April 26, 2024, 12:27 am

Chuyện một nhà văn trẻ

Ngày 14/1/2020, Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức Tổng kết công tác cả năm và Lễ kết nạp Hội viên mới năm 2019 tại Trung tâm Hội nghị thuộc Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ông là một Hội viên được kết nạp hôm đó. Hay tin, tôi tìm đến ông chúc mừng. Ông cười điềm đạm tiếp khách. Qua câu chuyện, tôi nhận ra nhiều điều không giống ai của vị “Nhà văn trẻ” này.

Viết ba quyển sách nhận liền 3 giải thưởng

Nhà văn Phạm Minh Hằng

Sau nhiều đo đắn, cuối cùng vào ngày đầu mùa hè năm 2014, ông chính trước ngồi vào cái bàn nước của bộ xa lông gỗ lát cũ kỹ viết những trang bản thảo đầu tiên của quyển tiểu thuyết đầu tay ông đã đặt sẵn tên là Mạch ngầm. Chưa từng viết Văn mà khi cầm bút đã bập viết ngay thể loại Văn xuôi được coi là trọng pháo của Văn học, liệu có điếc không sợ súng? Ông cười bảo, thì cụ Nguyên Hồng chỉ học hết Tiểu học đã viết được tiểu thuyết Bỉ vỏ nổi tiếng ngay khi cầm bút viết Văn, lại viết lúc mới 16 tuổi. Cụ là đấng bậc Văn chương vĩ đại, mình là hậu sinh, noi gương cụ mà thử bút xem con người mình có chút Văn chương nào không, có thì viết tiếp, không có thì buông hẳn bút để khỏi mất thì giờ và tổn hao công sức vào việc không đâu của bản thân mình và một số người. Kết cục, ông viết được tiểu thuyết Mạch ngầm dày 326 trang in khổ 13x19 cm sau hơn bốn tháng cặm cụi cầm bút trong căn hộ chật chội thuộc khu nhà Chuyên gia sông Đà. Tháng 7/2014, viết xong bản thảo lần một, buông bút nghỉ ngơi sau đó ngồi đọc lại và sửa chữa đến 30/3/2015 hoàn chỉnh tiểu thuyết và thuê đánh máy. Vừa hay Hội Nhà văn và Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác Văn học, ông gửi một bản Mạch ngầm dự thi. Đầu tháng 8/2015, ông nhận giấy báo về Hà Nội lĩnh giải Ba (không có giải Nhất) thể loại tiểu thuyết dành cho Mạch ngầm. Có niềm vui Văn chương đầu tiên khích lệ, ông hào hứng viết tiếp. Lần này ông viết truyện ngắn. Viết loạt truyện mới và xem lại, sửa chữa, viết hoàn chỉnh mấy cái truyện ông đã thử viết trước đây nhưng bỏ dở. Cũng mất mấy tháng mới xong được mười truyện ngắn ưng ý để dồn làm tập, đặt tên là Đêm sông Hồng lộng gió. Vừa đánh máy xong tập truyện thì lại gặp dịp Hội Nhà văn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi sáng tác Văn học. Thêm may mắn nữa là tập truyện được Công ty Sách và Thiết bị thư viện nhận in và phát hành bằng giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Cũng chính Công ty này đã xuất bản tiểu thuyết Mạch ngầm sau ngày ông nhận Giải thưởng vào quý 4/2015. Và thật vui và bất ngờ, ngày 7/7/2017, ông nhận giấy mời về Hà Nội lĩnh Giải thưởng tặng cho tập truyện Đêm sông Hồng lộng gió.

Viết một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn được nhận hai Giải thưởng, cả hai quyển sách được in và phát hành mà không phải bỏ một đồng nào để in sách, ông thấy vui và tự tin, định nghỉ một thời gian rồi viết tiếp, nhưng anh trai ông bảo phải viết tiếp quyển nữa để có cơ vào Hội Nhà văn. Thì viết. Ông soạn sửa bút, giấy, ngồi vào bàn. Lại viết mấy tháng cặm cụi ngày đêm, ít được chơi đùa cùng cháu nội, cũng chẳng đi đâu xa, để có được quyển tiểu thuyết thứ hai đặt tên là Vời vợi miền Tây. Vẫn Công ty Sách và Thiết bị thư viện nhận in và phát hành Vời vợi miền Tây vào quý 4/2019. Nhận sách bản quyền, ông mang tặng và báo cáo Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình. Lãnh đạo Hội cho hai triệu tiền đầu tư sáng tác và gửi sách báo cáo về Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Và bất ngờ, phải, lại thêm bất ngờ, đầu xuân năm 2021, ông nhận Giấy báo và mời của Liên hiệp về Hà Nội nhận giải thưởng tặng cho tiểu thuyết Vời vợi miền Tây.

