March 29, 2024, 4:12 pm

Chuyện Nhà

 

1.

Tôi thổi mắt cho Đương, tiếng phù phù át cả tiếng gió đông đang luồn trong vòm lá xơ xác. Người Đương tỏa ra mùi bùn ngấu. Trên trời, mây vồng lên nhau những xám, xanh, vàng, bạch. Mưa tro phẩy phất. Đầu ngõ, chiếc xe thồ chành ành hai cái sọt đầy oặc cá, nước rơi tong tỏng thành vũng xuống đường. Gã chuyên buôn đáy hả hê đánh trần ngồi bệt xuống vệ cỏ, rít một điếu thuốc lào.

Tiếng rít thuốc sòng sọc, khói cuộn lên, cùng ậm ọe vướng mắc trong cổ gã, có tiếng nuốt nước miếng khan của Đương. Mắt tôi vướng dây khói. Hút thuốc thì có béo bở đâu mà đàn ông cứ ham? Đương cũng nghiện thuốc, từ lâu. Tay cùn, móng vàng khê, hơi thở như cái điếu ục, đang sát mặt tôi. Con bọ trĩ vẫn lẩn khuất sâu trong hố mắt Đương. Tự dưng dở giời, gió ào ào thổi, từng đám bọ trĩ trong thửa ruộng đương kì con gái cạnh ao bay lên tứ tung, một con đã vù vào mắt Đương. Lúc đầu kệnh, Đương kệ, cố nheo chặt mắt trái lại để vồ hai con cá trê đang đánh ngạnh, nhưng bỗng như có giọt a xít vừa tạt vào mắt, xót, nhức nhối, Đương vội rửa hai bàn tay dính đầy bùn đất, dụi đến đỏ sọng mắt. Nhìn mắt Đương xưng húp gần như hồi năm ngoái bị bọ xít đái bị viêm nhiễm phải tiêm đến chục ngày mới rút, tôi giục lên bờ ngay. Đương lên, miệng làu bàu, chắc con bọ oắt đã tè vào mắt rồi. Bờ ao bên kia, hai đứa trẻ con và bà Hiêng, bà Vì ngồi chồm hỗm bên thau, rổ, đợi tháo khoán, ai nấy nheo mắt hướng về chỗ tấm lưới vừa quây để bắt cá. Bùn nước nhầy nhụa khắp mặt đường, rễ bèo, rong rêu, vài con cá lẹp, tép riu nhũn nhão oằn oại lẫn trong bùn, bọn muỗi dại hết bèo nước trú ngụ luễnh loãng bay lên tứ tung cùng đám bọ trĩ thành từng mảng lấm chấm đen.

Con bọ trĩ hẳn chết sặc từ lâu trong vòm mắt, mắt Đương càng vằn đỏ sọng, kệnh, mặt Đương cau lại khó chịu, mùi thuốc hôi hôi. Lấy hơi, bụm miệng, phồng má, tôi lại thổi liên tiếp năm hơi đẫy, mỏi rã cả vòm miệng. Đương chớp mắt, tay chỉ trỏ. Nhờ cái cồng cộng tre con Sít vừa chạy ào ra bụi tre rút về tôi đã gẩy được xác bọ trĩ ra khỏi mắt Đương. Đương lại lội nhoàng nhoàng xuống ao, tới chỗ có mấy đuôi cá trê vừa quấy lên dưới bùn, sục tay vồ. Chú Đang và dâu út thím Hạ đến giúp gạn đáy vãn việc đã tranh thủ đánh cuốc lân đạm ra đồng rắc cho lúa,  nước nôi, mấy hôm nay trời phừng nắng. Cân mẻ trót, chiếc cân đĩa nhích kim chỉ vừa số bốn. Gã buôn cá lầm rầm tính toán, Đương cũng lầm rầm theo. Nước từ những chiếc sọt thồ cá rỏ lỏng tỏng, mấy ống sắt tròn căng mép sọt muốn chọc vào mắt tôi. Không biết gã buôn đáy này có ma ranh như tay Khưu đánh ao hôm trước? Khưu, cái lồ cân cá hàn ống thép rỗng để bơm nước vào, khi cân bì mỗi lồ cũng tăng được hai cân, rồi sau đợt cân thứ nhất chuyển cá đổ lên xe hàng, Khưu lén tháo sạch nước trong các ống khung lồ. Chẳng may cho Khưu, Đương chạy lên tìm tấm lưới, bắt quả tang. Thế là văng tục, lao vào túm áo Khưu. Lời qua tiếng lại, người kéo hộ, người xem bu quanh, tiếng đay chì, lời rỉa róc, móc mói. Khưu cùn dọa bỏ ao, Đương đành nhún, tìm đâu ra chủ buôn lúc này. Cá đang hối hả chuyển lên tráng, không có người cân ngay thì chết chẳng kịp ngáp. Người ta đói mới làm liều. Đằng này nhà Khưu buôn cá kì cựu ở vùng này, xây nhà tầng, mua ô tô, vợ vàng đeo nhủng nhẳng vẫn làm cái trò gian xảo. Hay là nhờ làm cái trò gian xảo này mới giàu hơn người? Nếu trót lọt, mỗi lồ dôi hai cân, ao chừng mười lăm lồ đã ăn không ba mươi cân cá, chả ít. Trong khi người nuôi cả năm bợt mặt cắt cỏ, bơm ngạt, dở giời cá chết còn lỗ chổng vó ra, thế mà tới lúc đánh cá vẫn còn bị vố lừa hiểm. Bao nhiêu ao đã bị Khưu xỏ mũi. Trò buôn bẩn của nhà Khưu sủi lên khắp các quán bia trong làng, ngay hôm sau nhà Dĩ gạn ao đã dỗi Khưu, sang làng Mến gọi thợ khác. Đương ngật ngưỡng về tới giữa sân, lúc tôi đang tắm cho cu Rô, vỗ ngực, mai gạn đáy nhà mình cũng cắt, cả hội ao tẩy chay nó, cho chừa cái thói buôn bẩn.

