March 29, 2024, 9:20 am

Chuyện người Bahnar ở một vùng đất khó

Gia Lai là vùng đất tụ hợp cư dân của nhiều nơi đến cư trú, lập nghiệp. Đặc biệt từ sau 1975, người các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hà Tây cũ, Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Bình, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phú Yên tụ về sinh sống với số dân hơn 1,5 triệu người.

Cho đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 38 dân tộc anh em khắp mọi vùng miền sinh sống, trong đó có 2 tộc người tại chỗ là Bahnar và Jrai, chiếm hơn 46% tổng dân số, cư trú khắp 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Họ là chủ nhân của một nền văn hóa văn nghệ dân gian độc đáo với đủ loại hình, từ kiến trúc, lễ hội, múa, âm nhạc, điêu khắc, văn học, ẩm thực, nghề thủ công... Người Bahnar phía Đông tỉnh Gia Lai còn là chủ nhân của sử thi (hơmon), loại hình ngữ văn dân gian đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Họ cũng là những người trình diễn cồng chiêng cùng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005, là chủ thể của nghi lễ cúng cầu mưa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia 10 năm sau đó… những kho tàng văn hóa quý giá ấy của đồng bào Bahnar, Jrai trên vùng đất cao nguyên bazan này đã trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu, đề tài phong phú, độc đáo cho bao thế hệ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa khai thác sáng tác, và 10 năm trở lại đây, chính những di sản văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Bahnar, Jrai trở thành tài sản vô giá để cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư ngành văn hóa du lịch tập trung chỉ đạo khai thác theo hướng phát triển ngành du lịch với mong muốn nâng cao đời sống vật chất cho bà con trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mất đi trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

 

Một góc làng người Bahna ở Đak Đoa

 

Ngày đầu tiên đi làm lại sau một tuần nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý, chúng tôi được đi khảo sát một ngọn thác nằm sâu trong rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Xe ô tô khởi hành, chúng tôi bắt đầu nói về những ngọn thác đẹp ở Gia Lai và ngọn thác dân “phượt” mới phát hiện ra ở xã Hà Đông. Khác với những ngọn thác hùng vĩ đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh như: Xung Khoeng, Phú Cường, Chín tầng, Lệ Kim, Kueng O, Đăk Rong, Thác 50, Thác 95… thác Yă Pya còn rất hoang sơ và thơ mộng, thác cách thành phố Pleiku hơn 70km, thuộc địa bàn làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Ngọn thác này khá đẹp, các dòng nước tuôn buông từ đỉnh núi Srưnh xuống với độ cao khoảng 30m, theo các vách đá cổ nhiều tầng, từng dòng, từng mạch nước lan chảy giống những lọn mây trắng lung linh trong nắng. Khung cảnh xung quanh ngọn thác còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng lâu năm. Những người dân địa phương kể rằng, thác đã có từ lâu lắm, xa xưa có một cô gái xinh đẹp, da trắng như nõn chuối rừng, giọng nói thanh trong như tiếng hót chim rừng sớm mai, mỗi lần đi rẫy, đi rừng về nàng thường dừng tắm ở ngọn thác này, trong một lần xuống tắm nàng Pya đã bỏ quên một chiếc khuyên tai ở thác nước; tương truyền cứ vào tháng 10, tháng 11 hàng năm, chiếc khuyên tai của Pya sẽ phát ra ánh hào quang rực rỡ ở giữa ngọn thác, ánh sáng lung linh nhiều màu sắc tỏa sáng cả một vùng rất đẹp khiến bà con dân làng dưới chân núi Srưnh vô cùng ngạc nhiên, thích thú và tin tưởng đấy là điềm lành mà các yang Núi, yang Thác, yang Rừng thể hiện, phù trợ dân làng khỏe mạnh, bình an, no đủ. Từ nhân vật người con gái Bahnar xinh đẹp tên Pya và chiếc khuyên tai phát ánh sáng muôn màu của bà mà đồng bào Bahnar vùng này gọi tên ngọn thác là Yă Pya (nghĩa là thác bà Pya).

