April 19, 2024, 3:54 pm

Chuyện chẳng bao giờ cũ

Trước hết, đó là chuyện Tình yêu. Và, nói rõ thêm: chuyện tình yêu lứa đôi. Có người bảo: Tình yêu lứa đôi là chuyện riêng tư, là thứ tình yêu nhỏ bé so với bao tình yêu khác lớn hơn. Như tình yêu Tổ quốc. Tình yêu nhân dân. Tình yêu dân tộc. Và, tình đồng chí, đồng đội… Không đâu, Cách mạng như Tố Hữu, mà nhà thơ cũng viết: “Người với người sống để yêu nhau” trong trường ca về Đảng của ông. Nhà văn Nguyễn Hải hẳn cũng nghĩ như thế nên ông đã dành khá nhiều trang in đầu sách để gửi tặng bạn đọc những truyện ngắn viết về tình yêu lứa đôi trong văn phẩm thứ 10 này của mình.

Cô giáo Chi đau buồn vì bị người yêu phản bội, sau khi tốt nghiệp đã xin lên tận Lạng Sơn dạy học. Tại đây, với sự mai mối của bà dì ruột, Chi tắc lưỡi kết hôn với một anh chàng kỹ sư địa chất có bà mẹ là chủ cửa hàng giàu có ở chợ Tân Thanh. Cưới nhau rồi, cô giáo Chi đau khổ nhận ra mình đang phải trả giá cho thứ tình yêu buông xuôi của mình, khi ngày ngày phải sống với một người chồng “hôm nào cũng về muộn… vào đến nhà là mùi rượu bia nồng nặc… chưa cởi xong quần áo ngoài đã vật ngửa vợ ra giường…”. Trong khi đó, Khôi - người yêu thuở sinh viên của Chi - sau khi để tuột mất Chi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự: trót để mất người mình yêu thương, “thì lấy người nào mà chẳng được”, và thế là tắc lưỡi nghe theo mẹ, cưới một người trước đó không quen, không yêu. Để rồi, sự tan vỡ sau khi cưới là tất yếu. Đang như thế, họ gặp lại nhau. Cô giáo Chi về nghỉ bù sau Tết, lỡ tàu, gọi điện cho Khôi. Cũng là tưởng gặp nhau để trò chuyện trong lúc chờ tàu. Nhưng, nhà văn - tác giả nhớ câu các cụ ta truyền dạy: “Tình cũ không rủ cũng đến”, đã để đôi nhân vật của mình ở bên nhau cả đêm Thượng Nguyên mộng ảo đất Thăng Long. Và nhà văn kết truyện của mình bằng hai câu văn một ngắn, một dài thật đẹp: “Và Khôi sà xuống… Những nụ hôn nồng nàn nở đầy, sai trĩu trịt trên thân thể Chi!”. Vậy đó, Đêm Thượng Nguyên là một truyện tình yêu mượt mà, hấp dẫn, có đắng đót và có hậu. Và tất nhiên, tác giả không quên trách nhiệm nhà văn của mình: “ở đời con người trước những tình thế éo le, chỉ cần mềm lòng một chút, cam chịu một chút… là mất hết!”. Ông đã cho nhân vật chính của mình thốt ra những lời gan ruột ấy để vừa tự răn vừa nói với người đời. Sức nặng của truyện là ở câu này.

Truyện tình thứ hai - Bèo dạt mây trôi là truyện tình yêu sát sau 30 tháng 4 năm 1975. Hoàng Lan, cô gái quê Thái Bình, vào chiến trường với tư cách một ca sĩ của đoàn văn công Trường Sơn, trong chuyến bám theo bộ đội vượt đèo Cù Mông để lên Tây Nguyên, chẳng may vấp mìn lá, phải đưa về trạm quân y tiền phương điều trị. Tại đây, cô được một bác sĩ trẻ vui tính chữa chạy. Nhận ra nhau là đồng hương Thái Bình, họ quý mến nhau. Rồi một biến cố ập đến: máy bay Mỹ đánh bom trúng trạm quân y, anh bác sĩ trẻ nằm che bom cho cô đồng hương, và anh hy sinh. Hoàng Lan đau đớn, vật vã trước ơn cứu mạng và sự hy sinh của bác sĩ trẻ cô yêu mến. Sáng hôm sau cô được xuất viện, mang theo niềm đau và lòng biết ơn chẳng thể nguôi ngoai ra trận. Và, sau 30 tháng 4 năm 1975, Hoàng Lan được xuất ngũ, cô không về quê, chỉ viết thư báo tin để người nhà yên tâm, rồi cô tìm về nơi cô được anh bác sĩ trẻ vì che bom cho cô mà hy sinh, với ước mong: tìm được phần mộ của anh. Nhưng mong ước ấy, cho đến khi gặp nhà văn - tác giả, cô vẫn không được toại nguyện.

Tôi thuật lại hơi kỹ câu chuyện, bởi từ thời điểm câu chuyện xảy ra (không xa trước vào sau 30/4/1975 bao nhiêu) đến thời điểm truyện Bèo dạt mây trôi này được đến tay bạn đọc (quý 3/2019) thời gian trôi qua trên bốn mươi năm. Đất nước cũng đã qua hơn ba mươi năm Đổi mới, biết bao đổi thay từ hiện thực đời sống đến cách nghĩ, cách sống. Và, đã có hai thế hệ người Việt Nam mới sinh ra sau chiến tranh chống Mỹ góp mặt trong tổng số hơn 90 triệu người Việt (theo tổng điều tra dân số và nhà ở vừa công bố). Hai thế hệ này “lớn lên không biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong câu chuyện của cha… không biết bo bo là gì, chỉ được nghe trong câu chuyện của mẹ…” (lời bài hát của ca sĩ - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng), nhưng chính họ đã và sẽ là công dân chủ chốt của Cách mạng 4.0, liệu họ có tin rằng có thứ tình yêu trong Bèo dạt mây trôi ? Thời thế thay đổi dẫn đến những quy ước về cuộc sống của con người thay đổi theo, nhiều điều là cần, là hay và được con người ủng hộ, tin theo của cuộc sống thời đánh Mỹ, thì con người của cuộc sống thời thị trường này không nghĩ thế, không tin thế, nhiều khi ngược hẳn lại. Và, tình yêu của cô ca sĩ Hoàng Lan dành cho anh bác sĩ trẻ đồng hương, người vì cứu cô mà chịu hy sinh, một tình yêu thánh thiện, thiêng liêng, đến mức sau 30/4/1975, được giải ngũ, cô đã không về quê, mà tìm về nơi bác sĩ trẻ hy sinh để cố tìm mộ anh, chấp nhận làm cô giáo nghiệp dư, lúc không được làm cô giáo nữa thì chấp nhận làm chủ quán nhỏ, trên mảnh đất từng có bệnh xá tiền phương đó. Phải nhận rằng, ngòi bút viết truyện ngắn của Nguyễn Hải đã đạt mức vững vàng, tôi là người đọc không dễ tính, mà khi đọc các truyện Đêm Thượng Nguyên, Bèo dạt mây trôi và các truyện tiếp theo, tôi thật sự bị các truyện của ông cuốn hút, có truyện đến mức có sức mê hoặc. Về với đồng quê là một ví dụ. Truyện hiển hiện trước mắt tôi những biến động xã hội sát trước và sau công cuộc Đổi mới: những hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn bị vỡ, những “chợ người” ở các thị thành, nơi tập trung khá đông lao động không có việc làm từ các làng quê về tập trung thành “chợ” để ngóng đợi được thuê làm trong ngày. Và, điều khiến tôi giật mình là nhà văn Nguyễn Hải dẫn tôi theo một thân phận ở cái “chợ người” ấy được một mụ giàu có thuê về giúp việc. Tôi dõi theo, dõi theo, cặp đôi chủ - tớ có phần là lạ, và rồi tôi “à” lên kinh ngạc: Tôi đang chứng kiến một vụ Đĩ Đực ở ngay Hà Nội, chuyện từ những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã đọc thấy trong tác phẩm Hòn đảo rực cháy của nhà văn Thép Mới viết về xã hội Cuba trước cuộc Cách mạng do lãnh tụ Phi-đen Ca-stơ-rô tiến hành. Đó là cái xã hội do Ba-ti-sta cai trị, tràn lan nạn con trai làm điếm cho các mụ chủ giàu có, sống thừa mứa các thứ nhưng rất thiếu người làm tình cho các mụ. Tôi kinh ngạc, sửng sốt vì cái lối sống quái đản ở xã hội Ba-ti-sta và các nước Tư bản giàu có đã lan sang Việt Nam ta! Điều này, cùng với lối kể chuyện dựng truyện rất có nghề khiến truyện Về với đồng quê ám ảnh tôi mãi, cho dù đó không hẳn là truyện tình yêu.

Những mảnh đờiNgười đàn bà đi mua đồ tầm tầm cũng là những truyện đọc hấp dẫn. Nhưng tôi muốn trở lại vấn đề đã gợi mở trên kia: Thời thế đã thay đổi, cách nghĩ, cách sống - trong đó có quan niệm về tình yêu - của con người thấy rõ đã thay đổi, khác thời chống Mỹ nhiều, vậy những truyện tình yêu đậm yếu tố thánh thiện, “đẹp như mơ” kiểu Bèo dạt mây trôiNhững mảnh đời của nhà văn Nguyễn Hải có lôi kéo được bạn đọc trẻ tuổi hôm nay, và quan trọng hơn là họ có tin theo? Nhưng, nghĩ đi rồi nghĩ lại, công việc của nhà văn là sáng tác các tác phẩm, đừng tự đặt cho mình những ba-ri-e, hãy cứ viết khi mình thấy cần viết và còn viết được. Còn bạn đọc? Không lo. Mỗi nhà văn, khi đạt đến cái “ngưỡng” nào đấy, đều sẽ có bạn đọc riêng của mình, chẳng kể “thời”. Vả nữa, đã là những chuyện Đời của xã hội con người thì chẳng bao giờ cũ.

Xin chuyển sang phần thứ hai của tập truyện Đêm Thượng Nguyên.

Khác với phần truyện thứ nhất chỉ viết truyện Tình yêu, phần thứ hai của Đêm Thượng Nguyên tác giả tập trung viết các truyện Thế sự. Đó là sự phân hóa tốt có, xấu có của các vị chủ hộ sống trong một cái ngõ được gọi là “Ngõ Hàn lâm”. Gọi vậy, vì cái ngõ vào khu tập thể ấy có rất nhiều người là lưu học sinh, rồi nghiên cứu sinh từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu về, có học vị Kan-đi-đát (Phó Tiến sĩ). Đọc xong Ngõ Hàn lâm, người đọc vừa mừng vừa lo. Vì sao? Các bạn đọc truyện sẽ có câu trả lời. Lật trang, đọc tiếp, là một chùm 5 truyện có thể coi là rất ngắn, cùng hai cái kịch ngắn kế nhau mà tác giả ghi rõ Kịch vui không diễn. Thật ra đó cũng là hai truyện rất ngắn, nhưng tác giả mượn hình thức kịch để chuyển tải ý đồ sáng tác, cốt tránh cho người đọc cảm giác nhàm chán khi phải đọc mãi một thể loại Văn chương. Khúc tự sự cuối sách cũng vậy, tác giả ghi rõ “không phải truyện ngắn, mà chỉ là một bài viết nhằm chia sẻ chuyện riêng tư”. Có sao đâu, đọc hết bài viết tự người đọc sẽ luận ra thể loại, nó là Tự truyện hay gì đó, miễn là họ biết điều chính yếu tác giả muốn gửi đến họ.

Như trên đã giới thiệu, toàn bộ phần truyện thứ hai là các truyện Thế sự. Là một nhà báo chuyên nghiệp dạn dày kinh nghiệm (lại nhiều năm giảng dạy trường báo chí), tác giả chọn hình thức Truyện Luận đề cùng giọng văn hài hài, hoạt, nhanh để chuyển tải các thông điệp của mình. “Con người ngày ấy sống thật danh giá. Người ta được làm chủ tất cả. Làm chủ núi sông, làm chủ ruộng đồng. Chỉ chưa làm chủ được cái dạ dày của mình thôi…”. “Ta còn nghèo vì vừa thoát ra khỏi chiến tranh, rồi lại bị Thiên - Bành - Đế - Tiểu nó quấy phá. Thiên là thiên tai. Bành là bành trướng, chúng cậy nước lớn, vẫn đang hà hiếp ta. Đế là đế quốc sài lang. Tụi nó cuốn xéo rồi, nhưng vẫn chống phá ta từ bên ngoài… Tiểu là tiểu nông…”. Bên nhà mình còn mấy cuộn báo tỉnh. Báo tỉnh gửi về có anh đếch nào đọc đâu. Mình đút cả bó ở đầu chõng trong buồng…”. Đọc những câu văn này, người đọc không nhịn được cười, nhưng ngay sau đấy, với người nhiều nghĩ ngợi, sẽ thấy có vị đắng đang dâng lên trong tâm tưởng. Đây là hiệu quả văn hài hước của Nguyễn Hải. Không lên gân, nói to, mà cười cười hóm hỉnh, thậm chí có lúc có chỗ cất giọng nhỏ nhẹ, chơi chơi thôi, mà khiến người đọc xúc động. Điều đáng lưu ý, là khi viết truyện trữ tình, ngòi bút Nguyễn Hải cũng giàu chất Văn lắm. “Mưa rừng thì làm sao mà tả được. Vì nó mông lung lắm. Mưa lẩm nhẩm không thành tiếng. Nhưng rừng lướt thướt buồn…”. “Linh tính cho người mẹ trẻ cảm nhận đúng là bố thằng bé về. Chị cúi người đưa tay thả hai ống quần xuống. Chị quay người định vào nhà rồi lại thôi. Chị quay ra ngõ bước rảo chân, rồi định chạy, nhưng lại cũng thôi… Chị chững lại, tựa hẳn người vào cây mít đầu ngõ, nhắm mắt và nghe rõ tiếng tim mình đập. Rồi chị nghe tiếng chồng gọi. Đúng là tiếng chồng chị thật: - Mẹ thằng Thành…”. “Cuộc đời cũng lạ. Một người sống lại dựa vào một người chết để mà sống. Sống vì một nghĩa lý. Chỉ vì mong muốn đưa được hài cốt người đã cứu mình về nơi chôn nhau cắt rốn mà dám quên đi tất cả. Dám sống. Dám đợi chờ. Mới hay cái hạnh phúc ở đời chẳng hẳn là sự đủ đầy về vật chất, sự bù trừ đãi ngộ này nọ, mà nó còn ở cả cái lẽ sống trên đời…”. Còn có thể trích ra nhiều nhiều câu văn, đoạn văn có ma lực trên đây của văn bút Nguyễn Hải trong Văn phẩm mới này của ông.

________

* Tập truyện ngắn Đêm Thượng Nguyên của Nguyễn Hải, Nxb Hội Nhà văn, 2019

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm