April 26, 2024, 6:10 am

“Chuyện ngõ nghèo” lối cách tân mới vượt lên thời đại

Đó là những nhận định của nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn tại buổi toạ đàm “Chuyện của một thời” với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Châu Diên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vừa được tổ chức  tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace.

Các diễn giả tham gia tọa đàm (từ trái sang): nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Phạm Toàn, nhà phê bình Mai Anh Tuấn
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm "Chuyện ngõ nghèo"

Nguyễn Xuân Khánh là một trong những cây bút gạo cội của nền văn học Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng đình dám như: “Mẫu Thượng Ngàn”, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa”…“Chuyện ngõ nghèo” đã đánh dấu sự trở lại của ông trên văn đàn năm 2017.

Tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” đã tái hiện bức tranh Hà Nội thời bao cấp, rồi từ đó đi tìm cái chất nhân văn thuần nhất trong đời sống con người.Tác phẩm ra đời trong khung cảnh Hà Nội những năm tháng khốn khó, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông ở khắp nơi.

Nhà văn Châu Diên đã có nhận định: “Tôi thấy Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện tình yêu đất nước rất lớn trong tác phẩm này, đó là những rung động trước thiên nhiên, trước những ngóc ngách những cảnh vật chốn quê hương ‘Tôi đi dưới những vòm cây, tôi đi giữa rừng Hà Nội, những cây bàng, cây me, cây sấu, cây phượng còn mang những kỷ niệm thời trai trẻ….’.”

Không chỉ là tình yêu nước, tiểu thuyết còn khắc họa những tính cách – những khuôn mặt người. Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ “nghệ sĩ”, đặt cho lợn những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm… Một giáo viên dạy sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một Bách khoa lợn, và đưa ra những khái niệm mới mẻ chưa từng: Bái trư giáo, Trư luận, Trư học. Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý. Hài hước mà rờn rợn, “Chuyện ngõ nghèo” là một cuộc giễu nhại lớn, ném ra một cật vấn đau đáu về bản tính con người.

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Chuyện ngõ nghèo là tác phẩm thành công của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi sử dụng những cách tân mới vượt lên thời đại. Ông sử dụng mạnh tay những biểu tượng mang tính hiện đại như lợn -  người, người - lợn, có sự xuất hiện của thời mạt thế, sự biến chuyển của đời sống xã hội và nhân cách con người. Đặt tác phẩm trong thời kỳ những năm 80 tác giả đã đưa ra những  nhận định mới về cải cách ruộng đất. Nguyễn Xuân Khánh cũng nhìn thấy cái ác nổi lên bắt nguồn từ những người nông dân không học thức nhưng được bơm vào quyền lực vô hình giống những tên đồ tể suy giảm nhân cách. Việc sử dụng các biểu tượng đã làm tác giả vượt qua rào cản để phân tích về xã hội và con người những năm 80. Lối viết của ông đạt đến chiều sâu tư tưởng. Phẩm chất trí thức của Nguyễn Xuân Khánh cũng được thể hiện rất rõ trong “Chuyện ngõ nghèo”, ông cũng là nhà khảo cứu văn hóa, có sự trải nghiệm với đời sống xã hội lúc bấy giờ, cảnh báo con người có thể trở lại thành độc tài. Nguyễn Xuân Khánh đã chạm đến vẫn đề cốt lõi về tha hóa nhân tính trong người, đó cũng là nỗi lo lắng của những trí thức đương thời, bó hẹp về tư tưởng và không gian sống làm nhân cách của con người cũng trở nên méo mó.Tác giả chạm đến cái nhìn khoa học về tâm lý học đám đông và tiểu thuyết đạt đến đổi mới về lối thuyết và cách nhìn đời sống xã hội, nhân cách con người.”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng cho biết: “Từ những năm 1968 tôi đã kiên quyết phải đi tìm cách biểu hiện mới, khi viết tôi không câu nệ gì nên thể loại tôi viết có thể là bút ký, hoặc có tính truyền thống hoặc hồi ký, thẩm vấn, nhưng tất cả là sự thật cuộc đời tôi. Ý thức là có và học được chừng nào thì ứng dụng chừng đấy, thành công đến đâu thì ta phải xem phản ứng của độc giả. Viết về dòng cảm xúc thì chỉ có thể viết một lần, không bao giờ xảy ra lần hai, ngày nay viết thế này thì ngày mai lại viết khác vì vậy tôi viết để ghi lại, văn học không thể chờ, nếu ý tưởng thôi thúc, khao khát thì mình cứ làm đừng bao giờ để đến ngày mai.”.

 

Minh Phượng


Có thể bạn quan tâm