March 29, 2024, 9:29 pm

Chuyện làng chưa cũ

Bây giờ thì lão Sự lẫn thật rồi, hàng ngày, lão thường đi dọc theo hành lang chung cư nơi mình ở và nói chuyện một mình. Thỉnh thoảng lão lại gõ cửa nhà một ai đó. Khi chủ nhà ra mở cửa, lão thường hỏi: “Miếng ruộng trên Đồng Léc năm nay ông tính gieo giống lúa gì?

Năm nay vào tiết Tiểu Mạn có lũ to đấy, tôi thì gieo giống ngắn ngày, xanh nhà hơn già đồng”, hay: “Cái vườn chuối sát bờ sông nghe bảo vào quy hoạch thành phố ven sông đấy, các ông các bà phải có ý kiến đi chứ, đó là hồn làng mình, tôi được tượng hình ở đó đấy, và làng mình cũng có biết bao người như thế, trăng thanh gió mát, tàu chuối nẫy đành đạch, toàn ra những đứa khôn”.

Biết là lão bị lẫn, người ta chỉ nói qua loa dăm ba câu rồi đóng cửa, nhưng cũng có những gia đình vợ chồng trẻ mới về đây mua nhà, họ bực bội thực sự vì thỉnh thoảng giữa trưa, lão gõ cửa mời họ sang uống nước chè xanh, có khi thì sáng sớm tinh mơ, vợ chồng đang êm giấc hay làm dở tiếp cú chót trước khi đến công sở để ngủ thì bị tiếng gõ cửa của lão quấy rầy.

Không nói được với lão, người ta gọi con lão là ông Hách ra nói chuyện. Chẳng còn cách nào khác, anh Hách phải nhốt cha ở trong nhà, không cho đi lang thang ngoài hành lang nữa. Bị nhốt trong nhà, lão lại càng nhớ làng hơn, lão thường than thở: “Chẳng biết lão Khúng - bạn nối khố của lão - dạo này bận rộn gì mà chẳng thấy đến chơi”; “Tháng Tám này là giỗ bà chúng mày đấy. Khổ! Làng đã có nước giếng, nhưng cứ nhớ mãi bờ sông với vườn chuối nên cứ gánh vò ra lấy nước, trượt chân… cả đời bà chúng mày ăn gió nằm sương, làm giỗ cho nó tươm tươm các con nhé”. Biết lão lẫn nên con cháu chỉ cười.

truyen du thi: chuyen lang chua cu hinh anh 1

Không ngờ lão Sự lẫn nhanh thế, mới ngày nào khi còn ở quê, da dẻ lão còn đỏ au au, đồng trên ruộng dưới lão vẫn cày bừa phăng phăng như thanh niên, trong lúc những thửa ruộng xung quanh người ta cày bằng máy, riêng lão và lão Khúng thì cứ con trâu đi trước, cái cày theo sau như ngàn đời nay dân quê lão vẫn làm. Người làng bảo hai lão hâm. Kệ! Hâm mà được như hai lão cũng khối người thèm. Hâm mà lão Khúng có cả một cơ ngơi vườn ao chuồng như thế này à? Hâm mà lão Sự có đứa con giàu có sống trên thành phố à? Hâm mà được ngồi xe hơi mát lạnh, lên phố thì được ở nhà lầu à? Hỏi cả cái làng này ai đã được như hai lão?

Lão Sự được sinh ra trong cái lò gạch cũ đứng chơ vơ giữa đồng. Lớn lên không biết mặt cha, nhưng những câu chuyện kể về cha thì lão nghe thuộc đến nằm lòng. Chuyện về cha gã chủ yếu là những chuyện không hay, như là thói nghiện rượu; càn quấy; trộm chó; bắt mèo; chửi làng; phá xóm; vặt râu văn nghệ sĩ… chuyện gì cha lão cũng dám làm và làm được cả. Ngày còn nhỏ, lão sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng. Lớn lên đi học lại bị lũ bạn học trêu chọc là thằng không cha, con của đứa dở người. Lão căm, lão tức. Thừa hưởng máu liều của cha, lão lao vào đánh chúng nó, thế là bị đuổi học. Đuổi thì ở nhà, có sao đâu, cha mẹ lão cũng có học hành gì đâu thế mà vẫn sống.

Dù bị ghẻ lạnh và xa lánh, nhưng trong thâm tâm, lão vẫn nghĩ, nói gì thì nói, cha lão cũng là một anh hùng hảo hán của làng. Với thế lực của bọn quan làng như thế, tầng tầng áp bức như thế, mà cha lão dám chửi vung tí mẹt lên, lại còn dám xách dao đi xin tiền, cần thiết thì xin tí tiết bọn cường hào. Hỏi rằng đời nay đã mấy ai dám. Anh hùng là biết vượt qua nỗi sợ hãi để làm những việc phi thường, chiếu vào đó thì cha lão là anh hùng quá đi chứ. Việc phi thường cuối đời của ông là dám đâm một nhát chí tử vào cái cường quyền, đâm một nhát chí tử vào cái mà gọi là vùng an toàn, vùng cấm. Vẫn biết rằng bạo lực sẽ gọi bạo lực đến, nhưng hỏi rằng nếu không có cái chết của quan làng và của cha lão, thì người làng có chịu thức tỉnh không? Hay vẫn cứ u mê làm con cừu cho người ta xén lông? Làm con trâu cho người ta dễ dàng cài cái ách lên cổ, suốt đời cần mẫn cúi đầu kéo cày làm ra hạt lúa củ khoai cho người ta hưởng, còn bản thân mình chỉ được ăn rơm, ăn rễ mà thôi ?

Lớn lên, tính lão ngang tàng nên cũng ít bạn chơi, chỉ có lão Khúng là thân thiết. Lão Khúng là người vùng khác đến làng lão lập nghiệp, không đất đai ruộng vườn nên ban đầu ở ngụ cư gần nhà của mẹ lão sát bờ đê. Dân ngụ cư bị khinh ghét, lão Sự cũng bị khinh ghét nên hai lão chơi thân với nhau. Rồi đến thời đình chiến, đơn vị bộ đội rút đi khỏi cái lò gạch cũ nơi lão được sinh ra, chỗ ấy thành đất vô chủ, hoang hóa, chỗ thấp chỗ cao, ao đầm ngút ngàn lau lách và cỏ dại. Chắc nhờ trăng thanh gió mát nên vợ chồng lão Khúng có nhiều con, cha con rủ nhau ra đất lò gạch khai hoang phục hóa. Đất đai màu mỡ đã bị người ta đào lên lấy nung gạch hết, khu lò gạch chẳng khác gì một vùng đất chết, chẳng ai nhòm ngó tới. Lão Khúng rủ lão Sự cùng ra đó khai hoang. Khi nghe lão Khúng rủ, lão Sự đã cười nửa miệng mà rằng: “Cả đời tôi muốn quên đi cái chốn ô nhục đó mà không được, ông còn rủ tôi ra đó để gắn bó suốt đời à?”.

Không rủ được bạn, lão Khúng vận động vợ con ra làm. Chỉ bằng cây cuốc và bàn tay đầy chai sạn, cha con lão Khúng chẳng kể ngày đêm, biến vùng đất hoang thành lúa, thành cá. Chỗ sâu không thể cải tạo thành ruộng, lão Khúng cho chặt hết lau lách rồi cải tạo thành ao nuôi cá, chỗ vừa thì xe đất trên núi về lấp để làm vườn, chỗ nông cha con kéo cày thục cho đất nhuyễn để cấy lúa. Ngày còn hợp tác xã, cũng đã mấy lần người ta vận động cha con lão Khúng vào hợp tác, nhưng lão nghĩ rằng, chỗ đất đai ruộng vườn lão khai hoang phục hóa cũng đủ nuôi sống cả nhà, nên chẳng vào hợp tác để làm gì, con cái lão đã phương trưởng cả, nhân lực dồi dào, cứ tự sản tự tiêu, tự do mà hưởng trăng thanh gió mát là tốt nhất, nghĩa vụ với đất nước cứ đóng đủ là được. Lão không vào hợp tác, tách khỏi tổ chức, người ta coi gia đình lão như những người thừa. Tính lão gàn, kiên quyết không vào hợp tác, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lão cũng đóng góp cho nước nhà hai liệt sĩ. Còn đứa con một của lão Sự thì được lên tỉnh học.

