April 26, 2024, 4:46 am

Chuyển động trong thế trận ngoại giao

 

Từ ngày 29/5 - 2/6/2018, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang  thăm chính thức Nhật Bản; Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước gặp Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Theo bình luận của AFP, đối với một quốc gia có truyền thống ít khoa trương trên mặt trận đối ngoại để khỏi phải đối đầu một cách không cần thiết với người láng giềng phương Bắc to lớn hơn nhiều, thì những bước đi năng động của Việt Nam trong những tháng qua rõ ràng nhằm chuyển tải sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên của Chủ tịch Trần Đại Quang đến Tokyo, diễn ra từ 29/5 đến 2/6/2018, ông Trần Đại Quang đã dành cho nhóm phóng viên Nhật Bản một buổi phỏng vấn đặc biệt tại Phủ Chủ tịch hôm 25/5. Chủ tịch Trần Đại Quang tuyên bố, Việt Nam cùng chia sẻ cùng quan điểm với Nhật Bản về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh việc duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Chủ tịch Trần Đại Quang đồng thời cũng lên tiếng ca ngợi sự hợp tác của Nhật Bản trong việc hợp tác giải quyết căng thẳng trên vùng Biển Đông. Theo trang The India Wire (26/5), ngoài hợp tác liên quan đến Biển Đông, chủ tịch Trần Đại Quang cho biết sẽ đề cập đến vấn đề đánh bắt hải sản và duy trì ổn định, tự do lưu thông an toàn trên khắp vùng biển, hiện đang bị Trung Quốc gia cố và quân sự hóa. Nhật Bản đã cung cấp nhiều tầu tuần tra và hỗ trợ an ninh hàng hải cho Việt Nam cùng với nhiều nước Đông Nam Á khác có tranh chấp với Trung Quốc. Vẫn trong buổi phỏng vấn, chủ tịch Việt Nam bày tỏ hy vọng Hà Nội và Tokyo hợp tác để cùng giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế.

 

Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản đón Chủ tịch Trần Đại Quang và phu nhân tại hoàng cung sáng 30-5 - Ảnh: K.HƯNG

Với Tokyo, cùng “Bộ Tứ kim cương”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, suốt 45 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất trên các lĩnh vực, nhất là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á” vào tháng 3/2014. Về chính trị, hai bên đã đạt được sự tin cậy lẫn nhau, thường xuyên duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao. Chỉ riêng năm 2017, đã có năm chuyến thăm cấp cao được thực hiện, trong đó có chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên tới Việt Nam; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hai lần đến Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam sau 15 năm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản. Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Từ 2017, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam với số vốn đầu tư kỷ lục hơn 9,1 tỷ USD, gấp bốn lần so với năm trước đó, chiếm 25% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hà Nội hy vọng Tokyo sẽ trở thành đối tác chính đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam là một trong những trụ cột quan trong của bang giao Việt-Nhật. Vốn ODA của Nhật Bản được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… đang đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Năm ngoái, Nhật Bản đứng thứ ba về số lượng khách du lịch đến Việt Nam và xứ sở hoa Anh Đào cũng là điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Lễ hội hoa Anh Đào Nhật Bản tại Việt Nam đã trở thành sự kiện được mong chờ hằng năm đối với nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản và cộng đồng người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội hai nước và là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc.

Trong bài viết mang tựa đề khá dài “Vì sao tháng Ba năm 2018 đã trở thành một tháng năng động đối với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm đối trọng chống Trung Quốc ở Biển Đông”, tờ báo The Diplomat (Nhật Bản) đã điểm lại một số sự kiện nổi bật cho thấy sự chuyển biến trong chiến lược phòng thủ của Việt Nam. Sự kiện được chuyên gia kỳ cựu về an ninh quốc phòng Derek Grossman (Từ Rand Corporation) ghi nhận là chuyến thăm Ấn Độ vào đầu tháng Ba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ngày 2/3/2018, ông Trần Đại Quang gặp thủ tướng Narendra Modi, sau một ngày, hai nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung, tái khẳng định công cuộc hợp tác về quốc phòng, bao gồm cả đối thoại cấp cao, cung cấp vũ khí, lẫn kế hoạch cho tàu chiến và tàu tuần duyên ghé thăm cảng của nhau và các đề án xây dựng năng lực quốc phòng. Điều “bắt mắt” nhất chính là quyết định của Việt Nam, chấp nhận khái niệm Ấn Thái Dương (Indo-Pacific). Đây có lẽ là lần đầu tiên, một lãnh đạo Việt Nam có tuyên bố như vậy về vùng Ấn Thái Dương. Điều chắc chắn là Việt Nam muốn đáp ứng mối quan tâm và lợi ích địa - chiến lược của Ấn Độ. Việc ông Quang sử dụng cụm từ “Ấn Thái Dương” hay “Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương” cho thấy, Hà Nội đã sẵn sàng chấp nhận khái niệm “Bộ Tứ” (nhóm Quad). Theo đó, các đối tác trong vùng cùng làm việc với nhau để đối trọng và tạo sức răn đe đối với Trung Quốc. Với ông Grossman, sự kiện Việt Nam công nhận khái niệm Ấn Thái Dương đã đưa Việt Nam xích lại gần hơn với mục tiêu của “Bộ Tứ”, tức nhóm đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc nhằm đối phó với sự trỗi dậy “không mấy hòa bình” của Trung Quốc.

 

Phối hợp lập trường tới đâu?

Ngày 27/5/2018, theo nguồn tin Reuters, hai tàu chiến Mỹ vừa tiến hành cuộc tuần tra trong vòng 12 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do Trung Quốc cưỡng chiếm ở Biển Đông. Các giới chức Mỹ ẩn danh được Reuters dẫn tin cho biết, động thái mới này của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh nổi giận trong khi Tổng thống Donald Trump đang cần sự cộng tác của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Trước đó, Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố huỷ bỏ cuộc gặp với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jon-un nhưng chưa đầy 24 giờ sau, ông Trump cho biết đã hẹn lại, và thông báo cuộc gặp cấp cao Mỹ – Triều vẫn diễn ra ngày 12/6 tới tại Singapore. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh đang đối mặt với sóng gió liên quan đến thượng đỉnh Mỹ - Triều mà Tổng thống Trump vẫn cử hai tàu nói trên, một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường Higgins và một tuần dương hạn có tên lửa dẫn đường Antietam, là sự kiện có ý nghĩa. Hai tàu nói trên đã đi qua các đảo Tree, Licoln, Triton và Phú Lâm. Phú Lâm giờ đây trở thành căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này triển khai những vũ khí quân sự và xây đường băng mới. Hình ảnh vệ tinh hôm 12/5 cho thấy Trung Quốc đã bố trí thêm những vũ khí mới ra đảo này, theo Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI). Theo AMTI, các vũ khí này bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống ngầm và hệ thống radar. Hôm 18/5 vừa qua Trung Quốc cũng lần đầu tiên lên tiếng xác nhận đã điều máy bay ném bom H-6K đến Biển Đông. Theo đánh giá của các chuyên gia, các máy bay này đã được triển khai đến đảo Phú Lâm. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối hành động này, coi đây là sự liên tục quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Phối hợp lập trường trong vấn đề Biển Đông là một nội dung trong cuộc gặp giữa Toàn quyền Úc Peter Cosgrove và Chủ tịch Trần Đại Quang vào ngày 24/5 tại Hà Nội. Toàn quyền Peter Crosgrove đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 23 đến 26/5/2018 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm thiết lập quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Tại buổi gặp gỡ với báo chí nhân chuyến thăm, ông Peter Crosgrove khẳng định Úc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, an ninh, quốc phòng với Việt Nam, chú trọng các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện và tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, tích cực hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề bom mìn, cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam mất tích theo tinh thần Bản ghi nhớ đã ký năm 2015. Cũng nhân dịp nói trên, ngày 26/5/2018, Bộ trưởng Ngoại gia Úc Julie Bishop cũng tới Việt Nam. Theo tin AP, bà Bishop đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chủ trì cuộc họp thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao. Trong tuyên bố đưa ra trước chuyến thăm, bà Bishop cho rằng, Úc và Việt Nam cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược quan trọng. Úc và Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược” nhân chuyến thăm Úc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 3 năm 2018. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà Ngoại trưởng Úc dự lễ khánh thành Cầu Cao Lãnh ở đồng bằng Sông Cửu Long. Úc đã hỗ trợ 160 triệu đô la cho việc xây dựng cây cầu này. Đây là hoạt động viện trợ đơn lẻ lớn nhất của Úc ở Đông Nam Á.

Một sự kiện nổi bất khác cũng đang thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực Ấn Thái Dương. Ngày 24/5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tuyên bố rút lời mời Trung Quốc tham gia vào tập trận hải quân Thái Bình Dương quy mô lớn, vì động thái được cho là “tiếp tục quân sự hóa” trên Biển Đông của Bắc Kinh. Quyết định bất ngờ nói trên được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay ném bom ra hòn đảo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngoài ra, Lầu Năm Góc khẳng định, họ có bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ Bắc Kinh đã đưa tên lửa chống tàu, hệ thống tên lửa đất đối không ra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã quyết định rút lời mời Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific, viết tắt là Rimpac) sau khi tham vấn với Nhà Trắng về những động thái quân sự của Bắc Kinh. Được biết, Trung Quốc từng tham gia vào hai cuộc tập trận Rimpac trước đó vào các năm 2014 và 2016…

Nguồn Văn nghệ số 22/2018


Có thể bạn quan tâm