April 25, 2024, 9:58 pm

Chuyện nhà bạn tôi

 

1.

Chiều chủ nhật. Chờ cho người khách cuối cùng ra về, Toán nói với tôi: “Vợ chồng tôi sẽ bán khu nhà bán hàng. Nhà của các cụ để làm nhà thờ. Vườn tược, ao chuôm giao cho vợ chồng chú Tâm trông coi rồi hương khói cho các cụ. Đất còn rộng, kinh tế của chú thím ấy bây giờ thừa sức làm cái nhà vườn ở đây. Vợ chồng tôi sẽ chuyển ra Hà nội. Tối nay vợ chồng tôi sẽ nói chuyện với chú thím Tâm. Tôi muốn tham khảo ý kiến ông trước. Ông thấy thế nào?”. Tôi chần chừ vì quá khứ chuyện đất đai nhà Toán hơi phức tạp.

Trước, vợ chồng Tâm xin làm nhà trên lẻo đất cuối vườn, khoảng một phần năm diện tích khu vườn nhưng vợ chồng Toán không chịu. Rồi vợ chồng Toán làm ngôi nhà hai tầng chiếm hết cả chiều mặt đường của mảnh đất. Vợ chồng Tâm ngậm ngùi chuyển đến một ngôi nhà cấp bốn trong ngõ nhỏ, vốn của một ông hàng xóm vào miền Nam với con nhượng lại. Được một thời gian, nhà nước mở con đường ô-tô đi qua khu đất của vợ chồng Tâm. Nhà Tâm lòi ra mặt đường lớn. Được tiền đền bù, Tâm đủ làm một cái nhà kiên cố lại có vốn mở cửa hàng bán đồ điện, nước.

Thấy tôi ngồi yên trước thỉnh cầu của mình, Toán tiếp: “Ông với tôi từ nhỏ đã như người một nhà. Tối nay vợ chồng tôi mời ông ở lại nói chuyện với anh em tôi”. “Tối nay tôi phải chủ trì cuộc họp ban giám đốc nhà máy cho ngày mai ban cổ phần hóa doanh nghiệp của tỉnh về làm việc, nên không tham dự với các ông được. Nghe nói ông đã mua căn hộ?”. “Đã trả đợt một. Hai tỷ rưỡi. Còn trả hai đợt nữa. Tổng cộng năm tỷ hai. Cuối năm sẽ nhận nhà”. “Thế còn việc làm của cháu Tuấn đến đâu rồi? Ông nghĩ thế nào mà lại chuyển ra Hà Nội lúc này? Nếu như mấy chục năm nay ông công tác ở Hà Nội hay cháu Tuấn hiện nay đang làm việc ở ngoài ấy, giờ vợ chồng ông ra sống với con cháu thì còn gì bằng! Đằng này...”. Tôi nói chưa hết lời thì Toán đã tiếp: “Họ đã nhận hồ sơ của Tuấn. Trọn gói nửa tỷ. Vợ tôi đã gửi trước bốn trăm. Họ hứa sẽ có quyết định cho nó về viện bào chế thuốc thú y. Hồi ở Úc nó học nghề trồng rừng”.

  Tôi bần thần ra một lúc, hết nghĩ về chuyện đất đai, chuyện vợ chồng Toán chuyển ra Hà Nội, lại đến chuyện họ chạy việc cho con. Thật ra tôi có nghe nói vợ Toán đã từng chạy việc cho nhiều người. Lĩnh vực này tôi lơ mơ nên không thể góp ý ngay với Toán được. Chuyện đất đai có phức tạp đấy nhưng có thể nhìn thấy. Tôi bạo miệng nói với Toán: “Chưa chắc vợ chồng chú Tâm đã nghe vì nhà cửa của vợ chồng chú ấy đang ổn định. Thế ý vợ chồng cô Mai?”. “Căn bản là chú thím Tâm. Còn cô Mai thì xuất giá tòng phu. Tối nay tôi có cho gọi vợ chồng cô Mai đến nghe. Nghe chứ không có quyền quyết định”. “Không đơn giản như ông nghĩ đâu”.

  ... Đúng như tôi đã nói với Toán, chuyện nhà đất giữa anh em họ không êm xuôi. Vợ chồng Tâm, vợ chồng Mai cho rằng vợ chồng Toán sử dụng đất hương hỏa tổ tiên thì được. Nhưng một khi đã bán đi thì phải được sự đồng ý của cả ba người: Toán, Tâm, Mai. Người đang đứng tên trong sổ đỏ là mẹ của họ. Bán không được, vợ chồng Toán cho thuê. Mai bảo tiền cho thuê khu nhà bán hàng cũng phải chia đôi: Vợ chồng Toán một nửa, nửa còn lại là phần của Tâm và Mai. Vợ chồng Mai giao khoản tiền đó cho vợ chồng Tâm quản lý và sử dụng. Trước tiên, đảo lại hai mái nhà thờ, mới mưa nhỏ đã dột. Ngôi nhà bằng gỗ lát khét, cụ tổ làm cách đây đã hơn trăm năm mà giờ cột kèo, kẻ bẩy trông cứ nhẵn như sừng. Ấy thế mà lâu nay Toán không có ý kiến gì, để ủ dột trông đến là buốt ruột...

   Nhà tôi và nhà Toán sát cạnh nhau. Bố Toán mất sớm vì bệnh ngã nước sau một chuyến đi sơn tràng ở mạn ngược. Toán có ba anh em. Toán là anh trai cả, kế đến là Tâm, Mai là út. Tôi và Toán học chung lớp. Tan học về là đi chăn trâu, bắt cá, đá ban... Hai đứa cứ như hình với bóng. Năm lớp chín, tôi và Toán cùng đi khám tuyển bộ đội. Tôi trúng tuyển vào bộ đội pháo binh. Toán không trúng nên ở nhà học tiếp. Một năm sau, tôi được phép qua nhà để đi B, vừa lúc Toán được gọi vào đại học sư phạm. Học xong sư phạm, Toán được phân về dạy ở trường cấp ba huyện nhà. Dần dà Toán được đề bạt hiệu phó của trường.

Đất nước thống nhất. Tôi được nhà nước cho đi học ngành cơ khí ô tô ở Tiệp Khắc. Học xong. Tôi được về công tác tại xí nghiệp 19 tháng 5. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà tôi và Huyền, giáo viên cùng trường với Toán, lại thành vợ thành chồng. Còn Toán lấy một cô cửa hàng trưởng bách hóa. Toán có hai con. Một gái đã yên bề gia thất. Còn thằng con trai đi du học ở Úc về, nghề ngỗng chưa đâu vào đâu. Suốt ngày ngồi lì trong phòng với cái vi tính. Khi cao hứng lên lại bay vào miền Nam, ở chơi với bạn bè cả tháng.

Vợ Toán, thời hàng hóa còn phân phối theo chế độ bao cấp, có quyền quyết định giá trong giá ngoài nên thu nhập ngoài lương cũng kha khá. Rồi vợ Toán về nghỉ chế độ một lần. Khi mới về, cô ấy mở sạp buôn vải và quần áo ngoài chợ huyện. Được hơn năm, sẵn có ngôi nhà hai tầng trên mặt đường lớn, vợ chồng Toán mở cửa hàng tạp hóa. Kinh tế gia đình Toán cứ thế phất lên. Vợ Toán suốt ngày bận rộn. Ngoài chuyện buôn bán, cô còn chạy cho những trường hợp có nhu cầu vào làm việc ở các cơ quan nhà nước. Có thời gian nhà Toán phải mượn tới ba, bốn người giúp việc bán hàng và làm kết toán. Khi ngơi việc, cô kế toán kiêm thêm việc bếp núc và chăm sóc mẹ Toán, bà cụ bị tai biến do cao huyết áp. Còn Toán, từ trước đã mê bóng đá, về sau còn chơi thêm tổ tôm, bài chấn, lô đề và cá cược bóng đá. Nhà Toán người ra vào như một cái chợ. Thấy vậy, vợ chồng Tâm muốn mẹ được yên tĩnh nên bàn với vợ chồng Toán để được đón bà về bên nhà mình. Nhưng Toán không nghe:

  - Chú cứ vẽ. Nuôi dưỡng mẹ là trách nhiệm chính của vợ chồng tôi. Còn quan trên trông xuống, người ta trông vào chứ! Chú thấy mẹ có thiếu gì đâu! Còn gì nữa nào! Cơm nước đã có ô-sin đưa đến tận miệng. Giường cao, chiếu sạch. Mùa đông có đệm ấm, lò sưởi. Mùa hè có quạt điện. Cả làng này ai bằng? 

  - Em vẫn biết là thế. Nhưng ở đây nhiều người vào ra không lợi cho bệnh tình của mẹ. Nhiều hôm bác đi trường, bác gái bận khách, cô kế toán kiêm ô-sin của hai bác cũng túi bụi xuất nhập hàng, vợ chồng em sang mà cám cảnh cho mẹ. Các em thay quần áo, cho mẹ ăn xong thì mới nghe tiếng bác gái la cô kế toán xuống xem bà thế nào. Cách đây hai hôm, ngồi trong nhà mà rét cắt da cắt thịt, vợ chồng em sang thăm mẹ thấy cô kế toán đang cho mẹ ăn cháo lạnh ngắt. Em hỏi sao không hâm cháo nóng lên rồi hẵng cho bà ăn, cô ta nói bác gái chỉ cho cô ta năm phút để bón cho bà ăn rồi phải lên nhà có việc. Vợ em bật lò sưởi cho mẹ thì cô ta không cho, cô ta nói bác dặn lò sưởi để đối ngoại là chính, chỉ được bật khi có khách sang, khách lạ, các phụ huynh học sinh hay các thầy các cô giáo nhà trường vào thăm mẹ!

  - Đứa nào nói vậy? Chúng hiểu sai vấn đề. Được! Để tôi uốn nắn chúng nó.

  - Em nói để bác biết, chứ anh em mình đóng cửa nói chuyện với nhau về việc chăm nom mẹ chứ có phải chuyện gì đâu mà bác to tiếng. Mà việc đón mẹ sang nhà em cũng là lẽ thường tình. Hai bác không phải phân vân.

  - Tôi nói không được là không được. Quyền huynh thế phụ! Chú có hiểu điều đó không? Chú tưởng mẹ ở bên nhà chú hơn ở đây chắc?

    Tâm chưa kịp nói thì vợ Toán từ trên quầy xuống, chêm vào:

  - Hai anh em làm như mổ bò không bằng. Không sợ thiên hạ người ta cười cho à? Rồi chị ta quay về phía Tâm:

  - Anh chú nói phải đấy. Nhà anh chị có nhiều người ra vào thì anh chị đã đưa mẹ xuống tận cái buồng này. Nhìn có vẻ thấp một tý, ẩm một tý lại mát, so với những nhà khác còn tươm chán. Chú thử nghĩ xem, mẹ ở đây ngày Tết, ngày lễ học sinh, phụ huynh, nhân viên của anh chú đến thăm mẹ, bổng lộc ở đó chứ ở đâu! Cái Tết vừa rồi, riêng người ta mừng tuổi mẹ cũng tiền triệu đấy chú ạ! Đời có hậu là ở chỗ đó! Đưa mẹ về bên chú, khoản bổng lộc ấy có không? Ai người ta hỏi thăm đến nhà chú mà thăm mẹ? Anh của chú đi ra ngoài nói năng thì thanh thoát. Trăm người phục cả trăm. Còn chuyện trong nhà thì cứ như gà mắc tóc. Thôi nhá! Tôi phải lên nhà xem hàng họ ra sao!

   Vợ Toán nói một tràng rồi chạy vội lên nhà bán hàng. Cuộc khẩu chiến giữa Tâm và vợ chồng Toán kết thúc. Phần thua thuộc về Tâm: Bà mẹ lâu nay nằm chỗ nào giờ vẫn nằm chỗ đấy!

   Còn nhớ, một buổi đi trường về, nhà tôi mắt đỏ hoe, mặt buồn rười rượi. Thấy vậy, tôi hỏi: “Việc công hay việc tư mà mình lại khóc? Chắc lại có nhiều học sinh yếu kém, hay năm nay không được tăng lương?” Nhà tôi ấm ức: “Chuyện là chuyện ông Toán không đủ phiếu đề nghị lên trên xét phong tặng Nhà giáo ưu tú, làm cả tổ toán chúng em khổ”. “Theo mình, tại sao anh Toán lại không đủ phiếu?". “Bạn anh, anh thừa hiểu còn phải hỏi em?”. “Mới đúng một phần. Anh Toán cũng là bạn của mình nữa chứ. Mình phải hiểu anh Toán hơn anh vì anh Toán còn là thủ trưởng của mình!”. “Biết là thế, nhưng không phải cái gì biết cũng nói ra được”. “Thế theo mình thì anh Toán không xứng đáng?”. “Nhiều người chứ không phải mình em”. “Nhiều người?”. “Đúng. Các thầy các cô đều biết ông Toán chỉ kiểm ta giáo án của người khác còn ông ấy lên lớp giảng vo. Năm học nào ông Toán cũng nhận hai, ba học sinh thiếu điểm vào lớp mười. Ông Toán nói các học sinh này thuộc đối tượng buộc trường phải nhận vì đối ngoại. Nào là trường hợp con anh trưởng ban tổ chức huyện ủy; nào là cháu ông phó giám đốc sở... Nhưng đến giữa năm học thì tự các học sinh ấy xì ra phải mất cả chục triệu với ông Toán mới được vào lớp”. “Tại sao khi biết chuyện, các thầy cô không đấu tranh?”. “Đấu tranh thì tránh đâu. Bao nhiêu là chuyện nó nhằng nhịt với nhau trong nhà trường, anh còn lạ gì! Học sinh còn biết thầy Toán nhận tiền của những học sinh thiếu điểm mới cho vào lớp mười. Thầy Toán cá cược bóng đá. Thầy Toán chơi lô đề. Thầy Toán đánh bạc... nữa là các thầy, các cô!”. “Không đạt đợt này thì phấn đấu cho đợt sau, gì mà lo…”

Tôi chưa nói hết câu thì nhà tôi tiếp: “Ông Toán hiếu thắng và gia trưởng. Nhiều khi ông ấy làm việc theo kiểu đặt cái tôi lên hàng đầu mà quên mất mình đang là một hiệu phó. Mấy tháng nay biết sẽ có bỏ phiếu bầu những người đủ tiêu chí về đạo đức, về chuyên môn để đề nghị cấp trên xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân nên ông ấy không những nới lỏng việc kiểm tra giáo án mà còn vận động một số thầy cô trẻ, mới về trường bỏ phiếu cho mình nên càng làm cho nhiều thầy cô không đồng tình”. “Lại có chuyện đó nữa? Thật là ông Toán ơi là ông Toán!”. “Anh cứ như ở trên trời rơi xuống không bằng!”. 

   Nhà tôi bỏ vào phòng trong. Còn lại một mình tôi ngồi phòng khách với những suy nghĩ miên man về những việc nhà tôi vừa nói về Toán. Đầu tôi trống rỗng như vừa mới đánh mất đi một cái gì quí giá mà không biết phải có cách nào để tìm lại được. Thực ra tôi cũng mới biết một số việc vợ chồng Toán làm có nhiều uẩn khuất. Nhưng con người ở thời buổi cơ chế thị trường khó nói với nhau thật. Đó có phải là trái đắng của cuộc sống chúng ta đang tiếp cận chăng?

      Mẹ Toán mất, hôm đó là thứ bảy. Vợ chồng tôi đang hoan hỷ với con gái của mình mới từ Hà Nội về thưa chuyện việc cháu được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở bộ môn Nội của trường đại học y. Bỗng có chuông điện thoại. Tôi nhấc máy lên nghe. Bên kia đầu dây Tâm nói lạc cả giọng: “Anh Hòa ơi! Em Tâm đây. Nguy lắm rồi, có lẽ mẹ em đi anh ạ. Cụ thở dốc lạ lắm. Anh Toán sớm nay đi họp hội đồng nhà trường. Anh ấy tắt máy”.

   Vợ chồng con cái tôi vội vã sang nhà Toán. Trên đường đi, tôi bảo vợ: "Thứ bảy chắc có gì đột xuất nên hội đồng nhà trường mới họp, mình đến trường gọi Toán xem sao".

   Tôi vào đến nhà được một lát thì mẹ Toán trút hơi thở cuối cùng. Vợ chồng Tâm và Mai bò ra khóc. Cha con tôi nghẹn lại, không cầm được lòng. Ông trưởng họ của Toán sợ nước mắt nhỏ xuống thi hài người quá cố nên gạt mọi người ra. Ông vuốt mắt bà khép lại. Tâm, chồng Mai và bố con tôi lau người, thay quần áo cho bà, nắn tay nắn chân cho bà nằm ngay ngắn lại. Con gái tôi lấy cuộn băng buộc hai vai cho bà rồi lấy bông nút vào lỗ tai, lỗ mũi bà. Ông trưởng họ nói lẩm nhẩm mấy câu rồi bỏ ba đồng xu với một nhúm gạo vào miệng bà, lấy tờ giấy trắng phủ lên mặt cho bà.

   Trở ra nhà ngoài, chú bác, họ hàng của Toán, thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo, bà con hàng xóm, học sinh, phụ huynh đến chật nhà. Ông trưởng họ nói với Tâm:

  - Chú gọi cho chú thím Toán một lẫn nữa tôi xem nào. Đã cho người đi tìm chú thím ấy chưa?

  - Thưa ông, đã cho người đi rồi ạ - chồng Mai đứng cạnh Tâm đáp – xe của bác Toán gái đã về đến đầu làng rồi.

   Nhà tôi ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:

  - Thầy hiệu trưởng nói có họp hành gì đâu. Chiều qua ông Toán gọi điện thoại hẹn với hội trên thành phố sáng nay về đánh bài ăn tiền ở nhà ông Thiện hay ông Dy nào đó. Thầy đang cho người đi tìm.

  Ông trưởng họ ngồi xuống giường, đưa tay ra bấm đốt, tính đi tính lại rồi nói:

  - Hôm nay là ngày Thân, tuổi của bà cũng là tuổi Thân. Xem ra thì không được tốt lắm. Mà thôi, chết còn xấu tốt chi. Ta phải nhập quan bà lúc quá Ngọ. Chiều mai ta đưa bà ra đồng. Nếu các chú các thím nhất trí thì ta thỉnh thôn. Mỗi người một việc: Vàng hương. Khăn áo. Trầu cau. Chè nước. Bàn ghế, rạp. Cho người đi mời phường bát âm. Đưa cỗ áo của bà ra lau rửa sạch sẽ đi. Kiếm cho tôi một cỗ bài chấn nhá. Chú thím Toán đã về chưa?

  - Thưa ông mới có bác gái về - Tâm nghẹn ngào – Bác trai chưa về!

  - Cái thằng tệ thật. Họp hành gì cũng không bằng mẹ chết. Thím Toán, thằng cháu Tuấn, vợ chồng chú Tâm, vợ chồng cô Mai và các chú các thím đây ta phải quyết thôi. Cho người đi thỉnh thôn chưa? Nhờ ông trưởng thôn viết cho tờ tin buồn để thông báo trên đài.

  - Dạ có cháu đây - Anh thôn trưởng đến từ khi bà cụ còn hấp hối, giờ mới có dịp lên tiếng - Các cháu thống nhất theo ý kiến gia đình ạ.

    Phải đến hai tiếng đồng hồ sau khi đài truyền thanh xã thông báo tin buồn và chương trình lễ tang bà cụ thì Toán mới về. Nét mặt phờ phạc, thểu não. Áo khuy trên cài khuyết dưới. Toán vào nhà quỳ khóc bên thi hài mẹ...

 

2.       

Vợ chồng Toán ra Hà Nội sau ngày Toán nhận quyết định nghỉ chế độ một tháng. Họ chấp nhận lỗ để bán trao tay căn hộ cao cấp đã đặt tiền trước và mua một căn hộ khác. Khi biết được vợ chồng Toán sắp chuyển ra sống ở Hà Nội, mấy người bạo mồm đã nói thẳng với vợ Toán ở ngay giữa chợ: “Mọi công việc của nhà ông bà xong hết rồi, bây giờ ông bà lại đánh cái bài chạy làng? Giờ mới tỏ cái mặt không thể chơi được!”. Nhưng nhiều đồng nghiệp của Toán, những người lâu nay gần gũi vợ chồng Toán cho rằng vợ chồng Toán ra đi không chỉ vì trốn trả những món nợ tình của bà con chạy đến mỗi khi nhà Toán có ma chay, giỗ chạp, cưới hỏi... Vợ chồng Toán ra đi vì chính họ đã đánh mất những dấu ấn tốt đẹp, nói đúng hơn là lòng tin trong suy nghĩ của mọi người. Với riêng Toán, anh đã để mất nếp sống mô phạm của một Nhà giáo, mà nhẽ ra anh phải gìn giữ nó, dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào...

    Một hôm nhân đi công tác, tôi ghé thăm vợ chồng Toán. Tôi nhấn chuông đổ đến hồi thứ ba mới thấy vợ Toán ra mở cửa cho tôi vào nhà. Toán và con trai đang cắm cúi trên bàn ở phòng khách, say sưa tính bảng lô đề. Phía cuối phòng, trên chiếc chiếu trải ra sàn nhà có cỗ bài tu-lơ-khơ đang được xếp từng bộ đỏ đen. Nhà Toán ở tầng mười bảy, thoáng mát nhưng buồn đối với một gia đình cả hai vợ chồng đã về hưu với một thằng con không có việc làm. Vợ Toán ngày ở quê đã cao huyết áp, khi ra Hà Nội lại bị tai biến, miệng hơi méo, nói không gọn tiếng nên kế hoạch buôn chuyến biên giới của vợ chồng Toán không thành.

   Sau chuyến đi đó, tôi kể lại cho nhà tôi biết tình cảnh của vợ chồng Toán. Nhất là cháu Tuấn vẫn chưa xin được việc làm. Nghe xong, nhà tôi thở dài sườn sượt. Suốt cả buổi chiều nhà tôi cứ hết đi ra rồi lại đi vào làm tôi cũng phát sốt ruột. Đến tối, nhà tôi bảo tôi cùng đi sang nhà ông anh ruột nhà tôi thưa chuyện với ông anh để xin việc cho cháu Tuấn. Anh là giám đốc vườn quốc gia Bén En. Anh đắn đo lắm nhưng cuối cùng cũng nhận cháu Tuấn vào làm trong đội bảo vệ và chăm sóc các cây quí hiếm. Hai vợ chồng tôi mừng lắm, định điện ngay ra cho Toán. Nhưng nghĩ nói qua điện thoại không tiện nên chủ nhật ngay sau đó, vợ chồng tôi ra Hà Nội bàn với cháu Tuấn và vợ chồng Toán. Ban đầu, cháu Tuấn nói là không thích làm việc ở vườn quốc gia, nhất là lại làm cái chân bảo vệ và chăm sóc cây. Chúng tôi phải thuyết phục mãi cháu mới đồng ý. Bây giờ thì cháu đã an cư và đã lấy vợ, sinh con.

    Cách đây hai tháng, vợ chồng Toán xích mích. Toán bực vợ nên đã uống quá nhiều rượu và tối hôm đó bị thủng dạ dày, phải vào cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức. Tâm, Mai cùng với cháu Tuấn ra chăm Toán. Hôm vợ chồng tôi ra thăm thì vừa lúc Toán được xuất viện. Chúng tôi đưa Toán về chung cư. Nhà tôi điện xin với ban giám đốc vườn cho cháu Tuấn nghỉ thêm một tuần nữa để chăm bố ốm. Cơm nước xong, khi sắp ra về thì Mai nói:

  - Mấy hôm nay em và anh Tâm đã bàn với nhau, giờ có thêm anh Hòa, chị Huyền. Chuyến này chúng em mời anh chị Toán trở về quê. Xưa nay người ta vẫn nói là: Anh em như chân với tay! Anh chị còn ở đây ngày nào là các em không an tâm ngày ấy. Anh chị bây giờ đã đến cái tuổi ốm đau nhiều. Thôi thì anh chị ở lại đây thêm một hai tuần để giải quyết bán căn hộ này đi. Nếu chưa bán được, em nghe nói ngoài này người ta nhờ môi giới bán cho cũng được. Phải có anh em, phải có bạn bè, phải có hàng xóm láng giềng khi tắt lửa tối đèn, khi trái gió trở trời - Mai nghẹn lại. Nước mắt cô dàn dụa. Vợ Toán từ đầu vẫn ngồi im, không nói lấy nửa lời, giờ thấy Mai nói vậy thì bật khóc, phân trần:

  - Anh chị Hòa, chú Tâm, cô Mai chưa biết hết đâu. Bây giờ thì tôi cũng chẳng giấu nữa. Có bao nhiêu tiền của dành dụm từ trước đến nay ông Toán nướng vào sàn chứng khoán hết rồi. Của cải dành dụm suốt một đời nay đội nón ra đi thử hỏi ai mà chẳng tiếc. Hôm đó, tôi điên lên, tôi có nói ông ấy mấy câu hơi quá lời. Ông ấy mới hung lên té tát vào mặt tôi rồi phá phách đồ đạc trong nhà. Rồi cứ thế ngồi mà uống rượu gần như thâu đêm. Thành ra tôi cũng có lỗi trong chuyện này. Tôi định giấu anh chị Hòa, chú Tâm, cô Mai. Nhưng không nói ra cũng thấy bứt rứt trong lòng. Xin mọi người bỏ qua cho tôi.