Tuy không ra khai hoang cùng lão Khúng, nhưng những đêm trăng thanh gió mát, lão Sự và lão Khúng vẫn thường cùng nhau ra bờ ao ngồi nhâm nhi chén rượu nhạt trong tiếng cá quẫy đớp trăng. Cũng đã không ít lần, lão Khúng tính gả đứa con gái út của mình cho con trai lão Sự là anh cu Hách đang theo học trên tỉnh. Biết ý đó, lão Sự thấy mừng vì gia cảnh nhà lão vốn đơn chiếc, lão sinh ra đã không biết mặt cha, bước vào tuổi thanh niên thì mẹ mất, vợ chồng lão cũng chỉ có được một mụn con nối dõi, nếu có được đứa con dâu ở làng lại là con của lão Khúng thì còn gì bằng.

Nhưng trời chẳng chiều theo lòng người, anh cu Hách sau khi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, đã ở lại trên tỉnh, đã mấy lần lão Sự nài nỉ con về quê lập nghiệp nhưng anh cười mà rằng: “Không lẽ mất bốn năm học Đại học Xây dựng, con lại về làng để xây chuồng trâu, nhà cấp bốn và… lò gạch à?”. Lời anh Hách nói, nhất là mấy chữ cuối câu anh nói vóng lên, như một nhát dao đâm xuyên tim lão Sự. Lão biết, con lão rất dị ứng với thành phần xuất thân, nên ngay từ nhỏ tự nó đã cắm mặt xuống mà học, nó học trong sự tức tối và học để đổi thay, để rũ bỏ cái quá khứ lò gạch mà cha ông để lại.

Ra trường được mấy năm, trúng được mấy cái hợp đồng tốt, anh Hách phất lên nhanh chóng và điều may mắn hơn là anh lấy được cô vợ con nhà thầu khoán quyền thế trên tỉnh, cuộc đời anh cơ bản đã sang trang. Anh ít về làng hơn, thỉnh thoảng thương cha nhớ mẹ thì cho người về mời cha mẹ lên thành phố chơi. Khi mẹ anh không may cảm mất đột ngột, sau khi lo ma chay chu toàn, một đêm hè tàu chuối nây nẩy hứng tình, anh Hách đã châm lửa đốt ngôi nhà tranh của cha mẹ rồi sau đó rước cha lên thành phố nuôi. Đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, với xóm, với làng. Mảnh đất chó nằm thừa đuôi của lão Sự sau một thời gian bỏ hoang, làng cho xây lên đó một ngôi trường mẫu giáo nho nhỏ, ít cô ít trò.

*            *           *

Giờ lão Sự lại bị lẫn, nhưng kể cả khi không lẫn, khác với ngày còn trẻ là muốn chối bỏ quá khứ, gốc gác của mình. Giờ đây khi đã về già, mọi câu chuyện của lão đều gắn với làng, đã nhiều lần lão xin với con cho lão được trở về làng để sống, lão không muốn làm người tù giam lỏng ở chốn thị thành, lão muốn con lão mua lại mảnh đất mà người mẹ khốn khổ của lão đã từng ở, nếu không mua lại được miếng đất ấy, thì về thương lượng với lão Khúng xin mua lại một mảnh đất nhỏ trên nền lò gạch cũ, xây lên đó một ngôi nhà nhỏ để lão sống nốt những ngày cuối đời.

Những ngày đầu khi nghe cha nói ra nguyện vọng của mình, anh Hách đã không thể kìm nén được sự tức giận, đã không ít lần anh to tiếng với cha, nhưng càng ngày, khi tuổi đời và sự từng trải đã đủ, anh không còn thấy tức giận nữa. Đặc biệt là khi mấy đứa con anh đã khôn lớn, chúng nó cũng hùa vào với ông nội, muốn có một chốn neo quê để đi về. Nhưng với những ký ức ngày xưa, những câu chuyện kể về ông nội luôn ám ảnh anh Hách, cả một đời anh chỉ muốn giũ sạch cho hết mọi quá khứ, cắt đứt sợi dây kết nối với quê hương. Anh đã mua đất ở công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng rồi về quê chuyển mộ ông bà nội cùng mẹ anh lên đó. Dự kiến là sau này khi bố mất, anh cũng đưa lên công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng để được nằm cùng những nhân vật tai to mặt lớn, những con người lắm bạc nhiều tiền.

Khi còn sống, ông bà nội anh một đời khốn khó, nhưng giờ đây, ở chốn ấy, ông bà nội sẽ là cư dân của những người danh giá. Khi còn sống, đất đai nhà cửa của ông bà nội anh có bán đi tất cả thì cũng không đủ mua một mét vuông đất ở nghĩa trang Vĩnh Hằng, nhưng giờ đây ông bà và mẹ anh đã là cư dân của khu nghĩa trang Vĩnh Hằng, cũng mộ xây, cũng lát đá hoa cương, cũng tiêu chuẩn đất đều chằn chặn như nhau, cùng nhìn về một hướng. Hướng đó có đức Phật, có những điều thiện lành, cho dù những người nằm dưới mộ đã không ít lần phạm phải những điều ác, cả vô tình cả cố tình, cả vì ngu muội, cả vì quá khôn ngoan lọc lõi và cơ hội. Nhưng tất cả giờ về nằm đây, chẳng biết họ đang nghĩ gì, nhưng người sống bắt họ phải nghĩ về đức Phật, cho dù họ không muốn và bản thân những người còn sống nhiều khi cũng chẳng mấy tin vào đức Phật.

Với khả năng tài chính của anh Hách hiện thời thì anh có thể làm cho ông nội cái mả to như trái núi cũng được, nhưng anh vẫn còn biết sợ, với quá khứ của ông nội anh như thế, mả càng to thì bị người đời chửi càng nhiều chứ báu gì, vậy nên anh chọn công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng là hợp lý nhất. Khi đất đai, phần mộ đã xong xuôi, điều nan giải nhất với anh Hách là không thể kiếm đâu ra ảnh của ông bà nội để khảm lên trên bia đá, cuối cùng anh đành phải lấy ảnh của diễn viên đã từng thủ vai ông bà nội anh, đem đến cho họa sĩ vẽ hai bức truyền thần để khảm vào bia mộ. Ảnh thật mà giả, giả mà thật, âu rằng ông bà nội cũng ngậm cười nơi chín suối.

Cứ tưởng làm thế là đã cắt được mọi mối dây ràng buộc với quê hương lam lũ xưa, cái sợi dây vô hình mà lại bền chặt vô cùng, càng về già thì người ta lại càng muốn về, lại càng nhớ quê, dù quê không còn cái gì là cụ thể. Làng là thế, hạnh phúc cũng nhớ về mà đau khổ càng muốn về. Với anh Hách, làng có khi rất cụ thể, đó là những buổi trưa hè nằm trong vườn chuối ngắm sáo diều bay, nghe ngư ông gõ mạn thuyền đuổi cá dưới bến trong bóng cây sung già tỏa bóng xuống mặt sông mát rười rượi. Làng là những chiều ra đê ngóng mẹ về từ cánh đồng nơi chân núi, là con cà cuống, con muồm muỗm được mẹ ngắt cánh buộc vào trong chiếc nón mê đội đầu, là mùi bùn, mùi nắng, mùi hương chanh, hương sả từ người, từ tóc mẹ tỏa ra ướp cả trời tình thương. Nhưng làng đôi khi cũng thật mơ hồ, đó là những ánh mắt khinh bỉ của người làng mỗi khi thấy Hách chơi chung cùng con cái họ. Là tiếng chửi đổng của một nhà nào đó mất gà đang chĩa sang phía nhà anh, là câu nói đầu môi của người làng: “Nòi nào thì giống nấy, đầu đã trộm thì đuôi sẽ là cướp”… Làng càng nhớ lại càng đau.

Cứ tưởng khi đã làm xong được những chuyện tâm linh đó, thì cha anh sẽ yên tâm mà ở lại thành phố và sau đó là về yên vị ở nghĩa trang Vĩnh Hằng, nhưng không phải thế, càng về già, tần suất của những lần muốn về lại quê của lão Sự lại càng tăng lên, lúc lẫn cũng như lúc tỉnh, lão đều muốn được trở về lại làng. Trước sự thúc giục của cha và những đứa con, anh Hách đâm khó nghĩ, chuyện về làng mua một miếng đất cũng không phải là khó. Tập đoàn của anh đã có biết bao mảnh đất vàng đất bạc, nếu mà đem ghép lại thì còn lớn hơn cả cái xã quê hương anh, nhưng ngặt nỗi quá khứ dòng tộc còn đó, anh sợ khi phải về đối mặt, anh sợ khi vô tình bắt gặp một người nào đó say rượu chửi làng, sợ gặp một người đàn bà xấu xí ngớ ngẩn có chửa bụng vượt mặt, sợ nhìn thấy cái lò gạch cũ, sợ cả mùi cháo hành và anh sợ nhất phải nghe câu nói: “Nòi nào thì giống nấy, đầu đã trộm thì đuôi sẽ là cướp”… thứ đến là đất nhà anh xưa giờ xã hội đã làm nhà trẻ, còn đất trên nền lò gạch cũ thì đã thuộc quyền sở hữu của cha con nhà lão Khúng.

