóng hồng nào chờ đợi như trong bải thơ của Vũ Từ Trang. Chúng tôi sẽ chẳng mất cái gì, mà được cưỡi những đám mây trắng bay trên đỉnh núi, như trong chuyện cổ tích thần tiên.

   Nguồn Văn nghệ số 9/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm