March 29, 2024, 10:49 pm

Chuyện kể dưới mái đình làng biển

 

“Mỗi lần đặt chân đến vùng biển Nam Ô quê mình, tôi nhận ra ngay “cái mùi của quê hương mình”, một hương vị quen thuộc nhưng rất riêng, và cũng khó tả …” – Trà Kim Chung, sinh viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhớ lại trong bồi hồi.

Người đang trò chuyện cùng cô hiểu rằng, cô đang muốn nói đến cái hương vị nồng nàn của biển khơi, mùi của vị mặn, của rong rêu khô hóa dưới cái nắng chói chan, mùi của những sinh vật bị sóng biển xô dạt lên bãi cát, chết và đang dần phân hủy, có cả mùi của nắng và của cỏ cây sống trong môi trường nước mặn.

Biển có vị riêng của biển.

 

Kim Chung háo hức tặng Mẹ ấn phẩm HỒI KÝ LÀNG CHÀI. Ảnh trong bài Trần Ngọc.

Nồng nàn mùi quê hương

Quê ngoại (Kim Liên, Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và nội (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) của Kim Chung đều là xóm biển, xứ biển. Hun đúc trong con người cô là các yếu tố thuộc về biển.

Kỷ niệm qua những lời kể của mẹ (bà Ngô Thị Yến) mà cô được nghe từ nhỏ, theo cô đến tận bây giờ. Đó cũng là câu chuyện để cô nhận ra tình yêu của mẹ dành cho biển được bắt đầu từ thuở nào và nặng sâu đến mức nào.

“… Cứ độ chập chọang, mặt trời đi ngủ, bóng đêm dần buông trên bãi, người dân làng chài Kim Liên đã lo kéo ghe, kéo thúng ra khơi, lật đật với rớ lưới đêm. Họ tất tả ngược xuôi trên bờ, trên biển để kịp ngày mai, lúc hừng sáng là có cái để đi buôn”

Người làng chài có nhịp sống từ hoàng hôn đến bình minh là vậy …

Năm đó mẹ cô chỉ đâu khoảng bảy đến tám tuổi, và “cô bé Yến (ngày ấy) đã khóc đòi mãi thì mới được (ba mẹ) cho đi cùng”. Ra đến biển, cái háo hức khiến cô bé “nhìn thấy mọi người kéo rớ, cột đèn rồi nổ máy ghe chạy vòng vòng ngoài khơi mà chẳng buồn ngủ chút nào”. Ba mẹ cô cũng nhanh chân đi theo ghe để mua ngay cá, có cái để bán cho phiên chợ sáng. Cô được gửi lại cho một người bà con (tên thường gọi là ông Giám)  … Ăn rồi chơi đến chán, “bé Yến lẳng lặng úp cả chiếc thúng lên người, nằm khoanh tròn lại vừa y chiếc thúng, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay…”.

Mẹ em kể rất rõ là do tìm mãi không thấy mẹ ở đâu, “ông Giám đã gọi đến lạc cả giọng “Yến ơi Yến, Yến ơi Yến hỡi...”, nhưng mẹ ngủ say quá, chẳng nghe thấy gì. Đến khi mở cái thúng chui ra, cô bé nhận ra rằng cả ông Giám và người nhà đều hoang mang,  hốt hoảng tột độ. Ông Giám còn khóc lớn, tay đập vào ngực tự trách mình… Thấy con bé chui ra từ thúng, ông Giám chạy lại ôm, vừa mừng rỡ vừa khóc và nói: “Mi mà có chuyện chi chắc tau cũng nhảy xuống biển theo mi luôn”.

Mẹ nói, mẹ ân hận lắm vì biết mình vừa làm người bà con đáng kính phải một phen kinh hoảng . Bà ngoại khi quay về bờ và nghe chuyện đã nạt cho mẹ một trận, rồi sau đó, “không bao giờ đưa con gái ra biển nữa …”

Thì ra, người đi biển có khi đối mặt với sóng cả, gió lớn lại giữ được bình tĩnh, bằng kinh nghiệm biết tìm cách ứng phó. Nhưng cũng có lúc chỉ biết chết lặng, bế tắc, khi chẳng tìm thấy người thân của mình trên bãi, trên bờ … 

Trà Kim Chung bộc bạch rằng, khi được gọi tham gia dự án Nghiên cứu về các làng chài ven biển thành phố Đà Nẵng, “trong em có không biết bao nhiêu ký ức về biển, về ông bà ngoại, về mẹ, về cậu Hai Châu (bạn chài đặt tên cậu là Hai Câu, còn tên đầy đủ của cậu là Ngô Minh Châu), ùa về, trào dâng…

Trong nhiều câu chuyện nằm trong mỗi ngăn của ký ức, cô bạn “có lý do” để nhớ lại lần “ông ngoại và cậu Châu bị trực thăng quân đội Hoa Kỳ tấn công.

Sống ở thời nào thì người dân ta cũng phải bươn chải để kiếm sống. Với người dân Kim Liên, biển khơi chính là tất cả những gì họ có, chài lưới và cá tôm là nguồn thu nhập chính của họ. Cậu Hai nhớ như in chuyện một đêm cùng ông ngoại đi đánh cá ở bãi Mà Đa gần Lăng Cô – Huế. Cùng với một chiếc ghe của bạn chài, ghe ông ngoại và cậu giăng lưới độ nửa đêm.

Đang hăng say và mừng vui với mẻ cá mới thì bỗng nhiên trực thăng của quân đội Mỹ từ Lăng Cô bay đến. Trực thăng Mỹ rọi đèn thẳng xuống ghe của hai người. Không gian dần trở nên hỗn loạn bởi âm thanh ầm ầm như muốn nuốt chửng hai cha con của (động cơ và chong chóng trên) trực thăng Mỹ. Mặt nước cũng bị khuấy đảo dữ dội. Chưa kịp phản ứng gì thì phía trên lính Mỹ đã xả súng xối xả xuống ghe của ông ngoại và cậu. Chúng bắn tới tấp vào hai bên thành ghe.

Một hồi sau nhận ra phía dưới không phải là ghe của quân đội Cộng sản, chúng mới rút đi mà không màng gì đến sự sống chết của những người dân vô tội. Lúc đó, ông ngoại bị trúng đạn nhiều, đầu đạn xuyên thẳng vào vai, vào ngón tay trái của ông. Cắn răng chịu đựng, cậu Hai xé áo quấn chặt vết thương cho ông ngoại, xé cả quần để bít lỗ ghe bị đạn bắn thủng …” (trích bút ký của Kim Chung).

“Đó cũng là những gì giải thích với em về hai từ “chiến tranh”. Chớ cái tuổi bọn em thì chẳng thể cảm nhận được chiến tranh là thế nào…” – Chung thổ lộ.

Và cuối cùng, cô sinh viên năm thứ ba này cũng đã phân biệt được chiến tranh với hòa bình, khi cô cảm nhận rằng, tự do chỉ đến thực sự ở một đất nước có chủ quyền và độc lập.

Cô kể tiếp: Người dân Nam Ô quê em, có một thói quen là vào trưa hè, không ai bảo nhau, mọi người tự mang chiếu hay võng ra ngủ, hoặc nghỉ trưa ở rừng thông, ở bãi biển. Có người nghe chuyện bảo ở nhà mất điện hả ? sao lại ra biển nằm hết vậy … Bà con chỉ cười. Chỉ có người dân lớn lên bên biển, sống với biển mới cảm nhận hết những gì biển ban tặng. Ở nhà làm gì nghe gió, nghe sóng biển ru. Nghe tiếng gió đi qua những chiếc lá thông, để lại âm thanh xào xạc rất thú. Và ở nhà làm gì nghe mùi vị quê biển … Và cũng chỉ có hòa bình rồi, mới tự do ra biển như thế !

Câu chuyện của Trà Kim Chung là một trong nhiều câu chuyện “khi người trẻ bày tỏ tình yêu của mình với biển, với những cộng đồng làng chài”.

Họ cũng chính là những tác giả xuất hiện trong 2 ấn phẩm, gồm “ĐÀ NẴNG – MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN” , tập sách giới thiệu các công trình văn hóa tín ngưỡng của người dân làng chài, tập trung vào mô tả đời sống tín ngưỡng ngư dân (thờ Cá Ông, thờ Mẫu và thờ Cô hồn); và “HỒI KÝ LÀNG CHÀI” – tập ghi chép, bút ký phản ảnh những nét đẹp đặc trưng của văn hóa làng chài, những làng nghề truyền thống gắn liền với biển cả. Độc đáo là những bài viết “kể chuyện đời, chuyện nghề của người dân làng chài” của các tác giả trẻ. Với tất cả cảm xúc, họ cố gắng lan tỏa những nét đẹp truyền thống mà cộng đồng các làng chài và ngư dân đã gìn giữ biết bao đời.

Riêng Kim Chung có đến 3 bút ký (trong chương Một : Làng chài trong hồi ức), đó là “Kim Liên - Ký ức còn mãi” – “Nối tiếp ký ức Kim Liên” và “Nghe người yêu biển kể chuyện”.

Cả 2 cuốn sách đều do Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng xuất bản trên nền tảng là kết quả nghiên cứu tâm huyết về các giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các làng chài. Những người thực hiện đều có chung kỳ vọng, khi chạm tay vào sách và lật giở đọc, mỗi người chúng ta đều cảm thấy tự hào hơn với những tài sản cộng đồng, từ đó tăng ý thức bảo tồn các tài sản của làng biển Việt Nam.

 

Sức thu hút của triển lãm Vươn khơi.

Hãy để NGƯỜI TRẺ tự lên tiếng

“ĐÀ NẴNG – MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN” và “HỒI KÝ LÀNG CHÀI” vừa xuất hiện tại triển lãm nghệ thuật “Vươn khơi” (do Bảo tàng Đà Nẵng - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng phối hợp thực hiện, diễn ra từ 20 đến 22/5/2022).

Triển lãm nghệ thuật “VƯƠN KHƠI” tại Bảo tàng Đà Nẵng được nhìn nhận là một triển lãm rất đặc biệt. Lần đầu tiên, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và những nét kiến trúc đặc trưng của làng chài tại thành phố Đà Nẵng, được nghiên cứu nghiêm túc, tái hiện khá đầy đủ.

“Trước hết, những tư liệu, thông tin, những câu chuyện làng chài được chính người dân các làng nghề chài nhớ và kể lại. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các giảng viên, các bạn sinh viên trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã trực tiếp về các làng chài, thực hiện thu thập, ghi âm, ghi chép, chụp ảnh và chính các em viết lại - kể lại - vẽ lại một cách trung thực những điều đó.

Đây là sản phẩm của chính các em sinh viên, nói cách khác, chính các bạn trẻ đã thực hiện công việc giữ gìn, lan tỏa và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những nét kiến trúc đặc trưng của các làng chài tại thành phố Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung.

Thật xúc động và tự hào, khi chính các bạn trẻ đã thiết thực góp phần phát huy giá trị văn hóa cộng đồng, văn hóa xưa cũ được lưu giữ trong nghề biển” - TS. Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nhấn mạnh.

Triển lãm Vươn khơi là thành quả trong khuôn khổ dự án Knowledge in Action for Urban Equality (KNOW): Nghiên cứu về các làng chài ven biển thành phố Đà Nẵng, được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021.

Sản phẩm trưng bày tại triển lãm cũng chính là sản phẩm hơn 300 sinh viên, giảng viên đến từ các Khoa Kiến trúc, Ngoại ngữ… và các bạn tình nguyện viên đến từ Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng và Phòng Hợp tác quốc tế - Truyển thông (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng- CELC-DAU), dự án đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ University College London và Tổ chức Liên minh Nhà ở Châu Á (ACHR).

“Là một bảo tàng tổng hợp địa phương, nơi giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất và con người Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng rất coi trọng yêu cầu đa dạng các hoạt động của mình, thể hiện tốt nhất vai trò của Bảo tàng đối với đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng địa phương.

Chúng tôi ngày càng quan tâm hơn sự tham gia của chính cộng đồng địa phương vào các ấn phẩm, tác phẩm được chọn trưng bày, giới thiệu. Triển lãm “Vươn khơi” của trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng là một đơn cử rất tiêu biểu, một nét khác biệt trong hoạt động triển lãm ở Bảo tàng chúng tôi.

Triển lãm về một chủ đề lịch sử - văn hóa chứa đựng những giá trị thiêng liêng, và triển lãm có sự tham gia “đậm đặc” từ những người trong cuộc, đó là nhiều thế hệ cư dân làng chài Đà Nẵng, duyên hải trung bộ” -  ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ nhìn nhận.

Ngoài 2 tập sách, những ngày diễn ra triển lãm Vươn khơi, không gian Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày 15 bài (bản) vẽ;  20 tác phẩm ký họa về làng chài, hình ảnh người ngư dân trong bối cảnh sinh hoạt, lao động.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có tọa đàm “Người truyền lửa – Ngư nghiệp xưa và nay” cùng với các hoạt động trải nghiệm hướng dẫn đan lưới; cuộc thi viết dành cho những người yêu thích biển và các giá trị văn hóa truyền thống tại các làng chài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (chủ đề liên quan đến đời sống của người ngư dân) … 

“Đến với “VƯƠN KHƠI”, công chúng được NGHE câu chuyện cảm động về sự gắn bó giữa con người và biển cả, NHÌN những công trình kiến trúc mái đình làng biển xưa và nay, THẤU HIỂU đời sống của ngư dân mưu sinh trên sông nước qua những trang sách và các tác phẩm về làng chài, CHẠM đến những giá trị của làng chài truyền thống qua nhiều hoạt động trải nghiệm...”, ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông – Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.

“Thông điệp chính của triển lãm Vươn khơi được ẩn dụ, được gửi gắm trong những câu chuyện giản dị về hoạt động sinh kế, tín ngưỡng, tình yêu biển cả và mong ước của người dân làng chài, hay những bản vẽ, bức ký họa.

Nhóm thực hiện dự án hy vọng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà có lẽ đang ngày càng bị mai một trong tiến trình đô thị hóa. Làng biển, người dân miền biển đang phải chịu những thay đổi và tác động trong nhịp sống và bối cảnh hiện đại.

Chúng tôi mong rằng, công việc bảo tồn để hình ảnh những làng chài không chỉ còn là trong ký ức mà có cơ hội tồn tại mãi mãi, cũng như được phát triển hơn trong tương lai sẽ nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức” - ThS. KTS. Phan Trần Kiều Trang, Giám đốc CELC-DAU, bày tỏ.

Khi người trẻ vùng cao phải lòng biển

Cũng là người trực tiếp tham gia như Trà Kim Chung, bạn Nguyễn Thanh Thúy (quê quán thôn Vân Hòa, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên; là sinh viên năm thứ 4, ngành Tiếng Anh du lịch, khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) thổ lộ cảm xúc:

Em là người con của vùng cao, miền sơn cước, khái niệm và cảm nhận biển trong em khá hẹp. Lúc còn ở quê thì thi thoảng có xuống biển Tuy Hòa, chủ yếu là để đổi không khí, chơi cho thỏa thích. Cảm nhận của em về  làng chài, nghề chài cũng chưa sâu đậm.

Cho đến khi em ra Đà Nẵng để học và có cơ hội về các làng chài Mân Thái Sơn Trà), Nam Ô (Liên Chiểu) của Đà Nẵng (thực hiện thu thập thông tin, phỏng vấn người dân, viết bài), em mới hiểu rõ về làng chài – nghề lưới, biết các phong tục, tập tục tín ngưỡng thờ cúng của người làng chài, biết lễ hội miền biển có gì là nét đặc trưng ?

Thực lòng, khi nhận thức về biển, về bản sắc văn hóa cộng đồng làng biển, em đã yêu Đà Nẵng như chính quê hương em. Thật may mắn khi em được tham gia dự án này, để có một góc nhìn riêng về đất nước mình, tổ quốc mình, đó là nhìn từ biển khơi, từ những làng biển duyên hải”.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện phân tích thêm rằng,  “theo xu hướng phát triển của bảo tàng hiện đại, chúng tôi phải hướng tới mục tiêu đưa Bảo tàng trở thành điểm trung gian kết nối những người trẻ với các giá trị di sản văn hóa, trở thành một không gian trải nghiệm, sáng tạo và giáo dục cộng đồng.

Đối với triển lãm Vươn khơi, điểm mới và khác, thậm chí rất đặc biệt, đó là chính các em sinh viên giữ vai trò làm việc trực tiếp với các nhân chứng, bằng tâm huyết của tuổi trẻ, các em đã tham cùng thầy, cô trong công việc nghiên cứu (về di sản các làng chài Đà Nẵng) một cách nghiêm túc. Và cũng chính các em đã làm nên những tác phẩm bút ký, ký họa rất độc đáo.

Chính các em đã mang trọn vẹn tiếng nói của cộng đồng vạn chài vào trong nội dung các ấn phẩm, tác phẩm mỹ thuật được trưng bày; và cũng chính các em đã cùng cộng đồng các làng chài lan tỏa các giá trị văn hóa rất đặc trưng. Điều này khiến cho triển lãm “Vươn khơi” trở nên sinh động, ấn tượng và rất giàu tính nhân văn”.

Triển lãm Vươn khơi chỉ diễn ra trong 3 ngày. Ban tổ chức cũng bày tỏ mong ước, nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ mang triển lãm Vươn khơi, lan tỏa đến nhiều trường học, tụ điểm công cộng, công viên văn hóa để mọi người dân Đà Nẵng, du khách phương xa về Đà Nẵng, được một lần … ngắm nhìn Tổ quốc chúng ta, góc nhìn từ biển khơi, cùng cảm nhận sự tràn đầy của sóng, gió với nắng và thấu hiểu những con người kiên trung, bao thế hệ đã bám biển, giữ đảo, giữ biển.

    “Dự án Nghiên cứu về các làng chài ven biển thành phố Đà Nẵng,  với kết quả cụ thể là triển lãm Vươn khơi, đã cho chúng tôi bài học kinh nghiệm trong đào tạo. Lần đầu tiên chúng tôi có trải nghiệm quý về một chủ đề nghiên cứu mà thầy và trò cùng nhau làm, trong đó, trò giữ vai trò chính trong triển khai thực hiện.

Quá trình nghiên cứu dự án chính các em là những nhân tố tương tác rất sâu với cộng đồng, các em đã học hỏi thêm được rất nhiều điều không có trong giáo trình, bài giảng. Nhiều kỹ năng được hình thành trong các em. Và kết quả nghiên cứu mà các em tham gia, cũng được sử dụng ngay để phục vụ cho cộng đồng, phục vụ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa rất quý. Tính thiết thực, ý nghĩa của công việc, của dự án là đây” - ThS. KTS. Phan Trần Kiều Trang nhấn mạnh thêm.

Vươn khơi, với “cảm xúc biển và tinh thần biển từ bao đời”, có lẽ, đây cũng là trường hợp rất hiếm trong “phong trào” sinh viên nghiên cứu khoa học “nở rộ”. Trong hàng chục ngàn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được công bố mỗi năm, khi thông tin này lan tỏa đến độc giả, đến cộng đồng, một câu hỏi thường bật lên trong đầu: Có bao nhiêu đề tài mà các em vất vả thực hiện, được hiện thực hóa, nói theo từ chuyên môn là “hoàn thiện công trình, đề tài ở mức khả thi cao hơn, để có thể áp dụng hay chuyển giao” vào thực tế !   

Cuối câu chuyện cùng người viết Trà Kim Dung và Nguyễn Thanh Thúy đều có lời tâm sự rất chung: Trong tương lai, khi đã ra trường, đi làm, bằng mọi cách, họ sẽ tiếp tục công việc làm sách để phục dựng, tái hiện những giá trị làm nên bản sắc văn hóa các làng chài. Quyết tâm của hai bạn trẻ cũng nói lên được “họ đã thấm” vào máu thịt “tinh thần biển” và nghị lực Vươn khơi của ông cha … Nghiên cứu khoa học nhưng truyền được cảm hứng như thế này, công việc nghiên cứu mới trở nên có giá trị.

Bởi Vươn khơi, trong cảm nhận của nhiều người xem, đi vào cận cảnh là những xóm làng vạn chài duyên hải, nơi biết bao thế hệ đã truyền nhau nghề đi khơi. Dấu ghe thuyền ngư dân Việt đến đâu, chủ quyền Tổ quốc ta vươn đến đó …

Thêm một lần cận cảnh nữa qua triển lãm Vươn khơi, đó chính là những mái đình làng biển, nơi bao đời tôn trọng những tập tục, gìn giữ chữ Thiêng – chữ Kính. Và những ngư dân làng chài đã răn bảo nhau phải giữ nghề, giữ cốt cách của con người vạn chài sống bên mái đình lộng gió biển.

Tổ quốc chúng ta, nhìn từ biển khơi là bản sắc văn hóa những làng chài bản địa. Mỗi trang viết, mỗi câu chuyện góp phần thành hình bản sắc Việt – nhân cách Việt và chủ quyền Việt Nam vươn khơi đến những hòn đảo xa tít… ./.

Tháng 5 năm 2022

T.N


Có thể bạn quan tâm