Đương nhận tiền của gã buôn cá, nét mặt dãn ra, nhìn lên chỗ lũ trẻ và mấy bà già đã xắn quần đợi, chỉ xuống ao: “Bà con xuống mà hôi!”. Tiếng chân người bì bọp, bùn quến quện.

Tôi quen Đương cũng một chiều hôi ao. Cái ao hợp tác rộng cả mẫu, lội xuống hôi, bùn ngập tới hông, con bé mười sáu tuổi ngỏng như cây ngô cứ lóp ngóp trong bùn chỉ mò được ốc vặn làm trò cười cho đám đã thạo ngón hôi ao. Thằng Khưu thỉnh thoảng còn nhấc chân dậm đánh bệt cho bùn bắn tóe lên mặt tôi, vẻ coi khinh, vẻ tẩy chay. Nước mắt ứa ra, tôi đưa tay lên vuốt sạch đám bùn trên mặt thì nhìn thấy tay Đương đang vặn cẳng tay thằng Khưu.

Bờ sông ngầu đục, mấy đứa còn tùm xuống tắm, thau, chậu, cá phơi bụng, cua bò lạo xạo, tôm trứng nhảy tanh tách. Chậu hôi của tôi thì chỉ có mớ ốc, trai im lìm trong lớp vỏ thâm thẽo, mốc rêu. Dù vậy, đầu tôi đã mường tượng ra bát canh dải khoai nấu với ốc thơm om mùi lá nlt, tía tô trên mâm cơm tối nay, cái Nhẫm và thằng Việt sẽ đánh bay ba bát cơm, mẹ sẽ thấy rằng tôi cũng biết đi mò đi hôi chẳng kém gì đứa gái nào trong làng. Đang mải nghĩ nên không để ý có tiếng bàn chân rẽ nước, rồi bàn tay vẫn vương vết bùn khô thả vào cái thau hôi của tôi mấy con cá rô mình đanh như chuôi dao dựa. “Ơ, anh Đương sao lại…?”. “Cầm mấy con về cho mẹ kho tương giềng, thơm ngon phải biết”. Đương vừa nói vừa cười, mặt hiền như cái lá sen non. “Anh cho em nhiều thế, về mẹ mắng đấy”. Đương cúi xuống vục hai tay nước lên rửa mặt. “Nay anh bắt được nhiều, vẫn còn trên lưng giỏ đây này. Mà em mới đi hôi lần đầu à?”. Mấy con cá rô đánh ngạnh rúc vào lũ ốc, trai. “Lần hai rồi đấy”. “Thế phải đi hôi đi mò nhiều vào, rồi sẽ biết bắt cá rô, cá diếc!”.

Mẹ không đi hôi như người ta, mẹ còn bận xách vữa thuê nhưng khi tôi vừa bê cái thau chiến lợi phẩm về, nhìn thấy bọn rô loạt xoạt muốn vọt ra khỏi miệng thau đã hỏi phủ đầu: “Ai cho con rô hả?”. Tôi khai tồng tộc. “Anh Đương”. “Có phải thằng con cả nhà bà Mít xóm trại không?” Tôi gật. “Bố nó mất sớm mà mẹ con nhà ấy vẫn rau cháo nuôi được nhau thì đủ biết bọn trẻ biết thương mẹ thế nào. Nhất là cái thằng Đương, nghe bảo sát cá, không ao nào tát không có mặt nó hôi. Tới vụ thì một buổi sáng nó đánh trâu cày được hai sào ruộng. Nó là con cả, biết thương mẹ, lo cho các em, ai mà lấy được nó thì sướng”. Cảm giác như ngạnh con rô vừa đánh sượt qua tim mình, nóng ran trỗi từ ngực lên tới mặt. Bữa cơm tối, nhìn thấy đĩa cá rô kho giềng trên mâm, mặt tôi lại đỏ phừng lên như mặt bố vừa uống mấy chén rượu, đầu nồi bên kia hai đứa em và cơm như liềm ngoạm cỏ, mẹ đánh miếng cháy giòn vàng bẻ đều vào bát, bâng quơ, đâu như xóm Cống cũng sắp tát ao thì phải.

 

2.

Trăng lên. Trăng tràn từ vườn cây chảy xuống sân gạch, sóng sánh, nhấp nhóa, ao chỉ còn bùn nâu cũng phủ một màu trắng dịu, tiếng con chẫu chuộc ngơ ngác chẳng tìm thấy dòng nước hôm qua. Trên mái bếp, vài sợi khói cuối cùng vươn mình lẫn vào ánh trăng, giàn trầu ấp thân cau cạnh giếng nước vẫy những chiếc lá hình tim miên man rung rinh.

Đương tắm xong. Tôi dọn mâm cơm lên. Mái hiên dài, trăng ngấp nghé. Thằng Rô ôm cút rượu ra chỗ bố, con Sít xếp vòng tròn so đũa. Chú Đang và thím Hạ nói không đến, bảo đã ăn bữa trước, bữa này giản tiện, cho mỗi người một xiên cá lớn nhỏ về nhà, còn bao việc đồng phải tranh thủ làm, sáng ngày mai đầu tuần còn đến công ty cho kịp giờ. Trên mâm, bát canh chua bốc mùi thơm mát, đĩa cá rô rán giòn, vài cọng rau sống xanh om cả cái đĩa chũm. Tất cả một tay bà nội bọn trẻ nấu. Mấy đứa nhỏ, đứa đi học thêm, đứa xem gạn ao, tôi cũng còn mải thu dọn máy bơm, rửa giặt lưới chài thau rổ rồi tắm cho hai đứa bé, Đương thì tức tốc bê thúng vôi bột đi rắc ao làm công tác khử trùng, trời không mưa, chỉ dăm ngày nữa đổ nước thả mẻ mới.

Trước khi gắp cho thằng Rô miếng lườn cá chép, Đương gắp một miếng cho mẹ, giục: “Bà ăn đi, cá chép ao ngọt thịt”. Mái đầu trắng như cước của bà lại nghiêng sang phía thằng Rô: “Này, bà cho mầm giềng. Cháu ăn đi cho chóng lớn”. Hơi rượu cay bốc lên, thằng Rô, con Sít chum mũi, con Bông chị cả thì bĩu môi, càu nhàu: “Bố lại uống rượu rồi say nôn mửa ra đấy con không dọn đâu!”. Mắt Đương lườm, vẫn còn tia máu đỏ. “Chả khiến cô! Cứ lo mà học đi. Hôm nay gạn ao không say còn hôm nào mới say?” Đương khoanh chân ngửa cổ lên, cay nồng chui tọt vào bụng. Lại rót chén thứ hai, hai đầu gối bắt đầu rung nhẹ. Chỉ sau chén thứ hai, thứ ba, là hai đầu gối Đương sẽ rung rung như lên đồng. Đã mấy năm nay như vậy, cảm giác chỉ cần mồi chút rượu chảy trong phế quản là Đương đã bốc cơn say. Có lần tan giờ, đồng nghiệp rủ ra quán làm vài vại bia cỏ với lạc rang, lúc đi xe máy về đến ngã ba đầu làng đã đụng ngay xe của hai cậu tóc xanh tóc đỏ phóng lượn ra, cả người xe quay giữa đường, Đương bị gãy tay phải đi bệnh viện bó bột. Bà nội bọn nhỏ dậy sớm ra vườn hái lá trầu quả cau dâng lên bàn thờ, thắp hương cúng khấn, xong, đội nón chống gậy đi từ tờ mờ sáng, hỏi bà đi đâu, bảo đi có việc, chị đừng hỏi nhiều. Gần mười hai giờ trưa bà mới mệt mỏi lê bước chân rã rời về, tới gốc cau ngồi phệt xuống ngả nón ra quạt, ôm chân kêu đau. Ngay chiều đó, bàn thờ đã có nải chuối xanh và gói bánh quy mua ở quán, cau trầu được cắt xếp cơi, bà lên hương, khấu đầu khấn vái.

Chiều tan ca sớm, tôi kịp vào trường Mầm Non đón cu Rô và con Sít về tới cổng, bà đã gọi giật giọng vào. “Tôi đi xem quả cau lá trầu, thầy phán mộ ông nội bọn trẻ đặt chỗ đấy trũng, xấu, phân kim không hợp tuổi thằng Đương, nên còn gặp nhiều tai ách lắm. Mà giờ cũng mới biết, anh chị không hợp mạng, làm ăn vất vả trần đời. Thầy bảo phải làm lễ...”. Tay vò mớ quần áo muốn rã rời, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp tôi, bà bảo hai đứa hợp tuổi. Hôm ấy cả bọn đi hôi ao xóm Cống về, nhao ra bể xả nghịch nước, vẩy bọt, thổi bong bóng, rồi ném nhau, từng bông hoa bọt tách ra rơi đầy đầu tóc quần áo mỗi đứa, rơi cả lên thau cua cá vừa hôi. Bọn con trai tung tăng bơi lặn trong bể xả, lúc chúng ngoi lên rủ bọn con gái nhảy xuống tắm cùng thì đã chẳng đứa con gái nào dám, đâu còn bé bỏng mà tắm cùng con trai. Đương và Khưu phốc lên thành bể, chạy lại gần, người thằng nào thằng ấy còn chỉ độc mảnh quần đùi nâu cũ mỏng dính chặt vào thân khiến bọn con gái chưa nhìn đã ngượng chín người, vội hò nhau bê thau cá ốc tản về. Đương chặn đầu tôi, kéo tay, người Đương lóng lánh cuồn cuộn dưới nắng, tôi mím môi, cúi gằm mặt xuống đất. “Đợi anh cho thêm con chuối về nấu rau cần này!”. Mở nắp giỏ, Đương tóm con chuối to như bắp tay thả sang. “Sao thằng Đương chỉ cho chuối cái Yên nhỉ?”. “Chuối Đương to nhỉ, thế này thì cứ cho suốt đi ấy chứ! Yên ơi, thích nhé!”. Mấy cái mồm cá ngão dưới bể xả vóng lên trêu trọc. Má tôi ran ran nóng. Tiếng xe đạp cọc cạnh đỗ ngay sau lưng hai đứa. Mẹ Đương đi chợ về, sau xe còn đèo mấy bao cám “Có con thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho. Hai đứa hợp tuổi, cháu không chê nhà bác nghèo, ưng thằng Đương nhà bác, ra giêng, bác có cơi trầu sang thưa chuyện bố mẹ cháu nhé!”. Ngay câu đầu tiên nói với tôi, mẹ Đương đã bảo hợp tuổi, dù lúc ấy tôi chả hiểu hợp tuổi là gì. Mà thật, ra giêng, mẹ Đương sang nhà tôi chơi và nói chuyện với bố mẹ tôi, kiểu như dấm hồng xiêm xanh trong vại gạo, cũng là định hướng cho hai đứa phải để ý đến nhau. “Gần gặn thì ai chả muốn chỉ sợ lớn lên chúng nó không có duyên nợ thôi bà chị ạ!”. Mẹ tôi nước đôi nhưng vẻ mặt thì tươi tỉnh, giọng nói phấn chấn. Đến mùa hè, Đương ôn thi và đỗ Sư phạm, tôi đỗ lớp mười, kì ấy tôi mới biết thế nào là dậy thì. Thời gian sau, ở trên trường Sư phạm, Đương viết thư ngỏ lời, tôi đồng ý, chúng tôi yêu nhau hai năm, Đương ra trường, tôi xin đi làm công ty, chúng tôi tổ chức đám cưới.

 

3.

Hôm động thổ xây nhà mới cho bố Đương đúng thứ bảy, chủ nhật, đều là ngày nghỉ của hai vợ chồng, mẹ chồng bảo chỉ có vợ chồng tôi là sướng, vợ công ty may, không tăng ca, chồng dạy Tiểu học, môn Thể dục, dễ đổi công đổi buổi nên cứ phải quyết ngày cả hai vợ chồng cùng nghỉ, còn các chú, các cô kia vất vả, khó mà về sớm được. Tôi chả nói gì. Là con trưởng, cứ có tâm lo cho các cụ rồi các cụ phù hộ, phúc lộc đề huề, mẹ chồng tôi vừa nhai trầu vừa tiếp.

Nhưng ngay trưa hôm ấy, Đương đã uống rượu say, ấy là rượu và thịt cúng động thổ, rước hẳn thầy cúng có điện lớn xã bên về, Đương hẩy tôi phải đút phong bì cảm ơn thầy năm trăm cho xông xênh, tôi cắn môi, buốt ruột, đứng hầu theo lễ chừng ba mươi phút đã hóa vàng. Buổi chiều chỉ còn một thợ chính là chú Đang và tôi làm thợ phụ. Hai cô em gái Đương bận việc nhà nước, ở xa, không thể nghỉ, dâu út, thím Hạ thì con vừa đi tiêm phòng về đang sốt, chồng còn mải chạy xe đường dài, hứa sẽ về đúng hôm khánh thành. Tôi chân xách vữa, mồ hôi bã ra như tắm, chân tay muốn rụng rời, những cát, đá, gạch, xi muốn tháo từng khớp xương của tôi. Lúc ông mất cứ chọn chỗ xa nhất nghĩa địa để chôn, chẳng sợ ai tranh chạm. Sau bao nhiêu năm, vật đổi sao dời, nghĩa địa đã như một ngôi làng nhỏ, bung ra choán đẫy cả cái đầm sen, bành lên chạm đường tàu. Mấy cái ao cạnh đó dọn ao hút bùn đẩy đầm lên cao hơn mặt đồng khi xưa, thành thử mộ tròn của ông giờ thấp nhất, ảm đảm giữa đám cỏ lau dại. Mỗi đợt thanh minh, tôi phải dành một công mới cắt dọn sạch được, thêm hai ngày công nữa mới dọn được sạch cả mấy ngôi mộ các cụ. Sau mỗi mùa xây mộ, nghĩa địa càng lộn xộn, lổn nhổn, mộ to mộ bé, mộ cũ mộ mới chen lấn, mỗi ngôi quay về một hướng, gần như bưng bít hết lối đi ra chở vật liệu. Mẹ chồng tôi phải nhún nhường sang xin mua luống rau cải lún phún của nhà Kha với giá cao để nhà ấy đồng ý cho chúng tôi dẫy một đường đất  xe rùa đùn nguyên vật liệu vào được. Ngày trước khi chưa làm công ty, tôi đã từng có thâm niên hơn năm theo nghề phụ hồ nên giờ vẫn biết đẩy xe rùa nặng những cát, xi với gánh gạch.

Đêm về, người đau rã rời như bị dần bị tẩn. Đương đang gáy phì phì, tôi đặt thằng Rô nằm sát vào làm Đương tỉnh giấc, rượu đã kéo Đương vào những giấc mơ gì tôi không biết. “Xây đến đâu rồi? Liệu mai có xong được không?”. “Chú Đang bảo còn chát, còn sơn, chắc phải thêm hai ngay nữa!”. Đương ngáp. “Vậy liệu mà xin nghỉ việc ở công ty, chứ ở trường không nhờ được ai dạy cả”. Cục ức đã đẩy đầy trong cuống họng của tôi: “Em đã chở hết nguyên vật liệu ra mộ rồi, có gì thì gọi thím Hạ ra, bảo gửi con bà nội trông, trẻ con đứa nào tiêm phòng chả sốt”. “Này, cô đừng có cãi, các cô ấy là con gái phải theo chồng, làm nhà nước khó nghỉ hơn. Cô dâu trưởng phải gánh vác công việc nhà chồng là phải đạo, đừng có tị nạnh người ta cười cho”. Giường ngoài, tiếng mẹ chồng đập cái quạt mo cau vào tường bèn bẹt, rồi tiếng ho. Tôi nín, quay vào ôm con, nhắm mắt định ngủ, mà nước mắt cứ ứa ra, cố kìm cho đôi vai không rung lên bần bật, nhưng Đương đã quay vào, tiếng ngáy khò khứ.

 

4.

Thằng Rô, con Sít có canh cá đánh vèo hai bát cơm, lên giường đùa nhau một lúc đã ôm nhau ngủ. Con Bông rửa xong mâm bát, chạy lại chỗ bàn Đương đang ngồi kiểm tiền. “Bố cho con triệu hai, con phải đóng tiền học thêm!”. Vừa nghe con xin tiền, Đương giật thót người, quay lại, trợn mắt: “Gì? Triệu hai?”. “Vâng hai môn, Văn, Toán, học nhà thầy thông từ hè đến giờ đã hơn hai tháng nay con chưa đóng, còn môn Anh mẹ vừa cho con đóng tuần trước rồi”. “Làm như cướp được tiền thiên hạ đấy. Gạn đáy cả ao bố mày mới thu được hai triệu rưỡi đây này”. Con Bông vẫn lì lợm chìa tay. Đương chỉ đưa cho Bông tám trăm: “ Tạm đóng mỗi môn một ít, còn lại xin nộp sau. Nhà mình đang bấn, cần dồn tiền lo cho mẹ”. Bà nội đang mắc màn, vẫy con Bông ra, lần cạp quần, tiếng ni lông loạt xoạt mấy lần, tiếng bà: “Bà cho thêm đóng hết đi. Khất nợ ai thì được chứ không được khất nợ thầy cô, khi ấy, chữ nghĩa không thể thiêng được đâu”. Tiếng Đương thở dài, mùi rượu chua nồng. Im lìm, tôi lôi đống quần áo của lũ con ra giường một ngồi gấp, mới có ba tháng tôi đi học tiếng xa nhà, cái nào cái ấy nhàu nhĩ, nhăn nhúm.