Anh biết với tình yêu đất đai ruộng vườn của lão Khúng thì sẽ không bao giờ lão chịu bán. Với lại đã không làm thì thôi, làm thì phải to, không chỉ là một ngôi nhà nhỏ trên nền cái lò gạch cũ. Làm như thế thì khác gì là xây lại cái lò gạch. Anh phải xây dựng lên đó một tòa chung cư, sẽ là những người dân văn minh nơi khác đến ở. Họ sẽ thay đổi nếp làng, họ sẽ cưỡng bức văn hóa để người làng bớt đi u mê. Mai nay khi khu vườn chuối trở thành thành phố ven sông, cơ bản sẽ xóa đi không gian sống của ông bà anh ngày xưa. Những câu chuyện xưa nếu không còn không gian sống cụ thể, thì nó sẽ mơ mơ hồ hồ, chuyện của ông bà anh rồi cũng sẽ phai nhạt theo nếp sống hối hả của đô thị. Nhưng nếu mua cả, đuổi lão Khúng đi chỗ khác thì chắc chắn không đời nào lão chịu vì ở đó giờ đây không phải là đất, là ao, là vườn… mà là toàn bộ máu thịt, tâm huyết của cha con nhà lão Khúng. Nước ao nhà lão Khúng là do mồ hôi, và nước mắt đọng lại mà thành. Từ khu đất chết thành khu trang trại đẹp mê hồn như hiện nay, cha con lão phải đổ bằng chính máu của mình.

 Thực ra, nếu muốn lấy lại thì cũng không khó gì, điều này anh đã làm và đã thành công ở nhiều địa phương khác. Trong tâm niệm của anh luôn nhớ câu nói nằm lòng: “Những gì mua được bằng tiền thì đều rẻ”. Anh biết với khả năng tài chính hiện nay của mình, anh sẽ “mua” được rất nhiều thứ để có cả một khu đất rộng, nhưng đây lại là làng quê anh, làng quê đã một thời kinh hoàng và khốn khó vì những người như ông nội anh. Anh không muốn thấy thêm máu và nước mắt lại rơi, nhất là máu và nước mắt của người làng. Anh không muốn thêm một lần nữa, người làng lại khinh bỉ, oán hận, hãi hùng và lại chửi. “Nòi nào thì giống nấy, đầu đã trộm thì đuôi sẽ là cướp”.

Vậy nên, nếu có trở lại làng, thì điều đầu tiên phải làm sao để thay đổi cái nhìn của người làng đối với gia đình anh. Điều này cực kỳ khó làm bởi khi những gì đã ăn đậm vào trong tiềm thức của người làng thì rất khó mà thay đổi. Đối với người làng, mọi tốt xấu, sang hèn… hình như đã được định hình từ lâu, định hình từ ngày mới được lập làng. Và hình như cái tốt thì sẽ có ngày xấu đi, còn cái xấu thì không thể một ngày lại thành tốt được. Như các dòng họ trong làng cũng thế, truyền đời rồi cứ thoái hóa, biến chất đi, còn những dòng họ thấp kém, ăn mày ăn xin, trộm cướp, đĩ điếm thì mãi mãi chỉ là thế, không thể khác được, điều đó đã nằm trong nếp nghĩ của người làng, không phải ngày một ngày hai mà gỡ được. Chính vì thế mà người làng đều muốn ai cũng phải có cách nghĩ, cách làm giống mình, nghĩ khác, làm khác là trật đường ray, là loài dị giống.

Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó! Nghĩ được thế nên anh Hách cùng lão Sự quyết định làm một chuyến về làng, anh mượn trang trại nhà lão Khúng và mua hẳn một con trâu của lão Khúng mổ để mời làng, mời một số vị quan chức trên xã, trên huyện, trên tỉnh và hơn chục nhà báo, nhà văn về cùng. Người đến dự không quá đông, nhưng người cần đến thì đều đã đến. Trong những bữa tiệc thân ái tương tự thế, người ta thường nhắc đến người quá cố, và thường là nhắc những nết đẹp chứ cũng chả ai nỡ nhắc cái quá khứ rạch mặt ăn vạ mà làm gì, rượu ngon, thịt béo người ta mời, không mất tiền thì cũng chẳng mất gì lời nói hay, lời nói tốt cho người đã khuất. Trước khi vào tiệc, vợ anh Hách đã rảo đi một vòng gọi là “nhà cháu có chút quà biếu ông bà ăn giầu”. Tiệc vui khi rượu mềm môi, quan khách ai cũng góp đôi ba lời, người ta khi sống ở đời, còn nhiều uẩn khúc ai người hiểu cho, khen ai sao khéo bày trò, rượu uống vào miệng nỗi lo nằm lòng, đời ai đục đời ai trong, cũng không thoát khỏi cái vòng… nhân gian.