Con đường từ trung tâm làng vào chân thác dài khoảng 5km, lên xuống như cánh võng, quanh co khúc khuỷu qua những đoạn suối cạn, những rẫy mì, những rẫy cây bời lời, keo xanh tốt, càng vào sâu trong rừng, chúng tôi càng cảm thấy thú vị khi trên đầu là những tán cây cao lớn tỏa bóng mát rượi, những khóm tre, nứa kết vòm dày kít như chiếc ô khổng lồ che nắng, che mưa cho người trú chân phía dưới, thú vị hơn khi chúng tôi đi qua những con suối nhỏ - nơi người dân tự kết chiếc cầu bắc ngang bằng những thân gỗ bời lời và thân cây cà phê già chằng cột bằng nhiều loại dây rừng bên dòng nước uốn lượn róc rách vui tai, bên cây cỏ, bông lau và những cụm đá lô nhô… Dưới chân bất kỳ ngọn thác nào khi ngước nhìn lên đều có cảm giác chúng thật kỳ vĩ, chúng là sản phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp của Mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người nơi vùng núi đồi cao nguyên. Hiện đang mùa khô lượng nước không nhiều, nhưng từng dòng bạc trắng buông chảy qua tầng tầng vách đá cổ đen sẫm cũng vô cùng hấp dẫn. Xung quanh thác là những khoảng đất trống, tương đối bằng, đủ rộng để người thăm thác trải bạt/chiếu bày đồ ăn thức uống thưởng thức cùng nhau…

Tôi nhớ lại, cách đây 5 năm đã từng đến Hà Đông năm, từng ngủ lại làng Kon Sơ Nglok một đêm trong ngôi nhà rông to của làng, từng uống rượu cần, múa soang và hát đến tận gần 2 giờ sáng với bà con dân làng. Hồi ấy làng nghèo xác xơ, xã chưa phát triển ổn định như bây giờ. Hôm nay trở về Hà Đông đã khác xưa, làng Kon Nak, Kon Ma Har, Kon Jôt, Kon Pơ Dram, Kon Sơ Nglok đã đổi thay nhiều. Hà Đông đang dần thay da đổi thịt dẫu vẫn là vùng đất nghèo khó... Còn nhớ hồi 2015, nghe đi công cán Hà Đông ai cũng ngại, đường vào xã toàn đường đất, lầy lội vào mùa mưa, mù mịt bụi đỏ vào mùa khô, xe cộ đi vào đi ra vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, từ trung tâm huyện đi vào xã hết cả ngày mới tới nơi. Cũng vì không thuận lợi trong đi lại, nên thương mại-dịch vụ ở xã Hà Đông dường như không có, cuộc sống của bà con chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt trên 15 triệu đồng, các khoản như thu thuế môn bài hơn 5 triệu đồng, thu phí và lệ phí 408.000 đồng, thuế giá trị gia tăng gần 3 triệu đồng… Cái nghèo ám ảnh và đeo bám người dân quanh năm. Hôm nay, Hà Đông vẫn là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai với 5.216 khẩu, 961 hộ trong đó 99,9% là người Bahnar và 95% theo đạo Công giáo, với vị trí địa lý xa trung tâm huyện và đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Nhưng 5 năm trở lại đây dưới sự chỉ đạo kịp thời của huyện ủy, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã và tinh thần đoàn kết của nhân dân nên Hà Đông đã đạt được một số kết quả về phát triển kinh tế xã hội. Xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để tăng diện tích và năng suất như diện tích gieo trồng đạt 808 ha, chăn nuôi tiếp tục được phát triển quy mô đàn gia súc. Phong trào triển khai về trồng rừng trên địa bàn xã được người dân hưởng ứng, trung bình 2 hộ thì có 1 hộ tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó có sự tham gia của 2 doanh nghiệp do đó tổng diện tích rừng trồng mới hiện nay là 700ha gồm các cây keo lai, thông, sao đen… để bảo vệ diện tích đất có rừng là 9.948,35 ha/19.536,2 ha. Xã đã chủ động bảo vệ rừng bằng việc giao khoán cho các tổ/đội quần chúng quản lý và bảo vệ rừng. Năm 2019, Hà Đông đạt 9/19 tiêu chí về Nông thôn mới (năm 2014 là 5/19 tiêu chí). Qua xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc, xuất hiện một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao điển hình như trồng cây cà phê ở làng Kon Ma Har có hộ ông Brôt, trồng bời lời có gia đình Đinh Khưur, Đinh Đâm, chăn nuôi bò hiệu quả có gia đình bà Bé, ông Dỗi làng Kon Sơ Nglok... Xã hiện có 03 cấp học Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở. Xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp hàng năm đạt trên 97%. Xã phối hợp với các Trường cao đẳng nghề Gia Lai; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Mang Yang; phòng nông nghiệp huyện Đak Đoa mở 4 lớp: học nghề, tập huấn, hướng dẫn cho 600 lượt học viên nông dân tham gia, chủ yếu là các lớp hướng dẫn chăm sóc cà phê, tiêu, lúa nước, nuôi bò... Mừng nhất là việc thực hiện công tác chính sách xã hội, giờ này 100% hộ gia đình chính sách của xã đã có nhà kiên cố, đảm bảo để ở, không có hộ gia đình chính sách nào là hộ nghèo…

Đồng chí Lương Minh Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông chia sẻ: “Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiều sự kiện chính trị diễn ra trong năm. Do vậy chúng tôi xác định phát huy lợi thế sẵn có, tranh thủ các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ cho ngành nông nghiệp với lợi thế đất đai rộng của xã, thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào xã. Phát huy các thế mạnh của địa phương, như nguồn lao động, đất đai... hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, dược liệu tập trung gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…”. Bao năm qua, dù khó khăn là vậy nhưng tôi thấy người Bahnar ở xã nghèo này thế hệ nối tiếp thế hệ, già trẻ gái trai trước sau một lòng theo Đảng, tin tưởng làm theo Đảng, không nghe theo lời của kẻ xấu xúi giục làm xáo trộn cuộc sống bình an đang có.

Về Hà Đông ngày đầu xuân, được các anh chị em cán bộ xã và bà con Bahnar làng Kon Sơ Nglok dẫn đường đưa đến thác Yă Pya, giữa đất trời, núi đồi, mây nước rạo rực khí xuân, giữa bao tình cảm ấm nồng thân mến của đồng chí đồng nghiệp và bà con dân làng Kon Sơ Nglok, tôi cảm giác tràn đầy năng lượng và trách nhiệm cho những công việc đang chờ. Và tin chắc rằng với sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy chính quyền, các nhà đầu tư… trong tương lai gần thôi, điểm thác này sẽ trở thành một điểm đến du lịch sinh thái phục vụ cho những du khách yêu thích loại hình du lịch khám phá thiên nhiên và thăm làng homestays hấp dẫn của Hà Đông. Khi ấy, bà con Bahnar làng Kon Sơ Nglok và những làng có tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa ở xã sẽ có cơ hội làm dịch vụ du lịch như: lưu trú, dẫn đường, ẩm thực truyền thống, trình diễn văn hóa, văn nghệ dân gian, bán/trao đổi các mặt hàng thủ công truyền thống và các hàng hóa đặc sản nông lâm thổ sản của vùng đất Hà Đông. Khi ấy, bà con Bahnar dưới chân núi Srưnh, bà con Bahnar ở Hà Đông sẽ dần cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần và bảo tồn quảng bá hiệu quả thực sự các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, giảm nghèo bền vững dần vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm