March 29, 2024, 7:12 am

Chuyện Bác Hồ với “Vua Mèo”

Cách mạng tháng 8 thành công, Hồ Chủ tịch đọc bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Lúc này đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức: nạn đói năm 1945 trên 2 triệu người chết đói, ngân quỹ quốc gia cạn kiệt chỉ còn 2 triệu đồng bạc Đông dương rách nát, nền sản xuất đình đốn, nạn mù chữ, thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ... Để giữ vững thành quả cách mạng Hồ Chủ tịch kêu gọi, tranh thủ mọi giai tầng, lực lượng xã hội chung tay bảo vệ nền độc lập – bất kể họ là ai miễn là có lòng yêu nước có tấm lòng, nhiệt huyết muốn góp công, góp của cho cách mạng. 

 

Ông Vương Chí Sình (Vàng Seo Lử) đứng thứ 2 từ bên phải vào, trong thời gian học tại Trung Quốc

 

Theo tiếng gọi của Bác nhiều nhân sĩ, trí thức tài năng, có tên tuổi là người Việt Nam ở nước ngoài đã tự nguyện về nước tham gia cuộc kháng chiến như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Hoàng Tích Chỉ, Đặng Văn Ngữ, Phạm Quang Lễ (Tức Trần Đại Nghĩa theo tên Bác đặt)... Nhiều quan lại triều đình phong kiến, các đảng phái, tôn giáo cũng hăng hái tham gia chính quyền kháng chiến như cụ Bùi Bằng Đoàn (Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn), Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc bộ của chính phủ Trần Trọng Kim), Phạm Khắc Hòe (Đổng lý ngự tiền của vua Bảo Đại), Vi Văn Định (Tổng đốc Thái Bình), Nguyễn Mạnh Hà (người công giáo) làm Bộ trưởng bộ Quốc dân kinh tế, Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng bộ Giao thông Công chính, Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ cứu tế... Cụ Huỳnh Thúc Kháng tuổi 70 còn được Bác tín nhiệm trao quyền Chủ tịch nước trước khi đi thăm Pháp với lời dặn dò nổi tiếng: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

“Đại đoàn kết” hoàn toàn không phải là câu khẩu hiệu hô hào như nhiều thế lực chống phá cách mạng rêu rao, xuyên tạc mà thực chất đó là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là phương châm chiến lược trong suốt quá trình của cách mạng nước ta tới ngày nay. Điều đó luôn nhất quán trong mọi bước đi của dân tộc. Trong chính phủ kháng chiến thành lập ngày 2/3/1946, một số đảng viên cao cấp của đảng ta đã rút lui nhường các ghế lãnh đạo cho các nhân sĩ, trí thức, các quan chức triều đình phong kiến và các thành viên của các đảng phái (Việt Quốc, Việt Cách, Dân Chủ). Việt minh chỉ nắm 4 ghế: Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, và Chủ tịch kháng chiến Ủy viên Võ Nguyên Giáp.

Đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946, cơ cấu đại bộ phận đại biểu là các nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc có công, có tài năng và có uy tín trong xã hội. Hà Nội có 7 đại biểu Quốc hội chỉ duy nhất Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản còn lại là các thành phần khác; Sài Gòn – Gia Định có 5 đại biểu đều là người ngoài đảng; các tỉnh thành khác cũng trong tình trạng tương tự...

Nói tới những con người, sự kiện lịch sử đó tác giả muốn có một cái nhìn tổng quan về tình hình đất nước sau Cách mạng tháng 8 để thấy sự quy tụ, có mặt tham gia của mọi giai tầng xã hội vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật sau này là chống Mỹ cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại sao lời kêu gọi của Bác lúc đó có sức thuyết phục nhân tâm con người đến như vậy? Trước hết bởi cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta là chính nghĩa, chống lại ách nô lệ, đúng với nguyện vọng và mang lại quyền lợi cho nhân dân lao động cần lao. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là cách cư xử chân tình, thân thiện, gần gũi, thân ái, trọn nghĩa trọn tình của Bác với họ. Có rất nhiều câu chuyện được kể lại nói lên tấm lòng nhân hậu, tôn trọng con người của Bác mà sau đây chỉ là một trong những câu chuyện nhiều tập đó.

Chặng đường “Vua Mèo” về gặp Bác Hồ

Sau sự kiện Nhật hất cẳng Pháp ngày 9/3/1945 đến trước Cách mạng tháng 8 tình hình chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra hết sức khẩn trương. Trong tình thế các lực lượng thân Nhật, Pháp, Tưởng Giới Thạch hoạt động, quấy phá ráo riết, đặc biệt là đảng Việt Cách của Hoàng Đức Chinh núp sau quân Tưởng vào đất Hà Giang. Sau đảo chính vài ngày quân Nhật đánh lên các tỉnh miền núi phía bắc, quân Tưởng dồn người Mèo từ Vân Nam, Quảng Tây Trung Quốc áp sát biên giới nước ta. Đất Đồng Văn dưới sự cai quản của người Mèo từ năm 1900 sau nhiều thập niên luôn được giữ vững nay có nguy cơ thất thủ trước nhiều lực lượng đe dọa, tấn công chiếm cứ. Các lực lượng vũ trang của người Mèo mắc kẹt, tiến thoái lưỡng nan.

Cũng vào thời điểm sau Nhật đảo chính, cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, khắp nơi từ đô thị, đồng bằng, miền núi toàn dân khí thế sôi sục chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Hồ Chủ tịch kêu gọi: “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc nhất tề đứng lên cướp chính quyền về tay nhân dân”. Chính quyền tranh thủ, hợp tác với mọi người yêu nước. Một trong những người có vai trò vị trí quan trọng ở vùng đất cực bắc đất nước là cụ Vương Chính Đức, thủ lĩnh mưu trí, quả cảm nổi tiếng của người Mèo Đồng Văn với các chiến công oanh liệt đánh Nhật, Pháp giữ vững dải đất cao nguyên đá nhiều năm qua được Bác đặc biệt chú ý. Để tranh thủ, hợp tác với cụ Vương, Bác đã cử đại diện của Việt minh lên gặp thủ lĩnh người Mèo. Theo lệnh của Bác ông Hoàng Việt Hưng, ông Sơn Tùng và ông Thất Tinh đã đi từ Cao Bằng qua ngả Đường Thượng – Bắc Mê sang Sà Phìn để gặp cụ Vương. Các ông đã đưa ra 8 điều lệnh của Việt minh bàn bạc với cụ Vương để hợp tác. Sau khi suy ngẫm, xem xét cụ Vương thấy phù hợp với nguyện vọng, mục đích chiến đấu của người Mèo, mặt khác giải tỏa được áp lực và thế mắc kẹt, mở ra lối thoát cho lực lượng vũ trang mèo nên nhận lời.

Sau buổi gặp gỡ với Việt minh cụ thở dài nhẹ nhõm ngửa mặt lên trời mà rằng: “Người Mèo ta xưa nay khắc đánh kẻ thù không có ai giúp đỡ. Nay có Việt minh, có cụ Hồ ta còn mong gì hơn nữa?”. Rồi cụ nói với thuộc hạ: “Việt Nam ta giờ đã có vua là cụ Hồ, ta phải theo cụ”. Cũng từ đây Bác đặt tên cho 4 huyện núi đá Hà Giang gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ là Châu Thường Kiệt, giao cho cụ Vương Chính Đức đứng đầu, đưa cuộc chiến đấu của quân dân Mèo hòa cùng cuộc kháng chiến của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

Sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập chừng 2, 3 tháng, dù việc nước bề bộn Bác trân trọng viết thư mời cụ Vương Chính Đức về Hà Nội để bàn việc nước. Việt Minh đã cử ông Mai Trung Lâm (sau này là đại tá chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Hà Giang) mang đi Sà Phìn đưa tận tay cụ Vương. Khi này cụ Vương đã 81 tuổi già sức yếu nên không thể đi được. Cụ ủy quyền cho con trai là Vương Chí Thành (đọc theo tiếng Quan Hỏa là Vương Chí Sình) tên ông theo tiếng mèo là Vàng Seo Lử về gặp Bác.

Thời gian này tình hình ở tỉnh Hà Giang rất lộn xộn. Các thế lực phản động, đảng phái lợi dụng khó khăn mọc lên, trong đó đáng ngại là đảng Việt Cách của Hoàng Quốc Chính hung hăng nhất. Chúng bắt bớ, chém giết bừa bãi. Hắn muốn lôi kéo ông Vương nên mời ông xuống thị xã Hà Giang, đồng thời mời cả Việt minh đại diện là ông Mai Trung Lâm dự buổi ra mắt nhằm khoa trương lực lượng mà thực chất là đám quân ô hợp “tạp pí lù” lục lâm thảo khấu, đầu trộm đuôi cướp không được huấn luyện chính quy (có tới mấy trung đoàn như Chính nói). Trước đó ông Sình đã xuống đang nghỉ ở ngôi nhà của ông ngay ở đầu cầu Hà Giang bên kia thị xã. Biết được kế hoạch của Chính nếu không lôi kéo được ông Vương sẽ cho quân mai phục giết ông Vương rồi phao tin ông bị Việt Minh giết. Bằng mưu mẹo khéo léo ông Lâm đã trao thư của Bác cho ông Sình và lập kế hoạch tránh những địa điểm quân Chính mai phục.

Về phía ông Sình, khi xong mọi công việc ở Hà Nội, ông Sình còn ở lại chơi ở Hà Nội qua giêng mới về Sà Phìn. Trước đó trong tuần lễ vàng phát động từ ngày 4/9/1945 gia đình ông Vương đã đóng góp 22.000 đồng bạc trắng hoa xòe cùng 9 kg vàng ủng hộ chính phủ kháng chiến. Chỉ sau 1 tuần phát động nhân dân cả nước đã quyên góp cho chính phủ 20 triệu đồng bạc Đông dương và 370 kg vàng. Sau cuộc hội kiến với Bác, ông Sình được Bác giới thiệu và trúng cử làm đại biểu quốc hội khóa 1 ngày 6/1/1946. Ông Vương Chí Sình được giao nhiệm vụ làm chủ tịch huyện Đồng Văn.

Cuộc tiếp kiến của “Vua Mèo” với Bác Hồ

Khi ông Vương Chí Sình về tới Hà Nội. Theo chỉ thị của Bác ông Bùi Công Trừng có trách nhiệm sắp xếp nơi ăn nghỉ cho ông Vương. Ông Trừng đưa ông Vương đến biệt thự số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi trước đó vua Bảo Đại từng ở. Ông Vương vào xem nội thất rồi đi vòng quanh nhà đôi ba lượt cho rằng nơi này quá vắng vẻ dễ bị theo dõi không an toàn trong tình hình thủ đô còn phức tạp, nhất là ban đêm, nên từ chối. Ông Trừng lại xin ý kiến của Bác xếp ông Vương ở trong phủ Chủ tịch để ông yên tâm nhưng ông nói: “Các ông không phải bận tâm lo ăn ở cho tôi. Tôi tự lo được vì có bạn hàng quen thuộc ở 12 Hàng Ngang ở đó cho tiện. Khi nào Cụ Hồ xếp được lịch làm việc tôi sẽ sang đó.”

Mấy hôm sau ông Vương được mời đến gặp Bác. Khi xe vừa dừng ông Vương đã thấy Hồ Chủ tịch bước xuống bậc thềm đến tận nơi bắt tay, chào hỏi rồi dẫn lên phòng khánh tiết phủ Chủ tịch. Khi đã yên vị Bác chân tình hỏi thăm sức khỏe của cụ Vương Chính Đức và gia đình, chuyến đi của ông Sình và chỗ ăn ở có thuận tiện, chu đáo? Sau đó hai người trao đổi về tình hình, công việc rồi Bác giới thiệu ông Vương ứng cử đại biểu quốc hội khóa I. Để cuộc đàm thoại được tự nhiên không phân biệt cao thấp, trên dưới cho thân tình gần gũi, đột ngột Bác hỏi: “Xin được hỏi ông tuổi gì?”. Ông Vương rụt rè nói: “Thưa cụ tôi tuổi Hợi”. Ngâm ngợi đôi phút Bác nói: “Vậy là ông hơn tuổi tôi (tuổi Hợi sinh năm 1877) tôi phải gọi ông là quan bác. Từ giờ trở đi đừng gọi tôi là cụ nữa, chúng ta là anh em”.

Sau tết âm lịch năm 1947 vài tháng cụ Vương Chính Đức từ trần ở tuổi 82. Ông Vương Chí Thành kế tục nhiệm vụ của cha mình là người cao nhất quản lý hành chính huyện Đồng Văn để lo toan công việc kháng chiến. Ông được các thủ lĩnh các dòng họ mèo ở Đồng Văn tôn vinh là “Vua Mèo”.                   