Ngoài kia bóng cây cau khẳng khiu đổ dài giữa sân trăng, những chiếc lá trầu  ôm ấp lấy thân cau vươn lên hứng trăng. Tiếng con Mực sủa váng, tiếng xe máy nổ rì rì vào sân. Đương đi ra cửa, quát con Mực. “Nhà ăn cơm chưa em?”. “À, ra là chị Dảo đấy à? Mời chị vào nhà uống nước”. Mùi nước hoa nồng nặc bay vào, rồi đến thân hình đồ sộ của chị Dảo, chị ta đon đả chào mẹ chồng tôi. Bỏ đống áo quần gấp dở, tôi ra pha nước. Có thể, chị ta biết nhà tôi tát ao đến để đòi khoản nợ năm ngoái. Lúc ấy, con Sít bị viêm cầu thận, phải nằm viện gần tháng trời, có bảo hiểm y tế nhưng rồi cũng mất đứt mười một triệu. Con vừa về viện hôm trước, hôm sau Đương bảo, chạy cho Đương bảy chục triệu, sắp có đợt thi viên chức, trường đứt đoạn thi đã mấy năm nay, giờ mới có chỉ tiêu cho môn thể dục. Tôi như lồng lên: “Sao lắm thế, có mà bẻ răng đi bán mới có tần ấy tiền!”. “Đây có mười lăm triệu rồi. Đấy là còn được tính mười lăm năm hợp đồng mới có xuất đấy. Ối đứa mới ra trường muốn bắn gấp đôi gấp ba mà còn không được đâu”. Về kể lể với bố mẹ đẻ, thương con, bố mẹ rút cuốn sổ tiết kiệm được mười lăm triệu đỡ lưng cho. Mẹ tôi bảo hay ra ngân hàng vay, thế chấp sổ đỏ. Về hỏi mẹ chồng, bà bảo muốn làm gì thì làm chứ tuyệt đối không được lấy sổ đỏ của bà ra ngân hàng. Lại về đẻ, bố mẹ tôi rầu giọng, nhà này đã sang tên sổ đỏ cho anh trai và chị dâu rồi, bố mẹ không có quyền. Biết hoàn cảnh bí bách, cô bạn cùng công ty mách tới nhà chị Dảo, lúc nào cũng ngay và luôn, không cần thế chấp gì.

Năm qua, vợ chồng tôi mới ki cóp trả được hai đợt lãi cho chị Dảo, gốc vẫn còn nguyên. Giờ thì chị Dảo ngồi giữa nhà tôi, chén nước chè khói bốc lượn những dấu hỏi trước mặt. “Cô chú tát ao thu hoạch bội chứ?”. “Dạ, dính hai đợt dở giời, cá ngạt, chết vớt mấy bao chôn dưới gốc chuối nên chỉ đủ tiền mua cám với cá giống chị ạ. Nhà em lại đang dồn tiền, bí quá nên bọn em xin chị khất nợ thêm thời gian nữa”. Chị Dảo khẽ nhếch mép cười: “Quá hạn một tháng rồi đấy”. Đương xum xoe: “Bọn em vẫn nhớ, chị thông cảm. Em đang lo cho vợ em, định đi xuất khẩu lao động, đã đặt cọc một nửa, còn đang lo nốt, rồi sau nhất định chúng em sẽ trả cả vốn lẫn lãi” Chị Dảo cười: “À, vậy thì cần khoản tiền lớn lắm”. “Dạ, vâng, em đang xoay sở nốt”. “Thế thiếu nhiều không?”. “Ba chục triệu nữa ạ”. Tôi khó chịu đá chân chồng, tôi không thích dính dáng gì đến chị Dảo nữa, vay nợ chị ấy sau một thời gian như cắt cổ.“Nếu không xoay được, thì mai đến tôi”. “Được vậy thì còn gì bằng, chúng em cảm ơn chị”.

Lúc Đương tiễn chị Dảo xong quay vào nhà, tôi trách: “Ba mươi triệu đó, em đang định nhờ mượn cái Hà bạn em, chị ta lãi cắt cổ, biết bao giờ trả được”. Đương lừ lừ nhìn tôi: “Cái Hà hay khoe mẽ kể lể, rồi nó khinh cho”. Lũ con đã ngủ từ lâu, Đương ngồi vào bàn lấy sổ ra tính toán, ghi chép. Tôi ôm thằng Rô ngủ trong buồng, trằn trọc. Chiều mai, cái Hà sẽ dẫn tôi nộp nốt khoản tiền còn lại, rồi thuận lịch tôi sẽ bay vào cuối tháng. Chỉ nghĩ đến việc cách xa con, lòng tôi đã thắt lại. Nhưng không đi, ở nhà cậm cạch lương ba cọc ba đồng, bao giờ mới trả hết nợ. Bọn bạn cùng lứa trong xã đã có mười hai đứa đi, về đứa nào cũng xây nhà to. Cái Hà bạn thân đã trở về không chỉ xây nhà tầng còn mua xe ô tô đi làm trong công ty chuyên làm xuất khẩu lao động và du học. Hà vào chơi, thấy con cái nheo nhóc, vợ chồng vẫn ở trong ngôi nhà ngói cũ của cùng mẹ chồng thì chẹp miệng: “Ngày xưa ông Đương giỏi cá cua thế mà giờ cũng vẫn chỉ thế này à? Tao thấy nhiều ông giáo viên giàu lắm mà, thợ dạy luôn”. “Tùy thôi bạn, nhà tôi vất vả lắm, anh trưởng, lại trưởng chi, dạy thì chỉ dạy thể dục, thêm thì ông ấy chỉ chơi thêm ở sân cầu lông chứ dạy gì ai”. “Phải chịu hi sinh chứ, chồng viên chức, vợ công ty, mãi sao ngoi lên được, phải một người hi sinh đi ra ngoài mà làm ăn chứ”. “ Tôi thì con ba đứa nheo nhóc, anh ấy mới vào viên chức, ổn định, đi để mất hết à?”. “Cái Nhu, cái Lý cũng nhờ tôi dẫn, đang học tiếng, duyệt hồ sơ, sắp bay rồi đấy”. Đêm ấy, tôi kể cho Đương nghe, Đương lúc đầu gạt ngay, ở nhà cũng công ty, cũng ao cá, thiếu gì việc, con cái thì nheo nhóc, định bay để sướng một mình à? Hay đốc chứng ra thích đua đòi với mấy đứa bạn đi rồi bỏ chồng bỏ con không thèm về? Con đom đóm lóe lên từ dưới khóm bèo bay chập chờn qua cánh cửa sổ, tôi ôm lấy cu Rô, nín lặng.

Có tiếng vo ve của con muỗi lẩn trong màn, tôi khẽ dậy bật đèn pin soi. Chợt Đương vén cánh màn, chui vào, người còn ám cả mùi cá bùn tanh tanh hôi hôi. “Mới đánh cá, không ngủ sớm mai còn xếp lại chỗ bờ ao bị sạt”. “Kệ, có tí rượu rắn, thấy khỏe lắm”. Đương vít đầu tôi xuống: “Con dậy bây giờ”. “Nó ngủ say biết gì”. Đương vần nhẹ cu Rô vào sát tường, hơn hai tháng đi học tiếng trên thành phố giờ mùi Đương mới thực sự xối lên tôi. Đã gần bốn tháng, Đương ôm gối ra lều ngoài ao ngủ, bảo cá to phải canh ao kẻo bọn trộm cá khoắng cho vài mẻ thì có mà ăn cháo, mẹ chồng tôi xót con, nhất là những đêm gió bấc, sương sa, kêu vào nhà ngủ Đương vẫn không vào. Chỉ có tôi hiểu, Đương đã chịu đồng ý cho tôi đi xuất khẩu lao động, sau khi cái Hà dẫn hai vợ chồng tôi lên văn phòng công ty Đức Thiện, gặp chị Trang giám đốc nghe tư vấn với những điều tốt đẹp ở bên kia đang chờ những công nhân lao động như tôi, giọng chị Trang cứ phơi phới như nắng mới, công ty thực phẩm nhiều việc, làm thêm mỗi ngày ba tiếng, làm cả thứ bảy chủ nhật không hết việc, mỗi tháng nhẹ cũng kiếm được ba chục triệu, chỉ nửa năm là trả hết nợ, còn lại hai năm rưỡi để gửi tiền về xây nhà, sắm sửa, tích lũy nuôi con cái học, tháng vừa rồi có ba mươi người đã sang, rồi chị sẽ cho chị em kết nối, Đương đã xuôi. Nhưng tối ấy về, Đương ra lều ngủ.

 

5.

Mẹ chồng dạy sớm, nấu nồi cơm nếp lạc và đun nước, mỗi khi nhà có người đi xa, bao giờ bà cũng dậy sớm nấu cơm nếp, rồi múc sẵn cho mỗi người một bát để trên bàn, một gói cơm nếp đùm lá chuối mang đi ăn nhỡ độ đường. Con Bông tự ăn, tự bơm xe đạp chuẩn bị tới trường. Con Sít hỏi: “Bao giờ mẹ bay cho chúng con ra sân bay chơi”. Thằng cu Rô tròn mắt: “Thích thế, cho con đi với!”. Con Bông bĩu môi: “Thích gì, mẹ đi mấy năm đấy, lúc ấy nhớ mẹ đừng có mà khóc nhè”. Rô bỏ cái bát đang và xuống bàn: “Mẹ đi mấy tháng rồi con nhớ lắm, thế đêm con ngủ với ai?”. “Mẹ đi về mẹ sẽ mua nhiều đồ chơi cho Rô, mua quần áo đẹp cho mọi người, nhà mình sẽ xây nhà mới mỗi người một phòng như nhà cái Mai bạn chị. Mẹ đi Rô ngủ với bố, hai chị ngủ với bà”. Rô giẫy lên: “Không, em không ngủ với bố. Người bố hôi lắm, còn ngáy nữa”. Tôi xúc thêm cho Rô miếng cơm: “Sao con lại bảo bố hôi?”. Rô hất hàm: “Đêm qua con tỉnh dậy thấy bố nằm cạnh, hôi hôi là... Sao mọi đêm bố ra ao mà?” Tôi đỏ mặt, Đương đang thay quần áo, quát khẽ con như lấp liếm hành động có vẻ như bị Rô bắt quả tang: “Ăn mau bố đèo ra lớp, về còn đưa mẹ ra bến”. Lúc đưa con ra lớp về thấy tôi vẫn đang lúi húi trong buồng, Đương giục: “Nhanh lên anh lai ra bắt xe về còn có giờ tiết hai”. Tôi nhanh, mẹ chồng thấy tôi quên không mang gói cơm nếp, bà đang rửa bát lật đật chạy ra sân, dúi vào túi xách của tôi gói cơm nếp cho kì được dù tôi bảo hôm nay chỉ đi gặp giám đốc để nộp tiền, chiều sẽ bắt xe về ngay, rồi còn chuẩn bị mua sắm, mười lăm ngày nữa ở nhà nhanh như chớp mắt bụt.

Xe đông như nêm cối, tôi phải đứng suốt chặng đường, tay khư khư ôm cái túi. Mỗi khi xe dừng đón trả khách, cảm giác như có những ánh mắt soi vào cái túi đầy âm mưu, những cái va chạm sau mỗi lúc dừng đỗ luôn làm tôi giật thót người. Mọi lần lên thành phố, cái Hà luôn tự nguyện về đưa tôi ra hoặc là hẹn đón ngay ngoài bến, không hiểu có chuyện gì mà tối qua tôi gọi điện cho Hà định nhờ Hà ra đón thì không thấy nghe máy. Chỉ còn sáu mươi triệu, trong đó phải mượn thêm của chị Dảo ba mươi triệu, Đương đã dẫn tôi đi mua bằng đô cho gọn nhưng cảm giác như lần đầu cầm số tiền lớn đi một mình giữa dòng người xa lạ chen vai sát cánh nhau làm cho tôi thấp thỏm, lo âu. Gần trưa tôi cũng tới được trước cửa văn phòng công ty Đức Thiện. Tôi gõ cửa, một người đàn bà béo tốt chừng sáu mươi tuổi mở cửa. “Chị hỏi ai?”. “Giám đốc Trang, công ty Đức Thiện ạ, nay chị hẹn tôi tới”. “Chị ấy thanh lý hợp đồng văn phòng ba hôm nay rồi”. Choáng váng, tôi lắp bắp: “Sao, chị ấy đi đâu?”. Người đàn bà lắc đầu: “Tôi là chủ nhà thôi. Hôm qua, cũng có người tìm đến hỏi chị ấy. Cô cũng đi dây này hả? Đã đặt cọc nhiều chưa?”. Tôi xây xẩm mặt mày, có cái gì đó mắc nghẹn trong cuống họng, đầu óc quay cuồng, dòng người, dòng xe cộ đang trôi nhòe nhoẹt. Tôi láng máng nghe được người đàn bà chỉ có tôi chiếc ghế đá trước cửa bảo tôi ra đó mà ngồi nghỉ, gặp xe thì bắt mà về kẻo nhỡ chuyến, cơ khổ, người nhà quê mà một thân một mình lên cái thành phố đầy rẫy những bất trắc này, rồi có tiếng máy hút bùn ùng ục bên tai, mắt tôi cay xè, nhức nhối.

Nguồn Văn nghệ số 39/2019                                   

 


Có thể bạn quan tâm