   Toán ngồi ủ rủ trên giường, im lặng. Tâm nhìn Toán, rơm rớm nước mắt:

   - Chuyện bác trai đổ bể vì chứng khoán, lô đề, cá cược bóng đá... bác gái không nói ra nhưng em và cô Mai ra đây chăm bác trai, mấy cô mấy cậu học trò đến thăm bác trai cũng đã nói hết cả rồi. Bây giờ lại có anh Hòa và chị Huyền nữa. Chúng em nghĩ mà đau. Thật là họa vô đơn chí! Nhưng mà thôi. Còn người là còn của!

   Ngừng lại lau nước mắt, uống hết tách nước như để lấy giọng, Tâm tiếp:

  - Hồi tháng giêng, bác trai về quê, anh em cũng đã có bàn. Chắc ra ngoài này bác trai đã bàn với bác gái. Trong nhà đã tu bổ lại nhà thờ. Mấy gian cấp bốn ngày trước mẹ nằm, các em phá đi. Làm khu nhà khác, có một gian bếp rộng, bàn ăn kê bên cửa sổ nhìn ra ao cá. Hai buồng ngủ có vệ sinh khép kín. Mỗi buồng ngủ kê được hai cái giường, một bộ bàn ghế với cái tủ đứng đựng quần áo. Tính là tính cho Tết nhất, giỗ chạp hai bác và các cháu có về khỏi phải lên khách sạn. Giờ thì các em mời hai bác về ở đó cho tiện sinh hoạt. Báo cáo với hai bác là nhà thờ của ta tháng trước có cán bộ của Sở Văn hóa về kê biên đề nghị công nhận là nhà cổ đấy! Hai bác về, nhà thờ còn là nơi tiếp khách của hai bác. Có người ở, khách khứa vào ra, cũng đỡ ẩm mốc, mối mọt. Còn cái nhà đang cho người ta thuê hai bác cứ để vậy. Đột ngột lấy lại làm xáo trộn tội nghiệp người ta. Hơn nữa, hai bác giờ cũng hết cái tuổi kinh doanh rồi. Sức đâu mà kham nổi. Chi bằng để cái nhà cho người ta thuê mỗi tháng kiếm vài triệu thêm vào với khoản lương hưu của bác trai, các em tính cũng đủ để hai bác sinh hoạt hàng ngày. Nhẹ đầu óc. Khỏe cái thân. Mọi khoản, giờ các em xin giao lại để hai bác quản lý, sử dụng. Còn giỗ chạp, tết nhất hai bác cho phép chúng em góp mỗi người một tý, gọi là nhớ đến bố mẹ, tổ tiên. Nói cho cùng, về mặt kinh tế, xa thì không dám nói, nhưng so trong làng ta, anh em mình chẳng ai nghèo túng cả. Hai bác đừng bận tâm! Khi con của cháu Tuấn đi học được thì đưa nó về quê sống với ông bà. Học ở quê để ông nội còn kèm cặp nó. Nhà có trẻ con bi bô thêm vui mà vợ chồng cháu Tuấn cũng an tâm làm việc. Hiện nay xin việc làm khó khăn lắm. Không có bác Huyền bác Hòa, chuyện cháu Tuấn vào làm ở vườn quốc gia chỉ có trong mơ!

      Chúng tôi rời Hà Nội. Mỗi người một tâm trạng riêng.

      Vẫn biết thay đổi tính nết của một con người, nhất là vào cái tuổi xế chiều, là điều khó, nhưng tôi tin rằng, bạn tôi sẽ có đủ bản lĩnh để suy nghĩ lại những chuyện đã xảy ra trong nhà mình, mà định liệu cho những ngày sắp tới.

Nguồn Văn nghệ số 29/2019


Có thể bạn quan tâm