Vậy là, viết ba quyển sách, ông được nhận ba Giải thưởng Văn chương, đó là chuyện hiếm thấy, có thể nói chưa từng có của vị “Nhà văn trẻ” này.

Chuyện vào Hội Nhà văn. Chuyện Nghề và Nghiệp

Sau khi lĩnh Giải thưởng tặng cho tập truyện ngắn Đêm sông Hồng lộng gió, ông làm hồ sơ và nộp đơn xin gia nhập Hội Nhà văn. Quả thật là ông có hồi hộp chờ, nhất là khi ông nhận tin ông đã được Hội đồng Văn xuôi của Hội do Nhà văn Lê Minh Khuê làm Chủ tịch ủng hộ với tỷ lệ phiếu cao. Ông bảo:

- Nói gì thì nói, một khi đã cầm bút viết văn thì việc gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam là cái đích phải đạt tới đối với các tác giả.

- Vâng! Trường hợp của bác, viết là được in, lại được Giải thưởng như thế, việc vào Hội Nhà văn là ngon lành rồi.

Nghe tôi nói, ông cười, lắc đầu:

- Nhiều người biết tôi nộp đơn xin vào Hội cũng nói như anh, vậy mà, sự thật thì…

- Thì sao, bác?

- Cuối năm 2018, Ban chấp hành Hội Nhà văn xét kết nạp Hội viên mới, tôi bị loại!

- Bị loại? Sao lại thế? Liệu có chuyện gì đó…

- Chuyện ngoài Văn chương, ý anh muốn nói thế phải không? Thú thật, khi biết mình không được kết nạp, tôi bần thần tìm lý do, và cũng đã có lúc ngờ ngợ như anh. Nhưng ông anh tôi, người luôn thúc giục, khuyến khích tôi viết văn thì cau mặt gạt đi. Và ông anh đưa ra hai bằng chứng. Một là, ông được vào Hội từ năm 1990, lúc đó ông chẳng biết những ai trong Ban chấp hành, đến Văn phòng Hội nộp hồ sơ, nộp sách rồi về, không phải làm thêm bất cứ việc gì mà được kết nạp. Trường hợp thứ hai, ông anh tiến cử hai bạn viết trẻ: Tạ Bảo ở Hà Nội và Nguyễn Văn Khôi ở Hải Hậu, Nam Định, Hai tác giả này đều đã in mỗi người bốn đầu sách văn xuôi. Năm ấy đã bước sang thế kỷ 21, dư luận về chuyện tiêu cực trong kết nạp Hội viên đã lan rộng, để giúp hai cây bút viết khá mà ông anh tôi quý mến như hai thằng em chắc suất kết nạp, ông anh tắc lưỡi, tự làm hai cái phong bì đến gặp Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đề nghị quan tâm đến Tạ Bảo và Nguyễn Danh Khôi, và trước khi đứng lên, đã lấy ra hai phong bì đưa cho Nhà thơ - Chủ tịch, nói là hai cậu ấy không đến được, nhờ tôi mời anh cốc bia. Nhưng, hai lần đưa phong bì là hai lần bị trả lại, đến lần thứ ba thì ông Hữu Thỉnh cau mặt cầm hai phong bì nhét mạnh vào túi áo ông anh tôi, giọng vừa xẵng vừa tha thiết: “Ông ơi, đừng làm thế này, đừng để người ta nghĩ xấu về chúng mình!”. Kể hết chuyện, ông anh tôi bảo: Giờ là việc chú phải làm nếu muốn vào Hội. Ông Thỉnh bảo tôi nói với chú: chú hãy viết thêm một quyển sách nữa, viết được, in được thì chú sẽ được kết nạp. Vừa rồi chú trượt là vì có ý kiến cho rằng chú còn mới quá, thời gian phấn đấu còn ngắn quá, mới có 4 năm viết lách, cho dù 4 năm viết một tiểu thuyết và một tập truyện đều được in và được giải của Hội. Những ý kiến có phần khắt khe nhưng cũng có lý đấy. Thôi, chú hãy nghe anh, phải viết cuốn sách nữa, rồi vào Hội. Văn chương là chuyện cả đời, chậm vào Hội một năm có là gì! Chú biết đấy, anh viết 27 năm mới được vào Hội.

- Và bác nghe ông Hữu Thỉnh, nghe lời động viên của anh trai, lại ngồi vào bàn?

- Phải nghe thôi. Hai ông bác nói có lý mà. Thế là tôi ngồi vào bàn viết, lại nhăn trán nhớ lại những con người, những câu chuyện đã gặp trên đường đời và gặp trong sách báo, cả chuyện của chính bản thân mình nữa. Lại tự đày mình, đánh vật với con chữ suốt mấy tháng trời, đày mình vào những đêm thức trắng; viết, xóa, lại viết và xóa; cuối cùng viết được quyển tiểu thuyết thứ hai Vời vợi miền Tây. Và, sách lại được công ty ông Phạm Viết Thực in và phát hành, trả nhuận bút bằng hơn trăm quyển tiểu thuyết. Thế là có sách nộp cho bác Thỉnh, cho Ban sáng tác Hội Nhà văn và nộp cho Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình. Rồi Vời vợi miền Tây được Liên hiệp trao giải, và tôi được kết nạp vào Hội đúng như lời bác Hữu Thỉnh nhắn bảo.

- Bác giỏi quá! - Tôi vui, buột lời khen thì ông xua tay:

- Không đến mức thế, vừa vừa phai phải thôi. Ba Giải thưởng mình được nhận đều không ở hạng Nhất, Nhì mà. Ừ, anh nói cũng đúng, có lẽ không nhiều người cầm bút viết ba quyển sách được tặng liền 3 giải thưởng đâu nhỉ. Phải, đấy là niềm vui, là động lực để mình yên tâm theo đòi Văn chương. Không đâu, theo tôi Văn chương chỉ là cái Nghiệp, không phải là Nghề. Nghề là loại công việc cho ta việc làm và cho ta thu nhập không chỉ nuôi sống ta mà có thể nuôi cả vợ con ta. Nghề của tôi là lái xe ô tô, suốt mấy chục năm tôi cầm vô lăng cùng ô tô đi đây đi đó, tôi có lương nuôi tôi và vợ con tôi, giờ nghỉ hưu, tôi vẫn có lương hưu của nghề ấy, sống ung dung, thanh thản. Còn Nghiệp Văn chương tôi vừa dấn thân, cho tôi niềm vui viết sách, niềm vui bày tỏ những gì tôi đã nghe, đã thấy, đã trải suốt bao năm trên đường đời, để tôi có thêm những người bạn mới, bạn viết và bạn đọc, những bạn bè tôi sẽ chẳng bao giờ có nếu tôi không theo Nghiệp mới này. Nhân đây, anh viết để nói dùm tôi tấm lòng tri ân của tôi với Nhà thơ Hữu Thỉnh và các anh trong Ban chấp hành Hội, với chị Lê Minh Khuê, anh Nguyễn Văn Thọ và các anh Văn Chinh, Đức Ban, Dương Hướng, Bảo Minh, Trần Nhã Thụy. Chị Khuê và các anh đã ủng hộ và khuyến khích tôi để tôi yên tâm theo Nghiệp Văn chương, khi bỏ lá phiếu cho tôi được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam! Tôi cũng cảm ơn Công ty Sách và Thiết bị thư viện đã làm “bà đỡ” mát tay cho ba quyển sách của tôi.

Tự sự của Nhà văn

Tôi sinh năm Hợi (1947), cầm tinh con lợn, theo tử vi bảo nhàn hạ, nhưng thật ra tôi vất vả từ bé. Mới ba tuổi đã mồ côi bố, cùng ông anh trai thứ tám sống nép vào nách bà mẹ vất vả tảo tần nuôi con. Nhờ mẹ ép buộc mà anh em tôi được học hành, nhưng rồi cả hai anh em phải bỏ dở sự học, quay về làm ruộng. Xin đi bộ đội, đi công nhân không được, ông anh tôi nuôi chí Văn chương ngay từ mùa hè 1963. Tôi sau tám lần đi bộ đội đều bị trả về, liền xung phong đi Thanh niên xung phong sang Lào mở đường, rồi được đơn vị cho đi học lái ô tô. Học giỏi, lái giỏi, vì tôi rất thích nghề lái xe ô tô, vậy mà vì hoàn cảnh lý lịch, phải mất bốn năm trắc trở, thậm chí có lần bị trả về quê vì lý lịch, tôi vẫn không bỏ nghề, vượt qua ba cuộc thi và có sự giúp đỡ của một anh Thiếu tá công an tốt bụng, tôi mới có được tấm bằng để theo nghề lái xe gần trọn cuộc đời làm công ăn lương. Giờ tôi lại theo đòi Nghiệp Văn chương, bản thân sẽ có niềm vui sáng tạo trong tuổi già và coi như có thể có đóng góp chút hữu ích cho đời. Xin nói thêm điều này: Với tôi, những gì tôi đã và đang có đều có sự chăm lo hết lòng của mẹ tôi và của anh trai tôi. Đúng, cái Nghiệp Văn chương và danh xưng Nhà văn Phạm Minh Hằng tôi mới có cũng là công sức anh tôi giúp đỡ. Anh là bạn đọc đầu tiên, cũng là người biên tập đầu tiên các tác phẩm của tôi. Vâng, anh là Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, người đã thân quen với nhiều bạn viết, bạn đọc; một người anh trai thân thiết, và từ ngày mẹ tôi mất, anh trai tôi là lá bùa hộ mệnh của đời tôi!

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm