March 28, 2024, 8:31 pm

Chuyện làng Còi

Đoạn sông Nguồn đoạn chảy qua làng Còi lưu lượng lớn gấp đôi nhờ hợp lưu với sông Vân. Vào mùa mưa lũ, nó chẳng khác một hung thần lao thẳng vào hông làng, tạo nên cái vụng Thủy Thần sâu thăm thẳm. Mỗi năm vài ba mạng người xấu số bị nó nuốt chửng. Mỗi lần nghe tin dữ, bà tôi lại ngồi bần thần hướng ra nẻo bờ sông, nhắm mắt rì rầm tụng niệm: Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…

Lớn hơn một chút, bọn chúng tôi ngỗ nghịch thách nhau: Đứa nào dám bơi qua vụng Thủy Thần, sẽ được tôn làm đại ca. Tất cả đều lắc đầu. Đến chú Mới có tài lặn ngụp như con rái cá cũng lè lưỡi cảnh cáo: Đừng dại dột thế!

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Chả ai biết tung tích chú Mới ở đâu. Nghe bà nội kể: Thuở tôi chưa ra đời, cơn bão Kỷ Tỵ năm đó lớn chưa từng thấy đổ bộ lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, ông nội tôi đội mưa chạy ra bờ sông. Lạy Thánh mớ bái, ngôi miếu còn nguyên nhưng một người dúm dó, run cầm cập đang nằm co quắp. Người ấy xưng tên là Mới, làm thuê trên con thuyền buôn bị bão đánh đắm giữa ngã ba Độc Bộ đêm qua. Ông tôi mở cửa miếu, cho anh ta vào trú rét. Lại sai người tức tốc mang đến một bộ quần áo với một liễn cơm nóng, giục ăn đi, mọi sự tính sau. Từ đấy, chú Mới xin làng cho ở lại trông coi nhang khói ngôi miếu Thủy Thần.

Người làng Còi bao đời nay quần tụ bên trong con đê hữu ngạn sông Nguồn. Bên ngoài đê nổi lên một doi đất mênh mông, mỗi năm được bồi thêm một lớp phù sa nên đất mầu mỡ hơn hẳn những thửa ruộng tư điền trong làng. Doi đất không vào sổ địa bạ nên không phải đóng thuế. Làng chia cho mỗi mỗi suất đinh mấy sào trồng dâu. Những dịp đầu xuân, những ruộng dâu mơn mởn chồi non lộc biếc. Từ sáng sớm cho đến tối nhá nhem, không lúc nào vắng bóng các bà, các chị áo nâu yếm thắm, rì rầm trò chuyện, vin cành hái lá, thấp thoáng trong bóng mát những lùm dâu cao rợp đầu người.

Từ bé tôi đã nhiều lần theo ông nội ra miếu Thủy Thần. Lưng miếu dựa thân đê, tường miếu ám rêu xanh mốc, mái ngói cũng rêu phong, ba khuôn cửa mặt tiền sơn đỏ hướng ra gốc đa Thủy Thần, kế bên miệng giếng Vàng. Lạ kỳ, mùa lũ, nước sông Nguồn ngầu đục, nước trong lòng giếng Vàng vẫn trong văn vắt. Pha ấm nước trà, nấu nồi rượu nếp, không dùng nước giếng Vàng, mất ngay hương vị đậm đà đặc sản làng Còi. Cây đa Thủy Thần to cỡ chục người ôm. Chú Mới nói với riêng tôi: Mày phải kín miệng đấy, trong lòng thân cây ấy rỗng như một gian buồng kín, có thể chứa nổi mấy người ăn ngủ trong ấy. Tao đã chui vào khám phá rồi. Chú chui vào bằng lối nào, Tôi chả biết.

Từ hồi mẹ chửa sinh ra tôi, trên bến đò làng đã hiện diên cái quán nước bà Thâu nằm lọt thỏm trong lòng cây đa Thủy Thần. Quán được quây kín ba mặt bằng những chiếc rễ chằng chịt đan chéo vào nhau như ba bức vách, mặt còn lại được giới hạn bởi hai rễ đa dựng đứng như hai khúc chân voi, tạo thành một khung cửa vuông vắn quay ra hướng sông Nguồn. Hằng ngày, bà Thâu nâng cánh liếp đón khách chờ đò ngồi nghỉ. Tối đến, cái quán độc nhất vô nhị ấy chỉ cần kéo sập tấm liếp xuống đã kín đáo, vững chai cứ như là thiên nhiên ưu ái tạo dựng riêng cho bà Thâu và cô Thủy vậy.

*

 


Có thể bạn quan tâm