March 29, 2024, 1:22 pm

Chuyển đổi số Nhất cử lưỡng tiện

 

Tôi đang dùng một chiếc Smartphone, màn hình lớn (6,4 inh) rẻ tiền. Nhưng thực sự đến bây giờ nó là cứu cánh và vô cùng tiện lợi cho tôi với các công việc trong sáng tác văn chương và sinh hoạt. Việc đóng tiền điện, tiền internet, truyền hình… rồi các phí dịch vụ khu nhà, đến các dịch vụ ngân hàng… tất tật đều thuận tiện dễ dàng sau khi lương hưu được trả trực tiếp vào tài khoản. Có nghĩa là cái Smartphone cọc cạch này đã thay thế gần như toàn bộ việc sử dụng tiền mặt của cá nhân tôi. Thế mới biết chuyện ứng dụng chuyển đổi số trong công nghệ thông tin thực sự đã tác động vô cùng lớn và sinh động đời sống bây giờ. Tất cả thành tựu và những tiện ích mà người dân đang được hưởng lợi đều bắt nguồn từ nền tảng số hóa và chuyển đổi số mà ra.

“Số hóa” là cuộc cách mạng hệ thống bình thường, chuyển sang hệ thống kỹ thuật số. Trong thời đại ngày nay, số hóa là xu hướng tất yếu trong các lĩnh vực quản lý kinh tế và xã hội. Còn “chuyển đổi số” được hiểu là một bước số hóa cao hơn. Ứng dụng, tích hợp các hệ thống số hóa chuyển đổi thành một tập hợp trên những nền tảng thông tin như internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data) v.v…

Ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý nhà nước, ta sẽ thu được kết quả “Bốn không” như đã biết trong vài năm gần đây: Họp không gặp mặt; xử lý văn bản không giấy; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là những đặc điểm chính của Chính phủ điện tử - một trong rất nhiều khía cạnh của câu chuyện chuyển đổi số mà Chính phủ đang tích cực xúc triển khai xây dựng ở nước ta hiện nay.

Theo đó, thủ trưởng của một ngành, cơ quan, doanh nghiệp… chỉ cần vài cái ấn chuột xử lý phần mềm thì sẽ biết được cụ thể về nhân lực, giá cả hàng vạn các loại vật tư, thiết bị… hoặc về nhu cầu cần và đủ của ngành mình về nhân lực, tiềm lực… Tức là mọi thứ đã số hóa và được chuyển đổi số trong hầu khắp những hoạt động quản lý nhà nước. Công tác quy hoạch cán bộ, phân công đảm nhận chức vụ cũng sẽ minh bạch, nhanh chóng, cụ thể… Hoặc như khi Thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp đầy đủ vào Căn cước công dân, thì đơn vị chức năng về tổ chức cán bộ, chỉ cần “tích” vào dữ liệu khám chữa bệnh của ai đấy là biết người này có bảo đảm sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ mới mà không cần mỗi lần đề bạt, phong chức lại yêu cầu cán bộ phải có giấy khám sức khỏe trình ra với cơ quan quản lý hồ sơ. Mà phần nhiều những phiếu khám sức khỏe của cán bộ trước khi thăng chức thường đều là “sức khỏe tốt”!

Rồi nữa, Hồ sơ quản lý cán bộ, thường gồm nhiều mục, như: Hồ sơ gốc; Phiếu bổ sung lý lịch; Bản sao các quyết định về việc xét chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, thăng hạng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật…; Bản tự kiểm điểm, tự nhận xét, đánh giá hằng năm; Bản kê khai tài sản hằng năm hoặc đối với đối tượng bắt buộc kê khai theo quy định của luật pháp… Tất cả những mục ấy nếu được số hóa và chuyển đổi số, thì cơ quan chức năng quản lý cán bộ, thậm chí không cần gặp mặt nhân sự cũng có thể hiểu và biết rõ cán bộ cần quản lý!

Cách đây gần mười năm, tôi đã mục đích “mắt thấy tay sờ” một chiếc máy có tên là ScanRobot, xuất xứ từ Cộng hòa Áo, do một công ty trong nước độc quyền nhập khẩu và giới thiệu. Cái đặc biệt của chiếc máy này là: Một giờ, có thể “nhai” được 2500 trang tài liệu. Tức là chỉ một tiếng đồng hồ ScanRobot này sẽ scan - số hóa tài liệu, được hơn 3 cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn, dầy 807 trang của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Với tốc độ vận hành kinh khủng như thế, chiếc máy này sẽ số hóa hoàn toàn được những tài liệu đa dạng ở các bệnh viện, trường đại học, thư viện, học viện, hồ sơ lưu trữ của các đơn vị, cơ quan chuyên ngành. Có nghĩa là tất cả các kho lớn với rất nhiều nhân lực, máy móc, phương tiện bảo quản thủ công tồn tại cả nhiều chục năm sẽ dần được thay thế, biến mất. Ngày đó đơn vị triển khai công nghệ tạm tính Hệ thống số hóa này có giá chưa đến 3 tỷ đồng. Tôi được biết hằng năm kinh phí hoạt động Khoa học công nghệ của một Bộ hoặc một tỉnh có thể lên đến nhiều chục tỷ, thì việc đầu tư một hệ thống số hóa tài liệu như thế là quá rẻ mà hiệu quả thì vô cùng lớn!

Thế mà trên thực tế từ đó đến nay, công việc số hóa và chuyển đổi số trong nước vẫn chưa được các đơn vị bộ, ngành quan tâm đúng mức. Việc đánh giá tầm quan trọng, ứng dụng chuyển đổi số chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, nhìn xa trông rộng của những người có trách nhiệm ở các cơ quan, ban ngành. Đâu đó vài việc trong quản lý nhà nước cũng có ứng dụng chuyển đổi số nhưng thực sự vẫn chỉ ở mức đơn giản, manh nha ban đầu. Nhìn nhận về số hóa và chuyển đổi số ở một số cán bộ lãnh đạo các cơ quan hay địa phương còn đơn điệu và có phần mơ hồ. Trang bị mấy chiếc máy tính để bàn để thay thế giấy bút, sổ sách ở một vài khâu hồ sơ tài liệu, là coi như đã áp dụng Khoa học công nghệ trong nhiệm vụ chuyên môn. Đây đó có khởi động chuyển đổi số nhưng các nền tảng thông tin về đường truyền, hệ thống đầu cuối gặp khó khăn, thiếu đồng bộ, hạn hẹp về kinh phí và năng lực…

Dịch bệnh Covid 19 bùng nổ, đặt thế giới phải ứng phó linh hoạt trước nhiều tình huống phòng và chữa bệnh. Phạm vi dịch bệnh lan rộng, nhanh chóng; số lượng người bệnh vùn vụt tăng cao… Cùng đó là hệ thống y tế bị quá tải, các nhà máy xí nghiệp, khu công nghiệp ngưng trệ; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dẫn đến sự tê liệt của nhiều nền kinh tế lớn; hệ thống hoạt động xã hội bị phong tỏa, người bệnh không thể tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế… Việt Nam không nằm ngoài tình trạng chung của thế giới. Chuyển đổi số lúc này trở thành cứu cánh cho Chính phủ, các ngành, địa phương, doanh nghiệp để cứu tính mạng người dân và tiếp tục phục hồi, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ứng dụng công nghệ - Chuyển đổi số, trong công tác phòng chống và điều trị Covid 19 được Chính phủ quan tâm hàng đầu đã triển khai sâu rộng trong ngành Y tế và các đơn vị liên quan.

Từ những kết quả chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước sẽ có cơ hội xử lý từng bước, từng việc về tham nhũng vặt, thói làm việc không kế hoạch, tiến độ chậm, bỏ bê nhiệm vụ trong các dự án trọng điểm… Tình trạng yêu ghét, cánh hẩu sẽ dần được hạn chế ở nhiều khâu trong quản lý kinh tế, xã hội. Đẩy manh chuyển đổi số, hoạt động quản lý kinh tế, xã hội được chuyển đổi số một cách đồng bộ là một trong những biện pháp ngăn chặn tham nhũng hiệu quả nhất. Việc sử dụng tiền mặt dần thay thế bởi các ứng dụng dịch vụ thanh toán điện tử, người dân hưởng lợi tối đa từ các tiện ích số. Các hoạt động hành chính nhờ chuyển đổi số sẽ triệt tiêu vấn nạn “phong bì” tồn tại nhiều chục năm ở các khâu tiếp xúc dân sự trong nhiều ngành nghề, quan hệ xã hội.

Lợi ích của việc số hóa và chuyển đổi số được minh chứng trong xã hội kỹ thuật số. Ở đó có các ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, các phương tiện giao thông tự động hóa hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số. Ô tô tự lái, đến các robot thay cho các shipper đưa hàng đến từng gia đình và nơi cần sử dụng. Các nhà máy, xí nghiệp sẽ được áp dụng chuyển đổi số tối đa trong các khâu quản lý và sản xuất. Máy móc, robot dần thay thế con người ở những dây chuyền sản xuất ô miễm và độc hại. Sản phẩm sẽ được chuyên môn, tân tiến hóa. Vì vậy, nhiệm vụ số hóa và chuyển đổi số phải được nhìn nhận một cách thấu đáo, rành rẽ trong tư duy của các nhà quản lý. Quyết định số 749 Về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định 1619/QĐ-TTG với thông điệp: Quyết tâm tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Hay “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” trong Quyết định 1658 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021, đã xác định nền kinh tế của chúng ta sẽ cơ cấu lại, gắn liền với sự tăng trưởng và năng lực gánh chịu cạnh tranh. Tăng trưởng xanh sẽ dựa vào thể chế quản trị hiện đại đầu tư tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Theo đó, hàng loạt các thông tư của các Bộ, Ngành được ban hành nhằm cụ thể hóa các Quyết định, Nghị định trên đây của Chính phủ, mở ra một bước mới xác định nhận thức và tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong công cuộc thúc đẩy tiềm năng quản lý nhà nước phát triển kinh tế-xã hội những năm trước mắt. Bằng sự nỗ lực của nhiều ban ngành, địa phương cả nước cùng với sự hoạt động, kiểm soát quyết liệt của các cơ quan chức năng trong thời gian tới, việc chuyển đổi số sẽ là xung lực mạnh tạo đà bứt phá phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch covid-19 và những năm trước mắt của đất nước ta.


Có thể bạn quan tâm