Mâm quan trọng được bố trí cho những người quan trọng ngồi, trong đó thành phần không thể thiếu là một vài vị quan khách trên tỉnh xuống, cùng mấy vị bô lão trong làng và một số nhà văn, nhà báo. Khi rượu đã đủ tầm, một vị bô lão gợi chuyện:

- Nói thật chứ khi còn mồ ma cụ Chí, làng cũng vui lắm đấy, thấy thế chứ cụ Chí cũng hiền mà, biết thương người nghèo, không hề bắt nạt ai đâu, người ta là cứ nói vống lên thế thôi.

Một cụ khác tiếp lời:

- Có chuyện này, để trong lòng thì ấm ức, nhưng nói ra thì sợ sai. Chuyện là ngày còn mồ ma cụ Chí, đã không ít lần tôi đi đánh dậm qua nẻo vườn chuối, thấy cụ ngồi uống rượu với mấy người lạ mặt đấy.

- Cụ nói thế thì tôi mới dám nói, tôi cũng đã một đôi lần thấy thế nhưng không dám ho he, một là sợ cụ Chí, hai là sợ chính những người lạ mặt ấy, mình chịu hèn, mình ngậm miệng ăn tiền thôi. Ấy quên, chỉ ngậm miệng thôi, còn làm dân đen thì có tiền đâu mà ăn – vừa nói cụ vừa liếc sang nhìn anh quan xã cố trệu trạo nhai miếng thịt trâu dai.

- Có thật thế à? - một nhà văn hỏi - ngày đó người lạ vào làng thì một là mật thám, hai là du kích thôi, mà cụ Chí thì không thể ngồi với bọn mật thám được rồi. Mấy lần ở trong bót, chắc bị đánh đập nhiều, cụ đã căm bọn mật thám, bọn cai ngục đến tận xương tủy ấy chứ.

- Ừ nhỉ, có khi nào cụ được… “giác ngộ” để tiêu diệt bọn tay sai, cường hào ác bá, bán nước hại dân không nhỉ? - một nhà báo lên tiếng.

- Cũng chả biết chừng, nhân dân cần lao ta thường căm ghét bọn tay sai cho giặc – ông quan chức trên tỉnh thêm vào câu chuyện.

- Các cuộc chiến tranh của nhân dân ta là chiến tranh… nhân dân, nên cũng chả biết chừng cụ Chí giả làm người say để hoạt động thì sao? Chiến tranh qua lâu rồi nhưng khuất lấp thì còn nhiều lắm - một nhà văn khác đế vào.

Mọi người đang trò chuyện xôm tụ thì bỗng nghe đánh “rầm” một tiếng. Ai nấy đều đổ dồn mắt sang nhìn. Cụ Đa Thượng tuổi đã trên trăm, mặt đỏ phừng phừng như gà chọi tiếp tục giơ tay lên và vỗ tiếp cái nữa xuống mặt bàn làm cho cốc chén nẩy lên tanh tách, ngã nghiêng rơi. Vỗ bàn xong cụ đứng lên hằm hằm:

- Láo toét, lão toét, cái lũ láo toét… tao về.

- Ấy chết, có gì chúng con không nên không phải mong cụ chỉ giáo cho, xin cụ đừng giận - anh Hách vội vàng chạy lại dìu cụ Đa Thượng.

- Tưởng cho miếng ăn mà bịt được mồm thiên hạ à. Thằng Chí là du kích thì hóa ra chúng tôi là Việt Gian bán nước à? Có lần tôi dẫn anh em vào làng tính thịt thằng Bá Kiến, bị thằng Chí nó phát hiện, nó xin tiền uống rượu, tôi không có tiền mà cho nó, thế là nó đi báo với thằng Bá Kiến lùng bắt chúng tôi đấy. Đừng có mà mong đổi trắng thay đen. Tao về.

Tất cả mọi người đều ngơ ngác, hoảng hốt đổ dồn nhìn về phía cụ Đa Thượng. Nhưng với bản lĩnh thương trường của mình, anh Hách nhanh nhảu ra lệnh cho mấy anh nhân viên đi cùng:

- Các em nhanh đưa cụ về.

Khi hai cậu nhân viên của anh Hách chạy lại tính dìu cụ về thì bị cụ hất tay ra, cụ đứng dậy và phăm phăm bước ra khỏi bàn tiệc. Lão Khúng cũng rời bàn bước theo cụ ra ngoài. Khi hai người đã khuất lưng, anh Hách nói:

-  Thật tội, cụ lẫn rồi, có chén rượu nên nhớ nhớ quên quên, chúng ta đừng giận cụ làm gì, người sống trên trăm tuổi, mọi đúng sai đều tương đối. Nào, xin mời các quý vị chúng ta cùng nâng ly nào.

Mọi người đang lục tục trở lại bàn tiệc thì ngoài ngõ lại xuất hiện một người say chân đăm chân chiêu, nách cắp chai rượu đi vào, miệng lè nhè: “Ăn uống đông đủ thế này mà không mời ông nhỉ”. Thấy thế, anh Hách sầm mặt lại, nói nhỏ trong miệng: “Tiên sư bố nó, cái loại này thời nào cũng có”. Nói rồi anh đi vào nhà bếp, lấy một cục thịt trâu luộc bằng nắm tay và một chai rượu đưa cho người say rượu nói: “Nhà cháu cũng đang tính bảo người đưa sang kính cụ, không ngờ cụ đã đến, vậy thì kính cụ ạ”. Người say cầm cục thịt và chai rượu đi ra khỏi ngõ.

Anh Hách cùng mọi người trở lại bàn tiệc, nhưng không khí thì trầm lắng hẳn. Mấy quan khách trên tỉnh, trên huyện cũng ngồi xã giao thêm một lúc nữa rồi đứng dậy ra về. Nhưng như thế cũng đã thành công rồi,- anh Hách nghĩ – công việc còn lại là của cánh nhà văn, nhà báo.

Đúng là sau đó, đã có những bài viết lật lại nhân vật Chí Phèo.

*            *           *

Khi gạ lão Khúng bán đất không được, anh Hách nghiến răng: “Thân lừa ưa nặng, không mua được thì… cướp”. Một khi đã phải cướp rồi thì phải cướp hết, anh sẽ cho xây lên đó một tòa nhà chung cư cao chọc trời. Tòa chung cư xây trên nền cái lò gạch cũ năm ấy, sẽ mãi mãi xua đi trong đầu người dân nơi đây về một ám ảnh của quá khứ. Muốn thành công, muốn dựng xây thì phải can tâm đập phá và xóa bỏ.

Sáng ấy, không như mọi sáng bình thường, lão Khúng cùng mấy đưa con nai nịt gọn gàng, mỗi góc nhà đều để sẵn những chiếc mác dài. Sau khi sai đứa con cả tiếp tục cầm đơn đi kêu cứu, lão Khúng áo dài khăn đóng chỉnh tề thắp hương trước bàn thờ gia tiên, lão nhìn vào hai tấm ảnh của hai đứa con liệt sĩ mà khấn rằng: “…Nhà nước muốn giữ nước thì phải giữ được lòng dân, còn dân muốn giữ nước thì phải giữ được đất. Các con đã hy sinh thân mình để giữ đất, giữ nước. Giờ cha còn sống đây, nếu cha không giữ được miếng đất nhỏ nhoi nhưng là xương máu của nhà mình thì mong gì giữ được đất đai bờ cõi Tổ quốc. Cha tin là việc làm của cha hôm nay không sai, mong các con sống khôn, thác thiêng thì hãy cùng cha chung tay mà giữ lấy đất. Cha thà nhà tan chứ không thể để nước mất, tấm lòng của cha có trời xanh soi xét”.

Khi lão khấn xong thì ngoài kia có một đoàn người đang rùng rùng kéo đến. Trên cao xanh bỗng có tiếng sấm ì ầm vọng về. Trời quang nhưng có tiếng sấm như báo hiệu một cơn dông. Sau cơn dông thì trời lại sáng, đó là quy luật muôn thuở của đất trời.

Nguồn DanViet


Có thể bạn quan tâm