March 28, 2024, 6:03 pm

Chuyện chưa kể về một bài thơ...

 Bài thơ ấy có tên là Giang hồ tê chân của tác giả Trần Hoàng Vy. Nguyên văn như sau:

       Giang hồ tê chân
                                               

                                             Tặng anh Cảnh Trà, Nguyễn Đức Thiện,Vũ Miên Thảo. . .

Giang hồ tê chân quên dép rớt
Bạn hiền tìm không biết rơi đâu
Bổng thấy tiếc một thời sung sức
Mòn gót giày lên núi, xuống sâu

Giang hồ gì? Cốt thăm bè bạn
Người đỡ, người thồ cứ ruỗi rong
Thơ dăm chữ, rượu chè dăm cốc
Và bốc lên ta cứ tang bồng…

Ngồi nhà một mình cũng thấy chán
Cơm bưng , rượu rót tích sự gì
Văn chương lạt lẽo đọc ngao ngán
Thôi tìm bằng hữu rượu chung ly.

Ừ, cứ ruỗi rong, cứ ruỗi rong
Đất nước mình , đường sá long đong
Chân trót tê rồi không thấy mỏi
Có đi thấy vạn vật xoay vòng.

Đâu cứ hoàng hôn là tắt nắng
Vẫn nồng hương vị rượu tri âm
“Họa hổ, họa bì, nan họa cốt...”
Giang hồ say rượu sẽ tri tâm!

Mặc kệ tê chân, mặc kệ dép
Chân trần mới hiểu đất có gai
Giang hồ say hết bao nhiêu bạn
Trong cuộc trần ai…ai hiểu ai?... 


                        22/10/2008

*

Bài này được in trong tập “Tự khúc +” của nhà thơ Trần Hoàng Vy do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2010. Bài thơ được viết ra trên một việc có thật là bữa ấy vào dịp cuối thu Tây Ninh, một số anh chị em làm văn nghệ ở Hội VHNT tỉnh, người viết văn như Nguyễn Đức Thiện ,Thạch Minh, Khắc Luân… người làm thơ như Trần Hoàng Vy, Vũ Miên Thảo, Trương thứ Bảy, Nguyệt Quế… trong đó có tôi là người đã gây ra nhiều phiền toái dọc đường. Đi, đây là ở mức độ “dưới giang hồ vặt” nghĩa là rủ nhau đi chơi nhà bầu bạn, thăm thú, vừa ngắm cảnh vừa trò chuyện, trao đổi việc sáng tác… Vì mỗi người ở một địa phương khác nhau, anh thì Gò Dầu, người thì Dương Minh Châu, có chị ở Thị xã, Châu thành… nên chúng tôi hẹn nhau tập trung tại góc Tòa Thánh Cao đài để cùng đi một lượt. Người đèo tôi trên chiếc xe Hon da hôm đó là Trương thứ Bảy. Tôi, hai chân bị gần như liệt, hai tay ôm chặt vào người Bảy, đôi dép rớt tự lúc nào không hay, đến lúc dừng xe, nhìn xuống thì chỉ còn chân mà chẳng thấy dép, anh em người thì quay lại dọc lối xe đã đi, tìm, người thì kiếm những nơi nghi có thể rơi chung quanh gần đó, may ra. Sau có bạn chạy mãi vào Thị xã mới tìm được tiệm, mua một đôi để cho tôi đi tạm.
Giang hồ tê chân quên dép rớt
Bạn hiền tìm không biết rơi đâu”

“... Giang hồ gì? Cốt thăm bè bạn
Người đỡ, người thồ cứ ruỗi rong


Chỉ riêng một việc rớt dép thôi mà tôi đã thấy trong người một niềm vui ngọt dịu, dễ chịu nhờ ở sự quan tâm của bầu bạn. Bởi, chở được một người bịnh như tôi đi trên đoạn đường dài thật không dễ chút nào.Nếu không có sự nhiệt tình của anh chị em trong đoàn lo lắng, giúp đỡ thì khó mà “đi đến nơi, về đến chốn” được. Cho hay sự đắng lòng nhất, sống vô vị nhất là ở bên nhau mà như người dưng, vô cảm, lạnh lẽo và nhạt thếch. Tôi còn nhớ trong một lần có người hỏi một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của nước Mỹ: - Chị thích gì nhất? Trả lời: - Trúng số độc đắc. Hỏi tiếp: - Chị ghét gì nhất? Trả lời: - Sự vô tâm…

Trong cuộc sống sự quan tâm tới nhau chính là một liều thuốc có hiệu nghiệm cao, làm cho con người vui, ấm nồng, yêu nhau hơn. Như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Người yêu người, sống để yêu nhau”
Ngay như Trần Hoàng Vy viết bài thơ này tôi không nói là hay, hay chưa hay nhưng đây là một sự quan tâm hồn nhiên, đẹp, chí tình mà người viết không biết, không để ý.
Ừ, cứ ruỗi rong, cứ ruỗi rong
Đất nước mình đường sá long đong
Chân trót tê rồi không thấy mỏi
Có đi, thấy vạn vật xoay vòng
” 
Hai chữ “ long đong” ở câu thứ hai cũng là một sự dùng chữ sát, đúng, hợp với người “tê chân dép rớt”. Đường đi đang gập ghềnh, nhất là vùng nông thôn, chưa bằng phẳng… mọi sự cũng đang “long đong” lắm, chịu khó cùng anh chị em, hãy cố quên, cố đi. Mặt khác, cuộc sống của bà con ta cũng đang còn “long đong” lắm. Phải đi, đi để biết. Người sáng tác văn nghệ không nắm được thực tề cuộc sống của nhân dân mình thì không thể viết hay được… Dẫu biết tuổi của người “rớt dép” đã cao, nhưng:
Đâu cứ hoàng hôn là tắt nắng
Vẫn nồng hương vị rượu tri âm
”.
Xin nói qua vài nét về đôi dép của tôi, Nó không bình thường vì hai bàn chân của tôi cũng không bình thường, bị vẹo, hơi vênh, có chút cong quằn… phải cất công xuống Chợ Lớn tìm người thợ làm dép quen, chữa đi chữa lại hàng tháng trời mới đi được. Có lần anh bạn văn từ Hà Nội vào thăm. Nhìn chân tôi rồi nhìn dép tôi, anh bảo: - Ông đúng là con Vua, là Hoàng tử. Và bạn đặt tên cho đôi dép tôi là: “Long - Hài- Đả - Thảo” có nghĩa “Dép - Rồng - Diệt - Cỏ”.
Mỗi lần tôi bước, mũi dép xô về phía trước làm cho mấy bụi cỏ bị nhàu.
Lúc tôi đang viết bài này thì nhà văn Nguyễn Đức Thiện nhắn tin qua điện thoại di động là đã mail tới tôi bức ảnh không nhớ là ai đã chụp trong một lần rong ruỗi khác. Tôi xem và có vài người - vì ảnh lâu ngày đã nhạt màu nên nhận không ra. Tôi điện hỏi lại thì được trả lời: - Đó là Ngạc Thụy đấy. Còn người ngồi giữa anh và tôi là một cô gái không rõ là Nhất Phượng hay Anh Đào….
Những cuộc đi chơi với nhau giữa anh chị em làm công tác văn nghệ theo tôi là rất nên, rất bổ ích, bởi đây là những lúc họ được gần nhau hơn, tha hồ trao đổi, tha hồ bàn bạc, có điều kiện hiểu nhau , quan tâm tới nhau … Đúng như câu kết của bài thơ “Giang hồ tê chân”
Mặc kệ tê chân, mặc kệ dép
Chân trần mới hiểu đất có gai
.”
Người làm báo cũng như làm thơ,viết văn, rất cần những chuyến đi thực tế để viết nên những phóng sự, tin bài đầy sức sống. Sáng tác được những tác phẩm hay, tâm đắc. Xin kể câu chuyện có thật trên hầu giúp bạn đọc hiểu thêm về những nhà văn, nhà báo…

Nhà thơ Trần Hoàng Vy ký tặng sách cho độc giả trong một buổi giao lưu

Có thể bạn quan tâm