Những kỷ vật trọn nghĩa trọn tình

Đầu năm 1949 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bước sang năm thứ 4. Lực lượng vũ trang của cách mạng nước ta đã trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt đã có thể chủ động chống và tiến công địch trong những trận đánh, chiến dịch lớn: tiêu biểu là giành thắng lợi lớn trong Chiến cuộc Đông xuân 1947 trước đó. Năm 1949 Pháp mở cuộc hành quân lớn với các trang bị vũ khí hiện đại theo đường bộ và theo đường sông Lô nhằm tiêu diệt căn cứ Cao Bắc Lạng của ta.  Nắm được kế hoạch của địch ta chủ động mở Chiến dịch Sông Lô. Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn diễn ra từ 24 tháng 4 đến cận  hết tháng 5 thì tổng công kích và kết thúc vào 31 tháng 5/1949.

Trong mấy năm từ khi được giao trọng trách quản lý Đồng Văn, ông Vương Chí Thành đã giữ trọn dải đất nhiều phức tạp, sóng gió bởi các thế lực nội vực cũng như từ bên kia biên giới quấy phá. Để cổ vũ, khích lệ, biểu dương thành tích ông Vương, cũng nhân báo công chiến dịch sông Lô, Bác cử ông Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Công Trừng mang 2 kỷ vật của Người lên tặng ông Vương.

Kỷ vật thứ nhất là một thanh đoản đao dài chừng trên 70 phân có cán liền với lưỡi đao, chỗ rộng nhất của bản đao rộng chừng bàn tay người lớn khép ngón lại, trông tựa như chiếc mã tấu. Vỏ đựng đao được làm bằng gố tốt không bị nứt nẻ bởi khí hậu và thời gian. Bác giao cho ông Trần Đại Nghĩa phụ trách xưởng quân giới thực hiện. Ông Nghĩa đã chọn thứ thép vừa cứng lại có độ dẻo lấy từ bộ phận giảm xóc cùng tanh lốp ô tô để làm. Chiếc đao ánh lên màu thép xanh hết sức sắc bén, đến nỗi có người nói rằng “để sợi tóc vào lưỡi đao thổi mạnh là sợi tóc đứt làm đôi…”. Khi công việc đã xong, mọi người đưa lên để Bác kiểm tra, rồi Người vén tay áo lên viết 8 chữ Nho vào hai bên vỏ đao: “Tận trung cứu quốc. Bất thụ nô lệ”. Nét chữ vừa rắn rỏi vừa bay bướm rất đẹp, bên dưới có chữ ký của Bác.

Kỷ vật thứ 2 là chiếc áo trấn thủ được may bằng vải ka ki của Pháp màu vàng úa. Thân áo trần quả trám như áo của cán bộ, chiến sỹ quân đội bấy giờ. Chiếc áo này do Hội Phụ nữ cứu quốc tặng Bác nay Bác tặng lại cho “Vua Mèo”. Sự kiện này diễn ra trang trọng, ấm cúng tại thị xã Hà Giang.

Năm 1962 “Vua Mèo” Vương Chí Sình mất, người con út của ông là Vương Đình Thọ mới 4, 5 tuổi gì đó. Năm 1990, ông Thọ xin xuất cảnh sang Canada sinh sống và có mang theo chiếc áo trấn thủ Bác Hồ tặng cha, còn thanh đoản đao thì không thấy nói tới. Bất ngờ, đầu tháng 8 năm 2019 con trai ông Vương Đình Thọ là Vương Đình Xuân từ Canada về thăm quê hương. Vương Đình Xuân cho biết cha anh đã mất năm 2004. Được cha ủy quyền anh đã mang 2 bảo vật của gia đình, dòng họ về tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là thanh đoản đao và chiếc áo trấn thủ như đã nói ở trên.

Chuyện của “Vua Mèo” Vương Chí Sình chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện về cách ứng xử, phép dùng người trọn nghĩa trọn tình, có trước có sau của Bác với các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, người bảo vệ, phục vụ, các gia đình nơi Bác ở những khi hoạn nạn, khó khăn; các cán bộ, đồng bào là người dân tộc thiểu số trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ vùng núi phía Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ. Sức mạnh Đại đoàn kết vô địch ấy được đảng ta vận dụng, sáng tạo dẫn dắt dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt lộ trình phát triển đất nước tới hôm nay.

________

* Tác giả dùng từ “Mèo” cho đúng với tên gọi dân tộc này trong giai đoạn lịch sử đề cập trong bài viết và có trong danh mục tên dân tộc do Văn phòng chính phủ công bố – cho tới  khi đổi tên thành dân tộc H’Mông  vào năm 1993.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm